Với quy trình thần tốc, dự án vắc-xin “made in Vietnam” phòng Covid-19, do Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 VABIOTECH (Bộ Y tế) triển khai với sự tài trợ của Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF (tập đoàn Vingroup) đã chính thức hoàn thiện giai đoạn dự tuyển. Dự án càng có ý nghĩa khi thế giới đang đối mặt với nguy cơ của làn sóng Covid-19 thứ 2.
Ngày 18/6/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTW) xác định các mẫu huyết thanh do Công ty Vabiotech phát triển có đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao. Trước đó, ngày 15/5 và 29/5, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắc-xin Covid-19 (sử dụng chính chủng virus sống đã được dùng để gây miễn dịch trên chuột) đã lần lượt được gửi sang Viện VSDTTW để đánh giá.
Với kết quả này, vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất đã chính thức hoàn thiện giai đoạn dự tuyển, chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trước khi sản xuất diện rộng. “Đây là cơ sở để phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh”, PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện VSDTTW, nhận định.
Vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam” đón đầu thế giới
Ngày 4/5, Vabiotech lần đầu tiên thử nghiệm vắc-xin trên chuột. Kết quả đánh giá của Viện VSDTTW được gửi về phòng nghiên cứu của Vabiotech vào ngày 18/6 vừa qua đã chứng minh vắc-xin dự tuyển do công ty nghiên cứu và phát triển đã đáp ứng được yêu cầu về tính sinh miễn dịch.
Cho đến bước này, hoạt động nghiên cứu vắc-xin tại Việt Nam đang có tốc độ tương đương với thế giới. Tuy nhiên, chính sách thử nghiệm lâm sàng song song vắc-xin trên người và động vật mà nhiều nước đang thực hiện không được Hội đồng đạo đức tại Việt Nam cho phép. Đây là lí do khiến tốc độ nghiên cứu và phát triển vắc-xin của Việt Nam không chậm hơn thế giới nhưng lại đi sau trong việc đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Quy trình điều chế vắc-xin tại Việt Nam có thể chia thành 4 bước: Tạo chủng, Xây dựng dự tuyển vắc-xin, Thử nghiệm lâm sàng, Sản xuất diện rộng.
Hiện Vabiotech đã hoàn thiện bước xây dựng dự tuyển vắc-xin và thử nghiệm trên động vật. Ở giai đoạn tiếp theo, vắc-xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng trăm triệu liều, cung cấp đủ cho cộng đồng. Vắc-xin khi được công bố ra thị trường cần đảm bảo: đủ tiêu chuẩn, hoàn chỉnh và ổn định.
“Để cho ra đời vắc-xin hoàn chỉnh cần 9 – 12 tháng nữa nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này”, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech chia sẻ. “Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của 1 vắc-xin bình thường, tổng thời gian 18 – 24 tháng để phát triển được một vắc-xin đã là quá nhanh rồi.”
Theo các nhà khoa học Việt Nam, chúng ta không đặt mục tiêu dẫn đầu nhưng sẽ vừa làm vừa thăm dò, kế thừa kinh nghiệm của thế giới, từ đó chủ động nghiên cứu và phát triển vắc-xin, có khả năng thích ứng nhanh, đáp ứng nhanh với đại dịch. Mục tiêu của chúng ta là hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất và cung ứng Vắc-xin Covid-19 tới cộng đồng.
Chủ động vắc-xin: Yếu tố sống còn trong đại dịch
Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã khiến thế giới hoang mang về nguy cơ của làn sóng lây nhiễm thứ hai. Cho đến khi vắc-xin được áp dụng rộng rãi hoặc 60% số người nhiễm bệnh có khả năng miễn dịch thành công, đại dịch này mới có khả thể được kiểm soát, giáo sư Lee Hoan-jong đến từ Bệnh viện Nhi đồng (Đại học Quốc gia Seoul) cho biết.
Việt Nam là một trong những điểm sáng của thế giới khi đến thời điểm này vẫn đang làm chủ tình hình trước đại dịch Covid-19 với con số tử vong bằng 0. Toàn bộ ngành y tế Việt Nam trong suốt thời gian qua đã nỗ lực không mệt mỏi, chỉ hơn một tháng kể từ ngày 23/1/2020 khi nước ta xuất hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên, Bộ y tế đã chính thức công bố bộ test kit xét nghiệm để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh.
Hoạt động điều chế vắc-xin cũng song song được triển khai với sự quan tâm sát sao của Bộ Y tế cùng sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp. Ngày 6/2, đoàn công tác của Vabiotech, Bộ Y tế chính thức lên đường sang Anh, thực hiện các nghiên cứu về virus Corona tại Phòng thí nghiệm của Đại học Bristol (Anh) nhằm đẩy nhanh tiến độ. “Chúng tôi đã chịu áp lực rất lớn. Lo ngại nhất khi đó là không chuyển được mẫu về Việt Nam, bởi nếu thế thì kết quả nghiên cứu gần 2 tháng trời sẽ đổ sông đổ biển”, ThS. Mạc Văn Trọng – Phụ trách đoàn công tác của Vabiotech tại Anh chia sẻ.
Song song với hoạt động nghiên cứu, dự án cũng nhận được tài trợ kinh phí theo diện “khẩn cấp” từ Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBDI, thuộc Tập đoàn Vingroup. Về việc nhận được sự hỗ trợ với tư duy tài trợ kiểu mới: giải quyết gốc rễ căn bản của vấn đề thay vì tài trợ “1 lần”, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết: “Nhờ nguồn tài trợ, Công ty đã nâng cấp được hệ thống nuôi cấy tế bào Bioreactor vốn đã được trang bị gần 10 năm trước. Model thế hệ mới này thích ứng hơn với công nghệ vector virus mà chúng tôi đang dùng.”
Các nhà khoa học xác định rõ tính chủ động vắc-xin của một quốc gia là yếu tố sống còn trong tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay. “Khi một nước nào đó có vắc-xin thương mại, họ sẽ ưu tiên bảo vệ người dân của họ trước. Như đợt đại dịch cúm A/H1N1, mua 1 liều vắc-xin đã khó chưa nói gì đến mua cả triệu liều. Vì thế, tính chủ động vắc-xin của một quốc gia là rất quan trọng”, ThS. Mạc Văn Trọng cho biết thêm.
Lịch sử cúm A/H1N1 không được phép lặp lại
Năm 2009, cả thế giới bị nhấn chìm trong đại dịch y tế cúm A/H1N1 với hơn 10.000 người chết. Xuất hiện ca bệnh đầu tiên từ ngày 31/5/2009, Việt Nam là quốc gia thứ 23 có người nhiễm cúm A/H1N1. Tính đến ngày 30/09/2009, theo Bộ Y tế, nước ta có gần 10.000 người nhiễm bệnh với 22 ca tử vong. Ngày 01/10/2009, Viện Pasteur TP HCM chính thức thông báo tạm ngưng xét nghiệm cúm do hết sinh phẩm hóa chất.
Trong khi đó, chỉ sau 5 tháng kể từ thời điểm những trường hợp cúm A/H1N1 đầu tiên được phát hiện, Trung Quốc đã điều chế thành công vắc-xin điều trị cúm A vào giữa tháng 8/2009. Lô vắc-xin đầu tiên được tung ra thị trường vào tháng 11/2009.
Thời điểm này, nguồn vắc-xin tại Việt Nam dựa hoàn toàn vào 1.2 triệu liều vắc-xin được viện trợ. Đối tượng được ưu tiên là 800.000 phụ nữ mang thai từ tháng thứ 4 trở lên và khoảng 280.000 cán bộ y tế có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc bệnh phẩm cúm A/H1N1. Kinh phí cho triển khai chiến dịch tiêm 1,2 triệu liều vắc-xin lên đến 41 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch tiêm phòng vắc-xin thời điểm tháng 12/2009 đến tháng 2/2010 bị hoãn lại do vắc-xin nhận muộn hơn so với thời gian dự kiến. Bộ Y Tế cũng lo ngại về việc người dân có thể trở thành vật thử nghiệm cho các nhà sản xuất vắc-xin.
Hiểu được vai trò của việc chủ động vắc-xin, lại từng là đơn vị sản xuất thành công 4 loại vắc-xin phòng: viêm gan A, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và Tả uống, với vắc-xin Covid-19, TS. Đỗ Tuấn Đạt đặt mục tiêu: “Việt Nam đã xuất sắc khi trở thành một điểm sáng của thế giới về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi kỳ vọng vào những thắng lợi tiếp theo, trong đó có vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam””. Dự kiến, trong tháng 7, vắc-xin Covid-19 sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện.