“Nghề nào cũng cần cái tâm, nhưng có lẽ nghề thầy giáo và thầy thuốc là cần nhất… Một em bé bị viêm hô hấp trên, vậy có chỉ định chụp X quang phổi hay không? Hãy cố gắng phân tích thêm thật kỹ dấu hiệu lâm sàng để nếu có thể tránh được cho cháu chụp X quang thì tốt, giảm bớt nguy cơ nhiễm tia X cho cháu.” – PGS.TS.BS.TTND. Trần Minh Điển chia sẻ về chữ Tâm trong nghề thầy thuốc nhi khoa.
“Với nhi khoa phải thận trọng, chính xác trong từng bước”
Truyền thống văn nhân của trấn Hải Dương xưa ảnh hưởng gì đến con đường lựa chọn ngành y của ông?
Tôi sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hải Dương – cái cái nôi văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi người dân cần cù, sáng tạo, đặc biệt hiếu học. Sự nhẹ nhàng và êm đềm của tuổi thơ và truyền thống gia đình đã tạo nên tính cách của tôi. Cha tôi là người định hướng nghề nghiệp cho các con theo khả năng của con mình. Ông mong muốn các con hoặc là giáo viên hoặc là thầy thuốc.
Thực tế sau này những lúc thấy trẻ con ốm, quấy khóc, các bố mẹ vất vả, tuy nhiên khi được các bác sĩ thăm khám và điều trị, các cháu khỏi bệnh và vui tươi trở lại, bố mẹ các cháu thấy vui, hết mệt mỏi lo âu, tôi nghĩ có lẽ mình hợp với nghề bác sĩ nhi khoa. Trong suốt hai năm cuối đại học, 3 năm nội trú, và gần 20 năm là bác sĩ điều trị trực tiếp cho các bệnh nhi, tôi thực sự yêu chuyên ngành này và cảm nhận được nghề chọn người.
Trong mỗi giai đoạn đó, tôi đều có được những người ảnh hưởng và giúp đỡ: lựa chọn khi học chuyên khoa nhi và phấn đấu thi đỗ nội trú nhi, tôi có ảnh hưởng của bạn bè cùng chí hướng; lựa chọn chuyên ngành hồi sức nhi và học bậc tiến sĩ, tôi được các thầy cô tư vấn, dạy dỗ, các anh chị đồng nghiệp hỗ trợ. Khi tốt nghiệp tiến sĩ, GS.TSKH. Lê Nam Trà căn dặn tôi: “ Trở thành tiến sĩ, có nghĩa là ngoài việc làm việc thật tốt chuyên môn chuyên sâu của người bác sĩ nhi khoa, còn cần tiếp tục nghiên cứu, và đặc biệt phải biết dạy dỗ, đào tạo các thế hệ tiếp theo”. Tôi đã và đang cố gắng thực hiện theo lời của thầy.
Truyền thống của Bệnh viện Nhi TW thể hiện qua những gì và ảnh hưởng đến ông thế nào?
Bệnh viện Nhi Trung ương (BVNTW) được thành lập ngày 14/07/1969, đến nay đã có trên 50 năm lịch sử. Truyền thống của BVNTW là đoàn kết, tận tâm với nghề, chất lượng trong chuyên môn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi ngành Y tế đã viết: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”. Có thể trong cùng một vấn đề, có các quan điểm nhìn nhận khác nhau, có tranh luận, nhưng tôi thấy tập thể lãnh đạo bệnh viện luôn có được đồng thuận để tìm ra phương án tốt nhất cho tổ chức, có lợi cho người bệnh.
Sự tận tâm với nghề là thái độ cực kỳ quan trọng – Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Trải nghiệm hơn 30 năm tại nơi đây, tôi mới hiểu được phần nào ý thơ này. Nghề nào cũng cần cái tâm, nhưng có lẽ nghề thầy giáo và thầy thuốc là cần nhất. Chúng tôi đem đến cho người bệnh từng lời hỏi thăm, khám lâm sàng, phân tích xét nghiệm, từng mũi kim tiêm, đường mổ, v.v. bằng sự thận trọng nhất. Một em bé bị viêm hô hấp trên, vậy có chỉ định chụp X quang phổi hay không? Hãy cố gắng phân tích thêm thật kỹ dấu hiệu lâm sàng để nếu có thể tránh được cho cháu chụp X quang thì tốt, giảm bớt nguy cơ nhiễm tia X cho cháu.
Chất lượng khám chữa bệnh nhi khoa cũng là truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ tại BVNTW. Từ các bệnh lý cơ bản đến các bệnh lý chuyên sâu, từ các thủ thuật, phẫu thuật đơn giản đến các cuộc đại phẫu đều được các thế hệ thầy thuốc truyền dạy, nối tiếp nhau, cập nhật với thế giới để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho trẻ em được an toàn và chất lượng.
Việc chẩn đoán, điều trị bệnh cho trẻ em có những nét đặc thù gì mà chỉ có thể được đáp ứng tại một bệnh viện nhi?
Khám chữa bệnh nhi khoa phải tuân thủ toàn bộ quá trình khám chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, với nhi khoa phải thận trọng, chính xác trong từng bước. Thông qua cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ để hỏi bệnh; khi thăm khám trẻ phải nhẹ nhàng để trẻ hợp tác. Đôi khi trong tình huống cấp cứu thì phải đánh giá thật nhanh những dấu hiệu đe doạ tính mạng trẻ, những dấu hiệu nào còn an toàn. Các cụ thường nói “cơm ba bát, thuốc ba thang”, có nghĩa cơm ba bát mới no, sau ba thang thuốc thì bệnh sẽ đỡ. Bản thân tôi hành nghề và sau này làm quản lý, luôn nhắc các bác sĩ, nếu sau một vài liều thuốc điều trị mà chưa đỡ thì phải luôn xem lại chẩn đoán, liệu trình đã thật phù hợp cho em bé chưa. Với bác sĩ nhi khoa cần phải trung thực, cẩn thận, tỉ mỉ, và nhạy cảm.
Về tổng thể, một bệnh viện nhi thì sẽ tốt hơn một khoa nhi của bệnh viện đa khoa. Bệnh viện nhi bao gồm các chuyên ngành khác nhau, mỗi chuyên ngành sẽ hỗ trợ nhau tốt nhất để có được những chẩn đoán chuyên sâu, không bị bỏ sót. Sự đặc thù của bệnh viện nhi chính là sự phối hợp hoạt động một cách gắn kết của các chuyên khoa lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, những người chuyên tâm cho bệnh tật trẻ em, thiết bị chuyên dụng cho trẻ em.
Một chuyên gia nhi khoa, ngoài khả năng chuyên môn như các y bác sĩ khác, theo ông sẽ cần thêm các kỹ năng nào khác để có thể đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh?
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết: “Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người: sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chǎng”. Lời răn dạy của Hải Thượng Lãn Ông còn nguyên giá trị đến ngày nay. Làm nghề thầy thuốc đòi hỏi mỗi chúng tôi phải trau dồi kiến thức chuyên môn, học tập suốt đời. Đặc biệt là thái độ của người thầy thuốc với nghề: phải hiểu mình là người chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em; các cháu có mau chóng khỏi bệnh hay không phụ thuộc vào mình. Khi tôi trở thành Giám đốc BVNTW, tôi đã đặt lời căn dặn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên vị trí trang trọng trong Hội trường lớn của Bệnh viện, để cho mỗi chúng tôi tự nhìn, tự căn dặn mình khi khám chữa bệnh cho các cháu bé hàng ngày.
Kiến thức chuyên môn nhi khoa, kỹ năng khám chữa bệnh nhi khoa là nền tảng quan trọng, nhưng thái độ yêu trẻ còn quan trọng hơn để cho các bạn thực hành nghề nghiệp hàng ngày tốt nhất, không bị buồn chán. Bạn cần phải kiên nhẫn với trẻ, không sợ trẻ quấy khóc, không sợ lời phàn nàn của cha mẹ trẻ, lắng nghe cha mẹ trẻ, cố gắng hiểu được mong muốn của họ.
“Dữ liệu bệnh học phong phú là tiền đề phát triển khoa học y khoa”
Ở một nơi như BVNTW, khối lượng khám chữa, điều trị bệnh trong tương quan với nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo ra sao?
BVNTW là bệnh viện chuyên khoa nhi đầu ngành bao gồm cả các chức năng khám chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm 2023, Bệnh viện tiếp nhận gần 1,2 triệu em bé đến khám chữa bệnh ngoại trú, hơn 120 nghìn em bé điều trị nội trú. Số liệu này giúp chúng tôi có được một mô hình bệnh học cực kỳ phong phú, số liệu lưu trữ đầy đủ theo thời gian, các phương pháp khám chữa bệnh, thăm dò hiện đại, đội ngũ thầy thuốc giỏi, chuyên sâu. Đây là điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Trong nhiều năm qua, BVNTW là địa chỉ tin cậy được Bộ KH&CN và Bộ Y tế giao cho các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Bệnh viện cũng chủ động phê duyệt các đề tài nghiên cứu cơ sở mang tính ứng dụng thực tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các đối tác khoa học trong nước và quốc tế cũng tin tưởng vào năng lực nghiên cứu của BVNTW để phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực sức khoẻ trẻ em, các đề tài thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia.
Hàng năm, các nhà khoa học của BVNTW luôn tích cực tìm kiếm đăng ký mới các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và quốc tế. Đặc biệt, vào năm 2023, chúng tôi đăng ký thành công dự án “Thiết lập khoảng tham chiếu cho các dấu ấn sinh học trong máu ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam” từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingoup (VinIF). BVNTW là đơn vị chủ trì. Dự án có sự tham gia của các nhà khoa học Bệnh viện và một số nhà khoa học trên thế giới. Đây là một dự án lớn, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, là cơ sở để các bác sĩ lâm sàng tham chiếu và áp dụng trong công tác khám chữa bệnh. Hiện tại chúng tôi đang triển khai và hy vọng đảm bảo tiến độ và chất lượng sản phẩm khoa học của dự án.
Từ các nghiên cứu này, các sản phẩm khoa học được áp dụng thực tế, các bài báo trong nước và quốc tế được xuất bản, chuyển giao công nghệ cho các tuyến, đào tạo các bác sĩ nội trú, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 2, tiến sĩ, v.v. Năm 2023, chúng tôi báo cáo thành công 1 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp tỉnh, thành phố, 23 đề tài cấp cơ sở, xuất bản 43 bài báo quốc tế, trong đó có 19 bài người đứng đầu là nhà khoa học của BVNTW.
BVNTW cũng là nơi thực hành của sinh viên nhiều trường đại học khối ngành sức khoẻ trong nước và quốc tế. Hàng năm, chúng tôi tiếp nhận hàng nghìn sinh viên, học viên sau đại học từ khắp các trường, viện. Tại đây các sinh viên, học viên được học tập trong một môi trường đầy đủ về mô hình bệnh lý nhi khoa, các phương pháp khám chữa bệnh hiện đại, và đặc biệt là được đội ngũ thầy thuốc giỏi giảng dạy lâm sàng. Hơn nữa, Bệnh viện có các chương trình đào tạo theo chuyên đề chuyên sâu, tiếp nhận các học viên trong nước và quốc tế đến nâng cao trình độ trong chuyên ngành nhi khoa.
Việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện đang là xu hướng tất yếu của mọi tổ chức trong xã hội. BVNTW đang xúc tiến việc này thế nào?
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành y tế cũng không nằm ngoài xu hướng này. Cuối năm 2022, ngay sau đại dịch COVID-19, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Bệnh viện đã ra Nghị quyết về việc thực hiện Đề án chuyển đổi số toàn diện trong các hoạt động chuyên môn, quản lý điều hành. Tuy nhiên, với nhiều lý do khách quan và chủ quan, đến đầu năm 2024 mới bắt đầu thực hiện với những trình tự, thủ tục pháp lý đầu tiên, thẩm định chủ trương chuyển đổi số, thực hiện ở cả cơ sở chính La Thành và cơ sở 2 Quốc Oai.
Chúng tôi đã xác định giai đoạn 2024 là thực hiện đảm bảo hạ tầng được đầy đủ tại cơ sở 2 Quốc Oai, nâng cấp tại cơ sở La Thành. Tiếp theo đó là lộ trình 2025 – 2026 đảm bảo thực hiện Bệnh án điện tử tại cả hai cơ sở, mục tiêu là bệnh viện thông minh, giảm thiểu các hoạt động thủ công, không giấy, không in phim, v.v.
Với việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và đưa ra các phác đồ điều trị bệnh, theo ông vai trò của người bác sĩ sẽ có những thay đổi gì?
Ứng dụng AI trong y học ngày càng có những bước phát triển ngoài sức tưởng tượng. Với nguyên tắc dựa trên hệ thống dữ liệu, tập hợp, phân tích, từ đó đưa ra được những khoảng giới hạn tham khảo. Khi áp dụng cho một tập hợp dấu hiệu bệnh cụ thể của người bệnh, sẽ tạo ra được chẩn đoán và phương pháp điều trị, phần nào cá thể hóa người bệnh được điều trị.
Về nguyên tắc thì là vậy, tuy nhiên AI có thể chỉ giúp cho một công đoạn nào đó, ví dụ phân tích chẩn đoán hình ảnh, phân tích và tập hợp các xét nghiệm, tư vấn xét nghiệm, còn lại với chẩn đoán cuối cùng, thiết lập phác đồ điều trị cụ thể cho mỗi người bệnh thì vai trò của bác sĩ vẫn phải là chính. Hiện Luật Khám chữa bệnh cũng mới chỉ khuyến khích đưa AI vào hỗ trợ quá trình khám chữa bệnh. Vai trò của bác sĩ vừa là chủ thể thực hiện, cũng vừa là người hỗ trợ tạo ra AI. Trong thời gian qua, BVNTW cũng đã có nhiều dề tài khoa học về lĩnh vực này. Chúng tôi đã và đang tích cực áp dụng AI vào công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em.
“Mô hình y tế lý tưởng phải lấy người dân làm trung tâm”
Mô hình y tế trên thế giới rất khác nhau giữa các quốc gia. Ông có hình dung về một mô hình y tế lý tưởng sẽ như thế nào?
Mô hình y tế là tấm gương pháp ánh điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi đất nước. Không có mô hình nào giống nhau hoàn toàn giữa các quốc gia. Một mô hình y tế lý tưởng là lấy người dân là trung tâm, được chăm sóc, đảm bảo sức khỏe về thể chất, tinh thần, xã hội, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Tại Việt Nam, mô hình y tế bao gồm y tế dự phòng, y tế điều trị, mạng lưới y tế được bao trùm từ cơ sở đến trung ương. Chúng ta đã có thành công vượt bậc về chăm sóc sức khỏe người dân so với điều kiện kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều công việc phải làm. Gần đây, ngay tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cho y tế cơ sở và y tế dự phòng, đầu tư phát triển hạ tầng, chi an sinh xã hội. Đây là những chủ trương, nghị quyết rất cụ thể cho việc chăm sóc sức khỏe người dân.
COVID-19 thực sự đã tạo ra một sự thay đổi to lớn trong xã hội và mỗi cá nhân con người về nhân sinh quan. Trong y tế, theo ông có những thay đổi mang tính nền tảng nào không để con người có thể ứng phó với một tương lai bất định?
COVID-19 là một đại dịch bệnh chưa có tiền lệ. Trong tương tai, có thể chúng ta sẽ còn gặp những dịch bệnh khó lường tương tự. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố biến đổi của vi rút, sự thay đổi hành vi con người, hiệu quả của các biện pháp kiểm soát dịch không đạt kỳ vọng, v.v. Có sự thay đổi nào mang tính nền tảng hay không để con người khả năng ứng phó với một tương lai bất định là câu hỏi khó trả lời. Qua đại dịch COVID-19, cả hệ thống và ngành y tế đã có được nhiều bài học kinh nghiệm, cho cả tầm vĩ mô và vi mô.
Sự thay đổi mang tính bền vững chính là sự chuẩn bị nguồn lực thật tốt, không chỉ nguồn lực y tế mà phải là nguồn lực quốc gia. Nhìn chung, cả hệ thống và cá nhân mỗi người dân phải sẵn sàng thích nghi, ứng phó linh hoạt với sự thay đổi liên quan đến dịch bệnh tương lai.
Phó giáo sư đánh giá thế nào về việc phổ biến những kiến thức y học thường thức tới đại chúng?
Mỗi người dân đều phải có kiến thức cơ bản về chăm sóc y tế. Chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa, một cách hệ thống, nội dung thống nhất các kiến thức y học thường thức đến người dân. Bản thân tôi từ khi là một bác sĩ trẻ đã tích cực tiếp cận người dân để đưa ra những thông diệp về cách nuôi dạy trẻ, cách chăm sóc khi trẻ ốm, v.v., đồng thời phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để truyền thông chăm sóc sức khỏe trẻ em. Tôi cũng thực hiện các bài giảng, buổi nói chuyện với các bác sĩ trẻ, với đồng nghiệp để thống nhất các nội dung truyền tải, hướng dẫn cách thức truyền thông hiệu quả kiến thức y học thường thức.
Là 1 trong 10 cá nhân vừa được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024, cá nhân ông có những cảm nghĩ gì về sứ mệnh của mình và của BVNTW, nơi mình đang là lãnh đạo? Ông có muốn gửi thông điệp gì tới thế hệ các bác sĩ trẻ?
Sứ mệnh của BVNTW đã được Tập thể Lãnh đạo Bệnh viện thông qua, đó là “Chuẩn mực mọi nguồn lực nhằm cam kết cung cấp giải pháp tối ưu chăm sóc sức khỏe trẻ em”. Sứ mệnh này đòi hỏi tất cả mỗi cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện cùng nhau thực hiện, đem đến sự tận tâm, chất lượng khám chữa bệnh vì sức khỏe trẻ em Việt Nam. Bản thân tôi cũng vậy.
Khi bắt đầu nhận trách nhiệm Giám đốc bệnh viện, tôi đến khoa khám bệnh nơi rất đông trẻ đến khám. Tôi đã rất lo lắng liệu mình có đủ sức cùng các đồng nghiệp đảm bảo an toàn cho các cháu hay không? Cha mẹ các cháu có trải nghiệm tích cực khi khám bệnh hay không? Tham dự một cuộc thi kéo co khi hàng nghìn viên chức hò reo vui vẻ, tôi lại lo thắt lòng: mình có đủ sức đảm bảo vị trí việc làm, thu nhập của anh em hay không? Mọi người có thực sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của mình hay không? Đến làm việc tại công trường xây dựng Cơ sở 2 Quốc Oai tôi lại băn khoăn: mình là bác sĩ, không có chuyên môn quản lý xây dựng, liệu công trình có đảm bảo tiến độ và chất lượng hay không? Đọc một bản báo cáo tài chính, sổ thu chi cuối tháng, tôi cũng sợ rằng liệu mình đã làm đúng theo quy định pháp luật hiện hành chưa? Rất nhiều các công việc theo bảng mô tả vị trí việc làm của người Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện đòi hỏi tôi phải thực sự bình tĩnh, sáng suốt, công tâm, tin tưởng tập thể lãnh đạo Bệnh viện, tin tưởng mỗi cán bộ viên chức, người lao động trong Bệnh viện. Quan điểm lãnh đạo của tôi là: tuân thủ và thượng tôn pháp luật, lắng nghe và thái độ tích cực khi giải quyết công việc.
Các đồng nghiệp bác sĩ trẻ của tôi rất giỏi, các bạn tiếp thu được những kiến thức chuẩn mực từ trường đại học, lựa chọn từ sách vở; các bạn cũng có được những kỹ năng nghề nghiệp tốt được truyền dạy từ các anh chị đồng nghiệp dựa trên mô hình bệnh cực kỳ phong phú từ BVNTW. Trên nền tảng kiến thức và kỹ năng đó, các bạn chú ý hơn đến thái độ tích cực khi làm việc, khi khám chữa bệnh. Đây chính là lời khuyên của tôi cho các bác sĩ trẻ hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!
PGS.TS.BS.TTND. Trần Minh Điển tốt nghiệp ngành y năm 1991, lấy bằng thạc sĩ – bác sĩ nội trú năm 1995 và bằng tiến sĩ Chuyên khoa Nhi năm 2010 cùng tại Đại học Y Hà Nội. Ông cũng tham gia và lấy chứng chỉ các chương trình đào tạo nâng cao như Thực tập sinh nội trú tại Đại học Y khoa Thành phố Strasbourg (Pháp), Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Grigg (Mỹ), các khóa đào tạo chuyên môn khác tại Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ý, Thụy Điển, Úc và Mỹ. Năm 2014, ông được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn Phó giáo sư. Năm 2021, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (TTND). PGS. Trần Minh Điển có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, đặc biệt là hồi sức cấp cứu nhi. Từ năm 2021 đến nay, ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương – đơn vị đầu ngành cả nước về nhi khoa. Năm 2022, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2027. Với những cống hiến cho ngành y học và khoa học nước nhà, PGS.TS. Trần Minh Điển đã vinh dự trở thành 1 trong 10 cá nhân và 10 tập thể được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024, chủ đề “20 năm khơi nguồn sức mạnh Việt Nam”.
Tác giả: Nguyên Khê – Thủy Lê
Ảnh: NVCC
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup tổng hợp.