Cần hướng đi gắn liền với du lịch
Hiện nay, du lịch gắn với nghề thủ công truyền thống ngày càng trở nên hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu như trước đây, nhu cầu của du khách chủ yếu là tham quan, thưởng ngoạn những phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, thì nay, nhu cầu này đang có xu hướng chuyển sang tìm hiểu, khám phá sâu hơn các giá trị văn hóa độc đáo, tiêu biểu của các cộng đồng địa phương. Dần xa các khu đô thị lớn, sầm uất, nhiều du khách đang chuyển hướng về những nơi yên tĩnh, biệt lập, mang đậm không gian truyền thống để được trải nghiệm, thực hành văn hóa và tận hưởng các sản phẩm văn hóa.
Lấy du lịch làm động lực để bảo tồn, phát triển các làng nghề và bảo tồn, phát triển các làng nghề để đẩy mạnh du lịch, đó là xu thế đang được tích cực khai thác, qua đó giải quyết nguồn lao động tại chỗ, góp phần cải thiện sinh kế và được xem là một cách thức gìn giữ, bảo tồn hiệu quả, bền vững các giá trị văn hóa tộc người trong bối cảnh hội nhập. Ở nước ta, những sản phẩm du lịch đặc sắc từ nghề thủ công truyền thống của các tộc người đang góp phần tạo sức hút cho điểm đến, đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ và tăng trưởng của ngành du lịch.
Nghề thủ công truyền thống là tài nguyên để phát triển du lịch Cao Bằng
Cao Bằng là tỉnh địa đầu tổ quốc,nằm trong không gian hai hành lang một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, nơi có cửa khẩu biên giới với nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng thị trường sản phẩm du lịch với các tỉnh của nước bạn, với các trung tâm du lịch lớn khác trong nước. Cao Bằng có thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan kỳ thú, phân bố rộng khắp địa bàn tỉnh, là một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Cao Bằng cũng là cái nôi của cách mạng, nơi có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Hmông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, v.v.) với những nét sinh hoạt văn hóa đặc thù, đa diện đa sắc. Vì thế, Cao Bằng một sức hút lạ kỳ không chỉ với du khách Việt Nam mà còn với cả du khách quốc tế: Tổng lượt khách đến Cao Bằng năm 2019 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 25,8% so với năm 2018, doanh thu trên 480 tỷ đồng, tăng trưởng du lịch đạt 31% [1].
Ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu, trở thành địa danh thứ hai ở Việt Nam được vinh danh, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Ngay sau khi được công nhận danh hiệu, lượng khách quốc tế đến Cao Bằng năm 2019 đã tăng mạnh, gấp 1,54 lần so với năm trước [2].
Trên địa bàn tỉnh, nhiều nghề, làng nghề thủ công của các tộc người thiểu số đã được lưu truyền qua bao thế hệ, được ưa chuộng như làm hương, giấy bản, chạm bạc, dệt thổ cẩm, đúc, rèn, miến dong, gốm sứ, v.v. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, người dân vẫn say mê và tìm mọi cách để lưu giữ nghề, dù sản phẩm làm ra đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm công nghiệp. Từ đó, Cao Bằng đã bước đầu xây dựng kế hoạch nhằm bảo tồn và khai thác giá trị của các nghề, làng nghề thủ công tiêu biểu để phục vụ du lịch. Một số chương trình như “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đang có đóng góp tích cực cho mục tiêu này, qua đó, một số nghề, làng nghề truyền thống đã được bảo tồn, phát triển ở dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình; một số sản phẩm trở thành hàng hóa bán ra thị trường, giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Gắn với du lịch, một số làng nghề đã xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng, hoặc là điểm đến tham quan, trải nghiệm, thu hút du khách như làng rèn Pác Rằng (Phúc Sen, Quảng Uyên), làng làm hương Phia Thắp (Quốc Dân, Quảng Uyên), làng dệt thổ cẩm Lũng Nọi (Phù Ngọc, Hà Quảng), v.v.
Những vấn đề tồn tại cần giải quyết
Tuy có những tín hiệu khởi sắc, nhưng ngành du lịch Cao Bằng nói chung và vấn đề bảo tồn, khai thác giá trị các làng nghề thủ công trong phát triển du lịch nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và ẩn chứa không ít yếu tố thiếu bền vững: Nhiều làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm có nguy cơ mai một, thất truyền; hầu hết các làng nghề hiện vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ bấp bênh bởi sản phẩm thường có giá thành cao, mẫu mã chưa đa dạng, chậm cải tiến, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng và khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại; việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm từ các làng nghề truyền thống cũng chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ [3]; lượng khách tham quan tăng nhưng các tour du lịch làng nghề vẫn mang tính hình thức, tự phát, chưa được khai thác hiệu quả; số làng nghề được chọn làm điểm du lịch còn hạn chế so với số lượng các làng nghề truyền thống, vì thế du khách ít có hội để tiếp cận, tìm hiểu các sản phẩm du lịch làng nghề [4].
Theo nhóm khảo sát của TS. Bùi Thị Bích Lan, đồ lưu niệm được bày bán tại nhiều khu du lịch đa phần có xuất xứ Trung Quốc hoặc của các tỉnh lân cận; rất hiếm thấy bóng dáng sản phẩm nghề thủ công của người dân địa phương và nếu có thì thường thua kém về mẫu mã, chủng loại và khó cạnh tranh về giá thành. Việc các làng nghề truyền thống đang bỏ qua một thị trường tiềm năng ngay trên “sân nhà” là một sự lãng phí bởi đã làm mất đi cơ hội quảng bá sản phẩm văn hóa độc đáo của địa phương.
Mặt khác, việc mang vốn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ra kinh doanh du lịch là việc làm rất cần sự thận trọng và trách nhiệm. Đó không đơn thuần là một bài toán kinh tế, bởi khi hoạt động du lịch không được thuận lợi cũng là lúc vốn văn hóa bị rơi rớt, sự trân trọng với cuộc sống và sắc màu văn hóa của bản thân đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ bị mai một. Nếu không có những chính sách khai thác phù hợp thì sự phát triển du lịch sẽ thiếu tính bền vững và để lại hệ lụy lâu dài cho các thế hệ sau. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rất cần sự phối kết hợp chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước với nhà khoa học một cách hữu cơ, mật thiết trong việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vậy thực trạng, xu hướng phát triển của các làng nghề thủ công truyền thống hiện nay ra sao, vấn đề khai thác giá trị của các làng nghề trong phát triển du lịch trong thời gian qua như thế nào, đâu là những cơ hội, thách thức và cần những chính sách, giải pháp mang tính chiến lược nào cho sự phát triển các làng nghề ở tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới, v.v., là những câu hỏi lớn đang được đặt ra cho các nhà nghiên cứu, cho chính quyền địa phương và các cộng đồng làng nghề. Việc nhận diện, đánh giá và đề xuất chính sách bảo tồn và phát triển nghề thủ công, nhất là gắn với du lịch vẫn đang là những khoảng trống lớn, chưa được quan tâm thỏa đáng.
Văn hóa quyết định sự hình thành sản phẩm du lịch nên định hướng lấy văn hóa làm trung tâm và động lực để phát triển du lịch là đúng đắn. Tuy vậy, để khai thác, đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch là câu chuyện không hề đơn giản. Ở tỉnh Cao Bằng, mặc dù có nhiều tiềm năng về tài nguyên văn hóa, tài nguyên du lịch nhân văn, song hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên này cho hoạt động du lịch so với các tỉnh lân cận trong khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang… còn khá khiêm tốn.
Tình hình nghiên cứu, triển khai thực tế của một số dự án tiêu biểu
Một trong những dự án/đề án đã được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm từng bước khắc phục những tồn tại: Nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng cho ngành du lịch tại Cao Bằng được tài trợ bởi Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (Đào Huy Khuê và cộng sự, 2011) đã xây dựng được chuỗi cung ứng liên quan đến ngành du lịch (vận chuyển khách, ăn uống, lưu trú, mua sắm, vui chơi giải trí, v.v.) và vị trí, vai trò của các tác nhân tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, vai trò của các làng nghề truyền thống chưa được Dự án quan tâm đúng mức.
Năm 2019, Tổng cục Du lịch phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc gắn với Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng” nhằm khẳng định giá trị cũng như bàn về giải pháp khắc phục những hạn chế để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch của Cao Bằng theo hướng bền vững và hiệu quả. Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến năm 2035” của UBND tỉnh Cao Bằng (2020) đã đưa ra những nhiệm vụ cơ bản để phát triển du lịch. Đề án cũng chỉ rõ: “Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, nhưng phải gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên, môi trường sinh thái và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo đúng định hướng và nguyên tắc phát triển bền vững”. Đây chính là tiền đề để các làng nghề truyền thống của tỉnh sẽ được đầu tư bảo tồn và khai thác để phục vụ du lịch.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, Trần Thị Bích Ngọc (2009) trong luận văn về “Biện pháp phát triển marketing du lịch tại Cao Bằng” đã đánh giá được thực trạng hoạt động du lịch, marketing trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và xây dựng các biện pháp phát triển marketing du lịch trong xu hướng quốc tế hóa kinh tế – phát triển du lịch khu vực và thế giới. Đề tài cũng đề cập đến các dạng tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, tuy nhiên chỉ mang tính liệt kê, chưa có phân tích cụ thể về các dạng tài nguyên nói trên.
Luận văn của Phan Tuấn Anh (2015) về “Phát triển nhân lực du lịch tỉnh Cao Bằng” đã nêu rõ thực trạng và nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch của tỉnh Cao Bằng, xây dựng được hệ thống các giải pháp phát triển nhân lực tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của ngành du lịch cho tỉnh Cao Bằng trong tương lai.
Tiếp đó, năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng triển khai đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô Đen tỉnh Cao Bằng” nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống của người Lô Lô Đen, trong đó có các nghề thủ công nhằm đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nghiên cứu này cũng đề xuất một số giải pháp bảo tồn nghề thủ công gắn với phát triển du lịch, tuy nhiên, hình thức chủ yếu chỉ là đưa vào bảo tàng để trưng bày, phục vụ cho khách du lịch tham quan.
Từ một số tổng quan, có thể thấy, mặc dù tiềm năng của tài nguyên du lịch nhân văn, trong đó có nghề thủ công truyền thống của tỉnh là rất lớn, song vấn đề gắn kết 2 yếu tố này để tạo ra những “lợi ích kép” mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Trên thực tế, Cao Bằng vẫn chưa có chiến lược cụ thể trong việc gắn phát triển du lịch gắn với bảo tồn và khai thác làng nghề thủ công truyền thống, vì thế hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Những công trình nghiên cứu về phát triển du lịch Cao Bằng đã công bố nhưng hầu như chỉ tập trung vào việc mô tả, nhận diện các sản phẩm du lịch, trong đó có nghề thủ công. Thực tế đó đặt ra yêu cầu về nghiên cứu, đánh giá mang tính tổng thể, hệ thống về thực trạng phát triển, từ đó, đưa ra những quan điểm, giải pháp có tính chiến lược nhằm bảo tồn và khai thác nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Kết quả từ dự án “Bảo tồn và phát triển nghề thủ công gắn với du lịch vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng”
Theo chủ nhiện dự án, TS. Bùi Thị Bích Lan: “Dự án được Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ, với mong muốn đạt được “lợi ích kép”, vừa góp phần đánh thức tiềm năng du lịch của vùng Công viên địa chất toàn cầu, vừa góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương, từ đó từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ, xây dựng nông thôn mới”.
Sau 3 năm triển khai, dự án đã đạt được các kết quả quan trọng:
– Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về bảo tồn và khai thác nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch.
– Làm rõ thực trạng phát triển nghề thủ công truyền thống và thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Cao Bằng.
– Tổ chức Hội thảo: “Cơ sở lý luận, lý thuyết nghiên cứu và bài học kinh nghiệm về bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch”. Hội thảo đã nhận được rất nhiều tham luận và sự quan tâm tham dự của các nhà khoa học ở các Viện nghiên cứu và Trường đại học.
– Nhiều sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn: Các báo cáo tổng hợp, 17 bài viết, cẩm nang đa ngôn ngữ, 01 phim tư liệu, 02 mô hình phát triển du lịch, v.v. sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch ở Việt Nam nói chung, ngành văn hóa, du lịch tỉnh Cao Bằng nói riêng tham khảo trong việc xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển, quảng bá ngành văn hóa, du lịch; trong việc quản lí, kiểm tra hoạt động bảo tồn, khai thác văn hóa trong phát triển du lịch. Các sản phẩm này cung cấp một nguồn tài liệu bổ ích, quý giá về những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của làng nghề, giúp họ hiểu biết sâu sắc hơn, có ý thức trân quý hơn đối với truyền thống của làng nghề, đồng thời có định hướng cụ thể trong hoạt động kinh doanh làng nghề hướng tới du lịch bền vững. Ngoài ra, các sản phẩm của dự án còn giúp cho các nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có thêm hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
– Kết quả các khóa đào tạo, tập huấn: 02 lớp đào tạo là lớp “Truyền dạy nghề truyền thống” và lớp “Kỹ năng giao tiếp và nghiệp vụ hướng dẫn viên tại điểm”, tập huấn cho các học viên ở làng nghề giấy bản Dìa Trên giúp họ thành thạo trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch, và được trang bị những kỹ năng thuyết trình tại điểm, tăng tính hấp dẫn của điểm đến.
Tác giả: TS. Bùi Thị Bích Lan, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Biên tập: Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).
Tài liệu tham khảo
[1]. Thông tin được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng, ngày 20/2/2020, truy cập ngày 6/6/2021.
[2]. Quốc Đạt (2019), Du lịch Cao Bằng tăng trưởng mạnh trong năm 2019, trên trang: https://baotintuc.vn, đăng ngày 19/12/2019, truy cập ngày 28/5/2021.
[3]. Hồng Nguyễn (2021), Cao Bằng: Khó khăn trong bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, trên trang: http://gocnhinthoidai.vn/van-hoa/cao-bang-kho-khan-trong-bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-truy.html, đăng ngày 12/5/2021, truy cập ngày 28/5/2021.
[4]. Hoàng Quý (2020), Cao Bằng: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, đăng ngày 16/1/2020, truy cập ngày 08/6/2021.