Trang chủ Chuyên gia viết Chuông và minh văn chuông - Tư liệu quý của lịch sử...

Chuông và minh văn chuông – Tư liệu quý của lịch sử văn hóa dân tộc

Chuông được tạo tác bằng một số chất liệu khác nhau, nhưng phổ biến hơn cả là được đúc bằng đồng, nên gọi chung là chuông đồng, là một trong nhạc khí khá phổ biến gắn liền với sinh hoạt tôn giáo, nhất là Phật giáo. Ở Việt Nam, chùa xuất hiện hầu hết tại các địa phương, từ những ngôi quốc tự của triều đình, ngôi đại danh lam của Giáo hội Phật giáo, đến những ngôi chùa làng, mà ở mỗi ngôi chùa đó đều có ít nhất một quả chuông đồng. Trên chuông đồng cổ thường được khắc văn bản bằng chữ Hán.

Chuông thường gắn với chùa và ngôi quán tại các di tích làng xã ở Việt Nam và được coi là các tư liệu rất quý, là di sản văn hóa của dân tộc

Chuông chùa An Xá, châu Cơ Xá, nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, đúc năm Chính Hoà thứ 11 (1690) thời Lê. Đây là chuông chùa, nhưng lại được khắc lên nhiều chỉ dụ của phủ Chúa thế kỷ XVII – XVIII về việc miễn sưu thuế cho người dân địa phương do nhường đất ở trong nội điện để nhà Lý xây dựng thành Thăng Long mà định cư ở bên sông không có ruộng trồng cấy. Đây là một trong số ít chuông đồng cổ ở làng xã người Việt còn lưu giữ được, đặc biệt nội dung tư liệu khắc trên chuông có giá trị lịch sử văn hóa vô cùng quý giá.

Chùa An Xá là tên gọi theo địa danh làng An Xá. Làng An Xá vốn tọa lạc trong thành Đại La trước khi Lý Thái Tổ từ Hoa Lư ra đây lập kinh đô Thăng Long. Năm 1010, dân làng dời nhà cửa và cả chùa ra bãi giữa sông Hồng để nhường chỗ cho vua xây cung điện. Khi chuyển ra sinh sống ở bên sông thì thì tên làng được gọi là Cơ Xá châu (機舍洲), chữ châu có nghĩa là bãi sông, tương tự tên gọi ấp, hương ở làng xã trong sông; chữ Cơ xá có ý chỉ làng làm nhà có sàn để chống nước ngập; còn tên chùa vẫn mang tên làng cũ An Xá (An Xá tự – 安舍寺). Tuy gọi là châu, nhưng về mặt tổ chức hành chính thì châu này tương đương với đơn vị hành chính xã như ở các làng xã khác. Bởi trong châu Cơ Xá này có quan viên, xã thôn trưởng với các chức của xã như Xã chính, Xã sử, Xã tư, Hương trưởng, v.v., như phần ghi người tổ chức đúc chuông vào năm 1690 như sau: “Quan viên, xã thôn trưởng châu Cơ Xá gồm Ngô Đăng Long, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Ngọ Bài, Nguyễn Ngọc Đường, Xã chính Ngô Đăng Tiến, Xã sử Nguyễn Danh Chấn, Xã tư Hồ Như Chức, Hương trưởng Nguyễn Quang Huy, v.v.”. Dân số châu Cơ Xá khi này khá đông, riêng các vị cước sắc, hương lão trong châu có tới 58 vị. Ngoài ra, còn có hai giáp (là tổ chức dành riêng cho nam giới trong làng), mỗi giáp có 15 vị trung nam tham gia tổ chức đúc chuông.

Châu (làng) An Xá này còn có ngôi đình thờ Thái úy triều Lý là Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc vốn quê gốc tại làng An Xá. Chùa An Xá, hiện nay được gọi là chùa Bắc Biên nằm trong một khuôn viên rộng gần 3.000 m2, cạnh ngôi đình Phúc Xá, cả hai cùng quay mặt hướng nam nhìn ra một ao sen. Chùa An Xá đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1989. Chùa đã được tu sửa, xây dựng lại nhiều lần, quy mô kiến trúc hiện tại của chùa tương tự các ngôi chùa thời Nguyễn của làng xã người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Đặc biệt, chùa có Tam quan mới được tôn tạo, gồm 3 cửa xây 2 tầng, mái đắp ngói ống giả, trên gác giữa treo quả chuông cổ này.

Hình 1. Chuông chùa An Xá đúc năm 1690 (ảnh: tác giả)

Chuông có hình dáng khá đẹp, thon thả, tiếng chuông âm vang vẫn được sử dụng hàng ngày. Chuông có quai chuông là hai hình rồng đấu lưng vào nhau, thân rồng có vẩy, móng rồng khá mập bám chặt lấy óc chuông làm thành quai chuông chắc chắn. Thân chuông cao 0,95m, đường kính miệng 0,65m, quai cao 0,3m. Chuông có 6 núm đúc nổi, trong đó 4 núm chỉ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, còn hai núm đối diện hai bên Đông và Tây để thỉnh. Tên chuông có 4 chữ đại tự là “An Xá tự chung” được khắc ở phía trên mỗi mặt chuông từ phải qua trái theo vòng chuyển Pháp luân, tương tự chiều kim đồng hồ ngày nay.

Những bài minh văn khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm cùng các văn tự khác trên chuông được dùng để nghiên cứu về lịch sử văn hóa dân tộc

Minh văn bằng chữ Hán, chữ viết theo lối khải chân phương, có chữ trừ được viết theo lệ kiêng húy thời Lê (đảo bộ và thêm bộ phía trên), ngoài ra còn có một chữ Nôm: Trùm (trong chức danh Trùm trưởng ở làng xã). Văn bản khá dài, được khắc kín trên thân chuông và cả trong lòng chuông. Cả thảy gồm 5.510 chữ Hán, một kỷ lục số lượng chữ khắc trên chuông đồng cổ ở làng xã người Việt. Chữ viết chân phương, được khắc chìm, nét khắc khá sắc nên tuy chữ nhỏ, nhưng chữ đều khá rõ. Thân chuông được chia làm 4 mặt (hay múi) được ngăn cách bởi các đường kẻ nổi theo chiều dọc. Mỗi mặt đó lại được chia làm hai theo bề ngang được ngăn cách bởi gờ nổi chạy quanh thân chuông. Bốn ô phía trên thân chuông được khắc nội dung 7 chỉ dụ của phủ liêu cho châu Cơ Xá. Còn hai chỉ dụ khác được khắc trong lòng chuông. Bốn ô phía dưới thân chuông ghi bài minh việc đúc chuông và kê tên người công đức đúc chuông.

Văn bản được khắc theo cột dọc từ phải qua trái. Không chỉ khắc trên thân chuông mà còn khắc cả trong lòng các đường gờ ngăn cách các múi chuông. Thậm chí có đoạn văn bản còn được khắc ngang trên lòng đường gờ ngăn cách ô trên và dưới của thân chuông.

Hình 2. Văn bản khắc trên thân trên và cả trong các khe đường gờ ngăn cách

Lạc khoản minh chuông không được khắc ở trên chuông như các chuông khác, mà ở đây lại khắc trong lòng đường gờ ngăn cách múi chuông. Lạc khoản ghi khá rõ về năm đúc chuông và người soạn viết chữ trên chuông như sau: Ngày lành tháng trọng đông (tháng 11) năm Canh Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 11 (1690). Chân truyền gia pháp, Diễn giáo Tế sinh chính phái đạo sư, kiêm Tư văn trưởng Xã chính Túc Đường nam Ngô Đăng Tiến soạn và viết minh chuông/正和拾壹年歲次庚午冬節仲月穀旦。真傳家法,演教濟生正派道師,兼斯文長社正肅堂男吳登進撰騰。

Rõ ràng là chuông này được đúc năm Canh Ngọ (1690) đời vua Lê Hy Tông (1676-1705), cách ngày nay đúng 333 năm, chứ không phải là năm Thịnh Đức thứ 2 (1654) như phỏng đoán của các tác giả trình bày trong Hội thảo Hán Nôm học thường niên năm 2002 “Năm Thịnh Đức 2 (1654), vua ra lệnh dụ dựng lại chùa An Xá và cho khắc bài văn chuông. Có lẽ đây cũng là năm đúc chuông”. Thực tế, chuông chùa An Xá cũng từng được đúc vào năm Thịnh Đức thứ 2, nhưng bị hủy hoại, nên đến năm 1690 mới đúc lại và khắc đầy đủ các chỉ dụ lên chuông.

Nội dung văn bản khắc trên chuông khá phong phú, được chia ra thành nhiều phần khác nhau. Trước hết và trọng tâm là khắc lại 9 lệnh chỉ của Phủ Chúa cấp cho châu Cơ Xá vào thời Lê Trịnh thế kỷ XVII – XVIII, bao gồm:

  1. Lệnh chỉ Bình An vương (Trịnh Tùng) ngày 18 tháng 9 năm Vĩnh Tộ thứ 1 (1619).
  2. Lệnh chỉ ngày mồng 7 tháng 12 năm Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) của Thanh Đô vương (Trịnh Tráng).
  3. Lệnh chỉ ngày mồng 9 tháng 8 năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625).
  4. Gia chỉ ngày 20 tháng 6 năm Phúc Thái thứ 5 (1647).
  5. Lệnh dụ ban ngày 22 tháng 3 năm Thịnh Đức thứ 2 (1654).
  6. Lệnh dụ ban ngày mồng 9 tháng 10 năm Đức Long thứ 3 (1631).
  7. Lệnh chỉ ban ngày mồng 5 tháng 2 năm Vĩnh Tộ nguyên niên (1619).
  8. Lệnh chỉ ban ngày 26 tháng 6 năm Vĩnh Tộ thứ 2 (1620).
  9. Lệnh dụ ban ngày 20 tháng 5 năm Phúc Thái thứ 9 (1651).

Trong số 9 chỉ dụ này, 7 chỉ dụ đầu được khắc kín trên bốn ô trên thân chuông, còn hai chỉ dụ sau được khắc trong lòng chuông. Nội dung các chỉ dụ này đều đề cập đến việc miễn sưu thuế, tạp dịch cho dân Cơ Xá vì vốn người dân ở đây từng nhường đất trong nội thành Thăng Long để vua nhà Lý xây dựng kinh đô, cụ thể như một số đoạn trích trong số Chỉ dụ sau:

“Nguyên là dân bản châu (làng trên đất bãi) xưa sống ở nội thành, đã vâng lệnh xây dựng kinh đô mà chuẩn cho chuyển cư sống ở bên sông, không có của cải, ruộng đất cấy cày. Bản châu từng được phê chuẩn miễn trừ mọi khoản thuế khoá, thuế đò, cùng các sưu sai đóng góp việc đắp đê, làm đường. Nay được nha môn quan Tổng cán vâng lệnh chuẩn cho được miễn trừ”原本洲額在內殿已恭奉立都,准居中江。無有恒產穀田,已累奉準許本洲。係遞年培築築立堤路,并稅分搜差各役。並准饒除(除諱)等因已經查實,應仍准除如原前。有係遞年培築築立堤路,并稅分等役,其奉差總官等衙門宜奉准除停。(Chỉ dụ năm Vĩnh Tộ nguyên niên: 1619), v.v.

Hình 3. Ô dưới chuông

Những chỉ dụ này đều xác nhận rõ là dân cư châu Cơ Xá vốn sống trong nội thành Thăng Long, đã nhường ruộng đất để triều đình nhà Lý xây dựng kinh đô mà dời đến định cư ở đây. Hơn nữa, nơi đây ở bãi sông, dân làng không có ruộng đất trồng trọt mà chỉ có đất bãi trồng dâu nuôi tằm, cùng nghề lái đò trên sông, nên được triều đình hàng năm miễn sưu thuế, phu phen tạp dịch, kể cả thuế đò ngang, đò dọc.

Tư liệu khắc trên chuông này cho biết, việc miễn sưu thuế, tạp dịch cho dân châu Cơ Xá này được ban chiếu chỉ từ thời Lý, đặc biệt là được biên chép khá đầy đủ thời thời Lê sơ thế kỷ XV, trở thành lệ được duy trì ở thời Mạc thế kỷ XVI và chính thức được ban cấp lệnh chỉ dưới thời Lê Trịnh thế kỷ XVII-XVIII. Minh văn khắc trên chuông khắc lại một chỉ dụ, trong đó có đoạn viết :

“Trước ngày, nước Đại Việt ta, từ khi triều Lý lập kinh đô, trải đến thời vua Lê Thái Tổ đều có sắc chỉ, chuẩn cho miễn trừ mọi khoản đóng góp theo như lệ từ trước (…). Dân cư sống trong sông không có ruộng đất, nên lấy việc trồng dâu nuôi tằm làm nghề, lấy đất bồi bản châu cúng Phật”/昔我大越,粵自李朝立都歷至黎朝太祖 御旨。准除本洲各役如原前例(。。。)。民居中江無穀田以蚕桑為業。原本 洲洲土以為供佛。

Thời Mạc tiếp tục duy trì thể lệ này, miễn sưu thuế cho dân cư nơi đây. Minh văn có đoạn viết: “Vào năm Quảng Hòa thứ 2 (1541) Tri huyện bản huyện là Vũ Chiêu tra xét sổ sách châu này từ triều trước, trải đến năm Đại Chính thứ 9 (1538) vì châu Cơ Xá trước ngày nhường đất dựng cung điện mà chuẩn cho đất bãi đến nay không phải nộp thuế, cùng bến đò, việc binh, sai dịch chuẩn cho được miễn trừ”廣和貳年 本縣知縣武昭等查得本洲須知自前朝,歷大正玖年,以前機舍洲,原額立殿,准許有洲土以來,並無桑根津渡稅額,并兵分戶分,及搜差 各役,並准除。

Tư liệu còn cho biết cụ thể hơn về đất tổ nghiệp. Đặc biệt, tư liệu minh chuông cho biết, ruộng đất và cơ nghiệp của dân An Xá này vốn ở trong nội điện là đất tổ của Lý Thường Kiệt (李常傑 – 1019 – 1105) là đại công thần nhà Lý. Văn bản trên chuông có đoạn viết “Cơ nghiệp của bản châu là đất tổ của quan Trung thư Xá nhân Trung thư giám Đình úy sứ, Quảng Châu hầu được ban quốc tính Lý Thường Kiệt, thụy Quảng Châu phủ quân. Lấy phúc điền lập làm đất tổ. Trước ngày, nước Đại Việt ta, từ khi triều Lý lập kinh đô, trải đến thời vua Lê Thái Tổ đều có sắc chỉ, chuẩn cho miễn trừ mọi khoản đóng góp theo như lệ từ trước”/本洲之 基業是祖地中書監中書舍人廷尉使管洲侯,封賜國姓李常傑謚廣洲府君。遞年福田以為祖地立也。昔我大越,粵自李朝立都歷至黎朝太祖 御旨。准除本洲各役如原前例.

Minh văn này cũng cho biết cụ thể hơn Lý Thường Kiệt vốn họ Ngô, được ban quốc tính họ Lý, có đất tổ nghiệp trong nội điện do cư dân An Xá canh tác phụng thờ. Vì thế khi dời khỏi nội điện sang sống bên sông thuộc châu Cơ Xá này, dân làng đồng thời phụng thờ ngài Lý Thường Kiệt ở chùa và đình làng. Tư liệu trên minh chuông này cùng khá đồng nhất với ghi chép về Lý Thường Kiệt trong thư tịch và nghiên cứu.

Tư liệu minh chuông còn cho biết, nơi đây có bến đò ngang, hành khách đi lại khá tấp nập, trong đó có cả việc đi lại của quân sĩ, sứ thần “Thuyền chở hành khách, cùng binh mã, sứ thần và thê tử qua lại, cả việc mua bán dâu tằm ở các chợ, các châu bên bãi. Nhân đã điều tra sự thực mà chuẩn cho miễn trừ như lệ cũ, để phụng thờ đèn nhang Thần từ là vị Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Da nương Công chúa để cầu quốc mạch dài lâu. Từ nay hàng năm các bến đò ngang, đò dọc, quan thu thuế chiểu theo suất nhiêu mà miễn trừ, không được thu thuế. Kẻ nào làm sai sẽ bị phạt. Nay ban lệnh”…裝載行客往來兵馬使臣及妻子。買賣桑葉下至大蘭中小等社市洲等因已經查實應准除如原例。有奉事香火神祠大乾國家南海四耶娘公主壽國脉。係遞年津渡橫渡直渡,其奉該徵官宜奉准饒除停其徵收勾優違者有罪。茲令 (Lệnh dụ ngày 26 tháng 6 năm Vĩnh Tộ thứ 2: 1620).

Bến đò ngang ở đây chính là nối giữa nội đô ở phía Nam sông Hồng với phía Bắc sông Hồng để đi lên phía Bắc. Nơi đây từng có quân sĩ và sứ thần đi qua, chứng tỏ bến sông này là cửa ngõ trọng yếu phía Bắc kinh đô Thăng Long trước đây. Thực tế, vị trí châu Cơ Xá này, nay thuộc Bắc Biên nằm giữa ngã ba sông, một nhánh chảy xuôi xuống phía Nam, một nhánh phân sang phía Đông có vị trí sông nước hiểm yếu, nên có đền thờ Thủy Thần mà tên hiệu Thần là Đại càn quốc gia Nam hải Tứ da nương công chúa như Chỉ dụ đã nêu. Ngôi đền này hiện nay ở đầu thoi đất nhô ra ngã ba sông thuộc địa phận Bắc Biên tạo thành thế “tụ thủy” chung linh tú khí, có tên là Đền mẫu Đôi Cô với trung tâm là Tam tòa Thánh mẫu trong Hậu cung, cùng một số gian thờ Thần đạo giáo ở tòa Tiền tế. Thực tế, đền Mẫu phản ánh tục thờ Mẹ Nước (Mẫu Thoải) kết hợp với việc trừ ma thuật của cư dân vùng sông nước.

Hình 4. Văn bản khắc trong lòng chuông

Phần cuối văn bản là bài ký ghi việc đúc chuông chùa An Xá này vào năm 1690, do Quan viên, xã thôn trưởng châu Cơ Xá đứng ra quyên góp, tổ chức đúc chuông; đồng thời ghi tên người công đức tiền gạo đúc chuông. Trong số người công đức đúc chuông, có người cúng tiền để gửi giỗ cho gia tiên, như “Vương phủ Thị nội cung tần Nguyễn Thị Bình cúng tiền gửi giỗ cho Hiển khảo. Nguyễn Như Thành tự Phúc Lân đạo hiệu Huyền Tức, Ngô Văn Diễm vợ Đặng Thị Cánh cúng 3 dật đồng. Lê Văn Chính, vợ Phan Thị cúng 1 quan gửi giỗ cho cha đẻ Lê Công tự Phúc Lãnh, mẹ hiệu Từ Nhân. Nguyễn Hữu Tước, vợ Nguyễn Thị Chế gửi giỗ cho cha tự Phúc An, v.v.”.

Đây là tập tục gửi giỗ của người dân làng xã Việt cổ xưa, mong muốn gia tiên, che mẹ, người thân quá cố được nhờ vào cửa Phật, như lệ bầu Hậu Phật để được phụ thờ ở chùa làng thường gặp về sau.

Một điều khá nổi bật khác là, trên chuông còn khắc một đoạn văn bản liên quan đến việc giả mạo danh tính để khắc lên chuông đã bị dân ấp tâu trình quan trên và bị xử phạt, như đoạn khắc sau:

“Vào năm Canh Ngọ (1690), toàn dân trong bản châu mỗi người đóng 2 mạch tiền cổ và 1 thăng gạo để đúc chuông lớn. Nhưng Ngô Đăng Tiến mạo xưng là Am Sinh đường, tước Nam khắc lên chuông. Bản châu bẩm báo lên quan phủ liêu. Quan phủ phạt tội Ngô Đăng Tiến 30 quan tiền cổ để trừng phạt tội giả mạo. Cho bản châu mài bỏ chữ khắc để tránh về sau nghi ngờ bản khắc này giả mạo cùng các bản khắc chỉ dụ cũng là giả mạo. Ngày tháng 12 năm Tân Tỵ (1701), bản châu cho mài chỗ giả mạo này và ghi tiền phạt khắc lên chuông để truyền về sau”/由庚午年本洲上下每人古錢貳陌米壹升,鑄得洪鍾而吳登進冒稱 為掩生堂,男爵刻于鍾致本洲告在府僚宜應罰吳登進古錢叁拾貫進納懲假冒許本洲磨毀刻字以免後惑如敕旨各幅而彼假作其本洲無此本及彼條封祖故為賜國姓, 以為祖地此事冒詐。至辛巳年十二月日本洲論磨假此罰刻于鍾永其傳。

Ngô Đăng Tiến nêu ở đây chính là người sao lục và soạn minh chuông như được ghi trong phần lạc khoản : “Chân truyền gia pháp, Diễn giáo Tế sinh chính phái đạo sư, kiêm Tư văn trưởng Xã chính Túc Đường nam Ngô Đăng Tiến soạn và viết chữ trên chuông”. Chính vì là người soạn thảo minh văn để khắc lên chuông mà vị này vốn chỉ là một Pháp sư kiêm nhiệm chức Tư văn trưởng của Hội Tư văn, nhưng tự mạo xưng tước nam, Túc Đường nam. Điều này không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân làng, nên bị dân làng tâu trình lên quan trên và bị phạt rất nặng bằng số tiền là 30 quan; đồng thời còn khắc lên chuông để truyền mãi về sau.

Chuông được đúc khá tinh xảo, cùng văn tự khắc trên chuông vô cùng điêu luyện tạo thành tác phẩm nghệ thuật quý giá. Chuông và minh văn trên chuông đúng là di sản văn hóa đặc sắc, xứng đáng được tôn vinh là Bảo vật quốc gia.

Tác giả: GS.TS. Đinh Khắc Thuân – Viện Trần Nhân Tông – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Biên tập: Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nxb Khoa học xã hội, 2015, tái bản theo bản in năm 1949 của Nhà xuất bản Sông Nhị, Hà Nội.
  2. Bùi Xuân Đính, Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2022.
  3. Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Hữu Tưởng, «An Xá- Cơ Xá – Phúc Xá lịch sử một tên làng gắn với lịch sử Thăng Long», Thông báo Hán Nôm học 2002, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Khoa học xã hội, 2003, tr.196-201.
  4. Bùi Xuân Đính, “Làng Bắc Biên”, Báo Hà nội Mới, ngày 29/01/2008 http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/1000_nam_thang_long/157838/lang-b7855%3Bc-bien javascript:void(0)
  5. Chu Minh Khôi, «Quả chuông quý ở chùa An Xá”, Báo Giác Ngộ Online, 30/06/2010. https://giacngo.vn/qua-chuong-quy-o-chua-an-xa-post9613.html javascript:void(0)

BÀI MỚI NHẤT

Những đột phá mới trong công nghệ chỉnh sửa gen

Công nghệ chỉnh sửa gen là một phát minh mang tính đột phá trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cho phép các nhà khoa học chỉnh sửa mật mã di truyền của sinh vật chính xác theo ý muốn. Chính vì vậy, giải Nobel Hóa học năm 2020 đã được trao cho hai nhà khoa học nữ là Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna cho công nghệ chỉnh sửa CRISPR-Cas9. Đây là sự công nhận to lớn đối với tính đột phá và tiềm năng ứng dụng vượt trội của công nghệ này, mở ra kỷ nguyên mới trong y học, nông nghiệp và sinh học, đồng thời mang lại hy vọng cho những tiến bộ chưa từng có trong việc điều trị các bệnh di truyền và cải thiện giống cây trồng.

Sử làng sử nước

Sử làng được thể hiện qua văn hóa dân gian, xét đến cùng chính là nơi lưu giữ ý dân, lòng dân, tinh thần thẩm mỹ của dân, tâm linh của dân. Sử làng sử nước chính là lịch sử của nhân dân, bền vững muôn đời, bất chấp khoa học lịch sử hiện đại phát triển. Việc tìm kiếm ra điều gì mới cũng không thể vượt qua được tinh thần hồn núi hồn sông, hồn thiêng dân tộc được lưu giữ trong văn hóa dân gian.

BLife – Công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người bị tổn thương chức năng vận động

Trao đổi thông tin là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người, trong đó giao tiếp bằng lời nói là hình thức phổ biến nhất, cơ bản nhất, nhanh nhất, dễ hiểu nhất và thuận tiện nhất. Để giao tiếp được bằng lời nói, đòi hỏi có rất nhiều yếu tố chi phối. Thực tế cho thấy, có khá nhiều bệnh dẫn đến mất khả năng giao tiếp bằng lời nói, mặc dù khả năng hiểu và diễn đạt của người bệnh còn tốt. Những nhóm bệnh này thường có các tổn thương vùng vận động của hệ thần kinh trung ương như đột quỵ não, chấn thương sọ não, u não, áp xe não, viêm não, parkinson giai đoạn muộn, hoặc của các dây thần kinh sọ não chi phối vận động ngôn ngữ, hoặc của vùng cột sống tủy như chấn thương, vết thương tủy sống, xơ cột bên teo cơ giai đoạn nặng và của các cơ quan tham gia hoạt động nói. 

Tiềm năng ứng dụng cửa sổ thông minh điện sắc trong việc tiết kiệm năng lượng của tòa nhà và chắn nhiệt trên cửa...

Biến đổi khí hậu đang tiếp tục gia tăng thách thức đối với hầu hết các quốc gia, đặc biệt ở một số khu vực có khả năng tác động cao như ở Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá năm 2018, Việt Nam đứng thứ 5 về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu và thứ 8 về chỉ số rủi ro dài hạn (CRI) [1]. Sự nóng lên toàn cầu có nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người làm phát thải khí nhà kính. Do đó để giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, v.v.) kết hợp với tiết kiệm năng lượng là giải pháp then chốt nhất, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến đời sống xã hội.

BÀI ĐỌC NHIỀU

Khái quát về mô hình dữ liệu quan hệ

Phần lớn hệ thống cơ sở dữ liệu hiện nay đều được xây dựng bằng mô hình dữ liệu quan hệ. Vậy mô hình...

Supervised Learning và Unsupervised Learning: Khác biệt là gì?

Supervised learning (Học có giám sát) và Unsupervised learning (Học không giám sát) là hai trong số những phương pháp kỹ thuật cơ bản...

Khái quát về Data Pipeline

Dữ liệu là chìa khóa trong việc khám phá tri thức sâu rộng, nâng cao hiệu quả quy trình và thúc đẩy đưa ra...

Transformer Neural Network – Mô hình học máy biến đổi thế giới NLP

Năm 2017, Google công bố bài báo “Attention Is All You Need” thông tin về Transformer như tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh...