Trang chủ Chuyên gia viết Sử làng sử nước

Sử làng sử nước

Sử làng được thể hiện qua văn hóa dân gian, xét đến cùng chính là nơi lưu giữ ý dân, lòng dân, tinh thần thẩm mỹ của dân, tâm linh của dân. Sử làng sử nước chính là lịch sử của nhân dân, bền vững muôn đời, bất chấp khoa học lịch sử hiện đại phát triển. Việc tìm kiếm ra điều gì mới cũng không thể vượt qua được tinh thần hồn núi hồn sông, hồn thiêng dân tộc được lưu giữ trong văn hóa dân gian.

Tại sao chúng ta cần lịch sử?

“Sử là hồn núi hồn sông. Sử là tinh tuý của đất nước. Dân tộc nào biết chép sử càng sớm, càng có nhiều cơ hội văn hiến. Dân tộc nào càng biết quý trọng đến sử càng có nhiều cơ hội trường tồn. Thịnh đấy? Suy đấy! Chẳng vì thịnh mà kiêu, chẳng vì suy mà nản. Cứ bền lòng nhìn vào sử như tự ngắm mình trong một tấm gương. Ngắm để vẽ, để tô, để sửa, ắt khuôn mặt càng dễ ưa, dễ coi. Hồn núi ở đó, hồn sông cũng ở đó. Chẳng thế mà kẻ ngoại bang sang xâm lấn nước ta, lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm xoá bỏ sử sách của ta” – trích trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh [1].

1000 năm Bắc thuộc, giai đoạn được xem như bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc Việt, lịch sử nước Nam đã được gìn giữ như thế nào? Câu trả lời là ở trong dân gian, trong làng nước, qua truyền miệng.

Cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, văn hóa và văn hiến nước Nam lại một lần nữa bị đẩy vào tình thế bị “truy cùng diệt tận”. Và kinh nghiệm bảo tồn văn hóa “ta vẫn là ta” của 1000 năm Bắc thuộc lại tiếp tục được phát huy. Văn hóa và văn hiến ẩn mình trong làng quê, nén chặt trong những lễ hội, phong tục tạm gọi là lịch sử văn hóa dân gian.

Hình 1. Đền Nội Bình Đà thờ Quốc tổ Lạc Long Quân

Lịch sử còn thì đất nước còn. Bởi lịch sử không chỉ là ký ức, lịch sử còn là tấm gương, là những bài học chân lý muôn đời, là tinh thần động lực, là hồn thiêng sông núi. Lịch sử chứa trong mình cả tri thức và năng lượng tâm linh để đưa dân tộc vượt qua những giai đoạn sống còn.

Mối quan hệ giữa lịch sử và văn hóa dân gian

Lịch sử là quá trình phát triển của xã hội, là sự ghi nhận và phản ánh những sự kiện, những biến đổi, những thành tựu và những thất bại của con người hay một quốc gia trong quá khứ. Văn hoá dân gian là tập hợp những giá trị, tín ngưỡng, phong tục, nghệ thuật, truyền thống và những sản phẩm tinh thần của một cộng đồng hay một dân tộc. 

Giữa hai lĩnh vực này có mối quan hệ ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, lịch sử và văn hóa dân gian là hai nguồn tài liệu quý giá giúp chúng ta hiểu biết về quá khứ và cội nguồn của dân tộc. Nhờ nghiên cứu lịch sử, chúng ta có thể hiểu được những sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng đã góp phần định hình nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhờ nghiên cứu văn hóa dân gian, chúng ta có thể hiểu được đời sống tâm hồn, tinh thần của người dân trong quá khứ. Thứ hai, lịch sử và văn hóa dân gian là hai yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc của dân tộc. Lịch sử là nền tảng, là cơ sở cho sự hình thành và phát triển của văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian là biểu hiện sinh động của đời sống tinh thần của dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Thứ ba, nghiên cứu mối quan hệ giữa lịch sử và văn hóa dân gian có ý nghĩa trong việc giáo dục và truyền bá văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Nhờ nghiên cứu mối quan hệ này, chúng ta có thể giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Vì thế, nghiên cứu mối quan hệ giữa lịch sử và văn hóa dân gian là một nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi dân tộc.

Lịch sử và văn hoá dân gian có ảnh hưởng lẫn nhau. Một mặt, lịch sử tạo ra nền tảng cho sự hình thành và phát triển của văn hoá dân gian. Những sự kiện lịch sử, những cuộc chiến tranh, những thời kỳ khủng hoảng hay thịnh vượng, những đổi mới hay bảo thủ, những giao lưu hay đối đầu với các nền văn hoá khác đều ảnh hưởng đến nội dung, hình thức và phương thức biểu đạt của văn hoá dân gian. Ví dụ, truyện cổ tích “Thạch Sanh” phản ánh cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ dựng nước trước khi có lịch sử. Truyện “Cây tre trăm đốt” phản ánh tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam. Các vị thành hoàng được thờ trong các đình làng phần lớn đều có nguồn gốc từ các nhân vật có trong sử sách. Đặc biệt, thể loại truyền thuyết dân gian Việt Nam có một bộ phận bắt nguồn từ lịch sử.

Hình 2. Bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016
Hình 3. Chi tiết phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân – Bảo vật quốc gia Việt Nam

Ngược lại, văn hoá dân gian cũng phản ánh và bổ sung cho lịch sử. Những tác phẩm văn hoá dân gian, như truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, dân ca, trò chơi dân gian, v.v. đều mang đậm bản sắc của một thời kỳ lịch sử, một địa phương hay một tầng lớp xã hội. Những tác phẩm này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc sống, tâm lý, tư duy và cảm xúc của con người trong quá khứ. Ví dụ, sử thi “Đăm Săn” của người Ê-Đê đã cung cấp cho người viết sử những manh mối về đời sống vật chất, tinh thần của người Ê-Đê trong quá khứ. Vì vậy, lịch sử và văn hóa dân gian có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nghiên cứu mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Văn hóa dân gian là sản phẩm của trí tuệ, tâm hồn của nhân dân lao động, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của họ trong quá khứ. Và vì vậy, có những vấn đề chỉ tìm thấy ở văn hóa dân gian. Đó là những vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng, thường không được ghi chép lại trong lịch sử, mà được lưu truyền dưới dạng truyền miệng, truyền khẩu. Tín ngưỡng thờ Mẫu, tin ngưỡng thờ Tứ Bất tử, tín ngưỡng thờ cúng ông bà, v.v. chỉ có thể có trong Văn hoá dân gian người Việt. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến đời sống vật chất của các dân tộc ít người, chưa có chữ viết chỉ có thể tìm thấy trong tri thức bản địa của người dân. Ví dụ, tục ngữ, thành ngữ, ca dao, hò vè, v.v. phản ánh những kinh nghiệm sống, những quan niệm về thế giới của người dân. Nghệ thuật dân gian, như múa, hát, nhạc, v.v. phản ánh đời sống tinh thần của người dân.

Nhiều phong tục tập quán chỉ có thể tìm lời giải đáp từ văn hoá dân gian như truyện cổ tích, thần thoại, sử thi, v.v. phản ánh những ước mơ, khát vọng của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp. Tóm lại, văn hóa dân gian là một kho tàng quý giá lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nghiên cứu văn hóa dân gian giúp chúng ta hiểu biết về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động trong quá khứ [2].

Sử làng là sử nước

Văn hóa dân gian sống trong những ngôi làng Việt. Đó chính là sử làng mà xét đến cùng chính là sử nước. Bởi lịch sử không chỉ là khoa học của các nhà nghiên cứu, lịch sử còn là văn hóa, là tâm linh, là kết tinh của lòng dân bao thế hệ.

Thương dân dân lập đền thờ

Hại dân dân đái ngập mồ thối xương

Trăm năm bia đá cũng mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Sử làng chính là bia miệng của nhân dân. Sử làng chính là đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của người dân Việt được kết tinh lại, không cần đến nguyên lý tư duy khoa học, không cần đến bằng chứng khảo cổ, cũng chẳng cần tra cứu thư tịch hiện vật cổ xưa.

Lật thuyền mới biết dân như nước. Các triều đại xưa hiểu sâu sắc sức mạnh của nhân dân. Bởi thế mới ra sức bồi đắp văn hóa, văn hiến cho các làng quê bằng cách sắc phong rất nhiều anh hùng dân tộc trở thành Thành hoàng làng, khuyến khích phát triển lễ hội làng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa đáp ứng nhu cầu vật chất, vừa khuyến khích sự đa dạng sáng tạo của tri thức dân gian. Bởi thế mà lịch sử chỉ có một Trần Hưng Đạo nhưng lòng dân thì có hàng trăm hàng ngàn Hưng Đạo Vương. Lịch sử không có thánh mẫu Liễu Hạnh nhưng lòng dân thì tôn kính bà vô ngần, trở thành một tín ngưỡng tôn giáo đặc sắc riêng có ở Việt Nam, v.v.

Sử làng tồn tại muôn đời chính nhờ tư tưởng lấy dân làm gốc, tôn trọng sự đa dạng văn hóa thông qua sáng tạo từ chính chủ thể là nhân dân. Sử làng dù không phải khoa học lịch sử chính thống, nhưng đã trở thành sử nước, trở thành mạch nguồn sức mạnh tâm linh của dân tộc Việt.

Luôn có một khoảng cách không nhỏ giữa những nhà nghiên cứu lịch sử chính thống với tâm thức lịch sử của người dân địa phương. Người làm lịch sử chuyên nghiệp cần chứng cứ sử liệu vững chắc. Người dân địa phương có niềm tin được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Người dân địa phương là chủ thể của di sản văn hóa bản địa. Họ có lịch sử của riêng mình đi song song dòng sử liệu quan phương chính thống. Niềm tin của họ có thể thiếu khoa học, lý luận nhưng lại là bia miệng giữ lưu muôn đời. Họ là đại diện cho lòng dân. Lịch sử Việt Nam được bảo tồn một phần lớn cũng từ sử làng xã như vậy.

Mỗi ngôi làng truyền thống Việt Nam đều có một ngôi đình, ngôi đền, ngôi chùa và lễ hội làng. Mỗi làng có một Thành hoàng thường là một danh nhân, một anh hùng dân tộc. Vị danh nhân ấy trong tâm thức dân làng thường sẽ có 1 phần trùng với lịch sử chính thống và một phần là niềm tự hào dân gian xây dựng lên, cung cấp thêm cho chính sử một dòng sử dân gian song song đồng hành vô cùng đa dạng phong phú, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. Lễ hội, đình đền chùa làng cũng chứa đựng những tri thức, những tinh hoa đặc sắc riêng gắn với thành hoàng, gắn với lịch sử làng, gắn với nghề thủ công truyền thống của làng và rất nhiều tri thức tinh hoa đó nằm trong đầu của những người cao tuổi.

Việt Nam hiện đã có các công trình nghiên cứu về lịch sử làng xã. Ví dụ như sách “Một số vấn đề làng xã Việt Nam” của GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Ngọc. Trên các kênh truyền hình cũng có các chương trình Về làng, v.v. Tuy nhiên, đa phần đều đang tiếp cận theo góc nhìn lịch sử văn hóa chính thống, sử dụng các chuyên gia đầu ngành. Vai trò tham gia cung cấp thông tin từ chính cộng đồng chủ thể văn hóa còn hạn chế. Các cuốn sách, các chương trình mỗi sản phẩm có mục đích đối tượng khán giả khác nhau. Chưa có sản phẩm hướng đến việc bảo tồn sự đa dạng, bảo tồn phong tục riêng có để phục vụ chính cộng đồng bản địa.

Năm 2024, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) đã tài trợ cho dự án “Sử làng sử Việt” với mục đích số hóa lại những di sản phi vật thể đang nằm trong 52 ngôi làng Việt tiêu biểu, tạo ra những sản phẩm cụ thể để có thể quảng bá, phát huy những giá trị của từng ngôi làng, mà trước hết là nuôi dưỡng niềm tự hào về quê hương làng xã để người dân biết tự bảo tồn, gìn giữ nét riêng khác biệt của làng mình.

Dự án ra đời với mục đích số hóa lại những di sản phi vật thể đang nằm trong 52 ngôi làng Việt tiêu biểu, trong thời gian 1 năm, nhằm tạo ra những sản phẩm cụ thể để bảo tồn, quảng bá, phát huy những giá trị của từng ngôi làng, mà trước hết là nuôi dưỡng niềm tự hào về quê hương làng xã của mình cho người địa phương để họ biết tự bảo tồn, gìn giữ nét riêng khác biệt của làng mình.

Ý nghĩa lớn nhất của dự án là bảo tồn được sự đa dạng của lịch sử dân gian. Nhờ vậy chúng ta mới có thể có được chân dung hàng chục Trần Hưng Đạo trong hàng chục ngôi làng khác nhau chứ không phải chỉ một chân dung duy nhất.

Tài liệu tham khảo

[1]. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly – Tác giả Nguyễn Xuân Khánh.

[2]. Mối quan hệ giữa lịch sử và lịch sử văn hóa dân gian – Tác giả Huỳnh Vũ Lam.

BÀI MỚI NHẤT

Cluster nguyên tử: Cấu trúc đặc sắc và ứng dụng đa dạng

Trong vài thập kỷ vừa qua, vật liệu nano đã nổi lên và chiếm giữ một một vị trí quan trọng trong khoa học...

Tinh thần giáo dục đại học đại chúng tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1955 – 1975

Suốt nhiều thế kỷ qua, giáo dục đại học luôn là một thiết chế quan trọng trong xã hội Việt Nam. Trong những năm gần đây, các thảo luận về triết lý và tư tưởng của giáo dục Việt Nam ngày càng trở trên sôi nổi, thu hút không chỉ các chuyên gia, những nhà lý luận, mà cả hàng triệu phụ huynh và học sinh. Các thảo luận diễn ra từ nghị trường Quốc hội cho đến không gian gia đình. Tuy vậy, đến nay, câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản “Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?” lại chưa thể có đáp án.

Dấu ấn methyl hóa DNA trong sàng lọc, chẩn đoán ung thư

Trong tế bào nhân thực, phân tử DNA được quấn quanh lõi histone (còn gọi là nucleosome) tạo thành sợi nhiễm sắc. Một nucleosome gồm các tiểu đơn vị histone H2A, H2B, H3 và H4. Một cách hiểu đơn giản, DNA được đóng gói trong cấu trúc nucleosome; các nucleosome có thể rất gần nhau làm cho sợi DNA co đặc lại hoặc chúng phân bố xa nhau làm cho sợi DNA tháo xoắn, bộc lộ các trình tự nucleotide ở dạng tự do.

Những đột phá mới trong công nghệ chỉnh sửa gen

Công nghệ chỉnh sửa gen là một phát minh mang tính đột phá trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cho phép các nhà khoa học chỉnh sửa mật mã di truyền của sinh vật chính xác theo ý muốn. Chính vì vậy, giải Nobel Hóa học năm 2020 đã được trao cho hai nhà khoa học nữ là Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna cho công nghệ chỉnh sửa CRISPR-Cas9. Đây là sự công nhận to lớn đối với tính đột phá và tiềm năng ứng dụng vượt trội của công nghệ này, mở ra kỷ nguyên mới trong y học, nông nghiệp và sinh học, đồng thời mang lại hy vọng cho những tiến bộ chưa từng có trong việc điều trị các bệnh di truyền và cải thiện giống cây trồng.

BÀI ĐỌC NHIỀU

Khái quát về mô hình dữ liệu quan hệ

Phần lớn hệ thống cơ sở dữ liệu hiện nay đều được xây dựng bằng mô hình dữ liệu quan hệ. Vậy mô hình...

Supervised Learning và Unsupervised Learning: Khác biệt là gì?

Supervised learning (Học có giám sát) và Unsupervised learning (Học không giám sát) là hai trong số những phương pháp kỹ thuật cơ bản...

Khái quát về Data Pipeline

Dữ liệu là chìa khóa trong việc khám phá tri thức sâu rộng, nâng cao hiệu quả quy trình và thúc đẩy đưa ra...

Transformer Neural Network – Mô hình học máy biến đổi thế giới NLP

Năm 2017, Google công bố bài báo “Attention Is All You Need” thông tin về Transformer như tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh...