Trang chủ Chuyên gia viết Dàn nhạc Ngũ âm đặc biệt của người Khmer khiếm thị

Dàn nhạc Ngũ âm đặc biệt của người Khmer khiếm thị

Nhạc ngũ âm là đặc sản văn hóa tinh thần của người Khmer

Người Khmer vốn có nền văn hoá đặc sắc, phong phú, đậm tính dân tộc. Một trong những tinh hoa của nền văn hóa ấy là nhạc ngũ âm – được coi như tiếng nói tâm hồn của người Khmer. Nhạc ngũ âm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Khmer, gắn bó với họ trong những niềm vui, nỗi buồn, từ lúc được sinh ra cho đến khi về với trời đất.

Dàn nhạc ngũ âm của người Khmer hay còn được gọi là dàn nhạc Pin Piết bao gồm những loại nhạc cụ được hình thành từ rất xa xưa, được chính các nghệ nhân Khmer thiết kế công phu và tinh xảo. Ngũ âm bởi âm thanh phát ra được kết hợp từ năm loại chất liệu: gỗ, đồng, sắt, da và hơi. Còn về mặt nhạc cụ, có 6 món chính: hai dàn cồng (cồng lớn và cồng nhỏ), Roniêt-ek (đàn thuyền), Rooniêt-thung, Rô-niêt-đek, trống samphô và kèn Srôlay pin piết.

Hai dàn cồng Cuông-tuôch và Cuông-thôm được làm bằng chất liệu đồng, mỗi cái gồm có 16 cái cồng nhỏ có núm, được kết lại với nhau tạo thành vòng có hình bán nguyệt. Khi diễn tấu, nhạc công sẽ ngồi trong vòng cong đó, dùng hai dùi để gõ. Tùy theo độ lớn, nhỏ, dày, mỏng của từng quả mà phát ra âm thanh khác nhau.

Chất liệu gỗ gồm các nhạc cụ là Rôniêt-ek gồm 26 thanh tre hoặc gỗ có hình chữ nhật dài khoảng 20cm, rộng khoảng 5cm được ghép với nhau thành một chuỗi dài, hai đầu được máng vào một thùng gỗ có một chân đỡ và nhạc cụ Rô-niêt-thung (có âm trầm) được cấu tạo từ 16 thanh gỗ và 4 giá đỡ.

Rô-niêt-đek (có âm bổng) được làm từ chất liệu sắt, gồm 26 thanh ghép lại.

Trống Samphô có hai mặt được bịt bằng da bò, mặt lớn có âm trầm, mặt nhỏ có âm bổng, được đặt trên một giá cao 30cm. Khi diễn tấu, nhạc công dùng hai tay vỗ vào mặt trống để tạo âm thanh. Hai trống lớn được bịt bằng da trâu và đặt cạnh nhau, một cái có âm trầm, một cái có âm bổng.

Kèn thổi hơi còn gọi là Srôlay pin piết (hoặc Srâylay rom) là loại kèn được làm bằng tre, ống kèn được làm bằng gỗ quý. Khi sử dụng, người ta đặt dàn kèn thẳng đứng, cắt ngang với lưỡi để tạo ra âm thanh.

Hình 1. Một dàn nhạc cụ ngũ âm của người Khmer

Trong các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm, Rôneat-ek được xem là chủ đạo và có vai trò dồn bè. Mỗi loại nhạc cụ của dàn nhạc được định âm một cách chính xác, đảm bảo yếu tố hòa âm cho cả dàn để khi hòa tấu sẽ tạo ra một âm thanh rất độc đáo, từ rất trầm đến cao vút, ngọt ngào, sâu lắng đi vào lòng người. Hiện nay, trong dàn nhạc ngũ âm của người Khmer có thể thiếu một vài món, nhưng bắt buộc phải có cặp đàn Rôniêt-ek, Rô-niêt-thung, Cuông-tuôch, Cuông-thôm và cặp trống lớn thì mới hội đủ điều kiện diễn tấu.

Theo phong tục truyền thống của người Khmer, dàn nhạc ngũ âm của người Khmer chỉ được sử dụng phục vụ cho các vua, quan trong các triều đại phong kiến, trong các ngày lễ lớn như Dolta, Ooc-Om-Booc, tết Chol Chnam Thmay, Lễ dâng bông, Lễ cầu phước, đám tang, v.v. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống xã hội, ngày nay nhạc ngũ âm của người Khmer đã được mở rộng phạm vi hoạt động trong các cuộc liên hoan mừng công và trình diễn trong các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch. Vào những ngày lễ hội này, rất đông bà con người Khmer từ vùng nông thôn cho đến thành thị nô nức vui chơi đến tận đêm khuya, cùng múa các điệu Ram – vôn, À – day hân hoan, rộn rã trong tiếng nhạc ngũ âm trầm trầm, vang vang. Ngoài ra, dàn ngũ âm còn có thể hòa tấu với các nhạc cụ khác như đàn cò, đàn sến, đàn gáo, v.v., tạo thành những âm thanh rất độc đáo.

Có thể nói dàn nhạc ngũ âm của người Khmer là một di sản quý báu, là biểu tượng của sự vui tươi, sung túc, ấm no, v.v., thể hiện nét đẹp văn hóa, nghệ thuật giàu tính truyền thống của dân tộc Khmer và cũng là một loại hình nghệ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch của những địa phương có đông người Khmer sinh sống. Sự phát triển và đa dạng về các loại hình nghệ thuật trong thời gian gần đây, hoạt động chơi nhạc ngũ âm của người Khmer dần trở nên mai một nếu không được tiếp tục duy trì và phát triển kịp thời.

Giá trị phi vật thể nằm trong những di sản vật thể

Giá trị lịch sử – văn hóa:

Với đời sống và sinh hoạt của người Khmer, ngôi chùa luôn là một thiết chế văn hóa quan trọng và gắn bó nhất. Chùa là nơi tập trung và diễn ra hầu hết những hoạt động tôn giáo và văn hóa cộng đồng. Nhạc ngũ âm Khmer có mặt và tham gia trình tấu trong tất cả các đại lễ và nghi lễ Phật giáo ở chùa, trong tang lễ của người dân, từ lâu đã in dấu ấn sâu đậm trong tâm thức và đời sống của mỗi người dân Khmer từ thuở nhỏ đến lúc rời xa cuộc đời. Đó là những âm thanh và giai điệu mang tính ký hiệu vừa thiêng liêng, vừa quen thuộc, thân thiết và giàu cảm xúc đối với từng cá nhân và cả cộng đồng Khmer. Khi nghe tiếng trống (Skô Voth) cùng với tiếng nhạc vang lên tại các ngôi chùa Khmer thì người dân trong phum, sóc biết được đã đến ngày tổ chức các nghi lễ tôn giáo. Còn tiếng trống lễ tang vang lên ba hồi cùng tiếng nhạc Pinn Peat réo rắt sẽ là lời thông báo cho sự qua đời của một ai đó trong cộng đồng. Thông qua nhạc ngũ âm, mọi người được cùng hòa nguyện tâm hồn mình và tạo ra sự kết nối cộng đồng một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng hết sức bền chặt, sâu đậm.

Nhạc Ngũ Âm còn là một minh chứng mang tính tiêu biểu về mối quan hệ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa giữa người Khmer với các quốc gia và dân tộc xung quanh trong suốt lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời. Những yếu tố nguyên gốc, cổ truyền còn được bảo tồn, duy trì trong kho tàng nhạc ngũ âm cho thấy có sự liên quan, gần gũi về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng của người Khmer với văn hóa Ấn Độ và các nền văn hóa Đông Nam Á.

Đặc biệt, không chỉ thể hiện sự tiếp thu, du nhập các yếu tố và giá trị văn hóa, nhạc ngũ âm Khmer còn phản ánh rất rõ sự tiếp biến và dung hòa cho phù hợp với môi trường và tính cách tộc người. Điều này có thể thấy rất rõ ở sự linh hoạt và ngẫu hứng trong phong cách trình diễn của các nhạc công trong dàn nhạc ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng so với ở các địa phương khác, so với các nước xung quanh, điển hình là so với sự chặt chẽ, chuẩn mực, khuôn mẫu của nhạc ngũ âm ở Campuchia. Các nhạc cụ trong dàn nhạc trong cộng đồng Khmer Sóc Trăng cơ bản vẫn giữ được hình dạng cấu tạo và chức năng chính so với nguyên gốc, nhưng chúng ít nhiều đã có sự cải tiến và điều chỉnh. Thậm chí, người nghệ nhân Khmer ở Sóc Trăng còn thực hiện việc chỉnh lý cấu tạo các nhạc cụ để có thể hòa tấu với các loại nhạc cụ mới, hiện đại của phương Tây khi tham gia vào một số sinh hoạt mới của đời sống hiện đại. Điều đó đã tạo nên nét riêng, mang tính đặc trưng văn hóa của loại hình nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer ở Sóc Trăng.

Giá trị tâm linh, đạo đức:

Do được trân trọng và sử dụng trong tất cả những nghi lễ tôn giáo quan trọng và đời sống tộc người, nhạc ngũ âm được xem như là mối dây, chất xúc tác kết nối tinh thần, giữa Đạo và đời, giữa các Phật tử, giữa con người trần tục với thế giới tâm linh, là cây cầu và lời tiễn đưa để giúp con người về với thế giới bên kia. Âm thanh của dàn nhạc ngũ âm được xem là ngôn ngữ để con người giao tiếp với thần linh và các đấng siêu nhiên, là tiếng nói giữa người sống với người chết và cả tổ tiên ngàn đời đang ở phía bên kia thế giới của cõi Phật. Đó là những giá trị tinh thần vượt ra khỏi lớp vỏ âm nhạc. Về mặt đạo đức, tinh thần chứa đựng trong nhạc ngũ âm vừa là cánh tay nâng đỡ, thúc đẩy tâm hồn hướng Phật của con người, vừa là lời an ủi, xoa dịu nỗi buồn của những người ở lại khi đưa tiễn người quá cố. Bởi vậy, người dân Khmer luôn xem các nhạc khí trong dàn nhạc ngũ âm là “các vật thiêng” được kết tinh bởi trời đất theo quy luật âm dương và tồn tại trong mối quan hệ với thuyết ngũ hành, ngũ phương, ngũ âm, ngũ sắc.

Nội dung và ý nghĩa của những bài bản sử dụng trong dàn nhạc ngũ âm vốn xuất phát từ Phật giáo nên mang tinh thần giáo dục, khuyên răn con người hướng đến cái thiện, tốt đẹp, góp phần hình thành tâm hồn, tính cách hướng thiện của người dân Khmer.

Giá trị nghệ thuật – thẩm mỹ:

Cấu tạo của mỗi nhạc cụ, sự hợp thành của cả dàn nhạc ngũ âm là độc đáo, đặc trưng và có tính thẩm mỹ cao. Đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung mang hình dáng của những chiếc thuyền được trang trí các đường nét hoa văn truyền thống Khmer; dàn cồng Kuông Vông Tôch và Kuông Vông Thum là sự thu gọn một cách tinh tế của những dàn cồng chiêng lớn trong các vòng tròn lễ hội; âm thanh mạnh mẽ, đa âm sắc, được phối hợp uyển chuyển, hài hòa, có lớp lang. Nhạc ngũ âm Khmer có sức hấp dẫn và thu hút mạnh mẽ.

Trình tấu nhạc ngũ âm Khmer truyền thống nhìn chung mang tính chất giao hưởng, hòa tấu. Để làm được việc này cần có sự chuẩn mực, có yêu cầu chất lượng nghệ thuật cao. Trên thực tế, nhạc ngũ âm Khmer được các chuyên gia uy tín đánh giá là dòng nhạc cao cấp và được tổ chức chặt chẽ nhất trong đời sống âm nhạc của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đây cũng được xem là dàn nhạc dân tộc duy nhất của người Khmer được hoàn chỉnh, định âm, định tính; định âm trong từng nhạc cụ và cả hòa âm của dàn nhạc, bài bản đều được soạn sẵn cho từng nghi lễ. Trong một chừng mực nhất định, nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer ở Sóc Trăng, ở Nam Bộ có thể sánh ngang về chức năng và ý nghĩa với các loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của các cộng đồng cư dân khác trên đất nước ta như Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca Tài tử Nam Bộ, v.v.

Dạy người Khmer khiếm thị chơi nhạc ngũ âm Khmer – dự án đầy tính nhân văn

Những giá trị tinh thần mà nhạc ngũ âm Khmer mang lại là hết sức to lớn. Năm 2022, Chương trình lưu giữ các giá trị Văn hóa, Lịch sử của Quỹ VinIF nhận được một hồ sơ dự án về việc “Lưu giữ và phát triển nhạc ngũ âm trong đời sống người Khmer khiếm thị tỉnh Sóc Trăng”. Nhận thấy đây là một ý tưởng mới và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hội đồng Quỹ VinIF đã kiến nghị nên tài trợ cho dự án này. Dự án gồm 2 nội dung là trang bị 1 dàn nhạc ngũ âm và mở 1 lớp dạy nhạc ngũ âm cho 8 hội viên là người Khmer khiếm thị. Vì vậy, tại buổi giao lưu, các diễn giả, nghệ nhân chia sẻ thêm một số kiến thức về nguồn gốc, vai trò, tầm quan trọng, các kỹ năng biểu diễn của nhạc ngũ âm. Bên cạnh đó, đội nhạc ngũ âm Hội Người mù cũng biểu diễn một số tiết mục nhạc ngũ âm để các đại biểu nhận xét, góp ý, v.v. Đây là hoạt động góp phần cho cán bộ, hội viên Hội Người mù và nhất là các học viên lớp nhạc ngũ âm tiếp cận thêm nhiều kiến thức, hiểu biết về nhạc ngũ âm. Từ đó, vận dụng vào quá trình học tập và biểu diễn nhạc ngũ âm.

Hình 3. Biểu diễn nhạc ngũ âm trong cộng đồng người khiếm thị Sóc Trăng

Theo số liệu thống kê của Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 956 người mù cả hai mắt. Phần lớn người khiếm thị đều tập trung ở vùng nông thôn; tình trạng mù chữ, không có việc làm, thiếu cơ hội phục hồi chức năng, thiếu cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế và tiếp cận xã hội là rất cao nên đời sống của người khiếm thị cực kì khó khăn. Trong tổng số người mù của tỉnh Sóc Trăng, người khiếm thị dân tộc Khmer chiếm khoảng 40%, tập trung chủ yếu ở thị xã Vĩnh Châu và rải rác ở các huyện, thành phố còn lại của tỉnh Sóc Trăng.

Chơi nhạc ngũ âm là một trong những hoạt động văn hóa, văn nghệ rất phù hợp với người Khmer khiếm thị vì mặc dù họ bị khiếm khuyết về thị giác nhưng lại phát triển tốt về các giác quan khác, đặc biệt là xúc giác và thính giác. Họ có khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt và có đam mê sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Chơi nhạc ngũ âm giúp cho người Khmer khiếm thị rèn luyện các giác quan, phát triển năng khiếu về âm nhạc; có nghề nghiệp và mang lại thu nhập cho người khiếm thị khi tham gia biểu diễn. Tuy nhiên, chỉ có không quá 5% trong số người Khmer khiếm thị trong tỉnh Sóc Trăng biết chơi nhạc ngũ âm của người Khmer. Hiện nay, một số ít người Khmer khiếm thị trong tỉnh Sóc Trăng có thể tự nuôi sống gia đình họ bằng nghề và trở thành nghệ nhân nhạc ngũ âm trên địa bàn tỉnh.

Phần lớn người Khmer khiếm thị tự học nhạc ngũ âm từ gia đình, bạn bè truyền dạy chứ chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Thêm vào đó, do điều kiện kinh tế của người Khmer khiếm thị trong tỉnh Sóc Trăng rất khó khăn, việc học tập của họ cần có sự hỗ trợ chuyên biệt làm hạn chế cơ hội tham gia các lớp học nhạc ngũ âm chính quy ở tỉnh. Hiện tại, một số học viên đã có thu nhập từ việc chơi nhạc ngũ âm qua việc biểu diễn tại chùa vào các dịp lễ hội; một số học viên còn lại thường xuyên luyện tập để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người Khmer tại địa phương. Khi có điều kiện, các học viên này cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chơi nhạc ngũ âm của mình cho các bạn khiếm thị khác.

Năm 2007, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng được tài trợ một dàn nhạc ngũ âm. Có được dàn nhạc, năm 2011, lớp dạy chơi nhạc ngũ âm đầu tiên của Hội được tổ chức với 8 học viên khiếm thị là người Khmer. Đến nay, qua 3 lớp dạy ngắn hạn, đã có 22 lượt hội viên tham gia học tập và có thể tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn nhạc ngũ âm. Các anh, chị hội viên sau khi học chơi nhạc đều tham gia câu lạc bộ âm nhạc của Hội, biểu diễn tại các chương trình văn nghệ, giao lưu của Hội Người mù hoặc biểu diễn tại Lễ hội Oóc Om Bóc tỉnh Sóc Trăng. Một số hội viên có tay nghề khá còn được các đoàn mời chơi nhạc ngũ âm tại các buổi tiệc hay lễ hội, v.v. Ông Hoàng Xuân Luyện, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tham gia khóa học, hội viên có cơ hội được tiếp cận, học và biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Hơn thế nữa, thông qua hoạt động này, cộng đồng cũng sẽ hiểu, chia sẻ và cảm nhận tích cực hơn về ý chí, năng lực của người khiếm thị khi họ được trao cơ hội học tập và làm việc”.

Chỉ sau 1 năm được nhận tài trợ từ VinIF, đến năm 2023, Hội người mù tỉnh Sóc Trăng đã mua mới 1 dàn nhạc ngũ âm của người Khmer, mở 1 lớp dạy nhạc ngũ âm cho 8 người Khmer khiếm thị; cán bộ và học viên của lớp ngũ âm được tham quan thực tế cơ sở gia công nhạc ngũ âm tại tỉnh Trà Vinh; tổ chức 2 buổi giao lưu nhạc ngũ âm giữa các học viên lớp ngũ âm của Hội Người mù phối hợp cùng Bộ môn Nghệ thuật Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ tại Trường Đại học Trà Vinh, NSƯT Kim Nghinh, một số giảng viên Trường Đại học Trà Vinh và sinh viên Trường Đại học Trà Vinh; và giao lưu nhạc ngũ âm giữa các học viên lớp ngũ âm của Hội Người mù với TS.NS. Sơn Ngọc Hoàng, đ/c Trần Minh Lý, Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng.

Hình 4. Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh biểu diễn nhạc ngũ âm trong buổi giao lưu

Qua các buổi giao lưu, học viên của lớp nhạc ngũ âm và cán bộ tham gia dự án hiểu biết sâu sắc hơn về loại hình âm nhạc ngũ âm, các lưu ý, kỹ thuật biểu diễn nhạc ngũ âm, bày trí và giữ gìn nhạc cụ nhạc ngũ âm, đồng thời hiểu thêm về các chương trình của tỉnh Sóc Trăng trong việc bảo tồn và phát triển nhạc ngũ âm của tỉnh, các cơ hội để đội nhạc ngũ âm của Hội Người mù tham gia các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn của địa phương. Hội cũng phối hợp Đài Phát thanh Truyền hình Sóc Trăng, Báo Sóc Trăng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, Đài VTV4 tiến hành quay phóng sự, tư liệu về đội nhạc ngũ âm của Hội.

Sau một thời gian theo học lớp dạy chơi nhạc ngũ âm, anh Danh Thiện chia sẻ: “Việc học nhạc ngũ âm của người khiếm thị có vất vả và mất thời gian hơn bình thường, nhưng khi đã nhớ nốt nhạc thì khả năng nhớ rất lâu. Trong quá trình dạy, các thầy thường xuyên chia sẻ về ý nghĩa, giá trị của nhạc ngũ âm, chỉ dạy học viên về kỹ năng giao tiếp và biểu diễn, giúp học viên hiểu rõ hơn giá trị của nhạc ngũ âm và có kỹ năng biểu diễn tốt hơn. Dù cơ thể bị khiếm khuyết và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng việc học nhạc ngũ âm góp phần để tôi luôn giữ được cho mình một thái độ sống lạc quan, vui vẻ”.

Tác giả: Ngô Thị Hà, Hội người mù tỉnh Sóc Trăng.

Biên tập và tổng hợp: Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

Tài liệu tham khảo

  1. Sơn Ngọc Hoàng, Đào Huy Quyền, Ngô Khị (2005), Nhạc khí dân tộc Khmer Nam bộ, Nxb. Khoa học Xã hội.
  2. Đào Huy Quyền, Sơn Ngọc Hoàng, Ngô Khị (2007), Nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng, Nxb. Tổng hợp TPHCM.
  3. Sơn Ngọc Hoàng (2016), Âm nhạc nghi lễ dân gian trong văn hóa của người Khmer ở Sóc Trăng, Luận án Tiến sĩ ngành Văn hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

BÀI MỚI NHẤT

Cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét và sạt lở đất trên nền dữ liệu đa nguồn và ứng dụng công nghệ IoT

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đang trở thành một...

Phân tích và hiểu khách hàng: chìa khóa thúc đẩy hiệu quả kinh doanh cho các dịch vụ có lượng người dùng lớn

Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng về sử dụng Internet, dịch...

Tầm quan trọng của tri thức bản địa và một điển hình về việc bảo tồn tri thức sử dụng thực vật của người...

Trên bình diện toàn cầu, hiện có gần 500 triệu người bản địa, nói ít nhất 4.000 ngôn ngữ, chiếm hơn 25% diện tích đất. Họ thường có kiến ​​thức sinh thái tốt nhất về khu vực đang sinh sống và biết rõ loài nào là quan trọng nhất với cộng đồng của mình. Ví dụ, các cộng đồng người Iban và Dusun ở Đông Nam Á từ lâu đã nhận ra rằng hai loại trái cây trông giống nhau - lumok và pingan, là hai loài riêng biệt – điều mà trong gần hai thế kỷ, các nhà thực vật học phương Tây đã phân loại sai và xem chúng là cùng một loài duy nhất.

Động mạch dây rốn – giải pháp trong ghép mạch máu nhỏ

Những tổn thương ở mạch máu thường rất ít được quan tâm ở giai đoạn sớm vì các triệu chứng thường thoáng qua. Khi các triệu chứng đã rõ rệt thì tổn thương thường nặng nề và điều trị bằng thuốc thường ít hiệu quả. Lựa chọn ở giai đoạn này thường là can thiệp mạch và/hoặc phẫu thuật. Kỹ thuật can thiệp mạch và phối hợp phẫu thuật với can thiệp (hybrid) đến nay đã phát triển mạnh mẽ với các vật liệu có tính tương thích sinh học cao, nhiều kích cỡ để lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên với các mạch máu nhỏ (< 5 mm) thì những kỹ thuật này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các mạch sử dụng trong nhi khoa (cầu nối, ghép tạng, v.v.), khi sử dụng mạch tự thân không phải là lựa chọn phù hợp.

BÀI ĐỌC NHIỀU

Khái quát về mô hình dữ liệu quan hệ

Phần lớn hệ thống cơ sở dữ liệu hiện nay đều được xây dựng bằng mô hình dữ liệu quan hệ. Vậy mô hình...

Supervised Learning và Unsupervised Learning: Khác biệt là gì?

Supervised learning (Học có giám sát) và Unsupervised learning (Học không giám sát) là hai trong số những phương pháp kỹ thuật cơ bản...

Khái quát về Data Pipeline

Dữ liệu là chìa khóa trong việc khám phá tri thức sâu rộng, nâng cao hiệu quả quy trình và thúc đẩy đưa ra...

Transformer Neural Network – Mô hình học máy biến đổi thế giới NLP

Năm 2017, Google công bố bài báo “Attention Is All You Need” thông tin về Transformer như tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh...