(Báo Thanh niên) Tròn 30 năm đặt chân tới Việt Nam để thu vào ống kính những hình ảnh đẹp nhất về con người, phong cảnh và đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt Nam từ Bắc chí Nam và không ngừng trở lại tri ân mảnh đất mình trót phải lòng, nhiếp ảnh gia người Mỹ Peter Steinhauer nói vui: “Kiếp trước chắc tôi là người Việt”.
Nổi bật tại Triển lãm ảnh Hà Nội – một thành phố trong nhiếp ảnh (từ 21.4 – 3.6.2023 tại Trung tâm văn hoá 22 Hàng Buồm) là hai bức ảnh đen trắng siêu lớn, được treo ở vị trí dễ thấy nhất của nhiếp ảnh gia người Mỹ Peter Steinhauer. Một bức chụp chân dung nhạc sĩ Văn Cao, bức còn lại chụp một người thợ sắt tại một cửa hàng nhỏ trên phố Đê La Thành. Hai nhân vật, một nổi tiếng, một bình thường, đều được người cầm máy miêu tả bằng một cái nhìn trìu mến nhất có thể, thông qua khuôn hình và nước ảnh vừa thô ráp vừa đầy chất thơ. “Văn Cao, tôi nhớ ông ấy rất hiền và vô cùng ít nói. Tôi và gia đình tôi còn từng được nhạc sĩ Văn Cao mời tới nhà ăn Tết. Đó là cái Tết Nguyên đán năm 1995, chỉ 6 tháng trước khi ông ấy qua đời. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp tác giả Quốc ca Việt Nam…”, Peter nhớ lại.
“Tôi tham Việt Nam” – Peter nói về tình yêu mà anh theo đuổi suốt 30 năm qua, trong hàm ý, anh yêu tất cả những gì đã được tận nghe, tận thấy ở Việt Nam và luôn muốn thu được nhiều nhất vào ống kính của mình: Đồng bằng sông Cửu Long; dân tộc thiểu số; kênh đào của TP.HCM; những góc phố, những mái nhà và những ngôi nhà ở Hà Nội… Và hơn hết, là những hình ảnh rồi đây sẽ lùi dần vào quá vãng. Kể cả đó là những cái “chuồng cọp” cheo leo nơi những khu nhà tập thể cũ của Hà Nội, hay những tiếng ồn, thậm chí tiếng cãi vã trong các khu chợ (ngoài chụp ảnh, Peter còn thu âm để lưu lại những thanh âm chân thực của đời sống). “Thích hay không thích, thì nó cũng là một phần “hồn cốt” đặc thù của Hà Nội, và theo thời gian, những khu nhà tập thể cũ sẽ dần mất đi, những khu chợ truyền thống sẽ được thay thế bằng các siêu thị…, và “sứ mệnh” của tôi là dùng ống kính của mình để kịp thời lưu lại những vết tích đó trước khi nó biến mất”.
Nhiếp ảnh với Peter không chỉ là câu chuyện của khoảnh khắc, nó còn là một quá trình, ghi dấu những đổi thay. Trở lại Việt Nam với nhiếp ảnh gia người Mỹ này cũng đồng thời là hành trình quay lại những nơi anh từng hướng ống kính, để xem cảnh vật có còn ở đó, như trong những bức ảnh cũ, hay đã kịp đổi khác. “Ở Hà Nội, có một điểm nhìn mà tôi rất hay trở lại để ngắm nhìn xem cảnh vật cũ liệu đã thay đổi. Đó là điểm nhìn từ cầu Chương Dương, hướng về các con phố cổ. Tại cùng một điểm nhìn đó, tôi đã chụp các series ảnh gồm 3 bức một, vào các năm 1994 – 2004 – 2022, và khi đối chiếu chúng, ta sẽ thấy hiện lên rất rõ sự đổi thay của phố phường Hà Nội…”, Peter nói.
Để có được những bức ảnh để đời về Việt Nam (nhiều bức trong số từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, hiện diện trong các bộ sưu tập; được chọn triển lãm tại Hà Nội và Washington D.C nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ; cuốn sách nhiếp ảnh “Enduring Spirit of Vietnam” (Tinh thần nhẫn nại của Việt Nam) của anh từng được PDN – một hiệp hội nhiếp ảnh danh tiếng của Mỹ trao giải Sách Nhiếp ảnh hay nhất năm 2007…), Peter đã mấy lần… hút chết trên đường tác nghiệp. Trong đó, tai nạn nhớ đời nhất là vào năm 1997, ngay trước cổng Chợ Lớn (TP.HCM). Tai nạn khiến anh bị gãy tới 14 chiếc xương sườn, 2 xương cẳng tay và thủng 1 lỗ ở phổi, phải truyền tới 3,5 lít máu. “Trong huyết quản của tôi rõ ràng có dòng máu Việt Nam”, thêm một “bằng chứng” cho “chân lý” mà Peter hết sức tâm đắc: Kiếp trước chắc anh là… người Việt.
Một trong những món quà mừng thọ bố mà Peter tâm đắc, đó là bộ phim tái hiện lại hành trình của ông cụ vào thời điểm ông có mặt tại Việt Nam, một bệnh viện dã chiến ở Đà Nẵng, từ 1966 – 1968. “Bố tôi là một bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, ông ấy được điều tới Việt Nam với nhiệm vụ chữa trị cho các binh lính Mỹ và cả những tù binh bị thương. Bản thân ông ấy chưa từng cầm súng, và trước sau luôn là một người chán ghét chiến tranh, yêu chuộng hoà bình. Ông cũng từng rất thích chụp ảnh về đất nước và con người Việt Nam: phong cảnh làng quê, trẻ em, người già…
Peter nói rằng, anh biết ơn bố mình vì chính ông đã mang Việt Nam về cho tuổi thơ anh. Ngay từ bé, anh đã được biết tới Việt Nam qua những lời kể và những bức ảnh của bố. “6 năm trước khi bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, bố tôi là một trong những cựu binh Mỹ đầu tiên sang Việt Nam, với tư cách là phái đoàn của Liên Hiệp Quốc, và sau đó là tổ chức phi chính phủ “Nhịp cầu hữu nghị” do ông đồng sáng lập, nhằm hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các bệnh viện ở Việt Nam, cũng như đưa các bác sĩ Việt Nam sang Mỹ tu nghiệp… Trong suốt 25 năm duy trì tổ chức đó, ông đã trở lại Việt Nam tới hơn 30 lần, không ít lần là mang theo các con…”.
Lĩnh hội từ bố, về sau này lại còn lấy vợ là người gốc Việt, Peter là một trong những người Mỹ sớm đặt chân tới Việt Nam, từ trước khi bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ. “Hà Nội bấy giờ rất ít bóng dáng người nước ngoài. Rất khó để tìm được một người biết nói tiếng Anh trên đường. Sự hiện diện của một anh chàng “mắt xanh mũi lõ” với chiếc máy ảnh lăm lăm trên tay do đó luôn gây tò mò chú ý…”, Peter nhớ lại.
Ban đầu, Peter chủ yếu chụp ảnh chân dung và phong cảnh, nhưng sau đó anh bị hấp dẫn với đề tài đời sống đô thị. “Trước đó, tôi toàn chụp người Việt Nam ngoài khung cảnh thiên nhiên. Cho đến lúc tôi bỗng nảy sinh một nỗi tò mò: Vậy người Việt đang sống thế nào, trong chính những ngôi nhà của họ, môi trường sống mà họ thuộc về? Đó là một hành trình đi từ ngoài vào trong, từ xa tới gần, để hiểu hơn về người Việt…”.
Từng ở Hà Nội 4 năm (1993-1997), TP.HCM 8 năm (1998 – 2006) và liên tục trở lại Việt Nam trong suốt 30 năm qua, Peter đã thực hiện hàng nghìn bức ảnh trên những chặng hành trình đầy hứng khởi và say mê suốt mọi miền đất Việt: Những khu nhà tập thể cũ ở Hà Nội, những “ngõ nhỏ, phố nhỏ” của phố cổ Hà thành; những phố chợ, làng nghề xứ Kinh Bắc; những khu chợ ồn ào từ Bắc chí Nam; sự im lặng của Đá và Nước ở Vịnh Hạ Long; một cây cầu treo lắt lẻo quăng mình qua sông, in bóng người mẹ địu con ở Sơn La; vẻ trầm tư chiêm nghiệm trên gương mặt lưu dấu thời gian của tác giả “Tiến quân ca”; nét cười hồn nhiên không tuổi sau tay áo đẫm mồ hôi của một người thợ…; hay mới nhất là dự án chụp các nhà thờ cổ ở Ninh Bình, Nam Định…
Trong đó, có một bức ảnh Peter gọi là “bức ảnh định mệnh”. Chính là bức người mẹ địu con trên chiếc cầu treo. “Lúc đó, hoàn toàn là tình cờ, trên đường băng rừng, chúng tôi nhìn thấy cây cầu treo bất ngờ hiện ra trong mờ sương, quá đẹp về tạo hình và quyết định dừng lại. Chụp xong bức thứ nhất – không có người, thì tới bức thứ hai, bất ngờ xuất hiện ở đầu cầu hình ảnh một người mẹ địu con. Định mệnh của đời tôi ra đời từ đó. Khi tình cờ nhìn thấy bức ảnh đó trong một triển lãm ảnh tại Washington D.C, người phụ nữ gốc Việt mà 7 năm sau đó sẽ là vợ tôi đã bị xúc động mạnh. Hình ảnh người mẹ địu con băng qua sông trên cây cầu chênh vênh gợi cho cô ấy liên tưởng tới người mẹ Việt đã một mình che chở cho 12 người con trên đất Mỹ, khi chồng mất sớm. Sau đó, cô ấy đã viết thư làm quen tác giả để bày tỏ niềm cảm kích…”, Peter nhớ lại. “Bố đã mang Việt Nam về cho tôi, còn tôi thì mang Việt Nam về cho cô ấy”, nhiếp ảnh gia người Mỹ nói về “món quà” anh tặng vợ – chị Erin Phương. Rời Việt Nam từ năm lên 9 tuổi, người phụ nữ gốc Việt này nhiều năm sau đó đã thường xuyên đến Việt Nam trên vai trò giám đốc điều hành một tập đoàn thương mại Mỹ cần mở rộng thị trường tại Việt Nam.. Nhưng phải tận tới khi nhìn thấy bức ảnh của Peter, những ký ức mới được đánh thức và tình yêu Việt Nam trong chị mới thực sự trỗi dậy.
Cũng vì tình yêu đó mà sau tròn 20 năm ấp ủ, họ đã sáng lập nên Vietnam Society – một tổ chức độc lập và phi chính phủ để quảng bá văn hóa và nghệ thuật đương đại Việt Nam, bằng sự kiện Vietnam Week diễn ra thường niên tại Washington D.C kể từ năm 2022, với các hoạt động chiếu phim, trình diễn thời trang, ẩm thực, biểu diễn âm nhạc và trò chuyện về văn chương…, dưới sự bảo trợ của bảo tàng danh tiếng hàng đầu nước Mỹ Smithsonian, Trung tâm Kennedy và các tổ chức lớn khác. Họ coi đó là “cửa sổ” để những người Việt xa xứ, đặc biệt là những người trẻ gốc Việt, nhìn về nguồn cội của mình trong cảm thức đẹp về một Việt Nam đương đại.
Con sông quanh co là tên triển lãm đã treo “bức ảnh định mệnh” se duyên hai người. Nhưng từ trong tâm khảm, Peter tin rằng, có một con đường thẳng đã đưa họ tới với nhau: Đó là mảnh đất mà họ đã đi, và đến.
Bài viết trên Báo Thanh niên.