Trang chủ Chuyên gia viết Di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam

Di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam

Nghệ thuật trên đá cổ

Trong khảo cổ học, nghệ thuật trên đá (rock art) là những dấu vết do con người tạo ra và để lại trên bề mặt tự nhiên của đá. Một tỷ lệ cao các tác phẩm nghệ thuật cổ trên đá còn sót lại được tìm thấy trong các hang động, vách đá, hoặc những nơi trú ẩn là các hang đá, mái đá được bảo vệ một cách tự nhiên; loại hình này cũng có thể được gọi là nghệ thuật hang động hoặc nghệ thuật vách đá. Nghệ thuật trên đá là một hiện tượng toàn cầu, được tìm thấy ở nhiều vùng văn hóa đa dạng trên thế giới, được sáng tạo trong nhiều bối cảnh xuyên suốt lịch sử loài người.

Về kỹ thuật tạo tác, nghệ thuật trên đá gồm bốn nhóm chính là: i) tranh hang động – được vẽ bằng các loại màu tự nhiên lên đá; ii) các hình chạm khắc đá – được chạm khắc hoặc rạch vào bề mặt đá; iii) các bức phù điêu điêu – khắc bằng/trên đá; và iv) các hình địa họa – được đục, chạm trên mặt đất, thường có quy mô đồ họa kích cỡ lớn có thể chiêm ngưỡng từ xa hoặc từ trên không. Tác phẩm nghệ thuật trên đá lâu đời nhất được biết đến có niên đại từ thời Thượng kỳ Đá cũ – cách đây vài chục nghìn năm, đã được tìm thấy ở Châu Âu, Châu Úc, Châu Á và Châu Phi (Whitley D. S., 2005, tr.1-2). Các nhà nhân học nghiên cứu những tác phẩm nghệ thuật này tin rằng chúng có khả năng mang ý nghĩa tôn giáo – ma thuật.

Hình 1. Khối đá A và một hình khắc đá duy nhất (Ảnh: Lê Hải Đăng)

Hình 2. Khối đá B và các hình khắc dạng “mặt khỉ” với mắt kiểu vòng tròn đồng tâm

Phân ngành khảo cổ học nghiên cứu nghệ thuật trên đá đầu tiên được phát triển vào cuối thế kỷ XIX bởi các học giả Pháp ngữ với những nghiên cứu về Thời đại đồ đá cũ được tìm thấy trong các hệ thống hang động ở Tây Âu (Bahn P. ed.,.(1998, tr.15). Nghệ thuật trên đá phục vụ nhiều mục đích trong thế giới đương đại. Ở một số vùng, nó vẫn quan trọng về mặt tinh thần đối với người dân bản địa vì vừa là vật phẩm thiêng liêng vừa là thành phần quan trọng trong di sản văn hóa của họ. Nó cũng được khai thác như một nguồn quan trọng trong du lịch văn hóa, và do đó là doanh thu kinh tế ở một số nơi trên thế giới. Các địa điểm di sản như vậy có thể trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế di sản và văn hóa đại chúng, đặc biệt là đối với các cộng đồng địa phương. (Whitley D. S., 2005, tr.2).

Những khái niệm quan trọng trong nghiên cứu nghệ thuật trên đá

Năm 1983 (và sau đó vào năm 2008 để cập nhật), UNESCO đã đặt hàng học giả chuyên về nghệ thuật trên đá người Ý là Emmanuel Anati viết “Báo cáo Thế giới về Hiện trạng Nghiên cứu Nghệ thuật Trên đá để tư vấn về chiến lược đề cử các địa điểm nghệ thuật trên đá vào Danh sách Di sản Thế giới. Trong đó ông đã đề xuất một số khái niệm chủ chốt có liên quan:

i. Địa điểm di sản: theo E. Anati, một địa điểm nghệ thuật trên đá là bất kỳ nơi nào có nghệ thuật trên đá; ranh giới của nó được vạch ra là 500 m ngoài tảng đá cuối cùng được chạm/khắc/vẽ theo mọi hướng. Hai cụm hiện vật, được ngăn cách bởi một khu vực không có hình chạm/khắc/vẽ dài hơn 500 m, được coi là hai địa điểm khác nhau. Trong năm 2008, 68.000 địa điểm đã được ghi nhận trên khắp thế giới. Chỉ riêng ở Ý đã có hơn 3.000 địa điểm. Vào thời điểm đó, nhiều địa điểm nghệ thuật trên đá của Trung Quốc vẫn chưa được ghi vào Văn khố Nghệ thuật Trên đá Thế giới (Anati E. 2019, tr. 10).

ii. Khu vực di sản: theo E. Anati, một khu vực nghệ thuật trên đá có thể bao gồm một số địa điểm. Nó được xác định chủ yếu bởi các đặc điểm văn hóa và địa hình của nó. Các khu vực nghệ thuật trên đá trùng khớp với các đặc điểm địa lý như thung lũng, cao nguyên và các rặng núi. Để phân biệt với nhau và tạo thành các khu vực khác nhau, thì hai quần thể nghệ thuật trên đá phải cách xa nhau ít nhất 20 km – khoảng một ngày đi bộ. Trong cuộc khảo sát năm 2008, đã có 820 khu vực chính được xác định tại 70 quốc gia trên toàn thế giới. Nguồn di sản này tạo thành một kho lưu trữ phi thường về những cuộc phiêu lưu trí tuệ của con người cổ xưa (Anati E. 2019, tr. 11).

iii. Loại hình Chủ đề: đối với E. Anati, toàn bộ nghệ thuật trên đá thế giới thể hiện năm chủ đề chính là hình người, hình động vật, vật thể, cấu trúc và biểu tượng. Phạm vi chủ đề luôn được xác định rõ ràng và nhất quán trong các khuôn mẫu văn hóa và bộ lạc cụ thể; cả chủ đề lẫn phong cách đều phản ánh bản sắc của những người sáng tạo ra chúng. Thông qua chủ đề và sự liên tưởng, nghệ thuật trên đá có thể bộc lộ nhiều khía cạnh của đời sống con người. Hình ảnh về các loài động vật bị săn bắt và loại thức ăn được thu thập cho chúng ta biết nhiều điều về hệ sinh thái mà con người sinh sống. Việc mô tả vũ khí, công cụ và các đồ vật khác cho thấy khả năng kỹ thuật của thời kỳ đó. Minh họa về thần thoại và tín ngưỡng mang lại cho ý thức của chúng ta những khía cạnh thiết yếu của nguồn gốc trí tuệ của con người và hiển thị mối quan hệ tồn tại giữa con người, thiên nhiên và công phu tạo dựng khái niệm của tâm trí con người (Anati E. 2019, tr. 12-13).

Nghệ thuật trên đá Việt Nam di sản chạm khắc đá Sa Pa

Một trong những nghiên cứu sớm nhất của các học giả Việt Nam về di sản chạm khắc đá Sa Pa là bài viết cung cấp thông tin mang tính liên ngành của các nhà dân tộc học và khảo cổ học vào năm 1975 (Đặng Nghiêm Vạn, Phạm Minh Huyền, Trịnh Dương 1975, tr. 304-309). Một công trình quan trọng tiếp theo là loạt bài viết của các tác giả Diệp Đình Hoa, Phạm Minh Huyền (1990, tr.1-14); Trần Nam, Trần Hữu Sơn (1990a, tr. 15-20); Phạm Minh Huyền (1990, tr. 21-37); Bùi Thiết, Đỗ Văn Ninh, Lê Trọng Khánh, Nguyễn Thế Hiệp, Trần Hữu Sơn (1990b, tr.38-45); Nguyễn Thế Hiệp (1990, tr. 46-57); Lê Trọng Khánh (1990, tr. 58-59). Chủ đề chính của các bài viết trên đều xoanh quanh quan niệm các hình chạm khắc đá Sa Pa trước hết được nhìn nhận như là những bản đồ.

Tiếp đó, vào năm 2002, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã tiến hành cuộc nghiên cứu khảo cổ học chính thức tại bãi đá cổ Sa Pa, cụ thể là bãi đá Tả Phìn. Tại khu vực rừng cấm Tả Van đã phát hiện được quan tài định niên đại C14 là cách ngày nay 897 năm; ngoài ra còn có các ngôi mộ kè đá lớn có thể có tuổi cách hiện nay trên dưới 1000 năm (Nguyễn Việt 2007, tr.20-21). Các nhà khảo cổ học cho rằng:

i) Về niên đại, các hình khắc Sa Pa có ba lớp:

– Lớp cổ nhất tương ứng với chủ nhân khai phá ruộng bậc thang đầu tiên ở khu vực này, tương ứng với niên đại cổ cách ngày nay hơn 890 năm.

– Lớp Mông – Dao truyền thống tương ứng với lịch sử tái khai thác ruộng bậc thang và phát triển tự nhiên đến khoảng năm 1975. Về niên đại mộ Hầu Tào (?) có cấu trúc gần với mộ của người H’Mông, có tuổi C14 là 300 ±50 BP và được xem là phù hợp với lớp di dân sớm nhất của người H’Mông đến Tây Bắc (cuối thế kỷ XVIII đầu XIX) (Ngô Thế Phong và nnk, 2003).

– Lớp thứ ba do ảnh hưởng trào lưu du lịch mới sau năm 1975.

2) Về chủ nhân: họ có thể là chủ nhân của khu rừng cấm có nhiều liên hệ với các nhóm cư dân nói ngôn ngữ Tày Thái ở Vân Nam, Quảng Tây. Sau khi cư trú ở đây với địa danh “Mường” Hoa, họ đã đủ mạnh để di chuyển xuống vùng hạ lưu người Hoa. Khu vực này bị bỏ hoang hóa cho đến khi có đợt tái cư của lớp người sau – tổ tiên của những người Mông, Dao, Giáy hiện nay (Nguyễn Việt 2007, tr.24).

Các nghiên cứu chạm khắc đá cổ ngoài khu vực Sa Pa

Ngoài khu vực Sa Pa, di tích chạm khắc đá cổ Pá Màng gồm 5 viên đá nằm ở bờ phải sông Đà, được phát hiện năm 1976, khảo sát năm 2003 và được khai quật, cắt rời để di chuyển vào năm 2008 trong dự án giải phóng lòng hồ Thủy điện Sơn La (Nguyễn Khắc Sử, Võ Quý, Nguyễn Thị Ngọc Lan 2003; Nguyễn Khắc Sử – Bùi Văn Liêm, 2009, tr.32-34). Ngoài ra, ở Sơn La còn phát hiện được bãi đá Khe Hổ, thôn Há Chó, xã Hang Chủ, huyện Bắc Yên (Bùi Văn Mạnh, Phạm Văn Tuấn 2013, tr. 129-131). Ở cả Pá Màng và Khe Hổ, các hình khắc chủ yếu là những hình xoắn ốc, hình gấp khúc, hình cung (Nguyễn Khắc Sử và nnk 2014, tr. 245-246). Các đường khắc thường liên kết nhau hoặc cắt nhau theo hình dáng tự nhiên của hòn đá. Về mô típ, có các đường khắc uốn ngoằn ngoèo vắt qua mặt hòn đá, gợi tả khúc cong của sông Đà. Các hình khắc hình chữ “S” đối xứng hoặc nối nhau qua một vạch ngang, vạch dọc gợi lên họa tiết trên khăn piêu của phụ nữ người Thái. Các hình tròn khép kín, dưới có các tua chạy dài gợi hình quả còn. Niên đại dự đoán cách ngày nay khoảng 300 – 2000 năm (Nguyễn Khắc Sử – Phan Thanh Toàn 2014, tr.16,17, 21).

Tiếp theo đó, vào năm 2004 di tích chạm khắc đá Xín Mần ở xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, được phát hiện, và được xếp hạng di tích quốc gia năm 2007. Tại đây có 6 tảng đá có hình chạm khắc, tiêu biểu là phiến đá với trên 80 hình khắc, gồm 6 nhóm:

– Nhóm thứ nhất là các dạng hình học.

– Nhóm thứ hai là hồi văn.

– Nhóm thứ ba là những vạch đục khắc song song.

– Nhóm thứ tư là những biểu tượng sinh thực khí hầu hết là nữ.

– Nhóm thứ năm là những hình bàn chân người.

– Nhóm thứ sáu là những hình người.

– Nhóm thứ bảy là những hình khắc chưa xác định (Trình Năng Chung, 2007, tr. 77-78).

Niên đại của bãi đá cổ Xín Mần có thể sau công nguyên vài ba thế kỷ (Trình Năng Chung, 2020b, tr. 76; Trình Năng Chung, Chu Mạnh Quyền 2020, tr.26), hoặc “có thể cách đây không quá 1.000 năm” (Trịnh Sinh 2018, tr.4). Ý nghĩa của hình khắc có liên quan đến nghi lễ thờ thần mặt trời. Chủ nhân có thể là một tộc người thuộc khối Bách Việt chế độ mẫu hệ; điều đó thể hiện qua biểu tượng sinh thực khí nữ giới (Trình Năng Chung, 2007, tr.81-82; 2020a, tr.87; 2020b, tr. 73; Trình Năng Chung, Chu Mạnh Quyền 2020, tr.27).

Tại Yên Bái, năm 2015, Bảo tàng tỉnh đã điều tra đợt 01 trên địa bàn hai bản Tà Ghênh và Hồng Nhì Pá của xã Lao Chải, phát hiện được 6/20 khối đá tảng, đá phiến lớn có hình khắc tỷ mỉ, với đề tài chủ yếu hình ruộng bậc thang. Mới đây, vào tháng 7/2020, mở rộng điều tra trên địa bàn xã Lao Chải, đã phát hiện mới thêm tại bản Xéo Dì Hồ B, có 11 khối đá, tại bản Hú Trù Lình có 6 khối đá chạm khắc. Đặc biệt, có khối đá hình mai rùa toàn thân khắc phủ kín đề tài hình ruộng bậc thang, mà chủ nhân của ruộng bậc thang Lao Chải là đồng bào Mông; vì vậy chủ nhân của các bản khắc đá đó là người Mông (Nguyễn Văn Quang, 2016).

Ngoài ra, cần phải đề cập thêm về các hình chạm khắc đá ở Hang Bò, bản Yên Hòa, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (Phan Văn Hùng, Hồ Mạnh Hà 2013). Về cơ bản, những hình khắc trên phiến đá gồm 2 nhóm chính: các chấm tròn và hình người. Ngoài ra còn có một số vết chạm/khắc theo đường thẳng dài. Có ít nhất 4 hình khắc hình người với đầy đủ mắt, tay, chân. Về niên đại và chủ nhân thì đây là một địa điểm cư trú của cư dân Tiền sử chịu sự tác động của thời kỳ biển tiến, giai đoạn Đá mới niên đại ước đoán khoảng 6.000 – 7.000 năm BP thuộc văn hóa Hòa Bình (Lê Hải Đăng, 2016).

Cuối cùng, cần phải nói đến phát hiện mới nhất về di tích chạm khắc đá ở Suối Cỏ xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đó là hai khối đá ký hiệu khối đá A và khối đá B với 5 đồ án, phong cách nghệ thuật khá nhất quán với chủ đề chung là các khuôn mặt người dạng thú. Các vòng tròn đồng tâm mang phong cách trang trí Đông Sơn thể hiện mắt người và phần thu nhỏ thể hiện mũi, miệng khá đồng nhất ở cả 5 hình khắc. Bản khắc ở khối đá A có thể là chân dung mô phỏng của một vị thần, trong đó đôi mắt được đưa cao lên ra khỏi khuôn mặt. Hiện tại chỉ có thể dựa vào lịch sử cư trú trong vùng để phỏng đoán chủ nhân hình khắc này có thể thuộc giai đoạn cuối của văn hóa Hòa Bình từ 4000 -1000 năm trước (Nguyễn Việt 2022).

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ

Việt Nam hiện tại có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong số đó, có 5 di sản gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, và Thành nhà Hồ là những di sản văn hoá. Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất tại Việt Nam. Đồng thời, đã có 9 di sản được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Bên cạnh đó, có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia, đã và đang được nghiên cứu bảo vệ và phát huy giá trị. Có 3.258 di tích xếp loại Di tích Quốc gia và 6.092 di tích cấp tỉnh (Trương Quốc Bình 2016). Hiện nay, sau đợt xếp hạng thứ 13 vào cuối năm 2022, Việt Nam có tổng cộng 128 di tích quốc gia đặc biệt.

Trong vòng một vài thập kỷ nay, các nhà hoạch định chính sách và giới nghiên cứu trong nước đã có những bước tiến khá dài trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trước hết là những khu vực di sản lớn như Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Hoa Lư, Cố đô Huế, các di sản văn hóa Champa thuộc các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Tuy nhiên có thể dễ dàng nhận thấy có sự cạnh tranh giữa các lợi ích kinh tế với việc bảo tồn các giá trị di sản văn hoá (Phan Thị Diễm Hương 2020, tr.175-176). Có những địa điểm di sản đã được các nhà nghiên cứu khảo sát, kết quả cho thấy các tiêu chí về tài nguyên du lịch di sản được đánh giá tốt, ngược lại sản phẩm du lịch di sản thì còn hạn chế (Lê Thái Phượng, Lê Ngọc Nhất 2021).

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ rõ những thách thức giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong lĩnh vực du lịch thể hiện ở các nhân tố sau (Hoàng Thùy Linh, Ngô Thị Kim Liên 2020, tr. 91-92): (1) sự xung đột lợi ích trong cách đánh giá giá trị di sản; xung đột lợi ích giữa quản lý, bảo tồn và khai thác di sản; xung đột lợi ích giữa kinh tế với văn hóa, giữa cộng đồng chủ thể của di sản với các nhà quản lý, nghiên cứu; (2) nguồn nhân lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay; ít có những giải pháp phù hợp trước những thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; (3) nguồn kinh phí cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, nên thường thiếu hụt, sử dụng không hiệu quả; (4) nhà nước đã xây dựng một số cơ chế, thể chế, chính sách nhưng việc thực hiện còn thụ động, khiến di sản và giá trị di sản bị tách khỏi cộng đồng, biến thành xa lạ; (5) còn có cả tình trạng tận thu từ di sản, hàng hóa hóa giá trị di sản; không ít địa phương đã có hiện tượng nhận danh hiệu di sản để “làm tiền”, làm biến dạng tính chất, ý nghĩa và giá trị của tài nguyên di sản.

Chạm khắc đá cổ là một trong những loại hình di sản sớm nhất, đặc biệt nhất và là loại hình di sản lưu giữ ký ức lịch sử – văn hóa vô giá trong quá trình phát triển của loài người. Trên phạm vi toàn cầu, đã có không ít địa điểm di sản thuộc loại này được UNESCO công nhận và ghi vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới. Tại miền núi phía Bắc Việt Nam, lần đầu tiên di sản chạm khắc đá cổ được người Pháp phát hiện vào năm 1924 tại thung lũng Mường Hoa, Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Từ tháng 10/1994, địa điểm di sản này được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Trải qua gần 100 năm tìm kiếm, phát hiện, và nghiên cứu, cho đến nay ngoài khu vực Sa Pa, di sản chạm khắc đá cổ còn được phát hiện tại 12 địa điểm khác (và chắc chắn con số này sẽ còn tăng lên theo thời gian) thuộc miền núi phía Bắc Việt Nam, đó là: Nà Lai Shứ, xã Nậm Dẩn huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang; Tả Phìn/ Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng Phìn huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; Tà Ghênh, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Hồng Nhì, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Xéo Dì Hồ B xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Hú Trù Lình, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Pá Màng, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; Khe Hổ, xã Hang Chú huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La; Hang Đồng Nội, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình; Suối Cỏ, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra không thể không nhắc đến hai địa điểm chạm khắc đá cổ quan trọng khác ở phía Bắc Miền Trung là: Hang Khe Bò, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; Hang Thượng Phú, xã Thượng Lâm, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Liên quan đến các địa điểm trên, chủ yếu là với trường hợp Sa Pa, cho đến nay đã có nhiều bài viết của các học giả, các nhà chuyên môn thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, cả ở trong nước lẫn quốc tế, chọn loại hình di sản này làm đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh công trình của các nhà khảo cổ học còn có sản phẩm của các nhà địa chất học, địa lý học, bản đồ học, môi trường học, dân tộc học, văn hóa học, bảo tàng học, sử học, các nhà nghiên cứu nghệ thuật, các nhà nghiên cứu kỹ thuật, các nhà nghiên cứu cổ tự học, các nhà nghiên cứu du lịch, các nhà kinh tế học di sản, v.v. Trong đó, có một số chuyên khảo công phu, sử dụng các phương pháp và phương pháp luận chắc chắn, thuyết phục, đạt được một số giá trị khoa học nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực khảo cổ học và bảo tồn di sản. Mặt khác, hầu hết các công trình còn lại chỉ dừng lại ở những bài viết mang tính thông báo phát hiện, mô tả những gì nhìn thấy trên thực địa, hoặc đọc lại từ các công trình đã có cùng một vài nhận xét sơ bộ dựa trên một vài tưởng tượng, so sánh tản mạn, nặng cảm tính. Cá biệt có những bài viết thay vì các đề xuất khoa học, lại đưa ra những kết luận khá dứt khoát, nhưng không dựa trên bất cứ phương pháp và lập luận khoa học nào, mà chỉ là những khẳng định còn nhiều võ đoán.

Một vấn đề hệ trọng khác có thể tác động bất lợi, thậm chí gây thiệt hại hoặc phá hủy các địa điểm di sản nói chung và di sản chạm khắc đá nói riêng, đó là tỷ lệ đô thị hóa lớn, và tốc độ tăng trưởng ngày càng cao của các công trường khai thác vật liệu, các công trình xây dựng hạ tầng đô thị, giao thông, thủy điện, thủy lợi, nhà ở, các khu công nghiệp, các vùng chuyên canh nông nghiệp, các khu du lịch, vui chơi giải trí, v.v. ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ví dụ, chỉ tính riêng thủy điện, theo tính toán của các chuyên gia môi trường, để tạo ra 1 MW công suất thì phải mất đi từ 10 – 30 ha rừng, và để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ 1.000 – 2.000 ha đất ở phía thượng nguồn (Phạm Thị Thu Hà, 2017); trong khi đó, chúng ta đều biết rằng đây chính là vùng đất của các di sản chạm khắc đá, mà địa điểm Pá Màng xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là một trường hợp cụ thể. Thực tế đó cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế, đôi khi có cả tăng trưởng bằng mọi giá, thường không đồng nghĩa với lợi ích bảo tồn các di sản văn hóa nói chung, và di sản chạm khắc đá cổ của khu vực miền núi phía Bắc nói riêng.

Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến tác động làm thay đổi/hủy hoại của tự nhiên và của thời gian; tác động làm thay đổi/hủy hoại – dù vô thức hay có ý thức, vì lợi ích hay không vì lợi ích của những cá nhân, gia đình, nhóm người, trong đó đông đảo nhất là khách du lịch và không hiếm người dân địa phương, gây ra cho bản thân di sản là các hình chạm khắc, hoặc vật mang di sản là những tảng đá, hay cảnh quan của địa điểm di sản. Địa điểm di sản và hiện vật di sản đã và vẫn đang phải gánh chịu vô số kiểu hủy hoại: để mở được đường từ Sapa xuyên qua thung lũng Mường Hoa lên Pò Lùng Chải, người ta đã đập đi 18 hòn đá vừa lớn, vừa có nhiều hình khắc đẹp nằm ở trung tâm địa điểm di sản. Con đường này đã mở ra tour du lịch về bản làng, về bãi đá và cũng bắt đầu cho cuộc phá hoại bãi đá một cách khủng khiếp hơn: du khách tham quan bãi đá cổ, và người địa phương trèo qua hàng rào, giẫm đạp cả lên các hình khắc.

Cuối cùng, có thể nói vốn tri thức, phương pháp luận, cách tiếp cận, các phương pháp cụ thể và phương tiện thu thập thông tin, định niên đại, nghiên cứu, phân tích, so sánh, thực nghiệm, lưu trữ dữ liệu về di sản nghệ thuật trên đá nói chung và di sản chạm khắc đá cổ nói riêng ngày càng cập nhật và phong phú giúp cho việc tìm hiểu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ngày càng hiệu quả hơn. Thực tế đó vừa cho phép, tạo thuận lợi, vừa là động cơ thúc đẩy cần phải có một nghiên cứu quy mô hơn, rộng lớn hơn, mang tính tổng thể hơn, và sâu sắc hơn những gì đã làm được, góp phần trả lời các câu hỏi còn bỏ ngỏ của các công trình nghiên cứu và các đề xuất bảo tồn, phát huy đã có đối với di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc. Trong đó có những kiến nghị liên quan đến lĩnh vực kinh tế du lịch, kinh tế học di sản chạm khắc đá cổ, đặc biệt là đối với sự phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh như Sapa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Xín Mần, Đồng Văn (Hà Giang), v.v.

Cho đến nay, hầu hết các công trình nghiên cứu có liên quan đều ít nhiều đề cập đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di sản chạm khắc đá cổ Việt Nam nói chung và các di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trường hợp Sa Pa. Tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh, sản phẩm du lịch nghèo nàn, ý thức còn thấp của cả du khách lẫn người dân địa phương đối với giá trị và việc bảo tồn giá trị di sản chạm khắc đá; những tác động bất lợi của các dự án thủy điện, kể cả do các gia đình địa phương tự làm lấy, đều là những nguyên nhân hủy hoại các khối đá di sản (Le Failler, Philippe 2014, tr. 137-143). Để bảo tồn di sản, đã từng có dự án “bê tông hóa”, “công viên hóa” cảnh quan di sản (dẫn theo Lưu Ngọc Thành 2018). Đã có những đề xuất khá toàn diện: (1) tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng dân cư và khách du lịch; (2) nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật thông tin cho Ban Quản lý di tích; (3) xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, và ngắn hạn trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản; (4) liên kết và chia sẻ quyền lợi kinh tế với cộng đồng khu di sản; (5) đa dạng hóa các chương trình và nội dung quảng bá; (6) đề cao vai trò của cộng đồng; (7) tổ chức giáo dục cộng đồng, hướng dẫn cộng đồng tổ chức các dịch vụ du lịch; (8) gắn trách nhiệm của cộng đồng với việc giữ gìn, bảo vệ giá trị của di sản; (9) huy động các nguồn lực xã hội nhằm bảo vệ và phát huy giá tri di sản (Lưu Ngọc Thành 2018).

Hình 4. Di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc

Trong bối cảnh đó, dự án “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ Miền núi phía Bắc Việt Nam” được thực hiện do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ với mục đích phát huy hiệu quả các giá trị di sản chạm khắc đá cổ thông qua việc xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch di sản trên cơ sở khai thác các tài nguyên vô giá của di sản chạm khắc đá cổ kết hợp với nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, độc đáo của các cộng đồng dân tộc thiểu số toàn bộ khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt gắn với môi trường sinh thái ruộng bậc thang, là chủ đề phổ biến trong hầu hết các hình chạm khắc đá cổ ở các tỉnh trên. Hướng tới xây dựng được một mạng lưới du lịch di sản bao gồm các điểm du lịch, khu du lịch di sản chạm khắc đá cổ tại các tỉnh liên quan thông qua việc kết nối được các tour, tuyến du lịch di sản giữa các địa phương, huyện, tỉnh có di sản chạm khắc đá cổ; xúc tiến xây dựng các tour tuyến du lịch di sản nghệ thuật trên đá liên quốc gia với Trung Quốc, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, v.v.

Tác giả: TS. Hà Hữu Nga, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Biên tập: Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

Tài liệu tham khảo.

  1. Bùi Thiết, Đỗ Văn Ninh, Lê Trọng Khánh, Nguyễn Thế Hiệp, Trần Hữu Sơn (1990). Quần thể đá chạm cổ ở Sa Pa. Trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về lịch sử bản đồ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 500 năm bản đồ Hồng Đức. Hà Nội.
  2. Bùi Văn Mạnh, Phạm Văn Tuấn (2013). Bãi đá có hình khắc cổ tại Sơn La. Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2012. Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
  3. Diệp Đình Hoa, Phạm Minh Huyền (1990). Khát vọng thể hiện không gian ba chiều nguyên thủy ở Việt Nam qua những hình khắc trên đá ở Sa Pa, Hoàng Liên Sơn. Trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về lịch sử bản đồ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 500 năm bản đồ Hồng Đức. Hà Nội.
  4. Đặng Nghiêm Vạn, Phạm Minh Huyền, Trịnh Dương (1975). Rừng đá có hình khắc ở Mường Hoa, trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1975. Viện Khảo cổ học, Hà Nội, tr. 304-309.
  5. Hoàng Thùy Linh, Ngô Thị Kim Liên (2020). Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và sự kết nối, phát triển du lịch Việt Nam – Asean bền vững trong thời đại số. Trong Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100.
  6. Le Failler, Philippe (2014). Đá cổ Sa Pa, Bài nghiến cứu giới thiệu cuốn ca-ta-lốc về bãi đá có hình khắc cổ ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam (Version vietnamienne du livre précédent), Hanoi, NXB Tri Thức – EFEO, 160.
  7. Lê Hải Đăng (2016). Kết quả khảo sát di tích Hang Bò (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Trong Thông báo Khoa học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội, 2016.
  8. Lê Thái Phượng, Lê Ngọc Nhất (2021). Áp dụng “Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch” đối với Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng. Trong HCMCOUJS-Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, 17(1) 2021, 45-53.
  9. Lê Trọng Khánh (1990). Về chữ viết đồ họa (pigtogrammes) và bản đồ cổ khắc trên đá Sa Pa. Trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về lịch sử bản đồ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 500 năm bản đồ Hồng Đức. Hà Nội.
  10. Nguyễn Khắc Sử – Võ Quý – Nguyễn Thị Ngọc Lan (2003). Khảo cổ học tiền sử và sơ sử Sơn La, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  11. Nguyễn Khắc Sử – Bùi Văn Liêm (2009). Khai quật khảo cổ lòng hồ thủy điện Sơn La – mùa điền dã 2008 – 2009. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2009, Hà Nội.
  12. Nguyễn Khắc Sử và nnk (2014). Khảo sát bãi đá cổ ở Khe Hổ, tỉnh Sơn La. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2014, Hà Nội.
  13. Nguyễn Khắc Sử – Phan Thanh Toàn (2014). Di tích bãi đá Khe Hổ, Sơn La. Khảo cổ học, số 5 – 2014 (191).
  14. Nguyễn Thế Hiệp (1990). Đi thăm di tích bản đồ khắc trên đá vùng Ngòi Hoa (Sa Pa, Hoàng Liên Sơn). Trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về lịch sử bản đồ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 500 năm bản đồ Hồng Đức. Hà Nội.
  15. Nguyễn Văn Quang (2016). Nhóm đá chạm khắc ở Mù Cang Chải qua tìm hiểu và nghiên cứu. http://baoyenbai.com.vn/16/141533/Nhom-da-cham-khac-o-Mu-Cang-Chai-
  16. Nguyễn Việt (2007). Niên đại và chủ nhân của những hình khắc trên đá ở Sa Pa. Trong Bãi đá cổ Sa Pa dưới con mắt tạo hình, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Viện Mỹ thuật, Nxb. Thế giới, Hà Nội 2007.
  17. Nguyễn Việt (2022). Kết qủa nghiên cứu Bãi đá có hình khắc nguyên thủy tại Suối Cỏ, Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hòa Bình. https://vanhoavaphattrien.vn/ket-qua-nghien-cuu-bai-da-co-hinh-khac-nguyen-thuy-tai-suoi-co-my-thanh-lac-son-hoa-binh-a15605.html
  18. Phạm Minh Huyền (1990). Những hình khắc trên đá ở Sa Pa. Trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về lịch sử bản đồ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 500 năm bản đồ Hồng Đức. Hà Nội.
  19. Phạm Thị Thu Hà (2017). Tổng quan lợi ích và tác động của thủy điện, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, https://nangluongvietnam.vn/tong-quan-loi-ich-va-tac-dong-cua-thuy-dien-19936.html.
  20. Phan Thị Diễm Hương (2020). Bảo tồn di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững: Trường hợp bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch ở Hoàng thành Huế. Trong Tạp chí Khoa học Đại học Huế Kinh tế và Phát triển, Tập 129, Số 5C, 2020; Tr. 175–192.
  21. Phan Văn Hùng, Hồ Mạnh Hà 2013. Phát hiện tảng đá có nhiều ký tự cổ của người Tiền sử ở xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013. Nxb. KHXH, Hà Nội.
  22. Trần Nam, Trần Hữu Sơn (1990). Khu chạm khắc đá cổ ở Sa Pa. Trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về lịch sử bản đồ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 500 năm bản đồ Hồng Đức. Hà Nội.
  23. Trình Năng Chung (2007). Những hình khắc cổ trên đá ở Xín Mần Hà Giang. Tạp chí Khảo cổ học, Số 5, 2007, tr.76-84.
  24. Trình Năng Chung (2020a). Bãi đá có hình khắc cổ ở Đồng Văn (Hà Giang) và mối quan hệ với bãi đá cổ ở Sa Pa. Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội, Số 01 (80), 2020, tr.82-90.
  25. Trình Năng Chung (2020b). Nghệ thuật hang động ở hang Khố Mỷ Hà Giang: tư liệu và nhận thức. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, Số 10, 2020, tr.68-77.
  26. Trình Năng Chung, Chu Mạnh Quyền (2020). Những bãi đá có hình khắc cổ ở Hà Giang: tư liệu và nhận thức. Thông báo Khoa học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội, 2020, tr.19-29.
  27. Trịnh Sinh (2018). Bãi đá Sa Pa: Góc nhìn Khảo cổ học, Dân tộc học và khai thác du lịch. Bài trình bày tại Hội thảo Khoa học Tìm hiểu giá trị văn hóa của di sản đá khắc Sa Pa, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết, Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2018.
  28. Trương Quốc Bình (2016). Bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Tập 32, Số 1S (2016) 68-76.
  29. Anati, Emmanuel (2019). The Typology of Rock Art. In Expression, N°23 March 2019, pp. 7-23.
  30. Bahn, Paul ed.,.(1998). The Cambridge Illustrated History of Prehistoric Art, 1998, Cambridge University Press.
  31. du Cros H, Mckercher B. (2015). Cultural tourism. 2nd ed. London and New York: Routledge.
  32. Hughes, H. and D. Allen (2005). Cultural tourism in Central and Eastern Europe: The views of ‘induced image formation agents. In Tourism Management, 26 (2), pp. 173-183.
  33. Kotler, P. (1989). From mass marketing to mass customization, Planning Review, Vol. 17 No. 5, pp. 10-47.
  34. Mckercher, B., & du Cros, H. (2002). Cultural tourism: The partnership between tourism and cultural heritage management. Binghamton, NY: The Haworth Hospitality Press.
  35. Ohridska-Olson and R. Vassileva (2015). Cultural Tourism: Definitions and Typology – A Research Note (October 8, 2015). SSRN: https://ssrn.com/abstract=3318843
  36. Rosenfeld R. A. (2008). Cultural and Heritage Tourism. In: Municipal Economic Toolkit Project. Michigan: Eastern Michigan University European Institute of Cultural Routes.
  37. Silberberg, Ted (1995). Cultural Tourism and Business Opportunities for Museums and Heritage Sites. Tourism Management 16: 5 (1995): 361-365.
  38. Whitley, David S. (2005). Introduction to Rock Art Research. Walnut Creek, California: Left Coast Press.

BÀI MỚI NHẤT

Chuông và minh văn chuông – Tư liệu quý của lịch sử văn hóa dân tộc

Chuông được tạo tác bằng một số chất liệu khác nhau, nhưng phổ biến hơn cả là được đúc bằng đồng, nên gọi chung là chuông đồng, là một trong nhạc khí khá phổ biến gắn liền với sinh hoạt tôn giáo, nhất là Phật giáo. Ở Việt Nam, chùa xuất hiện hầu hết tại các địa phương, từ những ngôi quốc tự của triều đình, ngôi đại danh lam của Giáo hội Phật giáo, đến những ngôi chùa làng, mà ở mỗi ngôi chùa đó đều có ít nhất một quả chuông đồng. Trên chuông đồng cổ thường được khắc văn bản bằng chữ Hán.

Giải Nobel Vật lý 2024: Khi Vật lý đặt nền tảng cho học máy

Hai nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm 2024, GS. John Hopfield và GS. Geoffrey Hinton, đã sử dụng các công cụ vật lý để xây dựng các phương pháp giúp đặt nền móng cho mô hình học máy mạnh mẽ hiện nay. John Hopfield tạo ra một cấu trúc có thể lưu trữ và tái xây dựng thông tin. Geoffrey Hinton phát minh ra phương pháp có thể khám phá một cách độc lập các thuộc tính trong dữ liệu và phương pháp này đã trở nên quan trọng đối với các mạng nơ-ron (neural network) nhân tạo lớn đang được sử dụng ngày nay.

Công nghệ khử nước biển thành nước ngọt: tiềm năng và thách thức

Biến đổi khí hậu làm gia tăng hạn hán, ô nhiễm nước và cạn kiệt nước ngầm gây ra khủng hoảng nước ngọt trầm trọng, khiến hàng tỷ người đối mặt với khan hiếm nước. Năm 2022, ước tính có khoảng 27,5% dân số thế giới thiếu nước ngọt, và thị trường khử mặn toàn cầu dự kiến đạt 38,1 tỷ USD vào năm 2033 sẽ được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số và cạn kiệt nguồn nước ngọt [1]. Để ứng phó với vấn đề này, các tiến bộ công nghệ đã mở ra tiềm năng sử dụng nước biển như nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng trong tương lai.

Nấm rừng ăn được

Nấm rừng được thu hái làm thực phẩm và thương mại ở hơn 80 quốc gia trên thế giới. Một nhóm nhỏ nấm rừng có tầm quan trọng kinh tế và xuất khẩu. Phần lớn nấm rừng có ý nghĩa trong đời sống ở các nước đang phát triển và đặc biệt có ý nghĩa tại các khu vực yếu kém về an ninh lương thực, đồng thời cũng mở ra các thách thức trong việc thu hoạch và quản lý bền vững (Boa, 2004).

BÀI ĐỌC NHIỀU

Khái quát về mô hình dữ liệu quan hệ

Phần lớn hệ thống cơ sở dữ liệu hiện nay đều được xây dựng bằng mô hình dữ liệu quan hệ. Vậy mô hình...

Supervised Learning và Unsupervised Learning: Khác biệt là gì?

Supervised learning (Học có giám sát) và Unsupervised learning (Học không giám sát) là hai trong số những phương pháp kỹ thuật cơ bản...

Khái quát về Data Pipeline

Dữ liệu là chìa khóa trong việc khám phá tri thức sâu rộng, nâng cao hiệu quả quy trình và thúc đẩy đưa ra...

Transformer Neural Network – Mô hình học máy biến đổi thế giới NLP

Năm 2017, Google công bố bài báo “Attention Is All You Need” thông tin về Transformer như tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh...