Trang chủ Các hoạt động Phó giáo sư Trương Văn Món (Sakaya): “Trong nghiên cứu, đi sâu...

Phó giáo sư Trương Văn Món (Sakaya): “Trong nghiên cứu, đi sâu vào chi tiết sẽ làm nên sự khác biệt!”

“Lý thuyết cũng là quan trọng mở đường cho việc nghiên cứu nhưng chỉ có lý thuyết sẽ không tạo ra được sự khác biệt mà phải đi sâu vào chi tiết để có khám phá mới, đóng góp thực sự cho khoa học”. Ngạn ngữ phương Tây có câu” Chúa nằm trong chi tiết”- PGS.TS. Trương Văn Món, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm hơn 30 năm, rút ra từ quá trình nghiên cứu của mình.

Những dấu ấn, cảm hứng nào để ông đam mê theo đuổi nghiên cứu văn hóa Champa?

Tôi là người Chăm, sinh ra và lớn lên trong gia đình – xã hội mẫu hệ nên có sự khác biệt so với xã hội phụ hệ phổ biến ở Việt Nam. Bố tôi, nay là thầy cúng, nghệ nhân kéo đàn Ka-nhi đã dạy tôi biết chữ Chăm từ thời niên thiếu. Đặc biệt, mẹ là nghệ nhân làm gốm và bà nội tôi là người rất mộ đạo. Khi có lễ hội, bà thường đội mâm quả, dẫn tôi đi cùng. Và cứ như thế những hình ảnh của ngôi tháp Chăm cổ kính, những lời ca, tục cúng của lễ hội từ từ thấm sâu vào trong ký ức tôi lúc nào không hay.

Lớn lên khi vào đại học, tôi may mắn được học nhiều người thầy là những nhà nghiên cứu có uy tín như cố GS. Trần Quốc Vượng, GS. Phan Đăng Nhật, GS. Ngô Đức Thịnh và sau này là GS. Ngô Văn Lệ v.v. Những vị GS khả kính ấy rất quan tâm đến người Chăm và đã truyền lửa cho tôi. Đặc biệt cố GS. Phan Đăng Nhật đã hướng dẫn tận tình, gắn bó và cùng đồng hành với tôi trên con đường nghiên cứu khoa học cho đến khi ông mất. Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương tưởng nhớ và tri ân các thầy.

Thời gian cũng qua nhanh, ngoảnh lại, tôi coi đó là những hạt mầm đầu tiên mà họ đã gieo vào lòng tôi và hôm nay những hạt mầm ấy đã đơm hoa ra trái.

Nghiên cứu thánh đường và lớp học chữ Chăm ở Trà Vinh (2017)

Đồng hành cùng ông trên con đường này có những ai nổi bật?

Ta phải ngược dòng lịch sử một chút: Đi đầu nghiên cứu về văn hóa Champa là người Pháp gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng như E.Aymonier, A.Cabaton, G. Maspero, H. Parmentier… Họ đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về Champa trên các lĩnh vực như lịch sử, ngôn ngữ, kiến trúc, bia ký, tôn giáo. Sau này, người Việt và người Chăm tiếp tục nghiên cứu với nhiều đề tài, lĩnh vực đa dạng hơn gắn với những tên tuổi nổi tiếng như: Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Ngô Văn Doanh, Trần Kỳ Phương, Phan Quốc Anh và các tác giả người Chăm khác như Thành Phần, Bá Trung Phụ, Phú Văn Hẳn, Sử Văn Ngọc, Inrasara…

Về sau khi nghiên cứu sâu về Champa, những người cùng đồng hành và ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là PGS.TS. Thành Phần (Đại học KHXH và NV TP.HCM), PGS.TS. SHINE Toshihiko (Nhật Bản) và một số chuyên gia khác. Nhờ họ tôi đã mở mang thêm tầm nhìn mới về nghiên cứu Champa trong bối cảnh rộng hơn, không chỉ trong nước mà ở phạm vi quốc tế.

Cùng với các nhà khoa học quốc tế (Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc) nghiên cứu Chăm Islam Hải Nam – Trung Quốc (2018)

Bằng con đường, phương pháp nghiên cứu nào mà ông đã đạt được những thành quả nghiên cứu khoa học đáng kể về Champa?

Tôi muốn chia sẻ thêm một điểm cốt tủy không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác, cái mà chúng ta thực sự còn thiếu so với văn hóa làm việc của phương Tây hay các nước phát triển khác: Đó là ở ta còn xem nhẹ cái “chi tiết, cái cụ thể”. Phương Tây có một thành ngữ rất nổi tiếng về điều này: “Chúa nằm trong các chi tiết”.

Ngẫm sâu và trải nghiệm nhiều chúng ta mới hiểu điều này. Đối với tôi, khi nghiên cứu vấn đề phải bắt đầu đi tìm hiểu, nghiên cứu sâu từng những cái “chi tiết”, nghiên cứu những cái thật cụ thể thì mới có thể phát minh ra cái mới, cái khác biệt, cái đặc sắc. Nếu chỉ làm “chung chung”, nói “chung chung” thì trăm ngàn người nói và làm đều giống nhau. Vì nguyên lý cái chung đều giống nhau cả. Từ đó có thể lý giải tại sao các nước phương Tây luôn có phát minh và đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học.

Rút ra từ triết lý trên, tôi bắt tay nghiên cứu văn hóa – lịch sử Champa không chỉ xuất phát từ định đề, lý thuyết to tác đi trước mà bắt đầu bằng việc đi sâu vào chi tiết. Ngoài việc giảng dạy, thời gian còn lại tôi đi điền dã sưu tầm tài liệu ở vùng Chăm và Tây Nguyên. Hàng ngày ở nhà tôi cặm cụi soi rọi, góp nhặt và phân tích từng chữ một trong hàng ngàn trang tài liệu để khám phá ra cái mới.

Từ những chi tiết tài liệu cụ thể trên, tôi chọn lọc, phân tích, sắp xếp dần thành chuỗi vấn đề có hệ thống khoa học. Sau đó mới đúc kết thành lý thuyết, vạch ra hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa – lịch sử Champa. Kết quả, đến nay tôi hình thành được bộ sách văn hóa – lịch Champa và những bộ sách khác gần 40 tập.

Ngược lại, nhiều nhà khoa học khác hay nói lý thuyết, ít để ý những vấn đề chi tiết nên ít có công trình khoa học để đời. Từ đó, tôi rút ra kinh nghiệm cho riêng mình, lý thuyết cũng là quan trọng mở đường cho việc nghiên cứu nhưng chỉ có lý thuyết sẽ không tạo ra được sự khác biệt mà phải đi sâu vào chi tiết mới khám phá ra cái mới, đóng góp thực sự cho khoa học.

Sau một thời gian chiến tranh với Đại Việt và Khmer, Champa hiện còn những gì? Cư dân sinh sống ở đâu?

Theo bia ký ở tháp Bà (Khánh Hòa), Champa xưa bao gồm cả người Chăm vùng đồng bằng, ven biển và các dân tộc khác ở Tây Nguyên. Trải qua thời gian, chiến tranh, Champa mất, người Chăm bị ly tán khắp nơi. Một thời gian dài, cư dân Tây Nguyên không còn có quan hệ mật thiết với người Chăm ở đồng bằng. Cư dân Chăm ở vùng phía Bắc như Huế, Quảng Nam, Đà Năng, Bình Định… một phần bị Việt hóa mà hiện nay còn dấu ấn như họ Ôn, Ma, Trà, Chế; một cộng đồng Chăm ở Hà Nội (Khu chùa Bà Già, đình Phú Gia, Phú Thượng; Ngã 3 Sở, khu Hoàng Mai – Hà Nội)… Một phần khác ly tán sang nước ngoài qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), Kelantan (Malaysia), Thái Lan và Campuchia.

Hiện nay, Chăm ở Việt Nam còn tồn tại trên 179 ngàn người bao gồm Chăm Hroi (Bình Định); Chăm Balàmôn và Bani (ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) và Chăm Islam ở vùng Nam Bộ. Người Chăm đang được Đảng – Nhà nước quan tâm, giúp đỡ nâng cao đời sống kinh tế, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và giao lưu người Chăm với nhau ở trong nước và ngoài nước.

Cùng các tu sĩ nghiên cứu, phục chế cách viết chữ trên lá buông Chăm đã thất truyền (2015)

 “Di sản Champa trải dài cùng lịch sử”: Những gì còn, những gì mất?

Xuất hiện vào thế kỷ 2, văn minh Champa đã từng phát sáng để rồi vụt tắt vào đầu thế kỷ 19 để lại một chuỗi dài di tích khoảng 250 đền tháp ở miền Trung đang mang trong mình nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã. Ngoài ra còn khoảng 84 lễ hội đặc sắc mà tiêu biểu là lễ hội Katé – lễ Ramawan/Ramadan còn diễn ra hàng năm; hai làng nghề nổi tiếng là gốm Bàu Trúc và dệt Mỹ Nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận.

Đến nay văn hóa Chăm vẫn còn có sức lan tỏa lớn trong văn hóa người Việt miền Trung ở nhiều lĩnh vực như tục thờ mẫu Thiên Y Ana (điện Hòn Chén – Huế; lăng Thu Bồn – Quảng Nam, tháp Bà – Nha Trang); nghệ thuật múa hát (hò Huế, ca Huế, Bà Chòi và Hát Bội, múa nón), áo dài với chiếc nón bài thơ; kỹ thuật đóng thuyền, đi biển, làm muối, làm nước mắm.

Văn hóa Champa còn lan đến xứ Bắc, góp phần hình thành nên nền văn hóa Thăng Long rực rỡ một thời. Cho đến nay các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều di tích, di vật mang dấu ấn Champa trên đất Thăng Long như Hoàng Thành Thăng Long, chùa Bà Già, chùa Bà Đanh (Hà Nội), chùa Dạm (Bắc Ninh), đình Phú Gia, Phú Thượng (Tây Hồ – Hà Nội)…

Champa còn mang âm nhạc đến dạy cho Nhật Bản (Phật triết) vào thế kỷ 7 và dạy người Nhật Bản làm gốm tráng men màu vào thế kỷ X. Ngoài ra, qua tài liệu cổ Trung Hoa và Đại Việt cho biết Champa còn là nơi phát tích lúa Chiêm mùa (lúa ngắn ngày cả lúa chịu hạn và lúa nước) đã tạo ra cuộc cách mạng xanh ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc), ở miền Bắc (Việt Nam) từ thế kỷ 10 và cả ở vùng Kelantan (Malaysia) vào thế kỷ 17.

Đến nay thế giới vẫn còn ngưỡng mộ, công nhận người Chăm là bậc thầy của nghề làm gạch (gạch xốp, nhẹ, không ngậm nước, không bị rong rêu bám); bậc thầy của nghề chế biến chất kết dính và kỹ thuật xây dựng đền tháp bằng gạch thân thiện với môi trường. Nhiều tác phẩm điêu khắc đá của Champa như vũ nữ Ápsara, tượng Bia Tapasi, tượng Phật Losketvara, v.v., đã trở thành kiệt tác của nhân loại.

Đến nay, di sản văn hóa Chăm không chỉ mang tầm quốc gia mà đã lan rộng cả thế giới mang tầm quốc tế. Năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới; năm 2022, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” cũng được UNESCO ghi danh vào di sản phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.

Nghiên cứu cộng đồng Chăm ở Mỹ, 2007

Có nhận định cho rằng, đến nay, những công trình nghiên cứu về Champa đều tập trung vào người Chăm hiện đại, chưa có một công trình nghiên cứu lịch sử nào, nhất là các công trình dựa trên khảo cứu văn bia hay văn tịch cổ của người Chăm để cho ra các kết luận khách quan có chứng cứ. Quan điểm của ông thế nào?

Trước đây, người Pháp, cụ thể là tác giả G. Maspero (1927) là người đầu tiên nghiên cứu về lịch sử Champa. Tác giả tuy có dựa vào bia ký Champa và các tài liệu trong sử Trung Hoa và Đại Việt nhưng lại viết sử theo kiểu thể chế nhà nước trung ương tập quyền và chỉ viết về lịch sử Champa từ thế kỷ 2 cho đến thế kỷ 15 (1471) khi thành Đồ Bàn sụp đổ. Từ thế kỷ 15 đến nay, chưa có ai viết về lịch sử Champa theo góc nhìn mới, chỉ có công trình Le Paduranga – Campa (1987) nghiên cứu lịch sử Champa theo thể chế liên bang nhưng chỉ mới nghiên cứu về vùng Panduranga (vùng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay). Từ đó đến nay, trong giới nghiên cứu Champa vẫn còn loay hoay chưa rõ về hai quan điểm này. Do vậy, lịch sử Champa cần phải viết lại.

Lịch sử Champa cần phải viết lại như thế nào thưa ông?

Theo chúng tôi, lịch sử Champa cần phải viết lại một cách có hệ thống hơn với góc nhìn liên ngành văn hóa – lịch sử. Dùng lịch sử, bối cảnh lịch sử để làm rõ đặc điểm văn hóa Champa trong từng thời kỳ; ngược lại dùng văn hóa để giải thích cho sự kiện và sự biến đổi của lịch sử Champa. Có như thế thì mới có thể làm rõ văn hóa – lịch sử Champa một cách toàn diện.

Với phương pháp và hướng tiếp cận đó, bằng nhiều nguồn tài liệu khác nhau như tài liệu cổ sử Trung Hoa, Đại Việt, Jawa, Mã Lai và bia ký cũng như tư liệu văn bản chữ Chăm, tôi đi sâu từng chi tiết, từng con chữ trong thời gian 30 năm để hình thành nên 4 tập sách Văn hóa- Lịch sử Champa do Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ. Bộ sách không chỉ cho độc giả thấy tổng thể một nền văn hóa – lịch sử Champa từ vùng phía Bắc Champa (Indrapura – Huế) – Amaravati (Quảng Nam Đà Nẵng), Vijaya (Bình Định) đến vùng Panduranga – phía Nam Champa (Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay) theo cách nhìn liên bang (Mandala).

Bên cạnh đó, bộ sách còn giải mã những bí ẩn trong lịch sử Champa – Đại Việt mà nhiều thế kỷ qua các học giả đang còn bàn cãi, tốn nhiều giấy mực mà chưa có hồi kết như câu chuyện tình sử Huyền Trân công chúa với Chế Mân; bí mật quân sự nào mà Chế Bồng Nga 3 lần đánh chiếm Thăng Long; những nét độc đáo, mưu lược về võ thuật và nghệ thuật quân sự của Champa và Đại Việt trong lịch sử như thế nào?

“Muốn tạo nên một bách khoa toàn thư về Champa”

Ông có chia sẻ tham vọng hoàn thành 1 bộ “Bách khoa toàn thư về văn hóa – lịch sử Champa”. Giá trị và tính thông điệp của công trình này như thế nào?

Đúng như vậy. Trong dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản và lưu giữ những giá trị văn hóa – lịch sử của người Chăm Việt Nam” do Quỹ VinIF tài trợ, tôi gửi gắm nhiều hy vọng, công sức, với thông điệp về 3 khía cạnh khi làm nghiên cứu về văn hóa Chăm:

– Nghiên cứu văn hóa – lịch sử Champa nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung cần phải nghiên cứu toàn diện và có hệ thống nếu có đủ tiềm lực, không nên nghiên cứu đơn lẻ theo mùa. Cần phải khai thác hết các khía cạnh của Champa như lịch sử, văn hóa, văn học, triết học, nghệ thuật, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, làng nghề, y học cổ truyền… Từ đó mới có thể nhìn Champa một cách toàn diện trong lòng dân tộc Việt Nam và cả trên thế giới. Muốn làm được điều này đòi hòi các nhà nghiên cứu phải nỗ lực hết mình với kiến thức liên ngành uyên thâm và phải có chương trình nghiên cứu dài hạn với ước mơ ngay từ thời trẻ, cần mẫn với công việc. Từ đó mới tích lũy được kiến thức đồ sộ hình thành nên bộ Bách khoa toàn thư. Các nhà bách khoa như Archimedes, Aristoteles, v.v thời cổ đại chắc cũng thế.

– Và tôi cũng vậy, đi trên con được học thuật hơn 30 năm qua. Dẫu biết chân trời khoa học là vô tận chắc sẽ còn phải đi và đi nữa! Nhưng đích cuối cùng của tôi muốn mang đến là một bách khoa toàn thư giúp độc giả có thể tra cứu đầy đủ các lĩnh vực về Champa trong thư viện. Hy vọng, nếu bộ bách khoa này ra đời sẽ mang thông điệp đến cho độc giả thấy cái hay, cái thật, cái chân giá trị của nền văn hóa Champa, đó là một nền văn hóa đồ sộ, phong phú, đa dạng đúng nghĩa, chứ không phải nói ngoa ngôn.

– Trong kỷ nguyên số, hy vọng việc đó sẽ lan nhanh, truyền cảm hứng cho độc giả, cho những nhà nghiên cứu, cổ vũ họ cùng chung tay nghiên cứu, bảo tồn văn hóa – lịch sử của dân tộc mình đậm đà bản sắc trong quá trình hội nhập.

Ông muốn để lại di sản gì trong đào tạo? Sau ông sẽ là ai có thể tiếp bước trên con đường này?

Nghiên cứu và đào tạo luôn đi đôi với nhau không thể tách rời. Hiện di sản văn hóa Champa đồ sộ như thế nhưng ở nước ta chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo văn hóa – lịch sử Champa, trong khi nhiều nước trên thế giới từ lâu đã có ngành Champa học và luôn có ghế giáo sư riêng giành cho ngành này, ví dụ như Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…

Chúng ta chưa có một viện nghiên cứu cấp trung ương mà chỉ có trung tâm nghiên cứu ở tỉnh lẻ mang biểu tượng hơn là thực chất khoa học. Ở các trường đại học lớn ở ta cũng chưa có một ngành Champa học, mà sinh viên chỉ học một vài môn rời rạc. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có ngành Champa học ở nước ta. Theo đó, những công trình của tôi đã xuất bản có thể góp thêm tài liệu vào để biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo, hình thành kho dữ liệu để đào tạo sinh viên chuyên nghiên cứu về Champa học có chất lượng cao, tạo nên thế hệ nghiên cứu trẻ nối tiếp ngang tầm thời đại. Một khi chưa có trường, chưa có ngành đào tạo Champa học thì tìm đâu ra thế hệ trẻ nghiên cứu nối tiếp chuyên nghiệp.

Đứng ở vị trí một nhà nghiên cứu, ông đánh giá sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức cho nghiên cứu văn hóa, lịch sử cần cải thiện điều gì?

Trong những năm gần đây, nhà nước có khuyến khích, đầu tư cho nghiên cứu nhưng trong khâu xét duyệt đề tài và giải ngân kinh phí còn khó khăn chưa như kỳ vọng nên cũng chưa thu hút được nhiều nhà khoa học tâm huyết. Nhờ có những quỹ tư nhân như VinIF với cách làm tài trợ, hỗ trợ thực sự, nhanh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại như các nước tiên tiến trên thế giới nên mấy năm gần đây quỹ VinIF bước đầu đã sàn lọc, thu hút được những nhà nghiên cứu có tâm huyết, say mê khoa học với những sản phẩm cụ thể có hàm lượng khoa học cao. Cứ đà như thế trong tương lai không xa, quỹ VinIF sẽ chấp cánh cho những nhà khoa học Việt bay cao, bay xa sánh vai cùng với nhà khoa học trên thế giới.

PGS. Trương Văn Món trong lễ ký kết tài trợ dự án với lãnh đạo Quỹ VinIF

“Tham vọng cả đời nghiên cứu của tôi là hoàn thành 1 bộ “Bách khoa toàn thư về văn hóa – lịch sử Champa”. Trong dự án văn hóa lịch sử do Quỹ VinIF tài trợ, tôi gửi gắm nhiều hy vọng, công sức, và thông điệp về những khía cạnh khi làm nghiên cứu về văn hóa Chăm: Nghiên cứu khoa học cần phải toàn diện.”

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Nguyên Khê – Thủy Lê

Ảnh: NVCC

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup tổng hợp.

BÀI MỚI NHẤT

Tạo hình cục bộ liên tục có hỗ trợ nhiệt và rung siêu âm – Công nghệ sáng tạo cho sản phẩm thay thế...

Trong thời kỳ kinh tế số và toàn cầu hóa, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức như giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Để giải quyết những vấn đề này, việc áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến kết hợp với kỹ thuật số hiện đại là chìa khóa thành công.Một trong những công nghệ nổi bật hiện nay là công nghệ tạo hình cục bộ liên tục (ISF – Incremental Sheet Forming). Đây là phương pháp gia công kim loại độc đáo, trong đó một tấm kim loại được tạo hình từng bước nhờ chuyển động liên tục của một công cụ chuyên dụng. Điểm mạnh của ISF là khả năng tạo ra các hình dạng phức tạp mà các phương pháp truyền thống khó thực hiện, với độ chính xác cao và chi phí thấp hơn.

Động mạch dây rốn – giải pháp trong ghép mạch máu nhỏ

Những tổn thương ở mạch máu thường rất ít được quan tâm ở giai đoạn sớm vì các triệu chứng thường thoáng qua. Khi các triệu chứng đã rõ rệt thì tổn thương thường nặng nề và điều trị bằng thuốc thường ít hiệu quả. Lựa chọn ở giai đoạn này thường là can thiệp mạch và/hoặc phẫu thuật. Kỹ thuật can thiệp mạch và phối hợp phẫu thuật với can thiệp (hybrid) đến nay đã phát triển mạnh mẽ với các vật liệu có tính tương thích sinh học cao, nhiều kích cỡ để lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên với các mạch máu nhỏ (< 5 mm) thì những kỹ thuật này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các mạch sử dụng trong nhi khoa (cầu nối, ghép tạng, v.v.), khi sử dụng mạch tự thân không phải là lựa chọn phù hợp.

Các phương pháp đánh giá không phá huỷ và robot cho điều tra cầu

Cầu là thành phần cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự đi lại an toàn của công chúng và sự bền vững của nền kinh tế. Việc giám sát, bảo trì và phục hồi cơ sở hạ tầng dân dụng bao gồm cầu, đường là điều tối quan trọng ở cấp quốc gia và quốc tế. Bài viết này trình bày về các phương pháp điều tra không phá huỷ (Non-destructive Evaluation - NDE) cho cầu, bao gồm: radar xuyên đất (Ground Penetrating Radar - GPR); âm thanh tác động (Impact Echo - IE); điện trở suất (Electrical Resistivity - ER), và hình ảnh trực quan.

Tiến bộ khoa học trong xác định niên đại khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê

Nền văn hóa Óc Eo cổ xưa nổi tiếng ở Nam Bộ, gắn liền với lịch sử Vương quốc Phù Nam - Vương quốc cổ hình thành đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, có lãnh thổ chủ yếu ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông, bao gồm Việt Nam, Campuchia, và một phần bán đảo Thái Lan - Malaysia. Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo dưới chân núi Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang). Đây là một trong những khu di tích khảo cổ được xếp loại đặc biệt cấp Quốc gia, được phát hiện bởi các sĩ quan hải quân Pháp từ năm 1879 và sau đó đã được khai quật ở quy mô lớn lần đầu tiên vào năm 1944 bởi nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret.

BÀI ĐỌC NHIỀU

Bài phỏng vấn Giáo sư Vũ Hà Văn

Toufik Mansour(**)(*) Giáo sư Vũ Hà Văn sinh ra và học tập đến hết trung học phổ thông tại Việt Nam. Năm 1994, ông...

Các khối đa diện đều và những bí ẩn toán học

LTS: Ngày 17.3.2021 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương Na Uy đã quyết định trao giải thưởng Abel (được ví...

Toàn cảnh về miễn dịch cộng đồng với Covid-19

Việc phát triển vaccine thành công và triển khai tiêm chủng đại trà ở nhiều quốc gia đã gieo hy vọng về một thế...

Một vũ trụ hài hòa khơi nguồn bao sáng tạo!

Năm 2021, Quỹ VINIF đã gửi gắm mong ước về một vũ trũ hài hòa và sáng tạo trong Khối lịch 12 mặt của...