Sự sáng tạo chữ viết hệ La-tinh của tiếng Bahnar tiếp nối sự sáng tạo chữ viết hệ La-tinh cho tiếng Việt (tức chữ quốc ngữ). Trong số các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Bahnar là ngôn ngữ đầu tiên đã được các thừa sai tạo tác chữ viết từ giữa thế kỷ 19.
Nếu ngôn ngữ được coi như một di sản sống bởi ngôn ngữ đem lại cho cộng đồng và các cá nhân “ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người” (Bruno de Witte 2020), thì chữ viết của ngôn ngữ đó được coi như công cụ giúp lưu giữ những ký ức của một dân tộc. Việc sưu tầm tư liệu liên quan đến lịch sử chữ viết hệ La-tinh của tiếng Bahnar và di sản tư liệu liên quan đến chữ viết này giúp chúng ta có thêm tri thức về lịch sử, văn hóa của người Bahnar cũng như lịch sử chữ viết của ngôn ngữ này, nan đề vốn chưa được các nhà nghiên cứu lưu tâm và chính người dân Bahnar cũng chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc biết đọc và biết viết bằng tiếng mẹ đẻ.
Sự kế thừa truyền thống: Ngữ học truyền giáo
Quá trình tạo ra chữ quốc ngữ cho tiếng Việt hay chữ viết hệ La-tinh của tiếng Bahnar nằm trong trào lưu chung của ngữ học truyền giáo từ thời Phục Hưng. Khi thừa sai được cử đi truyền giáo, do nhu cầu học tiếng bản xứ, họ nghe người bản xứ nói và bắt chước cách phát âm; họ cũng tạo ra chữ viết của ngôn ngữ đó dựa vào bảng chữ cái hệ La-tinh (Phạm Thị Kiều Ly 2022). Thời đó, các nhà ngữ học và thừa sai thường ghi các âm của ngôn ngữ bản xứ bằng cách gán cho âm đó tương ứng với một chữ trong hệ thống chữ cái của nhóm ngôn ngữ La Mã (Sylvain Auroux 1995: 113).
Những thừa sai Dòng Tên đầu tiên tới Việt Nam năm 1615 với mục đích truyền giáo. Vì nhu cầu giao tiếp với người dân bản xứ, các thừa sai học tiếng Việt và miêu tả ngôn ngữ này theo mô hình ngữ pháp La-tinh, đồng thời ghi âm tiếng Việt theo văn tự La-tinh tức tạo chữ viết hệ La-tinh cho tiếng Việt.
Thành lập chính thức năm 1663, nhiều giám mục tông tòa và linh mục của Hội Thừa sai Paris được gửi tới miền Viễn Đông với sứ mệnh đào tạo linh mục bản xứ. Sau khi đã ổn định miền truyền giáo ở đồng bằng, họ có kế hoạch mở rộng vùng đất truyền giáo đến Tây Nguyên, nhưng nỗ lực của họ đã không thành công (Launay 2000 [1923-1925]: 167-168). Gần hai thế kỷ sau, trong bối cảnh bách đạo gắt gao của triều Nguyễn, giám mục Étienne Cuenot (1802-1861) thấy cần thiết phải mở đạo ở miền núi. Năm 1850, một phó tế người Việt tên là Sáu Do được phái đi tìm con đường an toàn hơn để thành lập một cơ sở truyền giáo trong vùng đất của người Bahnar (Dourisboure et al. 1929: 10). Sau sáu tháng ở lại cùng người Bahnar, ông đã khá thành thạo ngôn ngữ của họ và sau đó tháp tùng hai thừa sai người Pháp là Pierre Combes (1825-1857) và Joseph Fontaine (1815-1871) đến Tây Nguyên.
Tháng 10 năm 1849, Pierre Dourisboure (1825-1890) rời Pháp tới Đàng Trong. Sau ba tháng học, ông đã có thể nghe được một số lời xưng tội bằng tiếng Việt (Dourisboure et al. 1929: 29 – 30). Cuối năm 1850, ông đến Kon-trang thuộc vùng đất của người Xê-Đăng (lãnh thổ tiếp giáp với lãnh thổ của người Bahnar). Năm 1852, với sự giúp đỡ của một người Bahnar tên là Hmur, các nhà truyền giáo tìm cách định cư tại làng Ko Xâm (Lê & Nguyễn 1933: 75-76). Từ đó, Pierre Dourisboure cố gắng học tiếng Bahnar để có thể giao tiếp với người bản xứ.
Quá trình sáng tạo chữ viết tiếng Bahnar
Ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên, các nhà truyền giáo tại Tây Nguyên đã gặp muôn vàn khó khăn. Khác với tiếng Việt đã có chữ viết và nhiều tư liệu để giúp việc học tập, tiếng Bahnar chưa có chữ viết (Dourisboure 1929 [1873]: 313-314). Các thừa sai đã tranh thủ lúc người dân không lên rẫy để đến nhà họ học mỗi ngày vài từ, như Dourisboure mô tả trong cuốn sách của ông:
“Cha Combes, Cha Fontaine và tôi, chúng tôi đến ở nhà ông Hmur. Sáng sớm và chiều tối, thời gian duy nhất trong ngày những người dân ở nhà, chúng tôi đến nhà rông học một vài từ. Mỗi người một chiếc bút chì và một mẩu giấy. Ngay khi nghĩ là mình đã nắm bắt được nghĩa của một từ thì vội vã ghi lại. Sau đó, khi người dân lên rẫy hoặc lui về để đi ngủ, chúng tôi túm tụm lại, so sánh những gì đã ghi chép, để thống nhất về những điều mình đã học hoặc nghĩ là đã học được”. (Dourisboure 1929 [1873]: 77-78).
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Dourisboure và các thừa sai đã gặt hái những thành quả đầu tiên. Họ đã có thể nói được tiếng Bahnar và bắt tay vào dịch giáo lý sang tiếng Bahnar, rồi biên soạn các công cụ học ngôn ngữ là ngữ pháp và từ điển. Các thừa sai ghi các âm của tiếng Bahnar bằng ký tự La-tinh, hay nói cách khác đó là quá trình tạo chữ viết hệ La-tinh cho tiếng Bahnar.
Từ năm 1857, Dourisboure thay thế Combes làm bề trên tại Kon Tum. Ông đã bắt tay soạn cuốn từ điển ba ngôn ngữ Bahnar – Việt – Pháp có tiêu đề là Vocabularium apud barbaros Bahnar và hoàn thành công trình này vào năm 1870. Đó là một cuốn sách khá dày gồm 265 trang (AMEP. vol. 1946) – mỗi trang chia làm ba cột, tương ứng với ba thứ tiếng:
Đến năm 1871, Dourisboure soạn ngữ pháp tiếng Bahnar bằng tiếng La-tinh. Cuốn từ điển và ngữ pháp này là công cụ học tiếng hữu hiệu của các thừa sai tại Tây Nguyên. Đến năm 1889, Dourisboure quyết định in từ điển Bahnar-Pháp (Dictionnaire bahnar-français). Dourisboure đã biên soạn lại thủ bản trước khi in, cụ thể ông đã dịch phần ngữ pháp của tiếng Bahnar từ tiếng La-tinh sang tiếng Pháp (40 trang) và ở phần từ vựng (363 trang) ông lược bỏ phần tiếng Việt chỉ còn giữ lại phần tiếng Bahnar và Pháp.
Quá trình hoàn thiện chữ viết và đưa vào chương trình giáo dục
Vai trò của chữ viết hệ La-tinh của tiếng Bahnar đã có những thay đổi đáng kể sau khi trường Kuenot được thành lập năm 1908 nhằm đào tạo chủng sinh, đồng thời đào tạo các giáo phu bản xứ. Nếu trước đây chữ viết này chỉ là công cụ học tiếng Bahnar của các thừa sai, thì nay các chủng sinh và giáo phu bản xứ cũng cần học chữ Bahnar để có thể biết đọc, biết viết.
Đến năm 1911, nhà in Kuenot được khánh thành để phục vụ cho việc in sách, ấn phẩm bằng tiếng Bahnar. Để phục vụ cho truyền giáo, các thừa sai đã dịch Kinh Thánh, Thánh ca sang tiếng Bahnar và biên soạn nhiều sách dạy giáo lý bằng tiếng Bahnar.
Bên cạnh việc dịch các tài liệu phục vụ cho truyền giáo, các giáo sĩ còn biên soạn sách học tiếng Bahnar và tiến hành dịch một số tài liệu từ tiếng Pháp, tiếng Việt sang tiếng Bahnar nhằm phổ biến kiến thức.
Kể từ những năm 1929-1930, sau khi thiết lập nền giáo dục tại đồng bằng, chính quyền thuộc địa bắt đầu có dự án thiết lập nền giáo dục bằng tiếng của các dân tộc thiểu số, trong đó có nền giáo dục bằng tiếng Bahnar và Jrai (Indochine française 1931). Vào năm 1929, có khoảng 20 học sinh người Bahnar ở trường Nội trú ở Tây Nguyên (Indochine française 1931: 12). Năm 1932, có quyết định thành lập Ủy ban phụ trách các kỳ thi nói của các thổ ngữ như Bahnar, Rhadé, Jrai. Giáo sĩ Jannin, Bề trên của giáo phận Kon Tum là một thành viên của ủy ban phụ trách tiếng Bahnar (Bulletin…1932: 209).
Kế thừa sách vở, ấn phẩm của chủng viện và nhà in Kuenot, chính quyền thực dân thực hiện việc chỉnh lý và chuẩn hóa chính tả cần soạn sách, chỉnh lý chính tả. Các quyết sách chỉnh lý chính tả năm 1935, 1938 và 1942 thể hiện rõ nỗ lực của chính quyền Đông Dương trong việc thống nhất chính tả và gây dựng nền giáo dục cho người Bahnar (Bulletin 1936, 1941). Cuốn từ điển Bahnar-Pháp Dictionnaire bahnar-français gồm 2 tập do thừa sai Paul Alberty và Toàn quyền Pháp tại Kontum, Paul Guilleminet xuất bản lần lượt vào các năm 1959 và 1963 thể hiện rõ những chỉnh lý chính tả của tiếng Bahnar. Đây được coi là một công trình quan trọng với lịch sử phát triển của hệ thống chữ viết và ngôn ngữ Bahnar (Guilleminet, Paul & Alberty, Jules 1959).
Việc in sách bằng tiếng Bahnar thể hiện nỗ lực ở thời đó trong việc tổ chức nền giáo dục và trao truyền tri thức bằng chính tiếng mẹ đẻ cho trẻ em Bahnar. Theo đúc kết của Giáo phận Kontum, từ năm 1908 đến 1974, nhà in của trường Kuenot, Kontum đã in 132 ấn phẩm (Nguyễn Hoàng Sơn 2018).
Một nghiên cứu lịch sử chữ viết hệ Latinh của tiếng Bahnar
Lịch sử chữ viết hệ La-tinh của tiếng Bahnar cũng như di sản tư liệu của chữ viết này vẫn là một khoảng trống trong nghiên cứu. Dự án Lịch sử chữ viết hệ Latinh của tiếng Bahnar với việc nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc có mục đích sưu tầm khảo cứu tài liệu liên quan đến Lịch sử chữ viết và chính sách ngôn ngữ của tiếng Bahnar cũng như các tư liệu về lịch sử, văn hóa, xã hội của người Bahnar tại các phông lưu trữ ở châu Âu và Việt Nam.
Việc sưu tầm tài liệu lưu trữ giúp phác thảo Lịch sử sáng tạo chữ viết Latinh của tiếng Bahnar và quá trình hoàn thiện chữ viết này. Đề tài cũng nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử của người Bahnar thông qua các văn bản bằng tiếng Bahnar, Pháp, Việt.
Ngoài ra, dự án này còn hướng tới phổ biến tri thức về Lịch sử chữ viết và văn hóa Bahnar tới cộng đồng thông qua truyện tranh, xuất bản bằng cả tiếng Việt và tiếng Bahnar. Dự án có nhiều ý nghĩa đối với văn hóa và lịch sử người Bahnar nói riêng, với văn hóa và lịch sử Việt Nam nói chung:
i) Với việc bảo tồn lịch sử đã được ghi chép lại thành chữ viết của người Bahnar: chữ viết của một dân tộc không chỉ giúp cố định ngôn ngữ nói, ghi lại ý nghĩ, tri thức, ký ức; mà sách, truyện bằng ngôn ngữ đó còn lưu giữ văn hóa, lịch sử của tộc người. Việc sưu tầm các văn bản chữ viết Bahnar sẽ không chỉ góp phần cung cấp thêm hiểu biết về lịch sử của chữ viết này mà qua đó còn góp phần cung cấp thêm những hiểu biết về những sự kiện lịch sử, văn hóa đã được ghi chép lại.
ii) Với lịch sử chữ viết ở Việt Nam: đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và công bố về Lịch sử chữ Quốc ngữ của tiếng Việt. Tuy nhiên, gần như chưa có công trình nghiên cứu sâu về Lịch sử sáng tạo chữ viết của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số nói chung và tiếng Bahnar nói riêng. Dự án này chọn tiếng Bahnar vì đây là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam có chữ viết hệ Latinh. Hiện nay, trong các ngôn ngữ Môn-Khmer có mặt trên lãnh thổ Việt Nam, tiếng Bahnar là ngôn ngữ Môn-Khmer có số người nói đông thứ hai sau tiếng Việt. Do vậy, việc tìm hiểu về lịch sử chữ viết Bahnar sẽ giúp chúng ta hiểu lịch sử của chữ viết này, đồng thời giúp cung cấp một cái nhìn tham chiếu với lịch sử chữ quốc ngữ, góp phần trả lời câu hỏi, các thừa sai đã dựa vào bảng chữ cái của những ngôn ngữ châu Âu nào để tạo ra chữ viết này và quá trình sáng tạo chữ Bahnar có điểm gì tương đồng và khác biệt đối với quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ. Đề tài cũng khảo cứu ảnh hưởng của chính tả chữ Quốc ngữ trong việc lựa chọn chữ để ghi các âm của tiếng Bahnar, cũng như quá trình hoàn thiện và chuẩn hóa chữ viết này.
iii) Với việc bảo tồn chữ viết của người Bahnar, cũng như việc học tiếng mẹ đẻ của người Bahnar hiện nay: kể từ năm 2008, môn tiếng dân tộc trong đó có tiếng Bahnar được đưa vào giảng dạy trong các trường khối tiểu học. Tuy nhiên, từ năm 2013-2014, môn tiếng dân tộc trở thành môn tự chọn và nhiều trường thay thế môn này bằng môn tiếng Anh hay Tin học. Trên thực tế, nếu trẻ em Bahnar (hay các dân tộc khác) không được học tiếng mẹ đẻ trong thời kỳ này, thì sẽ không còn cơ hội để học nữa và các em trở thành mù chữ tiếng mẹ đẻ.
iv) Với việc quảng bá di sản văn hóa tộc người ra đại chúng: dự án này cũng chọn cách tiếp cận giản dị và đại chúng để giới thiệu về chữ viết Bahnar thông qua truyện tranh bằng tiếng Việt và tiếng Bahnar. Việc truyền tải Lịch sử chữ viết bằng truyện tranh bán hư cấu (semi-fiction) giúp cho người đọc, thông qua tranh minh họa, dễ mường tượng hơn về khung cảnh lịch sử thời đó, những đóng góp của các nhân vật chủ chốt vào quá trình sáng tạo và hoàn thiện chữ viết. Đây cũng như là cơ hội để cho chính người bản địa nói lên suy nghĩ của họ về chữ viết này, thông qua các nghiên cứu, điền dã ngôn ngữ học nhân chủng tại Kon Tum.
Việc nghiên cứu lịch sử chữ viết hệ La-tinh của tiếng Bahnar cũng như di sản tư liệu của chữ viết tiếng Bahnar góp phần bổ sung tri thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc Bahnar qua một thời đoạn. Nghiên cứu về chữ viết – “di sản sống” và di sản tư liệu của tiếng Bahnar tạo cơ hội cho cộng đồng và người dân Bahnar ý thức về bản sắc và sự kế tục, giúp người Bahnar thấy được tầm quan trọng của chữ viết trong việc nâng cao dân trí và tri thức cho dân tộc mình, đồng thời góp phần gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa.
Tác giả: TS. Phạm Thị Kiều Ly – Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Biên tập: Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).
Tài liệu tham khảo:
- Archives des Missions étrangères de Paris, vol. 733; vol. 734; vol. 787; vol. 1946.
- Bulletin administratif de l’Annam. 10 mars 1932. 208‑209.
- Bulletin administratif de l’Annam. 1 septembre 1941. 2189‑2191.
- Bulletin administratif de l’Annam, 1 juin 1942, 1053‑1054.
- Bulletin général de l’instruction publique de l’Indochine. Imprimerie Trung Bac Tan Van. Février 1936.
- Dourisboure, Pierre., Dictionnaire bahnar-français (Hongkong: Impr. de la Société des Missions Etrangères [Nazareth], 1889).
- Dourisboure, Pierre, Adrien Launay & Jean-Pierre Combes., Les sauvages ba-hnars (Cochinchine orientale): souvenirs d’un missionnaire (Paris: P. Téqui / Missions étrangères, 1929).
- Indochine française, section des services d’intérêt social, diection générale de l’instruction publique. La pénétration scolaire dans les Minorités ethniques (Hanoi: Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931)
- Guilleminet, Paul & Jules Alberty. Dictionnaire bahnar-français (Paris: Ecole française d’Extrême-Orient, 1959)
- Lê, Đình Ban Phaolô & Thành Thiệt Simon Nguyễn, Mở đạo Kon-Tum. (Quinhon: Imprimerie de Quinhon, 1939).
- Auroux, Sylvain. 1994. La révolution technologique de la grammatisation: introduction à l’histoire des sciences du langage. Philosophie et langage. Liège: Mardaga.
- Chủng viên thừa sai Kontum, Hlabar Pơxrăm nơr Bahnar – Sách học tiếng Bahnar (Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2015).
- Dourisboure, Pierre & all., Dân làng Hồ (Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng, 2010). Bản tiếng Việt do Tòa giám mục Kon Tum dịch và xuất bản.
- Launay, Adrien. 2000 [1923-1925]. Histoire de la mission de Cochinchine, 1658-1823: documents historiques, vol. 1. Paris: Missions Étrangères de Paris/Les Indes savantes.
- Léger, Daniel. 1974. Présentation des Bahnar- Jolong [Mémoire ou thèse (version d’ origine)]: proto-indochinois de langue austroasiatique (province de Kontum -Vietnam du sud). Thèses de doctorat. Paris: École Pratique des Hautes Études.
- Moussay, Gérard et al. 2008. Bibliographie des Missions Étrangères: civilisations, religions et langues de l’Asie. Paris: les Indes savantes.
- Nguyễn Kinh Chi &Nguyễn Đổng Chi., Người Bahnar ở Kon Tum (Hà Nội: Nhà xuất bản tri thức, 2011 [1937]).
- Nguyễn, Hoàng Sơn, Tự điển ‘Dictionnaire Bahnar-français (1889)’, phát kiến chữ viết dân tộc & khơi nguồn cho một số tự điển dân tộc Tây Nguyên, Kontum, ngày 26/07/2016.
- Nguyễn Hoàng Sơn, Danh sách tác phẩm được xuất bản tại nhà in trường Cuénot giáo phận Kon Tum, https://gpkontum.wordpress.com/2018/02/06/danh-sach-tac-pham-duoc-xuat-ban-tai-nha-in-truong-cuenot-giao-phan-kontumum/, 06/02/2018, tham khảo ngày 11 tháng 3 năm 2024.
- Nhóm CTKT, Từ điển Bahnar-Việt (Kon Tum: NXB Tôn giáo, 2008).
- Phạm Thị Kiều Ly. Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919) (Paris: Les Indes savantes, 2022)
- Trần Trí Dõi, Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999).
- Witte, Bruno de. “Language as cultural heritage”, in Francesco Francioni and Ana Filipa Vrdoljak (eds), The Oxford handbook of international cultural heritage law (Oxford: Oxford University Press, 2020, Oxford Handbooks) 371-378.
- https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dan-toc/Pages/Default.aspx?ItemID=4075
- https://vov4.vov.vn/chinh-sach-dan-toc/lam-gi-de-hoc-sinh-chon-hoc-tieng-dan-toc-thieu-so-118392.vov4