Nhà văn Han Kang
“vì lối văn mạnh mẽ đậm chất thơ dám đương đầu với những nỗi đau lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”
Nhà văn Han Kang (한강), sinh năm 1970 tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Năm lên 9 tuổi, bà cùng gia đình chuyển đến Seoul. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống văn học khi cha của Han Kang là một tiểu thuyết gia danh tiếng Han Seung-won. Không chỉ dừng lại ở việc viết văn, bà còn say mê và cống hiến cho nghệ thuật và âm nhạc và những yếu tố này thấm đẫm trong từng trang sách của bà.
Han Kang bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình vào năm 1993, khi những bài thơ đầu tiên của bà xuất hiện trên tạp chí 문학과사회 (“Văn học và Xã hội”). Năm 1995, bà chính thức ra mắt với tập truyện ngắn 여수의 사랑 (“Tình yêu của Yeosu”), mở đầu cho một loạt các tác phẩm đa dạng, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn. Trong số đó, nổi bật nhất là tiểu thuyết 그대의 차가운 손 (2002; “Đôi tay lạnh của bạn”), một tác phẩm đậm chất nghệ thuật, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của Han Kang đến nghệ thuật điêu khắc. Cuốn sách kể về một bản thảo bị bỏ lại bởi một nhà điêu khắc mất tích, người bị ám ảnh bởi việc tạo nên những khuôn thạch cao cơ thể phụ nữ. Tác phẩm này không chỉ khám phá giải phẫu cơ thể người mà còn là sự chơi đùa với ranh giới giữa nhân cách và trải nghiệm. Xung đột nảy sinh trong công việc của nhà điêu khắc giữa những gì cơ thể tiết lộ và những gì nó che giấu. Câu văn ở cuối sách: “Cuộc sống là một tấm vải căng trên vực thẳm, và chúng ta sống trên đó như những nghệ sĩ xiếc đeo mặt nạ” như một lời nhắc nhở về sự mong manh và phức tạp của cuộc sống.
Bước đột phá mang tính quốc tế của Han Kang đến từ tiểu thuyết 채식주의자 (2007; Người ăn chay, 2015). Cuốn sách được chia thành ba phần, khắc họa những hậu quả bạo lực khi nhân vật chính Yeong-hye từ chối tuân theo các chuẩn mực ăn uống. Quyết định không ăn thịt của cô gặp phải nhiều phản ứng khác nhau. Hành vi của cô bị cả chồng và người cha độc đoán của cô từ chối một cách ép buộc, và cô bị anh rể của mình, một nghệ sĩ video, khai thác về mặt tình dục và thẩm mỹ khi anh ta trở nên ám ảnh với cơ thể thụ động của cô. Cuối cùng, cô bị đưa vào một phòng khám tâm thần, nơi chị gái cô cố gắng cứu cô và đưa cô trở lại cuộc sống “bình thường”. Tuy nhiên, Yeong-hye ngày càng chìm sâu hơn vào tình trạng giống như chứng loạn thần, biểu hiện qua ‘những thân cây rực lửa’, một biểu tượng cho vương quốc thực vật lôi cuốn đến mức trở nên nguy hiểm.
Một cuốn sách nhiều tình tiết hơn là 바람이 분다, 가라 (“Gió thổi, đi”) xuất bản năm 2010, một tiểu thuyết đồ sộ và phức tạp về tình bạn và nghệ thuật mà trong đó, nỗi đau và niềm khát khao về sự chuyển hóa hiện diện một cách mạnh mẽ.
Sự đồng cảm sâu sắc của Han Kang đối với những câu chuyện cuộc sống đầy cực đoan được củng cố bởi phong cách ẩn dụ ngày càng tinh tế của cô. Cuốn 희랍어 시간 (Những lớp học tiếng Hy Lạp) xuất bản năm 2011 bằng tiếng Hàn (được dịch sang tiếng Anh năm 2023) là một bức chân dung mê hoặc về mối quan hệ phi thường giữa hai cá nhân dễ bị tổn thương. Một người phụ nữ trẻ, sau một loạt trải nghiệm đau thương, đã mất khả năng nói, kết nối với giáo viên nam của cô bằng tiếng Hy Lạp cổ đại, người cũng đang dần mất đi thị lực. Từ những khuyết điểm của họ, một mối tình mong manh và đầy cảm xúc nảy nở. Cuốn sách là một sự suy ngẫm tuyệt đẹp về sự mất mát, sự thân mật và những bối cảnh sau cùng của ngôn ngữ.
Trong tiểu thuyết 소년이 온다 (2014; Bản chất của con người, 2016), Han Kang lần này bộc lộ quan điểm chính trị của mình nhờ khai thác một sự kiện lịch sử đau thương tại thành phố Gwangju, nơi cô lớn lên. Vào năm 1980, tại đây đã có hàng trăm sinh viên và dân thường không vũ trang đã bị quân đội Hàn Quốc thảm sát. Cuốn sách, với mục đích lên tiếng cho các nạn nhân của lịch sử, đối mặt với sự kiện này bằng hiện thực tàn bạo, từ đó tiếp cận thể loại văn học chứng nhân. Phong cách của Han Kang, vừa có tầm nhìn vừa súc tích, khác biệt so với mong đợi của chúng ta về thể loại này. Bà sử dụng những thủ thuật riêng biệt khi để cho những linh hồn của người chết tách rời khỏi cơ thể và chứng kiến sự hủy diệt của chính thể xác họ. Trong những khoảnh khắc cụ thể, dưới cái nhìn của những những xác chết không thể nhận dạng và không được chôn cất, câu chuyện gợi nhắc mô típ cơ bản trong vở bi kịch Antigone của Sophocles.
Trong tác phẩm Trắng – 흰 (2016; The White Book, 2017), văn phong đầy chất thơ của Han Kang một lần nữa thống trị. Cuốn sách là một bài điếu văn dành tặng cho người có thể là chị gái của nhân vật kể chuyện, nhưng đã qua đời chỉ vài giờ sau khi sinh. Trong một chuỗi các ghi chú ngắn, tất cả đều liên quan đến các đối tượng trắng, và cũng chính qua gam màu đau thương này mà toàn bộ câu chuyện được xây dựng gắn kết. Điều này khiến cuốn sách ít giống một tiểu thuyết thông thường nhưng lại giống một loại “sách cầu nguyện thế tục” hơn. Theo lý luận của người kể chuyện, nếu người chị trong tưởng tượng được phép sống thì chính cô ta sẽ không được phép ra đời. Cuốn sách kết thúc bằng một lời thì thầm với người đã khuất: “Trong màu trắng đó, tất cả những thứ màu trắng đó, tôi sẽ hít thở hơi thở cuối cùng mà bạn đã thở ra”.
Một điểm nhấn khác trong sự nghiệp của Han Kang là tác phẩm mới đây, 작별하지 않는다 (“Chúng ta không chia tay”) xuất bản năm 2021, với hình ảnh về nỗi đau gắn liền chặt chẽ với Trắng. Câu chuyện diễn ra trong bóng tối của cuộc thảm sát cuối những năm 1940 trên đảo Jeju, nơi hàng chục nghìn người, bao gồm cả trẻ em và người già, bị bắn chết vì bị nghi ngờ là gián điệp. Cuốn sách khắc họa tiến trình đau buồn được sẻ chia giữa người kể chuyện và người bạn Inseon, cả hai, rất lâu sau sự kiện, đều mang trong mình nỗi đau liên quan đến thảm họa đã xảy ra với người thân của họ. Với hình ảnh chính xác và cô đọng, Han Kang không chỉ truyền tải sức mạnh của quá khứ đối với hiện tại mà còn mạnh mẽ không kém khi theo dõi những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người bạn nhằm đưa ra ánh sáng những gì đã rơi vào quên lãng và chuyển hóa nỗi đau của họ thành một dự án nghệ thuật chung – nơi tác phẩm có tựa đề như ngày hôm nay. Với sự diễn tả về hình thái sâu sắc nhất của tình bạn như là về nỗi đau được di truyền, cuốn sách diễn tiến với sự độc đáo và kì dị tuyệt vời giữa những hình ảnh ác mộng trong giấc mơ và thiên hướng của thể loại văn học nhân chứng nhằm nói lên sự thật.
Tác phẩm của Han Kang đặc sắc với sự bộc lộ kép về nỗi đau, một mối liên hệ tương đương giữa những tra tấn về cả tinh thần và thể xác, kết nối sâu xa với tư tưởng phương Đông. Trong tác phẩm 회복 하는 인간 (Dưỡng bệnh, 2013), điều này được thể hiện qua một vết loét chân không chịu lành và mối quan hệ đau đớn giữa nhân vật chính và người chị gái đã khuất. Không có sự dưỡng bệnh thực sự nào diễn ra, và nỗi đau trồi lên như một trải nghiệm hiện sinh nền tảng mà không thể tiêu giảm thành bất cứ nỗi đau nào thoáng qua. Trong tiểu thuyết Người ăn chay, không có sự giải thích giản đơn nào được đưa ra. Ở đây, hành động lệch lạc phát tiết đột ngột và bùng nổ dưới hình thái của một sự chối từ tuyệt đối, với nhân vật chính giữ sự im lặng. Điều tương tự cũng có thể nói về truyện ngắn 에우로파 (Europa, 2012), trong đó người kể chuyện nam, tự mình đeo mặt nạ như một người phụ nữ, bị thu hút bởi một người phụ nữ bí ẩn đã thoát khỏi một cuộc hôn nhân bất khả. Nhân vật kể chuyện vẫn im lặng khi được người yêu hỏi: “Nếu bạn có thể sống như bạn ước muốn, bạn sẽ làm gì với cuộc đời mình?” Không có chỗ cho sự hoàn tất hay chuộc lỗi.
Trong suốt sự nghiệp văn chương, Han Kang đã dũng cảm đối mặt với những nỗi đau lịch sử và những quy tắc vô hình, phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người qua từng tác phẩm. Bà có sự nhận thức độc nhất về những liên kết giữa thể xác với linh hồn, giữa sự sống và cái chết, và phong cách đầy chất thơ và thể nghiệm đó đã trở thành một lối cải cách trong văn xuôi đương đại.
Tác giả: Anders Olsson – Chủ tịch Ủy ban Nobel.
Biên dịch: Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF).