(Báo Thanh niên) – Ngày 14.3, tại Hà Nội, diễn ra Ngày Toán học quốc tế với chủ đề ‘Playing with math’ (tạm dịch: Chơi với toán).Đây là lần thứ 5, Ngày Toán học quốc tế được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo toán học quốc tế UNESCO (ICRTM), Viện Toán học và Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF).
Hàng trăm khán giả đã có mặt trực tiếp tại hội trường, cùng 5.000 người xem online sự kiện qua các kênh livestream của ban tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của Bộ KH-CN, Ủy ban UNESCO, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, các trường đại học…
Sự kiện thu hút sự chú ý của cộng đồng vì các bài giảng liên quan đến AlphaGeometry và toán kinh tế. AlphaGeometry – mô hình AI giải toán hình học trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO), được một trong các tác giả và cũng là trưởng nhóm dự án – TS Lương Mạnh Thắng, cùng người thầy của mình là TS Trần Nam Dũng trình bày.
Tại lễ khai mạc Ngày hội Toán học, PGS-TSKH Phan Thị Hà Dương, Trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết: “Playing with math (Chơi với toán) là chủ đề của Ngày Toán học năm nay. Một chủ đề đặc biệt khác với chủ đề của 4 Ngày Toán học các năm trước.
Với toán học, chúng ta chơi ở khắp nơi, trong khi chơi ta thấy thế giới tốt đẹp hơn, những trò chơi kết nối chúng ta, và luôn có các trò chơi tương ứng để dành cho mọi người chúng ta. Vậy thì ngày hôm nay đây, xin mời các bạn đến với một cuộc chơi đa màu sắc”.
Câu chuyện sáng tạo AlphaGeometry
Viện trưởng Viện Toán học, GS-TSKH Đoàn Thái Sơn, cho rằng toán học rất quan trọng đối với xã hội và sứ mệnh lan tỏa, phổ biến các kiến thức đại chúng về toán học, các thành tựu và ứng dụng toán học trong đời sống đang được Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo toán học quốc tế UNESCO (ICRTM) nỗ lực thực hiện. Đó là các hoạt động triển khai đào tạo, quảng bá toán học rộng khắp, mà một trong số đó là các sự kiện Ngày Toán học quốc tế thường niên như ngày hôm nay.
Trong phần bài giảng đại chúng Hình học, IMO và AI nói về AlphaGeometry – một thành tựu nổi bật trên bản đồ công nghệ thế giới liên quan đến AI, liên quan đến những người Việt rất xuất sắc trong môi trường quốc tế như TS Trần Nam Dũng (Phó hiệu trưởng Trường phổ thông năng khiếu – ĐHQG TP.HCM) và TS Lương Minh Thắng (Chuyên gia Nghiên cứu và Quản lý cao cấp tại Google Deepmind, đồng tác giả AlphaGeometry).
Thông qua các bài giảng khán giả như đi vào một câu chuyện truyền cảm hứng, có lớp lang và đầy hấp dẫn, đi từ nguồn gốc các cách tiếp cận để giải bài toán hình học chứa đựng nhiều sáng tạo, độc đáo, bất ngờ trong các cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO), những cố gắng trước đó để tìm kiếm các cơ chế chứng minh tự động các định lý toán học, đến câu chuyện sáng tạo AlphaGeometry của nhóm tác giả chính bao gồm 3 chàng trai trẻ của Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, các phương pháp nghiên cứu định lượng, ứng dụng các mô hình toán học chắc chắn là những công cụ “gối đầu giường” của bất kỳ nhà kinh tế học nào.
TS Nguyễn Việt Cường, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, với uy tín của mình không những ở Việt Nam mà còn trên bình diện thế giới, đã trình bày một bài giảng về chủ đề Phương pháp nghiên cứu định lượng trong kinh tế – xã hội.
Bài giảng của TS Nguyễn Việt Cường giới thiệu một số phương pháp phân tích định lượng phổ biến được sử dụng nhằm lượng hóa các mối quan hệ nhân quả trong kinh tế – xã hội. Hay nói đơn giản là làm sao để “đo lường” tác động nhân quả của một yếu tố (hay một chính sách) lên một nhóm đối tượng cụ thể.
Trong phần tọa đàm, GS-TSKH Phùng Hồ Hải, Viện Toán học – VAST, quan niệm về chủ đề của Ngày Toán học quốc tế “Chơi với toán học” mang hàm nghĩa sự thân thiện của toán học và mong muốn mang toán đến tất cả mọi người. Toán học cần phải trở nên phổ cập, để chuẩn bị cho những người trẻ phát triển trong tương lai. Chơi với toán học cũng là cách học toán hiệu quả nhất để đến với tình yêu toán học”, ông Hồ Hải nói.
Cũng mang toán học đến các bạn trẻ, nhưng từ một góc nhìn khác PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT), chọn cho mình hướng đi thông qua POMath – chương trình dạy toán cho trẻ em thông qua các trò chơi, hoạt động, những tình huống thực tế.
“Chủ đề của ngày hôm nay lại rất trùng khớp với những gì mà chúng tôi theo đuổi. Trong quá trình cho trẻ em làm toán qua trò chơi, các em không chỉ đi tìm chiến thắng hay vượt qua thử thách, mà còn thể hiện cả thái độ và con người mình, những tính cách tiềm ẩn, những cảm xúc xã hội. Đó là những thông tin hay dấu hiệu rất quan trọng để chúng ta hiểu được con trẻ và qua đó có những ứng xử phù hợp”, PGS-TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.
Sự kiện “Ngày Toán học quốc tế” là một cuộc chơi đa diện đầy màu sắc, nơi các diễn giả thuyết giảng về nhiều lĩnh vực, các khách mời tọa đàm trao đổi và chia sẻ nhiều quan điểm sâu sắc, các khán giả trong khán phòng, trên không gian online cũng tham gia tích cực, đặt câu hỏi, thảo luận hay cùng chơi với toán trong phần mini game và nhận được những phần quà có ý nghĩa, đậm dấu ấn toán học.
Bài viết trên Báo Thanh niên.