Sự cấp thiết trong khảo sát, sưu tầm di sản tư liệu Hán Nôm về văn hóa xứ Quảng
Hải Vân trong bối cảnh lịch sử và văn hoá của dân tộc là cửa ngõ mở ra một không gian, hướng đi khoáng đạt, lập nên xứ Quảng làm tiền đồn, bàn đạp đứng chân chiến lược giúp thông thương với miền núi phía Tây, bang giao với phương Tây qua Đại Chiêm hải khẩu – Hội An và nhất là hướng đến vựa lúa phì nhiêu ở châu thổ sông Mê Kông: xứ Đồng Nai – Gia Định – Nam Châu. Xứ Quảng có những nét riêng từ yếu tố địa – chính trị, địa – văn hóa, tự bao đời đã tích hợp, kiến tạo nên nhiều giá trị và dấu ấn văn hóa đặc trưng. Tất cả được thể hiện rõ nét trong đời sống văn hóa (vật chất, tinh thần), đặc biệt là hệ giá trị truyền thống của cộng đồng làng xã và gia tộc qua các thời kỳ lịch sử, gắn chặt với môi trường xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, v.v. mà nguồn tư liệu Hán Nôm là một loại hình di sản văn hóa độc đáo, lưu giữ và phản ánh cô đọng nhất các khía cạnh quan trọng trong đời sống của cộng đồng gia tộc và làng xã.
Qua khảo sát sơ bộ, có thể thấy nguồn tư liệu Hán Nôm được lưu giữ trong các nguồn sử liệu, dư địa chí cổ và đặc biệt là “lưu trữ dân gian”: những hòm bộ của mỗi một cộng đồng gia tộc và làng xã mà các thế hệ chủ thể đã miệt mài kiến tạo, rồi kiên định bảo vệ trước vô vàn nguy cơ thiên tai địch họa nghiệt ngã, giảm thiểu mọi nguy cơ mai một di sản. Nhờ vậy mà đến nay, cộng đồng vẫn bảo lưu được những văn bản Hán Nôm quan trọng của dòng họ, của làng xã truyền thống, của các nhân vật lịch sử, thể hiện rõ các mối quan hệ quan phương từ yếu tố hành chính nhà nước và phi quan phương gắn liền mật thiết với đời sống dân gian: gia phả, tộc phả, hương phả, đinh bạ, địa bạ, điền bạ, hương ước, sắc phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ, trát, bẩm, trình, bằng cấp, hoành phi câu đối, các loại văn khắc, v.v. trên các loại chất liệu giấy, vải, gỗ, đá, đồng, v.v.
Trong những khó khăn nói chung ở Quảng Nam và vùng đất Duy Xuyên nói riêng, trong bài viết này, chúng tôi khảo cứu căn cứ vào bộ tài liệu Xã chí Quảng Nam và Quảng Nam tỉnh tạp biên của Hội Folklore Đông Dương, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp những năm 1940 (chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp), nhất là công trình Quảng Nam tỉnh tạp biên (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số A. 3116, A. 3116A, A. 3116B, A. 3116C), lần đầu tiên được số hóa để lưu trữ và khai thác, phát huy giá trị.Từ đó, đối chiếu trên thực địa ở chính những ngôi làng đã được khảo sát để thấy được sự thiếu vắng, bổ sung qua hai mốc thời gian là đầu thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, đồng thời mở rộng khảo sát những ngôi làng không có trong danh mục của đợt khảo sát đầu thế kỷ XX, v.v. để nhấn mạnh đến tiềm năng, trữ lượng tư liệu cũng như những khó khăn cần được ưu tiên giải quyết.
Đặc biệt, Quảng Nam tỉnh tạp biên là tổng tập được sao chép lại trong một chương trình khảo sát tư liệu quy mô lớn của các trí thức người Pháp, người Việt thực hiện, do Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp và Hội Folklore Đông Dương thực hiện đầu thế kỷ XX. Nguồn tư liệu Hán Nôm khổng lồ đó bao gồm những báo cáo, đơn từ có liên quan đến di sản sắc phong thần, sắc phong các quan viên, các loại công văn, đơn từ, gia phả, câu đối, hoành phi ở các đền chùa và tư gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn. Qua đó, có thể nhận thấy được (1) sứ mệnh kinh tế trong nội – ngoại thương, giao thương quốc tế và (2) tiền đồn, bàn đạp mở cõi về Nam của xứ Quảng, nhất là từ khía cạnh nền tảng văn hóa gia tộc và làng xã, đời sống kinh tế, đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán.
Những tài liệu quý bổ khuyết cho nghiên cứu văn hoá gia tộc và làng xã xứ Quảng
Điểm then chốt nổi bật trên dải đất miền Trung là xu hướng “Việt hóa” các yếu tố văn hóa bản địa phương Nam – “phi Việt”, để dần dần khẳng định các yếu tố Việt một cách mạnh mẽ. Vai trò của dòng họ, phát xuất từ công lao nổi bật, tối quan trọng của các vị thủy tổ khai cơ, khai canh buổi đầu trong công cuộc mở cõi, xác lập biên địa, được nhà nước phong kiến Lê – Nguyễn tôn vinh, khẳng định chính thức thông qua việc công nhận bộ máy hành chính cơ sở cấp xã, cùng bộ đinh, bộ điền và nhất là sắc phong cho hệ thống nhân thần mới của cộng đồng gia tộc và làng xã. Từ đó, đến lượt dòng họ và tín ngưỡng Tiền hiền trong đời sống làng xã đã tác động tích cực trở lại, làm rõ nét hơn sự khẳng định yếu tố Việt và tính chất mở, năng động, đa dạng của văn hóa làng Việt ở Quảng Nam, như bài viết giới thiệu trường hợp Duy Xuyên ở lưu vực bờ Nam sông Thu Bồn.
Người Việt di cư đến vùng đất mới, là “tân dân” nên tất yếu phải nỗ lực hết mình để cố kết, tạo sức mạnh cần thiết, từng bước hòa nhập và phát triển, khẳng định mình thông qua phương thức “thiêng hóa” trên nhiều khía cạnh (giai thoại, nghi thức, phẩm vật cúng tế, địa danh, nhân danh, v.v.) trong đời sống tín ngưỡng. Ở đây chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh, nếu như lưu ảnh của hiệp ước Bính Ngọ (1306) đã chính thức đưa vùng Bắc Hải Vân (và có thể tới Bắc sông Thu Bồn) về với Đại Việt và người Việt hình thành nên tục Cúng đất tạ ơn, tín ngưỡng Khai canh Khai khẩn rõ nét, thì điều đó có phần nhạt hơn ở vùng đất phía Nam Hải Vân – Nam sông Thu Bồn, biểu hiện cụ thể với lễ tục Tá thổ (thuê đất, cũng nhằm tạ ơn), nhất là tín ngưỡng Tiền hiền chung chung, hoàn toàn cố ý ẩn tàng bớt những yếu tố khai (khai canh, khai khẩn) một cách cụ thể, rõ ràng. Các ngài Tiền hiền, rồi các nhân vật lịch sử có công lớn với làng nước được hiển linh thành phúc thần, được triều đình chính thức ban tặng sắc phong nên trong nhiều trường hợp, hình thành nên hệ nhân thần mới trên vùng đất mới, hoàn thiện thần điện làng Việt miền Trung, như các vị Tiền hiền, Hậu hiền (khai canh khai khẩn ở vùng Huế) vượt khỏi khuôn khổ văn hóa gia tộc, trở thành nhân thần của làng xã.
Căn cứ các nguồn sử liệu thì rõ ràng, người Việt đã sớm di cư về phương Nam, chính thức sau những đợt Nam chinh, lực lượng quân binh ở lại cộng cư với cư dân bản địa hoặc gắn liền những đợt di dân lớn của triều đình phong kiến phát động, cho tới cả các quá trình di cư tự phát vốn diễn ra rất phổ biến theo chính sử ghi nhận từ Toàn thư, Cương mục, nổi bật ở các mốc lịch sử như 1069, 1306, 1470-1471 hay phổ biến từ sự kiện Mậu Ngọ (1558) về sau. Điều đáng tiếc là trải qua nhiều tác động, miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng đã bị mất mát, hư hại nhiều di sản Hán Nôm quý giá lưu dấu rõ nét những trang vàng gia sử, hương sử lẫn quốc sử. Vì vậy, di sản tài liệu Hán Nôm trong Quảng Nam tỉnh tạp biên, là nguồn dữ liệu quý giá, thiết thực góp phần phác thảo, tiếp cận bức tranh lịch sử văn hóa làng quê Quảng Nam.
Làng Câu Nhi – Điện Bàn
Ở làng Câu Nhi bên bờ sông Ô Lâu (Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị) có văn bản Thỉ thiên từ năm Thuận Thiên 2 (1429), qua nhiều lần sao truyền từ đời Lê đến đời Nguyễn, nhấn mạnh bối cảnh “tân dân” của người Việt trước người Bồng Nga đa số. Ở xứ Quảng, văn bản có đề cập đến câu chuyện tương tự là ở họ Thân làng Câu Nhi (Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam), với vị thủy tổ từng đến đây từ thời nhà Hồ.
Làng Quảng Đại – Duy Xuyên
Trong văn bản ghi chép về ngài khai canh họ Nguyễn (năm Cảnh Trị 2 [Giáp Thìn – 1664]) ở làng Quảng Đại, huyện Duy Xuyên (nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) có đề cập đến nội dung di cư vào Nam từ cố hương đất Bắc để khai lập làng xã. Theo đó thì những người dân gốc từ xã Khuông Phụ, phủ Hạ, thừa tuyên Hải Dương, nước Đại Việt kê khai rằng trước đây, ngài Thủy tổ Nguyễn Văn Thiết từ đời Hồng Đức theo vua Lê Thánh Tông vào thu giữ đất này, có ban chiếu trong thiên hạ rằng các vùng ruộng đất hoang vu thì cho mộ dân khai khẩn. Ngài thủy tổ tình nguyện ở lại Ô châu, tức xứ Quảng Nam, cùng với các ngài Nguyễn Viết Lợi, Lê Nhân kết làm bằng hữu, đồng lòng đến Quảng Đại mở ra ba khoảnh lập miếu vũ, hai khoảnh lập nơi cư trú, cùng bỏ tiền mộ dân khai phá đất hoang, lập thành làng xóm. Văn bản thời Cảnh Trị nói rõ “nay xem lại tích cũ, biên chép ra đây” rồi ghi rõ ngài Thủy tổ Nguyễn Văn Thiết, tự là Kim Phô, mộ táng tại xứ Cồn Chùa. Từ đó truyền thừa đến đời con là ngài Tiên Tiên tổ Nguyễn Văn Thì, cháu là ngài Tiên tổ Nguyễn Văn Huynh, rồi chắt là ngài Cao tổ Nguyễn Văn Hư, v.v.
Văn bản ruộng thờ Tiền hiền ngày 4/11/Đồng Khánh 3 (1887) của toàn thể hương chức xã Quảng Đại cùng lập giấy đồng thuận đặt ruộng thờ Tiền hiền đã khẳng định “Hữu khai tất tiên, khắc xương quyết hậu” (Công khai sáng của tổ tiên, làm rạng rỡ đời sau). Nơi đây làng xã đã được thiết lập từ xa xưa, ngay từ buổi đầu chưa kịp tu chỉnh bộ đinh bộ điền vẫn ghi nhận rõ nét công lao của các họ Nguyễn Văn, Lê Văn, Nguyễn Đăng, Trần Văn, Nguyễn Chính, Lê Phúc, Lê Quốc là Tiền hiền Hậu hiền lập đàn mở đất, tu chỉnh đinh bạ điền bạ, để lại công đức to lớn mãi cho muôn đời sau.
Đến cuối thế kỷ XIX, hầu như các vị thủy tổ đều được gia tộc thờ phụng riêng nhưng việc phụng thờ chung lại chưa được làng xã thực hiện để nêu cao công đức của tiền nhân. Cho nên, tiền nhân khai canh lập ấp đã để lại cho hậu thế bao điều tốt đẹp cho con cháu 7 dòng họ và cao cả hơn, là cho cả cộng đồng làng xã. Hưởng đức mà chưa đền ơn, thì lấy lễ để bày tỏ tình cảm, cúng tế do nghĩa xuất phát từ lòng người, mọi người đều rất vui khi được làm điều đó. Cho nên, dân làng đồng thuận trích 4 mẫu công điền đặt làm ruộng thờ và hàng năm, vào tiết Thanh Minh tháng 3, hội tế Tiền hiền Hậu hiền một mâm để đền đáp công ơn lớn lao đó.
Thôn Trường An, tổng Đại An Thượng, huyện Diên Phúc, phủ Điện Bàn
Trong văn bản “cung lục truy ân” của họ Trần, do cháu đời thứ bảy là Trần Văn Vũ phụng kê thế thứ, viết ngày 16/5/Tự Đức 14 (1861) nhấn mạnh công lao khai phá mở đất lập làng của ngài Đệ nhất thế Thủy tổ Trần Đại Lang, người vốn quê gốc ở xã Khuông Phụ, phủ Hạ Hồng, thừa tuyên Nghệ An, từ năm Nhâm Thìn thời Vĩnh Thịnh (năm thứ 8 – 1712) đã đến xứ nguồn Ô Da để khai khẩn hoang thổ, quy lập thôn hiệu, sau trở thành thôn Trường An. Từ đó, con cháu họ Trần ngày càng sinh tụ, trãi bốn đời (Trần Đại Lang -Trần Tiến Nghiệp – Trần Tiềm – Trần Loan, Trần Bằng, Trần Chế), công đức to lớn trong việc khẩn hoang, trưng thổ để định nên địa bạ thời Gia Long. Đến thời Tự Đức, con cháu truyền thế đến đời thứ 9.
Làng Cẩm Phô, huyện Diên Phúc, phủ Điện Bàn
Tờ khai đất đai ngày 14/8/Thái Đức 8 (1785) của lão Điển, tức Hoàng Viết Mỹ cho biết xã Cẩm Phô vốn thuộc nội phủ (cựu nội phủ, trực thuộc phủ chúa thu thuế). Theo đó, vâng theo tờ truyền cho các phường xã thôn trong tổng của các huyện thuộc 2 phủ kê khai ruộng đất, có thể ruộng nhiều mà nộp thuế ít, nên nhà nước cho tự khai và trình bày rõ ràng minh bạch vị trí, xứ sở. Ông kê khai ruộng tư do ông nội để lại và ruộng thực canh, đã được kê khai từ trước tại các nơi của xã Cẩm Phô, như Ruộng ở Cồn Giữa 2 sào, 15 sào có văn khế ông nội để lại.
Đặc biệt là trong văn bản quy định về việc tế Khai cơ và Tiên hiền của xã năm Gia Long 8 (1809), cho thấy tín ngưỡng tiền hiền đã sớm được định hình rõ nét, điển chế hóa trong đời sống văn hóa làng xã Quảng Nam, như là một đại lễ chốn làng quê, phải dùng heo bò trâu theo lệ định một dạng tam sanh đặc biệt.
Làng Nông Sơn, tổng An Thái Thượng, huyện Diên Phúc, phủ Điện Bàn
Việc phong tặng bách thần là một vấn đề then chốt để an dân, đảm bảo đời sống văn hóa làng xã luôn vận hành trong hệ qui chiếu chuẩn mực của thuần phong mỹ tục, được nhà nước qui định và bảo trợ. Văn bản ngày 16/7nhuận/Minh Mạng 5 (1824) do Nguyễn Đình Quý, Võ Văn Hòa cùng toàn dân xã Nông Sơn kê khai rõ thần vị để xin triều đình ân chuẩn ban cấp sắc phong. Trước đây làng xã có lập các tòa tự miếu để thờ các thần vị, mỗi khi có cầu đảo hay giải hạn đều rất linh nghiệm, nên dân làng được phù hộ rất nhiều và trong vùng, người dân thực sự yên ổn nhờ ơn trên phò hộ. Từ đầu thời Minh Mạng, triều đình ban chiếu cho các xã thôn có phụng thờ các thần vị trong tự điển, có công đức với dân với nước thì đều cho kê khai để chuẩn phong tặng. Với văn bản hướng dẫn của triều đình như vậy, làng Nông Sơn kiểm tra hiện trạng thì nhận thấy rất đáng tiếc, xét trong sổ bộ cũ thì không có sắc phong nào được triều trước ban tặng, các sự tích trong làng lại bị mất mát từ lâu, khó mà khảo cứu được.
Đến năm Minh Mạng 5, triều đình có hướng dẫn cụ thể hơn khi “Hoàng thượng rộng gieo thánh đức, phàm các xã hiện có thần linh ứng nghiệm, bất hoặc là có hay không các sắc cũ đều được ban phong, v.v., mạo muội ngưỡng mong ơn trên soi sáng, mở lòng nhân từ cho các thần ở xã chúng tôi được thăng hạng. Không chỉ dân xã chúng tôi được cảm kích vô cùng mà thần của xã chúng tôi cũng được nương nhờ đức lớn, từ đó vì nước giúp dân để báo đáp”.
Làng Vu Gia, tổng Quảng Đại Thượng, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa
Trong văn bản Phó ý bổn Tiền hiền khai khẩn của làng Vu Gia được ghi nhận qua bản sớ văn nhân kỳ giỗ chạp ngày 22/8/Kỷ Tị (1929, 1869?) của làng cho biết nhiều thông tin quan trọng. Làng tôn thờ các vị Tiền tiền hiền khai khẩn (24 vị họ Đỗ Văn, Đỗ Thanh, Đỗ Đăng; 13 vị họ Hà Duy;12 vị họ Ung Văn; 14 vị họ Thái Phúc; ngài Nguyễn Phúc An, [?] Văn Bảng; 02 vị họ Võ Công, 2 vị họ Trần Văn) cùng các vị Tiền hậu hiền khai khẩn, Tiền khai cư Hậu khai canh và các vị khác trong Thập nhị tôn phái. Để khắc ghi công ơn của tiền nhân, từ ngày 22/8/Tự Đức 30 (1877), toàn bộ dân binh, hào mục, lý dịch, quan viên chức sắc trong làng cùng nhau họp bàn, lập nên bản giao ước về truyền thống đạo nghĩa đặc biệt này.
Thôn An Lâm, tổng Đông An, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa
Trong biên bản đóng góp công của cho việc dựng đình ngày 17/3/Minh Mạng 16 (1835) của thôn An Lâm có cung cấp thông tin về việc từ năm Minh Mạng 6 (1825), thôn đã có lập giấy ký chỉ cùng thuận việc góp cột kèo để tạo dựng đình mới. Tuy nhiên, đáng tiếc là không có ai đứng ra đảm nhận công việc nên mọi chuyện trì hoãn, mãi vẫn chưa hoàn thành, cột kèo chưa được hội đồng thu nhận. Trước đây, thôn dân đã có một tòa đình lợp tranh, một tòa miếu gạch để phụng thờ nhưng cũng đã lâu năm, hiện trạng bị mục nát rã rời. Thậm chí nếu có nhận lãnh sắc phong, cũng không có nơi trang trọng để thiết trí thờ phụng, nên bàn định cùng nhau cử người mua chỗ đất đẹp ở xứ Cây Mai để mở rộng cơ ngơi, cung lập đình mới, trông cho vuông vức đẹp đẽ. Tu bổ miếu vũ làm nơi phụng thờ thần linh để dân làng được bình yên. Dân trong thôn gặp tình trạng lưu tán, hoặc giàu nghèo không giống nhau, nên cần cân nhắc suy xét cho hợp lý. Hơn nữa, thôn dân có cả già trẻ trai tráng, nay tạo lập đình cho thần thì mọi người, mọi việc đều hết lòng vì bổn phận mà theo. Cho nên xét trong thôn, toàn thể binh đinh, số người già trẻ các hạng ai cũng ít nhiều nhiệt tâm, cùng nhau bàn bạc phân chia cột kèo. Nhiệm vụ hoàn thành thì thần linh có chỗ thờ tự mà lòng người nhờ đó cũng được yên ổn. Tóm lại, phân bổ gỗ ván, ai người nhận lãnh, quy cách vuông tròn, thước tấc dài ngắn, màu sắc loại gỗ cùng số người các hạng đóng góp tiền bạc, toàn bộ đều được ghi chép ra một cách rõ ràng, cụ thể.
Làng Phú Hương, tổng Đức Hòa Thượng, huyện Đại Lộc
Tương tự trường hợp làng An Lâm, chúng ta có thể nhận thấy nhiều thông tin quan trọng trong tờ đơn xin cấp sắc bằng Tiền hiền ngày 1/4/Thành Thái 15 (1903) của làng Phú Hương. Bảng kê khai lịch sử truyền đời của làng cho biết ngài Tiền hiền là Nguyễn Văn Bằng bỏ công ra khai thác trong xã, đến ngài Hậu hiền Nguyễn Văn Trực càng tỏ rỏ công đức. Cho nên toàn bộ xã dân đồng thuận định lệ hàng năm làm mâm cỗ cúng tế hai vị Tiền hiền Hậu hiền, mỗi vị mỗi mâm, để nhớ tới công đức to lớn của tiền nhân. Văn bản này chỉ là sự khẳng định lại một văn bản từng có trước đây của xã, đáng tiếc là do vị Hương chính đã qua đời là Nguyễn Văn Quýnh xui xẻo gặp lúc hỏa tai, nhà bị cháy nên các đơn bằng ấy cũng cháy mất.
Cũng một văn bản tương tự cho trường hợp làng Hà Tân (huyện Đại Lộc), có kê khai rõ danh sách Tiền hiền, Hậu hiền của làng, bao gồm các vị Tiền hiền là Phó đề lãnh Cẩm Lộc hầu, Cai huyện Kiêm Đức bá, Cai tổng Hùng Đức bá, Ký huyện Tân Lộc nam, Tú tài Nam Lộc nam, Thứ đội trưởng Cẩm Đức bá, Quế Lâm bá, huyện Lục ty lại Triêm Đức nam, Khang Đức nam, và Hậu hiền gồm có các vị Nguyễn Đăng Tường, Lê Tiến Tráng, Lê Công Sứ, Nguyễn Đăng Trượng, Phạm Đình Tiến.
Châu Đông Lâm, tổng Đại An Thượng, huyện Diên Phúc, phủ Điện Bàn
Từ thời Tự Đức, làng xã đã có đơn xin cấp bằng cắt đặt ruộng tế Tiền hiền, Hậu Hiền, theo tờ trình ngày 16/7/Tự Đức 17 (1864 ) của Lý trưởng Phạm Văn Thanh. Văn bản cho biết những thông tin căn bản về lịch sử khai lập làng xã. Nguyên người khai canh bạ năm Ất Tỵ (?) của châu Đông Lâm là Trần Văn Lân, Trần Văn Như. Đến năm Tân Mùi kiến bạ (có thể là các năm 1811, 1751, 1691, 1631…?), thì nhánh của ông Trần Văn Lân là Lý trưởng Trần Văn Luận lập bạ xong xuôi. Ông Văn Luận bị bệnh mất, người con của ông Văn Như là Lý trưởng Trần Văn Thịnh nhân theo bạ đó mà lập ra châu này. Người dân và hương chức trong châu, nghĩ đến công lao tạo dựng ấy nên lập thành Tiền hiền Hậu hiền. Cứ đến kỳ tế lễ, đặt tế phẩm giao cho 2 nhánh ấy nhận cúng. Trong châu lại đặt một mẫu ruộng thờ để lệ hằng năm tế lễ, giao cho Lý trưởng nhận canh tác, đặt thành hương lệ.
Thôn Giảng Hòa, tổng Phú Mỹ, phủ Thăng Hoa
Trong văn bản xin ban cấp sắc bằng của họ Lê nơi đây đã kê khai rõ nét lịch sử khai phá lập làng của tiền nhân. Ngài thủy tổ của họ Lê là Lê Văn Trạch, vốn người ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An. Vào thời Cảnh Trị (1663 -1671), người con của ngài Lê đại lang theo quan Tham tụng đến Hoa châu thuộc châu Hòa Quân, dinh Quảng Nam, đem hết sức mình khai phá, xây dựng nên thôn Giảng Hòa. Đến năm Thái Đức thứ 8 (1785), ông nội bác của ông Văn Luân – người đứng đơn này, có đơn khai trình rằng ông nội có để lại và khai thác đất trồng dâu tổng cộng là 2 mẫu 7 sào, mọi khoản đều có gia phả, văn bằng truyền lại mãi mãi.
Tiểu kết
Di sản Hán Nôm làng xã và dòng họ Quảng Nam rất phong phú nên chúng tôi càng chú trọng tới việc dữ liệu hoá kho tàng di sản văn hoá đặc biệt này từ các TT lưu trữ quốc gia, thư viện khắp cả nước, nhất là trong các “bảo tàng – thư viện đặc biệt” của mỗi một làng xã và dòng họ ở ngay chính trên địa bàn, hay trong nhiều trường hợp được con cháu di chuyển ra các tỉnh thành, thậm chí cả ở hải ngoại. Linh hồn của di sản Hán Nôm chứa đựng, đề cập đến nhiều nội dung quan trọng về lịch sử, văn hóa Quảng Nam nói riêng và cả quốc gia dân tộc nói chung. Một vấn đề đặt ra cấp thiết là xưa nay các cộng đồng làng xã và dòng họ bảo quản loại hình di sản này một cách thiêng liêng, trân trọng, nhưng hiện nay lại thiếu nhiều điều kiện để bảo quản, ứng xử phù hợp như với một di sản văn hóa đặc biệt trước nguy cơ bị hủy hoại hoặc thâm chí là trộm cắp.
Do vậy, thiết nghĩ cần xây dựng cơ chế, chính sách, phương thức hỗ trợ theo hướng xã hội hóa cho cộng đồng làng xã và gia tộc Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung trong việc bảo quản hiện vật và bảo tồn di sản văn hóa Hán Nôm một cách thiết thực. Trân trọng di sản vật chất của tiền nhân để lại, đồng thời với việc khơi gợi những nội dung cốt lõi trong giá trị tinh thần từ những thông điệp của truyền thống sẽ thiết thực giáo dục truyền thống đối với lớp trẻ, bồi bổ đạo hiếu gắn liền truyền thống uống nước nhớ nguồn mang đậm sắc thái văn hóa Quảng Nam. Việc dữ liệu hóa di sản Hán Nôm Quảng Nam là công việc rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, kịp thời lưu giữ, sưu tập và dữ liệu hóa, phân tích xử lý để trở lại góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần to lớn đó của tiền nhân hòa nhịp vào cuộc sống của xã hội hiện đại. Chương trình nghiên cứu lâu dài của Phân Viện Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế từ hơn 20 năm nay từ việc chú trọng thu thập tài liệu tại các nơi lưu trữ, thư viện trong và ngoài nước, kết hợp khảo sát thực địa sưu tầm di sản tư liệu Hán Nôm, phối hợp với các đối tác liên quan, trong đó có chương trình hỗ trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) và Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VNCDLL) càng mang nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Tiền hiền – gia tộc xưa mở cõi lập làng, phát quang phong khí thì nay trong bối cảnh xã hội hiện đại, sự hội tụ tinh thần gia tộc, bồi bổ nguyên khí để vững bền gốc rễ từ cội nguồn gia tộc, làng xã cho tới nhà nước cũng là công việc muôn phần ý nghĩa.
Tác giả: TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.
Biên tập: Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).
Tài liệu tham khảo
- Hội Folklore Đông Dương (1940s), Quảng Nam xã chí, Thư viện viện Nghiên cứu Hán Nôm, Mã số AJ.23/1 – 23/8.
- Hội Folklore Đông Dương, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (1930 – 1940), Thần tích thần sắc Quảng Nam. H.: Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội.
- Huỳnh Công Bá (1996), “Bắc địa tấu từ – Lời tâu về đất Bắc của những người đi khai khẩn đất Điện Bàn (Quảng Nam – Đà Nẵng) dưới thời Lê”, T/c Hán Nôm, số 4.
- Huỳnh Công Bá (1996), Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII, Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Lịch Sử, H.: Bộ Giáo dục và Đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội – Trường Đại học Sư phạm.
- Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch của Viện KHXHVN), H.: (1998) Nxb. KHXH, T. II, tr. 90-91.
- Ngũ xã Trà Kiệu (1924), Tờ khai xin sắc phong, Tài liệu lưu giữ tại làng, bản sao chụp của Phân Viện VHNTQG Việt Nam tại Huế, tháng 10/2015.
- Nguyễn Bội Bảo Lộ, Thần nữ linh ứng truyện (Hồ Mộng Truân phụng duyệt), bản lưu tại lăng Bà chợ Được. Bản dịch của Lê Đình Hùng, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, tháng 12/2015.
- Nguyễn Hữu Thông [Chb], Trần Đình Hằng, Lê Anh Tuấn (2007), Mạch sống của hương ước trong làng Việt Trung bộ: dẫn liệu từ các làng ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
- Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế (2016-2020), Tài liệu điền dã thu thập tài liệu Hán Nôm làng xã và dòng họ Quảng Nam, Huế: Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.
- Quảng Nam tỉnh tạp biên, Tài liệu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số A. 3116, A. 3116A, A. 3116B, A. 3116C, bản số hóa lưu tại Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, Lê Minh Khiêm, Lê Thọ Quốc dịch.
- Quảng Nam tỉnh tạp biên, Tài liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số A. 3116, A. 3116A, A. 3116B, A. 3116C, bản sao chụp của Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.
- Sở VHTT Quảng Nam (2001), Văn hoá Quảng Nam – Những giá trị đặc trưng: Kỷ yếu HTKH, Quảng Nam: Sở VHTT Quảng Nam.
- Tôn Thất Hướng (2012), Vài nét về di sản Hán Nôm ở Quảng Nam, T/c Di sản Văn hóa, số 3 (40)/2012.
- Trần Đình Hằng (2020), “Tín ngưỡng tiền hiền và văn hóa dòng họ Quảng Nam”, trong sách Văn hóa Quảng Nam: Động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững, Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam.
- Trần Đình Hằng [Ch.b], Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Nguyễn Hữu Thông… (2017), Nghiên cứu giá trị đặc trưng và đề xuất hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống làng Việt Quảng Nam, Quảng Nam: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, Sở KHCN tỉnh Quảng Nam.