Trên bình diện toàn cầu, hiện có gần 500 triệu người bản địa, nói ít nhất 4.000 ngôn ngữ, chiếm hơn 25% diện tích đất. Họ thường có kiến thức sinh thái tốt nhất về khu vực đang sinh sống và biết rõ loài nào là quan trọng nhất với cộng đồng của mình. Ví dụ, các cộng đồng người Iban và Dusun ở Đông Nam Á từ lâu đã nhận ra rằng hai loại trái cây trông giống nhau – lumok và pingan, là hai loài riêng biệt – điều mà trong gần hai thế kỷ, các nhà thực vật học phương Tây đã phân loại sai và xem chúng là cùng một loài duy nhất.
Bản sắc dân tộc thể hiện trong tri thức bản địa
Trong những năm gần đây, thuật ngữ “tri thức bản địa” (Indigenous Knowledge) được sử dụng trong một số công trình nghiên cứu với nhiều tên gọi khác nhau: tri thức địa phương, kiến thức bản địa, kiến thức địa phương, văn hóa truyền thống, tri thức dân gian, v.v.
Nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa từ lĩnh vực nghiên cứu phát triển cho thấy, tri thức bản địa là các truyền thống lâu đời, các kinh nghiệm, thực tiễn sống của một cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy của cộng đồng đó. Tri thức bản địa bao gồm các sự hiểu biết (loại trí khôn), kinh nghiệm, phong tục, lề thói ứng xử, các bài học của một cộng đồng được hình thành và tích lũy trong thời gian dài gắn liền với địa bàn sinh sống cụ thể của họ. Tri thức bản địa được duy trì, phát triển trong một thời gian dài với sự tương tác qua lại rất gần gũi giữa con người với môi trường tự nhiên. Tập hợp những hiểu biết, kiến thức và theo nghĩa này là một phần của tổng hòa văn hoá bao gồm cả hệ thống ngôn ngữ, cách định danh và phân loại, phương thức sử dụng tài nguyên, các lễ nghi, giá trị tinh thần và thế giới quan. Những tri thức này là nền tảng cơ sở để đưa ra những quyết định về nhiều phương diện cơ bản của cuộc sống hàng ngày tại địa phương như khai thác tự nhiên, các hệ thống canh tác và chăn nuôi, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, tìm kiếm nguồn nước, tự bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bản thân và sự thích nghi với những thay đổi của môi trường…
Trên thực thế, bất kỳ nhóm cộng đồng nào cũng có tri thức bản địa: nông thôn và thành thị; người định cư và người du cư; người bản địa và người nhập cư. Quá trình giao lưu, xáo trộn dân cư cũng sẽ dẫn đến việc hình thành các tri thức bản địa mới, trên cơ sở của quá trình tiếp xúc và biến đổi, đào thải những gì không còn phù hợp và tích hợp tiếp thu những yếu tố mới có ích. Có nhiều cách phân loại tri thức bản địa theo những tiêu chí khác nhau, tuỳ thuộc vào từng chuyên ngành khoa học. Các nhà dân tộc học thường phân loại như sau:
– Sự nhận biết các yếu tố tự nhiên (đặc điểm địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng, các đặc tính sinh học của động – thực vật, khí hậu – thời tiết, nguồn nước, v.v.), các kinh nghiệm khai thác, sử dụng và quản lý các yếu tố đó.
– Các tri thức liên quan đến quá trình mưu sinh (các phương thức mưu sinh và công cụ thực hành sinh kế cụ thể, các giống cây trồng – vật nuôi, mùa vụ, v.v.).
– Các tri thức liên quan đến đời sống vật chất (thôn làng, nhà cửa, trang phục, đồ ăn thức uống, phương tiện vận chuyển).
– Các tri thức trong việc quản lý xã hội (thiết chế tự quản thôn làng với vai trò của luật tục, người già và các thủ lĩnh, dòng họ và gia đình).
– Các tri thức trong đời sống tinh thần (tín ngưỡng, lịch pháp, y – dược thuật, các chuẩn mực trong ứng xử và giao tiếp xã hội, các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian).
Trước đây, tri thức bản địa thường được hiểu là đối lập với kiến thức chính thống (formal knowledge) – kiến thức khoa học. Song thực tế cho thấy, sau một quá trình giao lưu và biến đổi, đào thải và tích hợp, tiếp thu và cải biến, đã có nhiều điểm chồng chéo giữa kiến thức bản địa và kiến thức khoa học. Nhiều kiến thức khoa học cũng đã được bản địa hoá thành kiến thức của người dân. Như vậy, tri thức bản địa là tri thức được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường và xã hội; được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Tri thức bản địa chứa đựng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi; cất trữ và chế biến thức ăn; thu hái, sử dụng cây thuốc và cách chữa bệnh; truyền thụ kiến thức qua các thế hệ trong giáo dục; bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức quản lý cộng đồng, giá trị xã hội, các luật lệ truyền thống trong làng bản, v.v.
Nghiên cứu tri thức bản địa về sinh vật trên thế giới được bắt đầu khá sớm, nhưng thực sự hình thành một ngành khoa học độc lập vào năm 1895 với việc ra đời bộ môn nghiên cứu về Thực vật dân tộc học (Ethnobotany). Đây là lĩnh vực nghiên cứu nhằm tìm hiểu bản chất khoa học của tri thức và kinh nghiệm sử dụng thực vật của các cộng đồng địa phương, từ đó xây dựng các chính sách quản lý và sản xuất các sản phẩm mới có chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội.
Trong lĩnh vực nghiên cứu tri thức và kinh nghiệm dân tộc để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên cây thuốc, dược học dân tộc và y học dân tộc (Ethno-medicine) đã được hình thành và mang lại cho nhân loại nhiều lợi ích to lớn. Nhiều loại thuốc quý phục vụ phòng chữa bệnh đã được sản xuất trên cơ sở nghiên cứu thực vật dân tộc học. Hiện nay nhiều loại thuốc chữa bệnh hiểm nghèo đã được đưa vào sản xuất từ kết quả nghiên cứu tri thức bản địa: ví dụ, thuốc chữa phì đại tuyến tiền liệt từ kinh nghiệm sử dụng cây tầm ma (Urtica dioides) của các dân tộc châu Âu; từ cây Mận châu Phi (Prunus africanum) của một số dân tộc châu Phi; thuốc chữa ung thư từ kinh nghiệm sử dụng cây thông đỏ (Taxus spp.) của thổ dân Bắc Mỹ; thuốc an thần Valerian từ kinh nghiệm sử dụng cây Nữ lang (Valeriana officinalis) của các dân tộc vùng Tây Âu, thuốc Aike và Revivo điều trị HIV từ kinh nghiệm sử dụng thực vật của các dân tộc thiểu số vùng Tây Tạng. Trong lĩnh vực sinh thái học, nông nghiệp dân tộc, thực vật dân tộc học ứng dụng cũng đạt được nhiều kết quả có giá trị và đưa vào sản xuất phục vụ nhu cầu mọi mặt của cuộc sống. Nhiều loại cây trồng quan trọng hiện nay (ngô, khoai tây, …) được lai tạo hoặc tạo giống từ các giống cây trồng bản địa của các cộng đồng dân tộc (thiểu số).
Gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có các giả trị tri thức bản địa sử dụng thực vật của các dân tộc thiểu số, đã và đang là mối quan tâm ở nhiều quốc gia do sự mai một, xói mòn nhanh trước tác động của hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Đây là những giá trị bản sắc riêng có của mỗi dân tộc, đặc điểm để nhận diện dân tộc và là kết quả của sự trải nghiệm, sàng lọc qua rất nhiều thế hệ. Do vậy, sẽ rất đáng tiếc nếu để mai một thất thoát những giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.
Nghiên cứu tri thức bản địa ở nước ta
Điều tra nghiên cứu tri thức và kinh nghiệm sử dụng tài nguyên sinh vật của nước ta so với thế giới được triển khai muộn hơn. Hướng nghiên cứu này mới chỉ được quan tâm thực sự trong 30 năm gần đây, đánh dấu bằng sự ra đời phòng Thực vật dân tộc học tại Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam vào năm 2000. Mặc dù có thời gian chưa dài nhưng các nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt Nam đã thu được nhiều kết quả khả quan. Trong số các nghiên cứu đã triển khai, số lượng lớn công trình thuộc lĩnh vực dược học dân tộc (Ethnomedicine). Các nhà khoa học tại Việt Nam trong những năm gần đây tập trung điều tra kinh nghiệm sử dụng thực vật làm thuốc của nhiều dân tộc và tại nhiều địa phương tại các tỉnh phía Bắc.
Nhận thức được vai trò của tri thức Dược dân tộc học, ngay từ năm 1998, Bộ Y tế đã triển khai dự án “Bảo tồn nguồn cây thuốc cổ truyền”. Thực chất đây là đề tài nghiên cứu nhằm bảo tồn các cây thuốc truyền thống và kinh nghiệm sử dụng chúng tại cộng đồng các dân tộc phía Bắc. Trên cơ sở nghiên cứu tri thức và kinh nghiệm sử dụng các loài sinh vật của các dân tộc thiểu số, một số mô hình phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng dân cư đã được xây dựng. Trong giai đoạn 1998 – 2000, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã xây dựng thành công mô hình kinh tế – sinh thái cho đồng bào dân tộc Khơ Mú tại Bản Vang, xã Mường Phăng, tỉnh Điện Biên. Đây là mô hình kinh tế dựa trên tập quan canh tác nông nghiệp cạn của dân tộc Khơ mú. Theo hướng này, các mô hình bảo tồn và phát triển cây thuốc trong vườn Rừng của người Dao, trồng cây thuốc trong vườn hộ gia đình của người Thái và H’mông, v.v. đã được triển khai thành công.
Các tỉnh Tây Nguyên tập trung gần 20 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống, có nguồn tri thức dân tộc bản địa độc đáo nhưng tới nay ít được điều tra, nghiên cứu và phát huy. Năm 2011, nhóm nghiên cứu tại Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu điều tra tri thức bản địa trong sử dụng và bảo tồn tài nguyên sinh vật phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn bản sắc dân tộc của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên; kết quả là đã thu được thông tin của 610 loài cây đã và đang được đồng bào tại Tây Nguyên sử dụng làm thuốc, 47 loài sử dụng làm thủ công mỹ nghệ, 39 loài cho nhuộm màu, 43 loài cây có chất độc, 20 loài sử dụng làm men rượu, 247 loài làm rau ăn. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất cần kịp thời hỗ trợ để phát triển một số sản phẩm thương mại từ tri thức bản địa góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, và các tri thức này mặc dù là nguồn di sản phi vật thể vô giá của quốc gia nhưng đang bị mai một và có nguy cơ mất hẳn trong tương lai không xa.
TS. Lưu Đàm Ngọc Anh (Bảo tàng thiên nhiên VN) cùng cộng sự đã công bố về kinh nghiệm của người Thái đen tại Sơn La trong sử dụng cây nhuộm màu chàm (TSA 2014, hội nghị thường niên lần thứ 14 của Hiệp hội vải sợi châu Mỹ); theo đó, người Thái đen tại Thuận Châu có kinh nghiệm sử dụng tới 4 loài cây khác nhau cho màu xanh chàm, đặc biệt loài lòng mức nhuộm (Wrightia laevis, syn. Wrightia tinctoria) được ghi nhận không còn được sử dụng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ngoài Việt Nam (Dominique Cardon 2014); nghiên cứu đã có một hiệu ứng rất tích cực đối với công chúng, khích lệ sự duy trì và phục hồi kinh nghiệm, thực hành nhuộm vải của đồng bào bằng cây cỏ. Cho tới nay, qua gần 9 năm, việc bắt gặp tập tục nhuộm vải trong thôn bản, các homestay, xưởng thủ công, v.v. là rất phổ biến tại miền núi Tây Bắc nước ta.
Vai trò của bảo tàng trong việc lưu giữ và phát huy các giá trị tri thức bản địa
Thực tế trên thế giới và ngay tại Việt Nam, nhiều giá trị di sản tự nhiên – văn hóa đã bị mai một và công chúng chỉ có thể phần nào tham quan trải nghiệm lại qua các hiện vật, hình ảnh, v.v. lưu giữ hoặc được phục dựng lại các bảo tàng. Bảo tàng, có thể nói, là một phần sợi dây liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Bảo tàng hiện đại đã có những bước phát triển vượt ngoài giới hạn truyền thống là đơn vị thu thập, lưu giữ và trưng bày các hiện vật. Bảo tàng hiện đại còn là không gian cho phép công chúng chủ động tham gia vào các khám phá, với các trải nghiệm được xây dựng cá nhân hóa cho những nhóm đối tượng khác nhau.
Bên cạnh đó, với sự quan tâm nhiều hơn đến các giá trị tự nhiên – văn hóa của khu vực – cộng đồng, đặc biệt là các giá trị cần được bảo vệ khẩn cấp, việc tìm ra cách tiếp cận phù hợp để hiển thị thông tin di tích và truyền tải kiến thức đầy đủ đến công chúng bảo tàng cũng trở nên cấp bách. Đối với các giá trị tự nhiên – văn hóa, đặc biệt là các giá trị có nguy cơ mai một cần được bảo vệ khẩn cấp, việc tìm ra cách tiếp cận phù hợp để hiển thị, diễn giải và truyền tải tri thức, thông tin đầy đủ nhất, đến phạm vi công chúng lớn nhất có thể là vấn đề cấp bách của bảo tàng trong thế kỷ XXI.
Thực tế, các bảo tàng luôn không ngừng phát triển, thử nghiệm, triển khai giải pháp để giải quyết trăn trở trên. Có thể kể đến các phương pháp tiếp cận hiện đại như tích hợp trải nghiệm số trên web, ứng dụng di động, màn hình lớn, bảo tàng ảo, bảo tàng mở v.v. Trong những năm gần đây, các công nghệ mang tính “nhập vai” như VR (Virtual Reality – Thực tế ảo) và AR (Augmented Reality – Thực tế tăng cường) ngày càng được triển khai mạnh mẽ trên tất cả các bình diện cuộc sống, trở thành một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực tương tác giữa con người và thông tin được số hóa trực quan. Nhiều bảo tàng cũng đã áp dụng giải pháp VR, AR, cho phép công chúng có nhiều chọn lựa hơn khi tương tác với di sản, mà không ảnh hưởng, gây thiệt hại đến hiện vật. Ví dụ: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Funchal (Bồ Đào Nha) mở triển lãm chuyên đề về ký ức cung điện áp dụng công nghệ VR nhắm tới đối tượng thanh niên – nhóm công chúng thường ít được quan tâm trước đó. Ứng dụng được xây dựng để khách tham quan sử dụng điện thoại để quét các vật thể và giải đố, qua đó từng bước ghép thành bức tranh chủ đề triển lãm và tạo nên một tuyến tham quan tương đối đầy đủ; những nỗ lực này cho phép khách tham quan được tương tác nhiều chiều trong bảo tàng mà vẫn cảm thấy hứng thú.
Tại Việt Nam, một số bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Quảng Ninh v.v. đều đã áp dụng công nghệ số 3D vào trưng bày ảo trên trang web, thu hút một lượng đáng kể người xem và tương tác.
Tất nhiên, cũng phải lưu ý không phải tất cả đối tượng công chúng đều tiếp thu và hứng thú với công nghệ mới. Thêm vào đó, dù công nghệ có phát triển đến đâu, trải nghiệm thật sự có ý nghĩa vẫn phải dựa trên cơ sở khai thác tôn trọng và phù hợp các giá trị nội tại của di sản tự nhiên – văn hóa, của lịch sử gắn liền với đời sống và bản sắc cộng đồng. Thêm vào đó, việc xây dựng và chuyển đổi số tại bảo tàng phụ thuộc rất lớn vào các nguồn lực như kinh phí, nguồn nhân lực, công nghệ, và đặc biệt là phương án tiếp cận trưng bày thuyết giải các giá trị nội tại. Do vậy, việc phát triển trưng bày hiện đại áp dụng công nghệ đòi hỏi đơn vị đứng ra tổ chức có chiến lược và tầm nhìn, đảm bảo được sản phẩm trải nghiệm vừa có ý nghĩa với cộng đồng và công chúng.
Ở nước ta, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là đơn vị có chức năng nghiên cứu bảo tàng, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, giám định, trưng bày giới thiệu mẫu vật, hiện vật về sinh vật, địa lý – địa chất, nhân chủng, tư liệu về thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và thế giới; nghiên cứu, điều tra cơ bản; phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; tư vấn dịch vụ khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực liên quan.
Từ tháng 05/2014, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam mở cửa phòng trưng bày tiến hóa sinh giới trong khuôn viên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đón tiếp trung bình từ 200 khách/ngày thăm quan chủ yếu là lứa tuổi học sinh – sinh viên tới thăm quan học tập. Tháng 04/2023, tại Viện nghiên cứu khoa học Miền trung, trực thuộc Bảo tàng, đã mở cửa thử nghiệm phòng trưng bày về các giá trị tài nguyên thiên nhiên tại Thành phố Huế.
Một bảo tàng đáng chú ý khác là Bảo tàng tỉnh Quảng Nam: là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh, hiện đang lưu giữ và trưng bày giới thiệu gần 30.000 hiện vật có giá trị về văn hóa vùng đất Quảng Nam từ thời tiền sơ sử đến hiện đại. Gần đây, Bảo tàng cũng có động thái tích hợp công nghệ trong trưng bày để quảng bá các giá trị di sản văn hóa rộng rãi hơn. Ví dụ, triển lãm ảo “420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm” cho phép công chúng tiếp cận các hiện vật, từ đó tiếp cận một phần lịch sử – văn hóa quan trọng của khu vực, của Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới.
Tri thức sử dụng thực vật của người Cơ Tu tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế
Người Cơ Tu là tộc người cư trú lâu đời ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme. Dựa vào những kiến trúc điêu khắc nền văn hóa và nhân học có thể đoán định rằng tộc người này đã được hình thành và phát triển với trình độ cao. Hiện nay, người Cơ Tu chỉ sinh sống tại Việt Nam và Lào với dân số trên 100.000 người; tại Việt Nam, cộng đồng người Cơ Tu chiếm trên 74.000 và sinh sống chủ yếu tại hai tỉnh Quảng Nam (Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang) và Thừa Thiên Huế (Nam Đông, A Lưới). Người Cơ Tu sinh sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên chủ yếu bằng trồng lúa rẫy với mức độ canh tác đơn sơ, chăn nuôi, hái lượm, săn bắn và đánh bắt cá. Đặc biệt, nghề đan lát và dệt thổ cẩm của họ khá phát triển và tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo có thể tạo sinh kế.
Trước áp lực của đời sống hiện đại, sự công nghiệp hóa, diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm đã nhanh chóng đẩy các tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, của dân tộc Cơ Tu nói riêng trong sử dụng thực vật phục vụ các nhu cầu cuộc sống ngày càng xói mòn, mai một, và có nguy cơ mất đi vĩnh viễn.
Hiện nay, công tác giáo dục cộng đồng tại các bảo tàng cũng phát huy tác dụng rất tốt tới công chúng thông qua các cuộc trưng bày, tour thăm quan từ bảo tàng tới tự nhiên và cộng đồng làng bản. Hình thức bảo tàng sinh thái (eco-museum) đã chứng minh được hiệu quả và được triển khai nhiều ở các quốc gia phát triển, theo đó, thông qua các hoạt động thăm quan, du lịch thì giáo dục tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả cao và đem lại thu nhập cho người dân.
Về mặt địa phương, tỉnh Quảng Nam đã được Hội đồng di sản quốc gia công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể của người Cơ Tu là: múa tân tung ya yá; nói lý – hát lý; và nghề dệt thổ cẩm (tại huyện Đông Giang). Đây là tín hiệu tích cực từ các cơ quan quản lý văn hóa, thể hiện sự quan tâm thực chất tới cộng đồng người Cơ Tu ở Quảng Nam.
Năm 2023, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingrpup (VinIF) thông qua Chương trình Lưu giữ các giá trị Văn hóa, Lịch sử đã tài trợ dự án “Bảo tồn tri thức sử dụng thực vật của người Cơ Tu tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế” – do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VNMN), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) thực hiện. Dự án có mục đích bảo tồn các giá trị tri thức dân gian, giá trị văn hóa của người Cơ Tu đang dần mai một bởi tác động của cuộc sống hiện đại. Dự án có khả năng cung cấp tư liệu, cơ sở dữ liệu số về tri thức sử dụng tài nguyên thực vật của đồng bào đã hình thành, trải nghiệm qua thời gian dài – là nguồn vật liệu cho những nghiên cứu ứng dụng và góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương; cung cấp nguồn tư liệu, mẫu vật phục vụ công tác thuyết giải tại các bảo tàng thiên nhiên – văn hóa theo phương thức bảo tàng tổng hợp hoặc bảo tàng sinh thái (eco-museum/open air-museum) – phương thức trưng bày hiện đại hướng tới trải nghiệm sâu (immersive) tạo sản phẩm đặc sắc cho du lịch. Dự án có mục tiêu trở thành một mắt xích trong chuỗi giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị này.
Việc triển khai dự án sẽ thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề cấp thiết trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc của người Cơ Tu, xây dựng cơ sở dữ liệu về thực vật và tri thức của đồng bào. Đồng thời, hiện vật và tri thức thu thập bổ sung trong quá trình nghiên cứu là cơ sở quan trọng cho việc phát triển bộ mẫu, sản phẩm trưng bày, v.v. cho bảo tàng địa phương, bảo tàng chuyên ngành phục vụ công tác giáo dục cộng đồng và du khách. Sau khi dự án hoàn thành, việc lưu giữ và thuyết giải tri thức cùng trải nghiệm tại bảo tàng cũng sẽ đóng góp tích cực cho công tác quảng bá di sản tự nhiên – văn hóa cũng như hỗ trợ cung cấp sản phẩm cho du lịch sinh thái của tỉnh cả trong nước lẫn quốc tế.
Tác giả: TS. Lưu Đàm Ngọc Anh, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST).
Tổng hợp và biên tập: Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).
Tài liệu tham khảo:
- Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. “Trang Chủ – Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam” January 1, 2023. https://www.vnmn.ac.vn/.
- Chung Namho, Heejeong Han, and Youhee Joun (2015). “Tourists’ Intention to Visit a Destination: The Role of Augmented Reality (AR) Application for a Heritage Site.” Computers in Human Behavior 50 (Sep.): 588–99. https://doi.org/10.1016/j.chb.2015.02.068.
- Báo Lao Động. “Chuyển đổi số trong quản lý và phát huy di sản Việt Nam,” March 19, 2023. https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chuyen-doi-so-trong-quan-ly-va-phat-huy-di-san-viet-nam-1158724.ldo.
- “Cổng Thông Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Quảng Nam – Tổng Quan về Bảo Tàng Quảng Nam” 2023. http://baotang.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=429.
- Desvallées, André, and François Mairesse, eds (2010). Key Concepts of Museology. Paris: Armand Colin.
- Dieck, M. Claudia tom, and Timothy Hyungsoo Jung (2017). “Value of Augmented Reality at Cultural Heritage Sites: A Stakeholder Approach.” Journal of Destination Marketing & Management 6, no. 2 (Jun.): 110–17. https://doi.org/10.1016/j.jdmm.2017.03.002.
- Dominique Cardon (2014). Le Monde des Teintures naturelles. Paris : Belin, 2014. 2de édition mise à jour et augmentée.
- He Zeya, Laurie Wu, and Xiang (Robert) Li (2018). “When Art Meets Tech: The Role of Augmented Reality in Enhancing Museum Experiences and Purchase Intentions.” Tourism Management 68: 127–39. https://doi.org/10.1016/j.tourman.2018.03.003.
- Hou, Weiting (2019). “Augmented Reality Museum Visiting Application Based on the Microsoft HoloLens.” Journal of Physics: Conference Series 1237, no. 5: 052018. https://doi.org/10.1088/1742-6596/1237/5/052018.
- Miyashita, T., P. Meier, T. Tachikawa, S. Orlic, T. Eble, V. Scholz, A. Gapel, O. Gerl, S. Arnaudov, and S. Lieberknecht. “An Augmented Reality Museum Guide.” In 2008 7th IEEE/ACM International Symposium on Mixed and Augmented Reality, 103–6. Cambridge, UK: IEEE, 2008. https://doi.org/10.1109/ISMAR.2008.4637334.
- Moorhouse, Natasha, M. Claudia tom Dieck, and Timothy Jung. “An Experiential View to Children Learning in Museums with Augmented Reality.” Museum Management and Curatorship 34, no. 4 (July 4, 2019): 402–18. https://doi.org/10.1080/09647775.2019.1578991.
- Nisi, Valentina, Vanessa Cesario, and Nuno Nunes. “Augmented Reality Museum’s Gaming for Digital Natives: Haunted Encounters in the Carvalhal’s Palace.” In Entertainment Computing and Serious Games, edited by Erik van der Spek, Stefan Göbel, Ellen Yi-Luen Do, Esteban Clua, and Jannicke Baalsrud Hauge, 28–41. Lecture Notes in Computer Science. Cham: Springer International Publishing, 2019. https://doi.org/10.1007/978-3-030-34644-7_3.
- Pedersen, Arthur and World Heritage Centre. Managing Tourism at World Heritage Sites : A Practical Manual for World Heritage Site Managers. World Heritage Papers Series. Paris: UNESCO World Heritage Centre, 2002.
- Tuyet, Tran Thi, and Nguyen Manh Tuan (2019). “The Relationships of Technology Readiness, Perceived Value, Satisfaction, and Continuance Intention – A Study of Self-Service Technologies in Viet Nam.” VNUHCM Journal of Economics, Business and Law 3, no. SI: SI24–34. https://doi.org/10.32508/stdjelm.v3iSI.608.
- Ueoka, Ryoko, and Kenta Iwasa (2017). “Godzilla Meets ‘F’ Museum: Case Study of Hand-On Museum Event with Augmented Reality Technology.” In Human Interface and the Management of Information: Information, Knowledge and Interaction Design, edited by Sakae Yamamoto, 301–12. Lecture Notes in Computer Science. Cham: Springer International Publishing. https://doi.org/10.1007/978-3-319-58521-5_24.
- Wojciechowski, Rafal, Krzysztof Walczak, Martin White, and Wojciech Cellary. “Building Virtual and Augmented Reality Museum Exhibitions.” In Proceedings of the Ninth International Conference on 3D Web Technology, 135–44. Monterey California: ACM, 2004. https://doi.org/10.1145/985040.985060.
- Gulzeb Aziz (2012). Advances in Pharmaceutical and Ethnomedicines. Nexus Academic Publisher.
- Janie Simms Hipp (1998). The indigenous Food and Agriculture Initative. University of Arkansas.
- Lưu Đàm Cư (2003). Nghiên cứu cây nhuộm mày thực phẩm ở Việt Nam. Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong khoa học sự sống. Nxb. KHKT, 47-51.
- Luu Dàm Ngoc Anh (2011). Indigenous knowledge of ultilization of colorant plants for food in some ethnic groups in the North of Vietnam. ISEND 2011, La Rochelle, France.
- Nguyễn Thị Thu Hòe (2000). Đièu tra khu vực hệ thống sông suối Tây Nguyên, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.
- Vũ Văn Dũng và cộng sự (2007). Nhóm cây có sợi, Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam. NXB Bản Đồ
- Phạm Quang Hoan (2005). Tri thức địa phương (tri thức truyền thống) của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
- Nguyễn T.T.N. (2013). Tổng quan công nghệ augmented reality;
- Hoàng T., Hạnh T., and Toàn K. Giải pháp triển lãm số: “Hoàng sa-Trường sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử và pháp lý”;
- Nguyễn Đức Hoàng, Trần Thị Hạnh, Đinh Văn Dũng. Giải pháp chụp hình thực tế tăng cường tại đường hoa Nguyễn Huệ;
- Ngoc Anh Luu-dam (2016). Study on subtainable uses of colorant plants at ethnic minority groups in Vietnam. PhD thesis of Osaka University, Japan;
- Nguyễn Thị Thu Hà (2008), “Tri thức bản địa những bước thăng trầm”, Báo cáo tại Hội thảo “Vai trò của tri thức bản địa trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường của các cộng đồng dân tộc thiểu số”, Ninh Thuận;
- https://redsvn.net/tri-thuc-ban-dia-la-gi-co-tam-quan-trong-nhu-the-nao2/
- https://nongnghiep.vn/kien-thuc-ban-dia-la-chia-khoa-cho-he-thong-luong-thuc-thuc-pham-ben-vung-d348731.html