“Giáo dục là một công việc đặc biệt khi mình càng nhiều tuổi thì lại tiếp xúc được với những thế hệ càng trẻ, từ đó con người, tâm hồn, tư duy của mình cũng trẻ ra, ngay cả khi đầu đã bạc tóc. Tư duy trẻ dám nghĩ dám làm, dám dấn thân có lẽ cũng là một trong các động lực nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp của tôi và nhóm nghiên cứu.” – Đó là chia sẻ của PGS.TS. Ngô Hữu Mạnh, một nhà khoa học, thầy giáo luôn sẵn sàng dấn thân trên con đường nghiên cứu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Tính liên ngành đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”
Theo anh, trong thời đại gắn liền với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lĩnh vực cơ khí đang và sẽ có những thay đổi gì?
Thứ nhất, không chỉ riêng trong lĩnh vực cơ khí, mà nhìn chung trong kỷ nguyên số ngày nay, các ngành hầu như không có sự phát triển thuần túy như trước kia nữa, mà phải liên kết với nhau (liên ngành) thì mới có đủ nguồn lực và khả năng tạo ra được các sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Riêng trong lĩnh vực cơ khí, gắn với điện tử thì sẽ có ngành cơ điện tử, gắn với tin học sẽ ngành cơ tin, hay gắn với tự động hóa sẽ thành cơ khí – tự động hóa, v.v.
Thứ hai, cùng với sự liên ngành, chuyển đổi xanh trong cơ khí có sứ mệnh phải tạo ra được các sản phẩm mới như thiết bị, vật liệu mới, hay tái chế sản phẩm cũ, chuyển đổi quy trình để việc sản xuất và sử dụng trở nên thân thiện hơn với môi trường. Những sản phẩm mới này không những phải đáp ứng được các nhu cầu như trước mà thậm chí còn phải đảm bảo có nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Một ví dụ là các dòng máy CNC hiện nay ngoài việc thực hiện được các chức năng truyền thống, có thể được điều khiển và vận hành hoàn toàn từ xa thông qua wifi, v.v.
Thứ ba, sự liên ngành có khả năng tạo ra những phương pháp gia công mới, công nghệ chế tạo mới giúp tiết kiệm năng lượng và vật liệu quý. Đặc biệt, sự liên ngành còn có thể mang tới những công nghệ mới, phương pháp mới phi truyền thống đi ngược lại hoàn toàn các công nghệ, phương pháp truyền thống trước đây đã có. Chẳng hạn trong công nghệ in 3D kim loại: trước đây người ta đơn giản chỉ bồi đắp kim loại lỏng lên các cấu kiện, nhưng hiện nay đã phát triển tới mức có thể sản xuất liên tục 24/24 để tạo ra các sản phẩm rất phức tạp với chất lượng tốt như in cả một ngôi nhà, một cây cầu; công nghệ phát triển như vậy giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động, bởi như chúng ta biết, máy móc có thể làm việc liên tục mà không cần nghỉ.
Thứ tư, để làm chủ, tiếp cận các công nghệ và phương pháp gia công mới, thì việc bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực cũng ngày càng trở nên quan trọng. Làm sao đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có thể tiếp cận công nghệ nhanh hơn, tạo ra nhiều sản phẩm mới hơn, khả năng tiết kiệm nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường hơn. Sau cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là 5.0 nên đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên mới cần được đào tạo bài bản và học tập liên tục suốt đời mới có thể tiếp cận và đáp ứng tốt yêu cầu thực tế.
Theo anh, sinh viên kỹ thuật ngày nay cần trang bị những gì để dễ tìm được công việc như ý sau khi ra trường? Họ có những lợi thế và bất lợi gì so với các thế hệ sinh viên đi trước để phát triển trong lĩnh vực cơ khí nói riêng, trong các lĩnh vực kỹ thuật khác nói chung?
Sinh viên ngành cơ khí nói riêng, các ngành kỹ thuật nói chung đang có nhiều lợi thế trong xu thế phát triển công nghiệp của đất nước và thế giới. Tôi thấy rằng không chỉ sinh viên của các trường lớn có truyền thống như ĐH Bách khoa, ngay cả tại Trường ĐH Sao Đỏ nơi tôi đang làm việc, các bạn sinh viên ngành kỹ thuật ngay từ năm thứ 3 đã được các doanh nghiệp về tuyển dụng, trao học bổng, đưa đi đào tạo nguồn để phát triển làm đội ngũ cán bộ chủ lực của doanh nghiệp trong tương lai. Đó thực sự là điểm nổi bật, đáng tự hào mà tôi nghĩ trước đây, hiện tại và cả trong tương lai, ngành kỹ thuật có lẽ sẽ vẫn duy trì được tiềm năng thu hút như vậy nếu chất lượng đào tạo được duy trì và ngày càng phát triển.
Còn về mặt lợi thế hay bất lợi, tôi nhận thấy đối với thế hệ sinh viên 7x, 8x trước đây, do trình độ công nghệ thông tin chưa được phát triển nên chúng ta học tập chủ yếu thông qua tài liệu, sách vở, sự trợ giúp từ thầy cô,… nên việc học tập khá khó khăn, vất vả và sự tiếp cận thông tin chậm hơn so với sinh viên ngày nay. Các bạn sinh viên bây giờ thực sự rất thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin, tài liệu như vậy. Vì hiện nay, khoảng cách địa lý không còn quá quan trọng nữa, chỉ cần có internet và thiết bị thông minh như laptop, smart phone, v.v. là có thể tìm kiếm hầu hết thông tin cần thiết, nên các bạn nhìn chung là có lợi thế lớn so với thế hệ sinh viên chúng tôi trước đây. Đặc biệt, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) thì các thuận lợi này đang ngày càng ưu việt để các bạn sinh viên có thể có những sự phát triển vượt bậc so với thế hệ đi trước.
“Khởi nghiệp như một truyền thống, làm thầy như một mối duyên”
Câu chuyện khởi nghiệp của anh bắt đầu từ khi nào, và trải nghiệm từ một nhà khoa học trở thành một doanh nhân ra sao?
Tôi tiếp cận với lĩnh vực cơ khí từ rất sớm vì gia đình tôi có truyền thống về cơ khí, ô tô, và thực sự đã có định hướng sau khi học đại học xong sẽ về mở doanh nghiệp để nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, sau khi học đại học xong tôi lại quyết định đi làm việc khác, rồi sau đó về Trường ĐH Sao Đỏ làm giảng viên. Cơ duyên với nghề nhà giáo cứ như vậy đã gắn bó với tôi trên 20 năm. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tôi thường xuyên kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để gắn kết chặt chẽ quá trình đào tạo, nghiên cứu với thực tế sản xuất.
Nói vậy là để thấy dự định khởi nghiệp trong tôi đã khởi sinh từ lâu, nhưng quả thực khi dấn thân vào con đường này thì mới thấy vẫn còn rất nhiều ràng buộc, bỡ ngỡ và khó khăn mà mình phải nỗ lực để từng bước giải quyết. Vì vậy, khi nhận được sự tài trợ từ Quỹ Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Vingroup (Quỹ VinIF) trong một dự án khoa học và công nghệ với định hướng ứng dụng rất rõ ràng, nhóm nghiên cứu chúng tôi (cả trong nước và nước ngoài) mới manh nha ý định khởi nghiệp để tạo nên một dòng sản phẩm mới, công nghệ mới cung ứng cho thị trường. Chúng tôi hội ý rất nhiều, vạch ra nhiều phương án, mô hình phát triển để có thể đưa ý tưởng đó đi vào thực tế.
Bạn biết đấy, sự sáng tạo phát sinh trong quá trình làm việc. Đến giờ, chúng tôi có thể nói là đã rất nỗ lực vượt khó để có thể có sản phẩm đưa ra thị trường. Nhóm thành lập được một công ty là Dreamweldtech đặt tại Vương quốc Anh do TS. Nguyễn Văn Anh (ĐH Cranfield) làm đồng sáng lập và đồng chủ nhiệm dự án. Song song với Dreamweldtech, nhóm chúng tôi cũng đang hướng đến đa giải pháp, trong đó có hợp tác với một số doanh nghiệp mạnh về cơ khí chế tạo tại Việt Nam để nhanh chóng đưa sản phẩm phát triển tại thị trường trong nước.

PGS.TS. Ngô Hữu Mạnh đang vận hành một thí nghiệm trong phòng nghiên cứu
Nghề giảng dạy của anh có sự tương tác thế nào với khởi nghiệp?
Khi mới ra trường, lúc đầu tôi chưa có ý định làm giáo viên. Sau này khi có cơ hội được vào Trường ĐH Sao Đỏ, tôi cũng quyết định thử sức trong môi trường mới. Khi gắn bó với nghề sư phạm và tiếp cận với sinh viên các thế hệ thì tôi thấy mình có niềm đam mê với công việc này. Tôi tâm đắc một câu nói đó là khi tiếp cận với thế hệ trẻ sẽ làm mình trẻ ra, và tôi cảm nhận được điều đó rõ nét. Nhà giáo là một nghề đặc biệt khi mình càng nhiều tuổi thì lại càng được tiếp xúc với nhiều thế hệ trẻ, từ đó con người, tâm hồn, tư duy của mình cũng trẻ ra, ngay cả khi đầu đã bạc tóc. Vì tư duy của sinh viên, của giới trẻ là dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân có lẽ cũng là một trong các động lực nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp của tôi và cũng như các thầy cô khác.
Theo thống kê thì có 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại chỉ trong 3 năm đầu. Anh có lo lắng và bị áp lực về câu chuyện này?
Thực tế bản thân tôi trải nghiệm thì thấy rằng tỷ lệ là lớn hơn 90%. Khởi nghiệp để thành công khi đi từ con số 0 là cả một vấn đề nan giải. Khi cùng với nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về nhu cầu của thị trường, các phương án, cách thức tiếp cận khởi nghiệp, v.v. để tránh, không đi vào vết xe đổ và cố gắng đạt được thành tựu nào đó.
Tuy nhiên đó là tình hình chung, ngay cả các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới cũng gặp rất nhiều khó khăn chứ không riêng gì doanh nghiệp Việt Nam. Một trong những vướng mắc đó liên quan đến việc phân định bản quyền, lợi ích của các bên liên quan để đảm bảo quyền lợi cho họ. Bên cạnh đó, nếu cơ chế, chính sách không có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì tỷ lệ thất bại có lẽ còn cao hơn nữa.
“Cố gắng cùng đội nhóm có một lối đi riêng”
Theo anh, việc chuyển hóa một sản phẩm nghiên cứu thành sản phẩm thị trường yêu cầu những điểm cốt yếu gì?
Thứ nhất là cần phải có sự phân tích đánh giá thị trường về sản phẩm mình dự định tạo ra. Đối với khởi nghiệp, chúng ta không tự nhiên nghiên cứu một sản phẩm bất kỳ nào đó mà phải dựa trên nguyên tắc chung là sản phẩm dự định tạo ra có phải là sản phẩm mà thị trường đang hay sẽ cần hay không. Bên cạnh đó, phải có một sự liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau để tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu thực tế.
Thứ hai là cần phải xây dựng mục tiêu, chiến lược rất cụ thể cho từng giai đoạn, để nhanh chóng nghiên cứu phát triển sản phẩm để sớm đưa được sản phẩm ra thị trường. Tôi nói nhanh chóng bởi vì, nhiều khi chỉ sau vài tháng hoặc một năm, đánh giá của thị trường về sản phẩm đã có sự thay đổi, khác biệt so với thời điểm đã khảo sát.
Thứ ba là một chiến lược kinh doanh, marketing hay nói chung là truyền thông để khách hàng có thể tiếp cận được thông tin về sản phẩm. Thực tế bước truyền thông này theo đánh giá cá nhân của tôi là một trong những bước rất quan trọng, không kém gì việc thiết kế, chế tạo, định hướng sản phẩm ban đầu.
Thứ tư, đó là phải tìm được những doanh nghiệp, khách hàng sẵn sàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp. Một sản phẩm mới để cho khách hàng sẵn sàng sử dụng là rất khó khăn, để chiếm trọn được lòng tin của khách hàng lại càng khó. Cuối cùng, khi sản phẩm của mình đã được khách hàng tin tưởng sử dụng, các phản hồi từ phía khách hàng là một kênh thông tin rất tốt để mình tự đánh giá sản phẩm của mình, qua đó có phương án xử lý khắc phục các lỗi, sự cố, hay nâng cấp, phát triển sản phẩm để có các phiên bản ngày càng tốt hơn.

Anh có trực tiếp tham gia vào quá trình khảo sát thị trường?
Cho đến nay, tôi cùng các anh em trong doanh nghiệp hầu như tự khảo sát thị trường. Bản thân tôi có liên hệ với các doanh nghiệp nhiều năm, cùng với công việc hiện nay trong ngành giáo dục cũng là một thuận lợi cho việc tiếp cận các kênh thông tin về thị trường doanh nghiệp. Chúng tôi chủ động làm việc này vì muốn tiếp nhận được các thông tin một cách trực tiếp, do chính mình khảo sát, đánh giá và không muốn qua các kênh trung gian.
Đây là một công việc mất nhiều thời gian, khó khăn và vất vả hơn so với việc thuê các bên chuyên nghiệp với nhiều công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, tôi nghĩ để có thể thực sự thâm nhập vào thị trường, biết cách nhận định về thị trường thì bản thân mình phải làm được việc này. Có câu nói “Người thành công thì nên có lối đi riêng” (cười). Chúng tôi thì chưa dám nhận là thành công nhưng cũng đang cố gắng và nỗ lực tạo ra một lối đi, một cách làm riêng.
“Cần sự chung tay giữa trí tuệ của nhà khoa học với tính nhạy bén thị trường của doanh nhân”
Những ý tưởng, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học giống với khác trong khởi nghiệp thế nào?
Công sức và trí lực của các nhà khoa học thường tập trung cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Nhưng câu chuyện làm sao đưa được các sản phẩm từ phòng nghiên cứu, dù đã mang nhiều tính ứng dụng, ra được thị trường, nhiều khi lại là công việc hoàn toàn khác. Doanh nghiệp chỉ dựa trên các kết quả nghiên cứu và sản phẩm ban đầu, sau đó luôn luôn cần có quá trình thay đổi, cải tiến sản phẩm thì mới đáp ứng được sự kỳ vọng của khách hàng. Một sản phẩm phù hợp với thị trường không chỉ đồng nghĩa với việc sản phẩm “cao cấp” hay giàu chất xám, mà chỉ đơn giản là phù hợp người dùng. Cũng vì tính đặc thù như thế nên các sản phẩm nghiên cứu có thể thương mại hóa ngay là rất ít.
Nhưng sự tách bạch giữa sản phẩm nghiên cứu với sản phẩm thương mại lại cũng là tương đối vì giữa nghiên cứu với thương mại hóa sản phẩm luôn có mối quan hệ hữu cơ. Nên trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta luôn cần có sự chung tay giữa khối óc của nhà khoa học với tính nhạy bén thị trường của doanh nhân.

Những thành quả trong dự án nghiên cứu về công nghệ hàn tấm mỏng của anh có điểm gì đột phá so với thế giới và trong nước?
Dự án có tên đầy đủ là “Nghiên cứu phát triển công nghệ hàn mới, thiết kế chế tạo hệ thống hàn tự động ứng dụng hàn nối các tấm mỏng và siêu mỏng vật liệu đồng chất hoặc không đồng chất trong các ngành sản xuất mũi nhọn”, là tiền đề quan trọng để công ty Dreamweldtech được ra đời. Đứng về mặt học thuật và cả về mặt ứng dụng, chúng tôi thực sự đạt được nhiều điểm đột phá khi so sánh với những nghiên cứu trong nước và cả trên bình diện thế giới.
Khởi nguồn của dự án là từ việc trước đây chúng ta đã phát triển công nghệ hàn tấm dày và dần dần làm chủ công nghệ này. Bài toán đặt ra là nếu hàn tấm mỏng và siêu mỏng thì sao? Hàn cùng chất liệu và khác chất liệu thì sẽ thế nào? Đó là bài toán khó khăn tất cả các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp vì hàn tấm mỏng không hề đơn giản và nó có sự khác biệt rất nhiều so với hàn tấm dày.
So sánh với sự phát triển công nghệ hàn quốc tế, chúng tôi đã khẳng định được năng lực của đội ngũ các nhà khoa học trẻ Việt Nam khi đã làm chủ công nghệ hàn tấm mỏng có vật liệu tương đồng hoặc khác nhau; hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít viện nghiên cứu của Nhật Bản và một số doanh nghiệp có khả năng tương tự về mặt công nghệ. Khi chúng tôi công bố việc hàn tấm kim loại với độ dày chỉ 0,03 mm, nhiều chuyên gia quốc tế đã chia sẻ và chúc mừng với thành quả nghiên cứu này.
Trong nước, khi chúng tôi công bố kết quả thì ngay lập tức nhận được nhiều lời mời của các doanh nghiệp để cùng hợp tác, chia sẻ và phát triển sản phẩm. Có thể mọi người chưa chú ý, những sản phẩm được sản xuất bởi chứa đựng công nghệ cao như chân của các linh kiện điện tử, vi xử lý, v.v., đều được làm từ kim loại tấm mỏng. Vì vậy, làm chủ công nghệ hàn tấm mỏng và siêu mỏng có thể mang đến sự đột phá lớn cho công nghiệp sản xuất trong nước.

Anh có chia sẻ công nghệ đó với những doanh nghiệp khác?
Chúng tôi luôn luôn kết nối và mở rộng sự hợp tác với các doanh nghiệp. Vì vậy, công nghệ phổ biến về hàn tấm mỏng và siêu mỏng vẫn được nhóm dự án chia sẻ đến các doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy nhiên, phần công nghệ lõi của dự án, chúng tôi vẫn cố gắng để dành cho đứa con đẻ Dreamweldtech. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, tiến bộ công nghệ chỉ “hot”, nổi lên trong một giai đoạn nhất định, và nếu doanh nghiệp không có sự bứt phá trong giai đoạn này thì công nghệ sẽ dần bị lỗi thời bởi tốc độ phát triển của khoa học đang diễn ra rất nhanh.

Nhà khoa học thì hay sợ ý tưởng của mình bị sao chép. Vậy nhà doanh nghiệp có sợ điều đó khi sản phẩm ra thị trường có thể nhanh chóng bị “nhái”?
Hãy chấp nhận một sự thật là không nên quá kỳ vọng vào việc sản phẩm mình làm ra trên thị trường mà không có ai “sao chép” hoặc “làm nhái”, bởi có 2 trường hợp: một là sản phẩm của bạn chẳng ra gì và không ai thèm nhái; hai là sản phẩm của bạn rất “hot”, rất tốt, nên ra cái là bị làm nhái ngay. Việc sản phẩm của mình bị người khác bắt chước về một số thành phần, cấu kiện, công dụng, v.v., hay có người tiếp tục phát triển sản phẩm gốc lên các phiên bản tốt hơn, thì tôi nghĩ đó là việc tốt và có ý nghĩa tích cực với thị trường, cũng như bản thân doanh nghiệp. Vì đó là quy luật cạnh tranh, nhưng cũng là động lực giúp doanh nghiệp bắt buộc phải cải tiến sản phẩm nhanh chóng. Điều này giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm tốt hơn cho khách hàng.
Còn trường hợp ngược lại, nếu hàng nhái là dòng sản phẩm kém hơn sản phẩm của mình, hay làm giả để hạ uy tín của sản phẩm gốc, thì đó là trường hợp tiêu cực. Nhưng tôi đánh giá đó là những thực thể chỉ muốn chộp giật cơ hội, làm giàu bất chính và họ không tồn tại lâu, nên cũng không phải quá lo lắng.
Anh có những lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên đang có hoài bão start-up?
Nếu chúng ta luôn nghĩ trong đầu về con số tỷ lệ trên 90% start-up thất bại thì quả thực nhiều người sẽ không dám khởi nghiệp, nhất là các bạn sinh viên khi kinh nghiệm và nguồn lực kinh tế chưa có. Nhưng nếu nghĩ theo chiều hướng tích cực, khi sinh viên là thế hệ trẻ với tư duy rất trẻ, nhanh nhẹn, sáng tạo, thì các bạn luôn cần phát huy tư duy đổi mới sáng tạo đó, coi đó là cốt lõi giúp các bạn thành công.
Các bạn sinh viên có thể start-up hay không? Chỉ riêng việc các bạn sinh viên luôn chủ động, sáng tạo trong việc học tập và nghiên cứu, tìm hiểu và sẵn sàng tham gia thị trường lao động với tâm thế đổi mới sáng tạo để luôn làm mới mình, tạo ra những sản phẩm mới có giá trị, tạo ra việc làm hứng thú cho đồng nghiệp, v.v. đã là một thành công. Tư duy sáng tạo và sự nhạy bén thích nghi đó sẽ giúp các bạn luôn làm mới mình và thành công sẽ cao hơn.
Xin trân trọng cảm ơn anh!

PGS.TS. Ngô Hữu Mạnh tốt nghiệp đại học ngành công nghệ cơ khí năm 2007 tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật cơ khí năm 2011 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, và lấy bằng tiến sĩ ngành này năm 2016 cũng tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2023, anh được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư. Từ năm 2006 đến nay, PGS công tác tại Trường Đại học Sao Đỏ, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ hàn, công nghệ bề mặt, tự động hóa quá trình sản xuất, v.v. Hiện tại anh đang là Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sao Đỏ. PGS Ngô Hữu Mạnh đã tham gia và chủ nhiệm 13 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, trong đó nổi bật là dự án về công nghệ hàn mới do Quỹ VinIF tài trợ (2020-2022), công bố 42 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước cùng 17 bài báo khoa học tại hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Anh cũng là chủ biên của cuốn sách “Công nghệ hàn Plasma bột – PTA” xuất bản năm 2021 và là đồng tác giả sáng chế “Thiết bị gá kẹp, phương pháp cố định tấm vật liệu được hàn và phương pháp hàn hồ quang đối với tấm mỏng và siêu mỏng” được công bố năm 2022. PGS đạt được nhiều giải thưởng KHCN nổi bật như Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam (VIFOTEC) năm 2016, 2021 và 2023.
Tác giả: Nguyên Khê – Thủy Lê
Ảnh: NVCC
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup tổng hợp.