Kinh doanh thông minh (Business Intelligence – BI) và khoa học dữ liệu là hai nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ. Trong khi BI phân tích dữ liệu quá khứ, thì khoa học dữ liệu cho phép các doanh nghiệp bán lẻ nhìn về phía trước với các xu hướng tương lai được dự đoán chính xác. Tận dụng hai nền tảng này chính là chìa khóa để các nhà bán lẻ vượt qua đối thủ và trụ vững trong thị trường nhiều thách thức. Một số xu hướng chính trong BI và khoa học dữ liệu ngành bán lẻ được chỉ ra dưới đây.
1. Phân tích video dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI)
Camera thông minh, tích hợp AI cung cấp cho các doanh nghiệp những hiểu biết mới và chuyên sâu về khách hàng, từ đó, giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh. Những dữ liệu chính được AI phân tích bao gồm tình trạng hàng hóa trên kệ, các đặc điểm chung, phổ biến của nhóm khách (như độ tuổi, giới tính), quầy kệ nào thu hút sự chú ý hay thời lượng khách hàng dừng chân tại một điểm là bao lâu. Hơn nữa, trong trường hợp này, AI còn có thể giải quyết những bài toán các nhà bán lẻ thường gặp phải, như cách bố trí hàng hóa cho phù hợp với tầm nhìn của khách, hay phân bổ nguồn lực tới những khu vực đông người mua sắm.
2. Sử dụng dữ liệu để đưa ra đề xuất cá nhân cho khách hàng
Các dịch vụ gợi ý trang phục như Stitch Fix đang ngày một trở nên phổ biến. Hiện tại có hơn 100 nhà khoa học dữ liệu hỗ trợ các nhà tạo mẫu và doanh nghiệp thu thập và phân tích thông tin khách hàng. Thuật toán được xây dựng để hiểu sâu về khách, từ số đo cơ thể đến năng lực tài chính. Hiện tại kho hàng của Stitch Fix lưu trữ sản phẩm của hơn 1000 thương hiệu, đây là một bằng chứng cho việc doanh nghiệp tận dụng dữ liệu nhằm tìm kiếm khách hàng dựa trên phong cách riêng của họ.
Một ví dụ khác đến từ công ty trẻ Mada. Mada sử dụng cách tiếp cận hướng dữ liệu tương tự. Sau khi hoàn thành “style quiz”, khách hàng của hãng nhận được những đề xuất phù hợp thông qua giao diện thân thiện với thao tác vuốt. Dễ dàng nhận thấy, sử dụng dữ liệu và công nghệ AI là cách tối ưu để các nhà cung cấp nâng cao tiềm năng kinh doanh
3. Gói dữ liệu
Gói dữ liệu (data wrapping) là phương pháp kết hợp dữ liệu với sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu. Gói dữ liệu thường được sử dụng khi doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng tài chính hoặc thông tin chi tiết về biến động số điểm tín dụng hàng tháng. Song, xu hướng mới cho thấy các nhà bán lẻ cũng đang bắt đầu tích hợp gói dữ liệu vào hoạt động kinh doanh. Ví dụ, hiệu sách có thể phát triển một ứng dụng quét mã cho phép khách hàng ghi lại tựa đề sách đã đọc. Sau đó, ứng dụng sẽ chia nhỏ tổng số và cung cấp thông tin cho độc giả về số lượng và thời gian đọc sách mỗi năm. Do đó, gói dữ liệu giúp tăng trải nghiệm, cải thiện sự hài lòng của khách hàng, cũng như thúc đẩy tiềm năng mua hàng. Sử dụng gói dữ liệu đem lại lợi ích song phương, bởi bên cạnh nhóm khách hàng hưởng lợi, doanh nghiệp cũng thu được số liệu thống kê về tác giả, tác phẩm và thể loại sách được bạn đọc yêu thích nhất.
4. Định giá động
Định giá động được Quantzig xếp vào một trong bốn xu hướng phân tích ngành bán lẻ năm 2020. Hiện tại, Amazon đang dẫn đầu xu hướng định giá động. Ước tính, mỗi ngày doanh nghiệp này thay đổi giá hơn 2 triệu lần, dựa trên mục đích và mong muốn của khách hàng. Nó cho phép doanh nghiệp thay đổi giá theo thời gian thực dựa trên dữ liệu về nhu cầu của khách hàng, từ đó, kích thích nhu cầu mua hàng và tăng mức độ hài lòng từ người tiêu dùng.
(Nguồn: Smart Data Collective)