Trang chủ Chuyên gia viết Nghề thủ công truyền thống trên dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh...

Nghề thủ công truyền thống trên dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh – Champa

Sa Huỳnh là di chỉ khảo cổ học tiêu biểu cho giai đoạn tiền Champa ở miền Trung Việt Nam. Đây là một nền văn hóa được hình thành bắt đầu vào khoảng thế kỷ X TCN kéo dài đến cuối thế kỷ II. Văn hóa Sa Huỳnh góp phần cùng văn hóa Đông Sơn (người Kinh) ở phía Bắc và văn hóa Óc Eo (Phù Nam) ở phía Nam làm phong phú, đa dạng nền văn minh cổ Việt Nam. Sau năm 1975 các nhà khảo cổ Việt Nam và học giả khác của nước ngoài đã phát hiện nhiều di chỉ cư trú của người Sa Huỳnh với nhiều hiện vật phong phú, đa dạng liên quan đến nghề biển, nghề khai thác lâm sản, nghề nông và đặc biệt là nghề thủ công truyền thống.

Người Sa Huỳnh – Champa ở dải đất miền Trung

Người Sa Huỳnh thích nghi tốt với điều kiện địa lý, môi sinh ở miền Trung. Vùng này có đường bờ biển dài tiếp giáp với biển Đông rộng lớn, thúc đẩy người Sa Huỳnh đóng tàu biển để vươn ra khơi xa đánh bắt cá, buôn bán, giao lưu với nước ngoài. Mặt hàng của Sa Huỳnh mà nước ngoài ưa chuộng, ngoài những sản vật quý hiếm của biển như vi cá mập, là những sản phẩm của rừng nhiệt đới như ngà voi, trầm hương, sa nhân, roi mây. Cùng với biển và rừng, để thích nghi với cánh đồng miền Trung khô hạn, người Sa Huỳnh còn biết chế tạo ra công cụ sản xuất bằng sắt rất sớm; biết đào giếng, làm thủy lợi; tìm được giống lúa thích hợp, v.v. Đó là những nhân tố rất quan trọng để cư dân Sa Huỳnh có thể chinh phục biển, khai thác rừng một cách hiệu quả, nhất là đã làm nên cuộc cách mạnh xanh trong nông nghiệp về giống lúa và thủy lợi. Từ đó tạo ra bước nhảy vọt cho cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung có đời sống vật chất và tinh thần phong phú, giàu có hơn cư dân khác ở vùng Đông Nam Á. Đây là tiền đề rất quan trọng tạo nền tảng vững chắc về vật chất và tinh thần dẫn đến sự ra đời nhà nước Champa sau này ở miền Trung – không gian sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh.

Công cụ sản xuất và kỹ thuật chế tác công cụ sản xuất

Những hiện vật cơ bản của Sa Huỳnh nêu trên, hiện nay vẫn có mặt trong nền văn hóa Champa. Về công cụ sản xuất, cho đến nay, mỗi gia đình nông dân người Champa ở Ninh Thuận – Bình Thuận vẫn còn sử dụng bộ công cụ rất cơ bản tương tự như của người Sa Huỳnh bao gồm: cuốc, rựa, rìu răng trâu bằng sắt. Đây là ba loại công cụ bằng sắt cơ bản để người Sa Huỳnh chinh phục mảnh đất miền Trung khô hạn trong sản xuất nông nghiệp; cuốc để cuốc đất; rựa chỉ dùng để chặt cây nhỏ, phát quang; rìu răng trâu dùng để chặt cây to và gỗ. Mặc dù rìu răng trâu của người Sa Huỳnh – Champa có kích thước nhỏ (cao khoảng 8-10cm, rộng phần lưỡi khoảng 5cm) nhưng sức chặt phá cây rất lớn, chiếm ưu thế hơn rìu bôn có vai ở các nền văn minh khác; nguyên nhân là do rìu răng trâu chỉ tra cán dẹp xuôi theo đường rãnh từ đầu đến thân rìu nên khi chặt cây to, rìu ăn được sâu vào thân cây gỗ mà không bị vướng cán rìu; nếu sử dụng rìu/bôn có vai thì phải tra cán nằm lồi lên đầu và vai rìu nên khi chặt cây to sẽ bị vướng cán rìu, năng suất lao động thấp. Đây là lý do tại sao, trong di chỉ Sa Huỳnh về sau thiếu vắng rìu/bôn có vai mà phổ biến loại rìu răng trâu (xem ảnh H.13, H.15, H.16 trong Hình 1).

Hình 1. Các loại cuốc hình thanh, hình tứ giác, rìu hình răng trâu (di chỉ Xóm Cồn)

Về kỹ thuật chế tác công cụ sản xuất: Hiện nay lò rèn công cụ sản xuất của người Sa Huỳnh không còn, chỉ còn biết hình hài bóng dáng của lò rèn và kỹ thuật rèn của các dân tộc có nguồn gốc Champa. Riêng người Champa ở Ninh Thuận và Bình Thuận, nghề rèn chỉ còn lại dấu vết qua truyện cổ “Patau Tabai Nai Bala” (Vua Tabai và Nàng Ngà) (Sakaya, 2017, tr.242-248). Nói chung kỹ thuật rèn này cơ bản dùng lửa từ than củi, đất nung sống làm hình, phân trâu tạo khuôn, nhiệt độ 1000oC. Khi rèn xong hiện vật có hình hài rất thô nên người thợ rèn phải tu sửa và trang trí thành hình hiện vật như ý muốn.

Đồ trang sức và kỹ thuật chế tác đồ trang sức

Người Sa Huỳnh thường chôn theo người chết nhiều đồ trang sức bằng đồng, đá quý, mã não, thủy tinh, vàng, đặc biệt là loại khuyên tai ba mấu nhọn (dùng cho nữ) và khuyên tai hai đầu thú (dành cho nam). Ở Lai Nghi, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong những khu mộ táng của văn hóa Sa Huỳnh các bộ hạt chuỗi có giá trị như hơn 8.600 hạt cườm bằng thủy tinh màu xanh, vàng hoặc nâu có đường kính 1-3 mm; hay 1.500 hạt bằng đá mã não (agate), hồng mã não (cornaline), thạch lựu (renat) với nhiều màu sắc khác nhau.

Trong tổng số 1.136 hạt chuỗi bằng đá mã não tìm thấy ở Lai Nghi có 3 chiếc rất đặc biệt: chiếc thứ nhất có hình con chim nước, chiếc thứ hai có hình con hổ hoặc sư tử và chiếc thứ ba là hạt chuỗi khắc. Cả 3 hạt chuỗi này được phát hiện trong 3 mộ chum khác nhau cùng với nhiều đồ tùy táng quý khác có niên đại vào thế kỷ I – II TCN. Những di vật hiếm thấy khác được kể đến là hai cái gương đồng của thời kỳ Tây Hán.

Riêng thủy tinh nhân tạo là một thành tựu rực rỡ của văn hóa Sa Huỳnh. Các cư dân dùng cát trắng để nấu thủy tinh làm bát lọ và đặc biệt những chuỗi hạt trang sức bằng thủy tinh mà sử sách Trung Hoa gọi là “Lưu ly” (gốc từ chữ Phạn là verulia) từ đầu Công nguyên. Đây là một trong những nơi làm ra thủy tinh nhân tạo sớm trên thế giới. Chúng không những đa dạng về kiểu dáng mà còn phong phú về màu sắc như xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, xám, tím, đỏ và nâu. Sử Trung Hoa đã từng ghi chép về một chén thủy tinh xuất phát từ vùng đất này mà họ gọi là chén lưu ly với một sự trân trọng và khâm phục (Trịnh Sinh – Phạm Lê Trung, 1998; https://vi.wikipedia.org/van hoa sa huynh).

Trong những đồ trang sức trên, đáng chú ý là khuyên tai hai, ba đầu thú đã trở thành biểu tượng chung của nền văn minh, có thể tìm thấy phổ biến không những ở các di chỉ Sa Huỳnh mà còn ở các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines. Về biểu tượng khuyên tai hai, ba đầu thú trong văn hóa Sa Huỳnh, đến nay có một số kiến giải khác nhau; có tác giả cho rằng đó là đầu lừa hoặc đầu dê. Mặc dù ngày nay người Champa không còn sử dụng loại khuyên tai này nhưng biểu tượng dầu dê vẫn còn xuất hiện phổ biến trong nền văn hóa Champa. Thiết nghĩ với điều kiện địa lý, môi sinh ở miền Trung, không gian Sa Huỳnh với đặc điểm nổi bật là núi không cao, đồng bằng hẹp, ít đồng cỏ rộng lớn, trước mặt chỉ có biển bao la nên con dê là thích hợp với khí hậu, môi trường sinh thái ở đây hơn là con lừa (họ ngựa). Cho đến nay, người Champa ở Ninh Thuận – Bình Thuận vẫn còn phát huy truyền thống nuôi dê, nuôi trâu, chứ không thấy nuôi lừa. Hơn nữa câu chuyện về con dê vẫn còn thể hiện trong nhiều những truyện cổ của người Champa từ thời Lâm Ấp; ví dụ, trong Thủy Kinh chú (thế kỷ V) có ghi “ Phạm Văn, nguyên ban đầu là một nô bộc, xuất thân là mục đồng chăn dê được thần linh phù trợ có được kiếm sắt luyện từ quặng, mà tiếp tục nối lại sự nghiệp Lâm Ấp (do Ku-lien khởi xướng từ trước)” (Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, 1991, tr. 30-31). Về sau, con dê vẫn xuất hiện trong văn hóa Champa qua nhiều truyện dân gian như truyện Akayét Um Marup (Hoàng tử và cô gái chăn dê) (Po Dharma và các tác giả, 2007) và truyện Sọ Dừa (Ja Balaok Li-U) (Sakaya chủ biên, 2017, tr.117-136). Đặc biệt đến nay, dê vẫn còn là một trong những vật tam sinh (dê – gà – trâu) trong lễ cúng lớn của người Champa. Đầu dê (luộc chín để nguyên) luôn là lễ vật cúng chính được đặt trang trọng trên mâm cao dâng lên thần linh trong các dịp lễ cúng tế như lễ cúng đền tháp, lễ nhập Kut cho người chết, lễ nghi nông nghiệp (cúng đất, cúng ruộng, cúng đập nước) và lễ nghi của làng và gia đình (Sakaya, 2012). Từ đây có thể suy đoán rằng, con dê rất quan trọng, gần gũi trong đời sống của người Sa Huỳnh, là con vật vừa cung cấp thực phẩm cho con người, vừa là lễ vật chính cúng tế thần linh, vì thế người Sa Huỳnh rất tôn thờ con dê và lấy con dê làm biểu tượng cho khuyên tai chôn theo người chết, chứ không phải con lừa hay con vật ma thuật nào khác (xem ảnh H.19 trong Hình 2).

Hình 2. Hình tượng khuyên tai hầu thú – hình đầu dê trên trang sức của nền văn hóa Sa Huỳnh – Champa

Ngoài hiện vật khuyên tai hai đầu thú, ba đầu thú hiện nay không thấy sử dụng thì một số đồ trang sức khác kiểu trang sức trên của cư dân Sa Huỳnh vẫn còn được người Champa tiếp tục kế thừa phát huy, phát triển rất rực rỡ trong những thế kỷ về sau của vương quốc Champa (Lê Xuân Diệm – Vũ Kim Lộc, 1996, tr.15-25). Hiện nay những đồ trang sức cơ bản của cư dân Sa Huỳnh vẫn còn thấy ở phụ nữ lớn tuổi ở Tây Nguyên, chủ yếu là hoa tai hình tròn (gọi là hayau deng hoặc beng tangi), vòng cổ (gọi là nyuk), vòng tay, vòng chân (kong tangin, takai) làm bằng xương, đá hoặc đồng. Riêng người Champa ở Ninh Thuận và Bình Thuận thì còn đeo 3 đồ trang sức cơ bản: hoa tai hình nấm có đính tua đỏ (yau deng), nhẫn mata bằng đồng hoặc vàng và xâu chuỗi hột tròn bằng vàng xâu thành nhiều vòng. Kỹ thuật chế tác đồ trang sức hiện nay ở người Champa đã thất truyền, chỉ còn lưu giữ ở người Churu (Đơn Dương – Lâm Đồng).

Một ví dụ về quy trình làm nhẫn của người Champa

Tạo mẫu nhẫn: nhẫn đầu tiên được làm mẫu bằng sáp ong, trang trí đầy đủ các hoa văn và khắc vạch đầy đủ tất cả những góc cạnh mà thợ cần trang trí. Kích thước nhẫn được thợ định sẵn và nhẫn bằng mẫu sắp ong có thể co giãn được bằng cây gậy gọi là “agai laong kayau”. Mỗi lần tạo mẫu ít nhất từ hai đến ba chiếc nhẫn.

Tạo khuôn đổ nhẫn bạc: sau khi hoàn chỉnh mẫu nhẫn bằng sáp ong, người thợ bắt đầu tạo khuôn để đổ nhẫn bạc. Khuôn được làm như sau: người thợ lấy hai đến ba chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong cột vào đầu một que tre dài khoảng 20cm và ở phần giữa của que tre có gắn thêm một chiếc phẻo nhỏ làm bằng lá dứa dính vào hai chiếc nhẫn mẫu để đổ bạc nóng chảy vào khuôn. Sau đó, thợ nhúng nguyên phần đầu que tre có gắn những chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong vào phân trâu quấy lỏng để sẵn trong một xô nhỏ rồi đem phơi; khoảng mười lăm phút sau thì phân trâu khô bám và bao bọc xung quanh chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong. Cứ mười lăm phút họ nhúng que tre có gắn nhẫn mẫu bằng sáp ong vào phân trâu một lần, nhúng khoảng ba lần thì phân trâu bám vào nhẫn mẫu bằng sáp ong đủ dày, tạo lớp áo cho chiếc nhẫn mẫu, từ đó mà thành khuôn.

Lò nấu thỏi bạc đúc nhẫn mata: lò nấu thỏi bạc để tạo nhẫn mata có kích thước nhỏ, đơn giản, chỉ sử dụng bếp lửa và hai ống hơi bằng sắt, giống ống hơi thợ rèn để thổi lửa. Ngày nay, lò đổ bạc của ông Ya Bơyu (một nghệ nhân làm nhẫn mata truyền thống) hiện đại hơn, được xây bằng gạch (dài 50cm x rộng 30cm x cao 0,5cm), dùng ống thổi lửa. Lò này chỉ cần 1-2kg than là có thể đủ nấu bạc nóng chảy để đổ được từ ba đến sáu chiếc nhẫn mata.

Cách đổ bạc để tạo thành nhẫn mata: khi lò lửa chuẩn bị xong, hai người thợ (một thợ chính và thợ phụ) bắt đầu làm công việc đổ nhẫn bạc. Đầu tiên người thợ phụ – vợ ông Ya Bơyu đưa khuôn nhẫn mẫu bằng sáp ong có bao bọc phân trâu khô vào lò lửa; khoảng năm phút sau thì chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong trong khuôn phân trâu bị nóng chảy ra ngoài, chỉ còn lại khuôn trống. Lúc này thợ chính – ông Ya Bơyu đưa chén nhỏ làm bằng gốm có bỏ thỏi bạc vào lò. Lửa lò được thổi mạnh, khoảng 10 phút sau thì bạc nóng chảy; thợ chính cầm đũa dài bằng sắt gắp chén gốm đựng bạc nóng chảy đổ vào khuôn trống bằng phân trâu theo đường phẻo nhỏ làm bằng lá dứa gắn với que tre mà người thợ phụ đang cầm sẵn. Khoảng vài phút sau, người thợ phụ đưa khuôn đã đổ bạc nhúng vào một tô nước lạnh để sẵn gần đó. Khi khuôn đổ bạc đang nóng được nhúng vào nước lạnh thì nhiệt độ thay đổi đột ngột nên khuôn mẫu bằng phân trâu bị vỡ ra và cuối cùng bên trong chỉ còn lại chiếc nhẫn bằng bạc đẹp mắt. Đó là quy trình đúc nhẫn mata của người Churu (xem ảnh).

Trang trí hoa văn: hoa văn trên nhẫn được trang trí ngay lúc nhẫn làm mẫu bằng sáp ong để in dập trước vào khuôn bằng phân trâu; chỉ có hoa văn “mata” (mắt) được gắn kết sau khi nhẫn bạc được đúc xong. Để tăng thêm độ tinh xảo, đẹp mắt cho chiếc nhẫn mata, sau khi đúc xong nhẫn bạc, người thợ dùng những chiếc dũa sắt, dũa lại những đường gờ, những vết nối cho bằng phẳng. Cuối cùng, họ đem nhẫn đi nấu với trái chùm kết (quả bồ kết) khoảng nửa giờ để tăng thêm độ bóng và sáng cho nhẫn bạc.

Hoa văn trang trí trên nhẫn chủ yếu là hoa văn hình “mata”, mô tả mặt trời được khắc họa bằng ngôi sao tám cánh, ở chính giữa có gắn một hột tròn màu đỏ gọi là “baoh kraik” (hột cây kơnia) và hoa văn hình bông lúa dài, chạy xung quanh mặt trời hoặc phủ đầy vòng nhẫn. Bên cạnh hoa văn lúa còn có hoa văn lá rừng và hoa văn mắt con sâu nhưng các loại hoa văn này chiếm tỉ lệ ít, không phổ biến. Do hoa văn “mata” mô tả hình mặt trời và bông lúa là hoa văn chủ đạo của chiếc nhẫn này, người Churu chọn luôn tên của hoa văn để đặt tên cho chiếc nhẫn truyền thống của họ, gọi là “Karah Mata” (nhẫn mata) (xem ảnh H.28 trong Hình 3).

Hình 3. Nhẫn truyền thống mata – “Karah Mata”

Nói chung, đồ trang sức của người Sa Huỳnh đa dạng, độc đáo, trong đó quý nhất là khuyên tai hai đầu thú, ba đầu thú, những loại hoa tai, vòng tay, xâu chuỗi chế tác bằng các loại đá quý, mã não, thủy tinh nhiều màu; trình độ chế tác đã đạt đến trình độ tinh xảo ở vùng Đông Nam Á. Ngày nay, tuy kỹ thuật chế tác đồ trang sức của cư dân Sa Huỳnh đã thất truyền từ lâu nhưng những gì còn lại trong kỹ thuật chế tác đồ trang sức của người Churu (Lâm Đồng) cũng giúp chúng ta ít nhiều hình dung được diện mạo và sự phát triển của ngành kỹ thuật cổ xưa và rất độc đáo này (Sakaya, 2011, tr. 73-75).

Gốm Sa Huỳnh và gốm Champa ngày nay

Trong những hiện vật của người Sa Huỳnh tìm thấy từ Quảng Bình đến Bình Thuận, ngoài những hiện vật là những công cụ lao động sản xuất, đồ trang sức thì thu được nhiều nhất vẫn là đồ gốm, mộ chum. Văn hóa Sa Huỳnh còn được mệnh danh hay gọi cách khác là “Văn hóa mộ chum”. Rõ ràng, đồ gốm của người Sa Huỳnh, ngoài việc sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày làm các dụng cụ đựng nước, đựng sản phẩm nông nghiệp, đựng cá biển chế biến nước mắm, dùng để đun nước, nấu ăn, v.v, còn dùng để chôn người chết. Đặc điểm gốm Sa Huỳnh được các nhà khoa học đánh giá là có những nét chung với dòng gốm của các dân tộc khác cùng thời ở vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Philippines.

Kết quả so sánh cho thấy giữa gốm Bàu Trúc và gốm Sa Huỳnh có những nét giống nhau và khác nhau. Ðặc biệt, những cái khác nhau chính là những nét đặc trưng riêng biệt của mỗi loại gốm. Căn cứ trên những đặc trưng riêng biệt ấy của mỗi loại gốm có thể tạm xác định như sau:

Gốm Sa Huỳnh là một loại gốm vùng biển (nổi trội):

Ðặc trưng của loại gốm này là có kỹ thuật chế tác bằng tay và có bàn xoay, kết hợp với phương pháp vải cuộn, vòng quơ, vòng cạo bằng tre; chất liệu đất sét và cát có lẫn bã thực vật, ngâm nguyên liệu (đất sét) bằng nước lợ (có độ mặn) nên có độ dính không cao; hoa văn trang trí chủ yếu là hoa văn chải toàn thân, khắc vạch hình sóng nước, in vỏ sò, v.v.; sản phẩm gốm đa số là đồ đựng có kích thước nhỏ, chủ yếu là màu vàng và xám; kỹ thuật nung gốm lộ thiên.

Gốm Bàu Trúc – Champa gốc cũng là gốm vùng biển, về sau ảnh hưởng yếu tố lục địa:

Ðặc trưng của loại gốm này là có kỹ thuật chế tác bằng tay, hòn kê, không có bàn xoay kết hợp với phương pháp vải cuộn, vòng quơ, vòng cạo; chất liệu đất sét trộn với loại cát sông nhỏ, mịn màng, không pha lẫn bả thực vật; ngâm đất sét với nước ngọt nên độ kết dính cao; hoa văn trang trí là những đường khắc vạch hình sóng nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật, có cả hoa văn móng tay, v.v.; sản phẩm gốm là những đồ đựng kích thước nhỏ có nhiều màu như đỏ, hồng, vàng, xám, đen, đốm; kỹ thuật nung gốm ngoài trời.

Như vậy, kết quả so sánh trên cho thấy, gốm Sa Huỳnh có những đặc điểm chung và để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong kỹ thuật làm gốm Champa ngày nay như gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), gốm Bình Đức (Bình Thuận) và gốm Churu ở Krang Gọ (Lâm Đồng). Gốm Champa ngày nay vẫn còn lưu giữ, kế thừa và phát huy kỹ thuật làm gốm của người Sa Huỳnh. Đây chính là cơ sở tư liệu khoa học quan trọng góp phần cùng với những thông tin khác làm sáng tỏ mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh, Champa và người Champa ngày nay trên dải đất miền Trung Việt Nam.

Tác giả: PGS.TS. Trương Văn Món, Nhà nghiên cứu văn hóa Champa, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Tp. HCM.

Biên tập: Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

BÀI MỚI NHẤT

Động mạch dây rốn – giải pháp trong ghép mạch máu nhỏ

Những tổn thương ở mạch máu thường rất ít được quan tâm ở giai đoạn sớm vì các triệu chứng thường thoáng qua. Khi các triệu chứng đã rõ rệt thì tổn thương thường nặng nề và điều trị bằng thuốc thường ít hiệu quả. Lựa chọn ở giai đoạn này thường là can thiệp mạch và/hoặc phẫu thuật. Kỹ thuật can thiệp mạch và phối hợp phẫu thuật với can thiệp (hybrid) đến nay đã phát triển mạnh mẽ với các vật liệu có tính tương thích sinh học cao, nhiều kích cỡ để lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên với các mạch máu nhỏ (< 5 mm) thì những kỹ thuật này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các mạch sử dụng trong nhi khoa (cầu nối, ghép tạng, v.v.), khi sử dụng mạch tự thân không phải là lựa chọn phù hợp.

Các phương pháp đánh giá không phá huỷ và robot cho điều tra cầu

Cầu là thành phần cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự đi lại an toàn của công chúng và sự bền vững của nền kinh tế. Việc giám sát, bảo trì và phục hồi cơ sở hạ tầng dân dụng bao gồm cầu, đường là điều tối quan trọng ở cấp quốc gia và quốc tế. Bài viết này trình bày về các phương pháp điều tra không phá huỷ (Non-destructive Evaluation - NDE) cho cầu, bao gồm: radar xuyên đất (Ground Penetrating Radar - GPR); âm thanh tác động (Impact Echo - IE); điện trở suất (Electrical Resistivity - ER), và hình ảnh trực quan.

Tiến bộ khoa học trong xác định niên đại khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê

Nền văn hóa Óc Eo cổ xưa nổi tiếng ở Nam Bộ, gắn liền với lịch sử Vương quốc Phù Nam - Vương quốc cổ hình thành đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, có lãnh thổ chủ yếu ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông, bao gồm Việt Nam, Campuchia, và một phần bán đảo Thái Lan - Malaysia. Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo dưới chân núi Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang). Đây là một trong những khu di tích khảo cổ được xếp loại đặc biệt cấp Quốc gia, được phát hiện bởi các sĩ quan hải quân Pháp từ năm 1879 và sau đó đã được khai quật ở quy mô lớn lần đầu tiên vào năm 1944 bởi nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret.

Công nghệ mới trong hỗ trợ sinh sản nữ: thành tựu, tiềm năng và thách thức

Suy giảm chức năng sinh sản hoặc nội tiết được coi là một vấn đề sức khỏe đáng báo động toàn cầu. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 186 triệu phụ nữ đã từng kết hôn, trong độ tuổi sinh sản, ở các nước đang phát triển (chưa tính Trung Quốc) đối mặt với vấn đề vô sinh do nhiều nguyên nhân. Với mong muốn đem lại niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, giảm tải gánh nặng xã hội, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ARTs - Assisted Reproductive Technologies) đã ra đời, trong đó trứng và phôi được thao tác và xử lý bên trong phòng thí nghiệm. Những nghiên cứu về ARTs đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tạo ra những “em bé ống nghiệm”.

BÀI ĐỌC NHIỀU

Bài phỏng vấn Giáo sư Vũ Hà Văn

Toufik Mansour(**)(*) Giáo sư Vũ Hà Văn sinh ra và học tập đến hết trung học phổ thông tại Việt Nam. Năm 1994, ông...

Các khối đa diện đều và những bí ẩn toán học

LTS: Ngày 17.3.2021 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương Na Uy đã quyết định trao giải thưởng Abel (được ví...

Toàn cảnh về miễn dịch cộng đồng với Covid-19

Việc phát triển vaccine thành công và triển khai tiêm chủng đại trà ở nhiều quốc gia đã gieo hy vọng về một thế...

Một vũ trụ hài hòa khơi nguồn bao sáng tạo!

Năm 2021, Quỹ VINIF đã gửi gắm mong ước về một vũ trũ hài hòa và sáng tạo trong Khối lịch 12 mặt của...