Trang chủ Chuyên gia viết Khám phá đặc trưng văn hóa truyền thống của người Brâu và...

Khám phá đặc trưng văn hóa truyền thống của người Brâu và Rơ-măm

Brâu và Rơ-măm là hai dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me ở Việt Nam, có mối quan hệ chặt chẽ với đồng tộc ở hai nước Lào và Campuchia. Tại Việt Nam, dân tộc Brâu có 558 người cư trú tập trung tại làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; người Rơ-măm có 617 người, cư trú tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Hai tộc người này được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt, trong đó đã hình thành một hệ thống các chính sách hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên về lĩnh vực văn hóa, các nội dung hỗ trợ thường chỉ được lồng ghép với các đề án phát triển kinh tế – xã hội. Các đề án hỗ trợ phát triển dân tộc Brâu, Rơ-măm trên thực tế là cụ thể hóa các chính sách đặc thù, song rất ít những giải pháp có tính đặc thù phù hợp với vốn văn hóa, tri thức địa phương của người dân. Vì vậy cần có sự đánh giá xác đáng về bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống, về hiệu quả của các chính sách văn hóa đã và đang triển khai ở các tộc người này, từ đó đóng góp cơ sở khoa học cho công tác xây dựng chính sách bảo tồn văn hóa đối với hai dân tộc Brâu và Rơ-măm trở nên phù hợp và đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Sự cần thiết và căn cứ để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Brâu, Rơ-măm

Thứ nhất, dựa vào Công ước quốc tế năm 1988 của UNESCO kêu gọi các quốc gia bằng mọi giá duy trì, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của nhân loại. Điều này xuất phát từ thực tế nhiều giá trị văn hoá truyền thống của nhiều nước, nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó gồm cả Việt Nam đã và đang có nguy cơ mai một, mất mát nhanh chóng do tác động của hội nhập, hoà nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra.

Thứ hai, dựa vào Nghị quyết các Đại hội lần thứ IX (2001) lần thứ X (2006), lần thứ XI (2011) và lần thứ XII (2016) của Đảng về văn hoá, trong đó, coi văn hoá là nền tảng, là động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt, dựa vào Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII năm 1998 Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và trong Nghị quyết 9 trung ương khóa XI năm 2011 Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là dựa vào chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc rất ít người, trong đó có người Brâu, Rơ-măm.

Thứ ba, dựa vào sự biến đổi và mai một của một số thành tố văn hoá Brâu, Rơ-măm. Ở hai tộc người này, do dân số ít nên văn hoá truyền thống đã và đang biến đổi sâu sắc. Điều này do đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, dân cư và kinh tế-xã hội từ khi hai tộc người này định canh định cư. Sự biến đổi và mất mát nếu không có giải pháp bảo tồn và phát huy sẽ là nguy cơ dẫn đến mất dần các giá trị văn hoá truyền thống của tộc người.

Trong quá trình tồn tại và phát triển từ Lào, Campuchia sang Việt Nam, hai dân tộc Brâu, Rơ-măm đã tạo dựng nên bản sắc văn hóa hóa truyền thống đa dạng, phong phú, cần được bảo tồn, phát huy trong bối cảnh phát triển bền vững hiện nay. Có thể kể đến một số hạng mục đặc trưng: nhà rông; ẩm thực; thiết chế tự quản buôn làng; luật tục; tín ngưỡng đa thần hay tín ngưỡng vạn vật hữu linh; không gian âm nhạc cồng chiêng; di sản nhà mồ.

Nhà rông

Nhà rông là trung tâm, trái tim vật chất và tinh thần của dân làng, là biểu tượng của linh khí, trí tuệ, sức mạnh, đoàn kết và tính cộng đồng. Nhà rông mang trong mình nhiều chức năng và giá trị, chính yếu là các chức năng, giá trị xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc và nghệ thuật. Nếu như nhà rông gắn với tín ngưỡng hòn đá thiêng Yang Pút là đặc trưng của dân tộc Rơ-măm thì nhà rông của người Brâu mang tên rông puếch có kiến trúc khác biệt, là ngôi nhà vuông tám mái, đỉnh mái hình tháp nhọn, độc đáo và giàu biểu tượng văn hóa.

Hiện tại người Rơ-măm có 2 ngôi nhà rông với hai chức năng khác nhau, đó là nhà rông phong tục và nhà rông văn hóa. Với người Rơ Măm, nhà rông phong tục là nơi linh thiêng, diễn ra các nghi lễ tâm linh của làng và là nơi cất giữ Yàng; còn nhà rông văn hóa là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng. Hiện nay, ngôi nhà rông phong tục đã có dấu hiệu xuống cấp, cần được dựng mới hoặc tu bổ vững chắc hơn.

Hình 1. Nhà rông truyền thống của người Rơ-măm, nơi diễn ra các nghi lễ theo phong tục của người Rơ-măm
Hình 2. Nhà rông văn hóa của người Rơ-măm, nơi sinh hoạt chung của cộng đồng

Trong lịch sử, người Brâu đã sáng tạo nên 3 loại hình nhà rông: rông truu, rông buua pruun, rông puếch, trong đó rông puếch là kiểu dáng cuối cùng tồn tại đến khi bị cháy làng truyền thống vào năm 1991. Theo tâm thức của người Brâu hiện tại, rông puếch là nhà rông đẹp nhất, sáng tạo tâm đắc nhất của cả cộng đồng, khác biệt hẳn với kiểu dáng nhà rông của các DTTS khác ở Tây Nguyên. Có thể nói, nhà rông là một loại hình di sản văn hóa đặc sắc và nổi bật, mang tính biểu tượng cho sự vững chãi của làng, cho sức mạnh, sự khéo léo của người dân. Với kiểu dáng rông puếch, thế giới quan của người Brâu thể hiện rõ nét qua những vật thiêng, đồng thời giáo dục con cháu về nguồn gốc mẹ Bầu – sản sinh ra con người và lương thực nuôi dưỡng người Brâu. Sự kết nối với Yang và niềm tin vào vũ trụ qua biểu tượng nhà rông đã giúp một cộng đồng người có dân số rất ít ở Việt Nam luôn gắn kết để lao động sản xuất và sáng tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc.

Trải qua thời gian, sự thay đổi của cuộc sống cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các ban ngành, ngôi nhà rông của người Brâu hiện nay đã qua 4 lần dựng mới, tu sửa và nâng cấp. Ngôi nhà rông mới đã có sự thay đổi rõ nét về kiểu dáng, kiến trúc, vật liệu và chức năng sử dụng, mà sự thay đổi lớn nhất là sự biến mất dần phần “hồn” của biểu tượng văn hóa độc đáo này. Nhà rông được dựng lại có thể bề thế hơn, sử dụng những chất liệu đắt tiền hơn, được Nhà nước cũng như các tổ chức quan tâm đến hơn, song ngôi nhà đó ít gắn bó chặt chẽ với đời sống hằng ngày, đời sống sản xuất và đời sống tâm linh của cộng đồng, không còn là không gian thiêng, nơi sản sinh, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa của cả tộc người. Ngôi nhà rông này mang chức năng là nhà rông văn hóa, người Brâu vẫn luôn mong ước có một nhà rông phong tục để thực hành những nghi lễ tín ngưỡng tộc người.

Hình 3. Nhà rông mới tại làng Đắk Mế

Qua những đợt khảo sát tại làng Đắk Mế, “nỗi niềm và sự đau đáu” của các bậc cao niên về một rông puếch trong quá khứ đã dấy lên trong chúng tôi những trăn trở làm sao để góp tiếng nói của người làm khoa học trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa nhà rông của người Brâu. Với những chia sẻ tâm huyết của các bậc minh triết dân gian tại làng Đắk Mế, bóng dáng của các loại hình nhà rông cổ truyền đã dần hiển lộ, đặc biệt qua mô hình nhỏ về rông puếch mà già làng và các nghệ nhân Brâu đã dựng lại để tặng lưu niệm cho đoàn nghiên cứu, cho biết ước muốn của người dân trong tương lai gần được thấy lại ngôi nhà rông theo đúng kiểu dáng rông puếch truyền thống ngay chính trong không gian của làng Đắk Mế hiện tại.

Ẩm thực

Ẩm thực của hai dân tộc Brâu, Rơ-măm bao gồm đồ ăn, thức uống và đồ hút, trong đó, phản ánh bản sắc và những giá trị văn hóa tộc người là một số món ăn và rượu cần được chế biến từ men lá. Một số món ăn đặc trưng của người Brâu, Rơ-măm là gà nướng, cơm lam nướng trong ống lồ ô, các món ăn chế biến từ đọt mây, gỏi kiến vàng, v.v. đã và đang được truyền dạy, giới thiệu trong các cuộc liên hoan ẩm thực địa phương. Điểm nhấn trong ẩm thực của người Brâu, Rơ-măm là sử dụng và kết hợp các loại gia vị tạo nên hương vị cay, chua, ngọt đặc trưng hấp dẫn và mang bản sắc tộc người. Rượu cần nổi tiếng thơm ngon, do những người phụ nữ chế biến với quy trình chặt chẽ và bí quyết riêng, tạo nên hương vị đặc trưng do men lá tạo thành, hiện đang được chú ý khôi phục, bảo tồn và quảng bá.

Hình 4. Một số món ăn truyền thống của người Brâu ở làng Đắk Mế

Thiết chế tự quản cộng đồng, thôn làng hay thiết chế tự quản già làng

Đây là những giá trị văn hóa xã hội đặc trưng, tiêu biểu của người Brâu, Rơ-măm, cũng là hình thức quản lý xã hội dân cử, dân chủ, tự quản cổ xưa của xã hội tiền giai cấp, đến cuối thế kỷ XX chỉ còn sót lại ở một số ít nơi trên thế giới. Trên cơ sở tuân theo và thực hành, luật tục, mặc dù sơ giản và gọn nhẹ, chỉ với người đứng đầu là chủ làng, hay người đầu làng, có sự tham vấn của hội đồng người già và có thể thêm một số chức việc trợ giúp về phong tục và tín ngưỡng, thiết chế tự quản buôn làng Brâu, Rơ-măm một mặt vận hành trật tự, mặt khác, quản lý hiệu quả toàn bộ hoạt động đối nội, đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như bảo vệ môi trường của cộng đồng làng. Mọi trường hợp kiện tụng và xích mích giữa các thành viên đều được giải quyết ổn thoả trong phạm vi làng bởi thiết chế tự quản và theo luật tục mà không cần đến sự can thiệp của thiết chế tổ chức xã hội bên ngoài. Nghiên cứu để kế thừa và phát huy vai trò của thiết chế tự quản làng có ý nghĩa thiết thực và cấp bách, không chỉ bảo tồn văn hóa, mà còn góp phần xây dựng thể chế quản lý xã hội phù hợp và hiệu quả ở người Brâu, Rơ-măm hiện nay.

Luật tục

Luật tục được coi là giá trị văn hóa xã hội đặc trưng, tiêu biểu ở người Brâu, Rơ-măm có vai trò như một loại luật pháp sơ khai. Nội dung của luật tục giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, môi trường cư trú. Mục tiêu của từng điều trong luật tục đều hàm ý vừa khuyên răn vừa ràng buộc con người sống có đạo lý, tôn trọng công bằng, bảo vệ, duy trì thuần phong mỹ tục, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra luật tục còn các giá trị khác như giá trị lịch sử, xã hội, văn hóa, tri thức dân gian.

Tín ngưỡng đa thần/Tín ngưỡng vạn vật hữu linh

Tín ngưỡng đa thầnlà tín ngưỡng đặc thù của xã hội còn bảo lưu nhiều dấu vết tiền giai cấp ở người Brâu, Rơ-măm. Các niềm tin trong tín ngưỡng đa thần Brâu phản ánh một phần bản sắc văn hóa của họ. Có nhiều tín ngưỡng phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan tốt đẹp của tộc người, trong đó, ngoài phản ánh mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người còn phản ánh thái độ trân trọng bảo vệ và giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với môi trường tự nhiên. Tín ngưỡng là giá trị tinh thần khác với mê tín cần được trân trọng lưu giữ và bảo vệ, nhất là trong bối cảnh cần phải có đối trọng với các tôn giáo mới đang có xu hướng du nhập và lan truyền trong các tộc người thiểu số hiện nay.

Không gian âm nhạc cồng chiêng

Không gian âm nhạc cồng chiêng là văn hóa phi vật thể nổi tiếng của người Brâu, Rơ-măm. Cũng như các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên, người Brâu, Rơ-măm không chỉ là những cư dân say mê âm nhạc, mà còn có khả năng thẩm âm và trình diễn nhiều loại nhạc cụ, trong đó đặc biệt phải kể đến nhạc cụ cồng chiêng và trình diễn âm nhạc cồng chiêng. Âm nhạc cồng chiêng của người Brâu gồm: bộ chiêng tha 2 chiếc là chiêng cha và chiêng mẹ, bộ chiêng goong gồm 12 chiếc. Chiêng tha là nhạc cụ đặc trưng tiêu biểu chỉ có ở người Brâu, khi diễn tấu thể hiện tình cảm tha thiết, sâu nặng của con cái đối với cha mẹ cũng như công ơn to lớn của cha mẹ đối với con cái. Đây là nhạc cụ đặc thù chỉ biểu đạt mối quan hệ giữa con người với con người, khác với chiêng goong là nhạc cụ tập thể do nhiều người trình diễn, biểu đạt mối quan hệ không chỉ giữa con người với con người mà còn mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Theo nghiên cứu của chúng tôi năm 2023, hiện tại người Brâu ở Đắk Mế còn giữ được 8 bộ chiêng tha cổ và 1 bộ chiêng tha mới do Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum mua tặng.

Hình 5. Già làng và thầy cúng Brâu đang thực hành diễn tấu Chiêng tha trong lễ trỉa lúa (tháng 5/2024)

Đối với người Rơ-măm, cồng chiêng là “linh hồn”, là “báu vật”, nhà nào càng có nhiều cồng chiêng thì nhà ấy càng giàu có. Vì vậy, dù có rất nhiều người đến hỏi mua, nhưng dân làng Le kiên quyết không bán. Người dân làng Le đều nói rằng, đây là báu vật được truyền lại từ đời này sang đời khác. Trong những ngày lễ hội của buôn làng, cồng chiêng gắn kết con người với thế giới tâm linh. Nó thay cho tiếng lòng của người làng Le để cầu xin một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ. Đồng thời, cồng chiêng còn là sự gắn kết cộng đồng làng, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Theo đánh giá của Phòng Văn hoá – Thể thao huyện Sa Thầy (Kon Tum), xã Mô Rai là địa phương có số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong huyện, với hơn 180 bộ cồng chiêng. Trong đó, làng Le nhiều nhất với gần 70 bộ cồng chiêng.

Âm nhạc cồng chiêng không chỉ phản ánh nghệ thuật mà còn phản ánh nhân cách, tín ngưỡng, văn hóa và con người Brâu, Rơ-măm. Cồng chiêng và diễn xướng âm nhạc cồng chiêng Brâu, Rơ-măm góp phần tạo nên không gian âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Nhà mồ

Nhà mồ cùng với tượng mồ và nghi lễ bỏ mả là những nét văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thể hiện lối ứng xử, nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Brâu, Rơ-măm. Nhà mồ và tượng mồ là một phần quan trọng trong nghi lễ bỏ mả và có thể nói cả lễ bỏ mả, nhà mồ và tượng mồ đều là những biểu hiện khác nhau trong quá trình tang ma của người Brâu, Rơ-măm. Ở đây, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến nhà mồ, tượng mồ với tư cách là di sản văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh xã hội và văn hóa Tây Nguyên có nhiều biến đổi như hiện nay.

Theo phong tục của người Brâu, Rơ-măm, mỗi khi có người mất, gia đình làm đám tang đưa người chết đến nghĩa địa chôn và làm nhà mộ tạm, lúc này linh hồn người chết vẫn còn ở bên cạnh người thân nên sau tang lễ người ta vẫn cúng, vẫn mang cơm rượu ra mộ cho người chết, vẫn quét mả, giữ mả, chỉ đến khi làm lễ bỏ mả thì lúc đó người sống mới từ biệt người chết, tiễn người chết về nơi cư trú vĩnh viễn của họ là làng ma, từ đây người sống và người chết không còn giao tiếp gì với nhau nữa.

Lễ bỏ mả là một nghi lễ – lễ hội đặc biệt, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của đồng bào các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên. Đây là nghi lễ tiễn biệt người chết, kết thúc thời gian giữ mả, cắt đứt sự liên hệ giữa người sống và người chết song đây cũng lại là thời điểm cho những sự bắt đầu, người chết bắt đầu cuộc sống mới của họ ở làng ma, hồn của người chết bắt đầu quá trình luân chuyển, biến hóa để đến một ngày sẽ lại hiện diện trên mặt đất, lại trở về cõi sống trong hình hài của một thành viên mới trong cộng đồng.

Linh hồn của lễ bỏ mả là ngôi nhà mồ – không gian diễn ra nghi lễ và những bức tượng mồ thể hiện nét nghệ thuật tài hoa của các nghệ nhân tạc tượng cũng như ý nghĩa nhân văn toát lên từ đó. Nhà mồ được xây dựng từ công sức tập thể, những người thanh niên vào rừng lấy gỗ, dựng cột; người già, người có nhiều kinh nghiệm trang trí, đẽo tượng, dân làng trợ giúp. Nhà mồ và tượng mồ được dựng lên theo kỹ thuật khá thô sơ, dùng gỗ, nứa, lá mà không dùng gạch, kết nối bằng gá, buộc không dùng kèo, mộng, công cụ để làm là dao, rìu mà không dùng cưa, v.v., tất cả tạo ra sự đơn sơ, thô mộc nhưng lại rất tự nhiên, gần gũi, hấp dẫn.

Hình 6. Kiến trúc nhà mồ của người Rơ-măm và nghệ nhân Rơ-măm tạc tượng nhà mồ

Ngôi tượng mồ to hay nhỏ, cầu kỳ hay không là tùy thuộc vào điều kiện gia đình. Hệ thống tượng mồ được đẽo tạc thô sơ, đường tiết, hình khối đơn giản, mộc mạc, chân thực, thể hiện sinh động cuộc sống của đồng bào cũng như nhân sinh quan, thế giới quan của họ. Tư duy nhân văn về cuộc sống, về sự vận động, luân chuyển, xoay vòng của thế giới, về sự tái sinh, về các trạng thái tình cảm cũng như sự giao tiếp, hòa hợp của con người với tự nhiên, với cộng đồng là những đặc điểm nổi bật của nhà mồ, tượng mồ. Trong làng không phải ai cũng có thể làm được tượng mồ mà chỉ có một số người làm, thường là những người từ trung niên đến cao tuổi, có quá trình trải nghiệm lâu dài với việc đẽo tượng và có tri thức tốt về cách chọn gỗ, về thẩm mỹ, và quan trọng là có sự đồng cảm được với gia chủ trong việc thể hiện tình cảm gắn bó với người đã mất. Hiện nay ở làng Le chỉ còn vài nghệ nhân Rơ-măm biết tạc tượng nhà mồ, trong khi đó ở làng Đắk Mế, nghệ thuật tạc tượng nhà mồ Brâu gần như đã thất truyền do người dân chuyển sang xây nhà mồ bằng vật liệu hiện đại như xi măng, gạch, lợp mái tôn.

Lễ bỏ mả, nhà mồ, tượng mồ là những giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo, ở đó chứa đựng giá trị nhân văn, giá trị cộng đồng, giá trị nghệ thuật, giá trị biểu tượng, giá trị tâm linh, giá trị thể hiện bản sắc, giá trị trao truyền văn hóa, v.v. Nếu những giá trị này vì lý do gì đó mai một đi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc văn hóa dân tộc Brâu, Rơ-măm.

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Tám – Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Biên tập: Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Chính (2019), “Hỗ trợ phát triển và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người”, Kỷ yếu Hội nghị dân tộc học quốc gia năm 2018, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 309-310.

2. Lê Thị Hường, Nguyễn Thị Tám (2024), “Thực trạng biến đổi nhà rông của người Brâu ở tỉnh Kon Tum”, Tạp chí Dân tộc học, số 2, tr. 98-109.

3. Lê Hồng Lý và cộng sự (2019), Văn hóa các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên: truyền thống, biến đổi và các vấn đề đặt ra, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Vũ Đình Lợi (1997), “Hai tộc người Brâu và Rơ-măm”, Tạp chí Dân tộc và miền núi, số 3.

5. Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Mạnh Tiến (2024), Tín ngưỡng của dân tộc Brâu ở tỉnh Kon Tum trong chỉnh thể văn hóa Tây Nguyên, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7, tr. 98-107.

6. Nguyễn Thị Tám (2024), Chính sách dân tộc đối với người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum: Thực trạng và vấn đề đặt ra, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 3, tr. 35-42.

7. Vương Xuân Tình (chủ biên, 2014), Văn hóa với phát triển bền vững ở vùng biên giới Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Vương Xuân Tình (1999), Tình hình giáo dục của người Rơ-măm, Báo cáo đề tài tiềm năng của Viện Dân tộc học.

9. Vương Xuân Tình (2001), “An toàn lương thực của người Rơ-măm”, Tạp chí Dân tộc học, số 5, tr.3-17.

10. Nguyễn Khắc Tụng (chủ biên, 1991), Nhà rông các dân tộc Bắc Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

11. Nguyễn Thị Thu Trang (2016), “Cộng đồng với việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1 (54), tr. 6-15.

12. UNESCO (2003), Công ước về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể năm 2003.

13. UNESCO (2005), Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa năm 2005.

14. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên, 2018), Các tộc người tỉnh Gia Lai – Công Tum, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

BÀI MỚI NHẤT

Cluster nguyên tử: Cấu trúc đặc sắc và ứng dụng đa dạng

Trong vài thập kỷ vừa qua, vật liệu nano đã nổi lên và chiếm giữ một một vị trí quan trọng trong khoa học...

Tinh thần giáo dục đại học đại chúng tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1955 – 1975

Suốt nhiều thế kỷ qua, giáo dục đại học luôn là một thiết chế quan trọng trong xã hội Việt Nam. Trong những năm gần đây, các thảo luận về triết lý và tư tưởng của giáo dục Việt Nam ngày càng trở trên sôi nổi, thu hút không chỉ các chuyên gia, những nhà lý luận, mà cả hàng triệu phụ huynh và học sinh. Các thảo luận diễn ra từ nghị trường Quốc hội cho đến không gian gia đình. Tuy vậy, đến nay, câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản “Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?” lại chưa thể có đáp án.

Dấu ấn methyl hóa DNA trong sàng lọc, chẩn đoán ung thư

Trong tế bào nhân thực, phân tử DNA được quấn quanh lõi histone (còn gọi là nucleosome) tạo thành sợi nhiễm sắc. Một nucleosome gồm các tiểu đơn vị histone H2A, H2B, H3 và H4. Một cách hiểu đơn giản, DNA được đóng gói trong cấu trúc nucleosome; các nucleosome có thể rất gần nhau làm cho sợi DNA co đặc lại hoặc chúng phân bố xa nhau làm cho sợi DNA tháo xoắn, bộc lộ các trình tự nucleotide ở dạng tự do.

Những đột phá mới trong công nghệ chỉnh sửa gen

Công nghệ chỉnh sửa gen là một phát minh mang tính đột phá trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cho phép các nhà khoa học chỉnh sửa mật mã di truyền của sinh vật chính xác theo ý muốn. Chính vì vậy, giải Nobel Hóa học năm 2020 đã được trao cho hai nhà khoa học nữ là Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna cho công nghệ chỉnh sửa CRISPR-Cas9. Đây là sự công nhận to lớn đối với tính đột phá và tiềm năng ứng dụng vượt trội của công nghệ này, mở ra kỷ nguyên mới trong y học, nông nghiệp và sinh học, đồng thời mang lại hy vọng cho những tiến bộ chưa từng có trong việc điều trị các bệnh di truyền và cải thiện giống cây trồng.

BÀI ĐỌC NHIỀU

Khái quát về mô hình dữ liệu quan hệ

Phần lớn hệ thống cơ sở dữ liệu hiện nay đều được xây dựng bằng mô hình dữ liệu quan hệ. Vậy mô hình...

Supervised Learning và Unsupervised Learning: Khác biệt là gì?

Supervised learning (Học có giám sát) và Unsupervised learning (Học không giám sát) là hai trong số những phương pháp kỹ thuật cơ bản...

Khái quát về Data Pipeline

Dữ liệu là chìa khóa trong việc khám phá tri thức sâu rộng, nâng cao hiệu quả quy trình và thúc đẩy đưa ra...

Transformer Neural Network – Mô hình học máy biến đổi thế giới NLP

Năm 2017, Google công bố bài báo “Attention Is All You Need” thông tin về Transformer như tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh...