⭐️ Diễn giả: PGS.TS. Trần Xuân Trường – Học viện Kỹ thuật Quân sự
PGS.TS. Trần Xuân Trường tốt nghiệp Đại học (2002), Cao học (2004) với chuyên ngành Kỹ thuật và Công nghệ laser, và sau đó bảo vệ luận án Tiến sĩ (2007) thuộc ngành Quang học tại Đại học Công nghệ thông tin, Cơ khí và Quang học (Xanh Pê-téc-bua, LB Nga). PGS.TS. Trần Xuân Trường làm nghiên cứu sau tiến sỹ (postdoc) tại Viện Quang học Max Planck (CHLB Đức) từ 2009-2012. Sau khi về Việt Nam công tác từ 2013, PGS.TS. Trần Xuân Trường tiếp tục được Hiệp hội Max Planck (CHLB Đức) tài trợ nghiên cứu khoa học trong 03 năm từ 2013-2016. Các lĩnh vực nghiên cứu của PGS.TS. Trần Xuân Trường gồm Quang học quang sợi, Quang học phi tuyến, Mô phỏng các hiệu ứng lượng tử thông qua các hiệu ứng quang học. PGS.TS. Trần Xuân Trường là tác giả và đồng tác giả của khoảng 40 bài báo trên các tạp chí ISI, trong đó có những tạp chí hàng đầu trên thế giới về Vật lý như Physical Review Letters. Hiện nay, PGS.TS. Trần Xuân Trường là Phó chủ nhiệm Bộ môn Vật lý (Học viện Kỹ thuật Quân sự) và là chủ nhiệm Dự án “Nghiên cứu các hiệu ứng lượng tử tương đối tính trong hệ ống dẫn sóng nhị nguyên” do quỹ VINIF tài trợ.
⭐️ Bài giảng “Rối lượng tử và giải Nobel Vật lý 2022”
Abstract: Nhờ các công trình thực nghiệm có tính đột phá trong lĩnh vực vật lý lượng tử, ba nhà khoa học John Clauser, Alain Aspect, và Anton Zeilinger đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 2022. Các công trình của ba nhà khoa học này đã chứng tỏ rằng hiệu ứng rối lượng tử (quantum entanglement) – một trong những hiệu ứng kỳ dị nhất trong vật lý lượng tử – thực sự tồn tại chứ không hề quái dị như Einstein từng đề cập. Hơn thế nữa, những thực nghiệm tiên phong này đã đặt nền móng để mở ra một kỷ nguyên mới của công nghệ lượng tử như máy tính lượng tử, mật mã lượng tử, viễn tải lượng tử.
⭐️ Chủ trì bài giảng: Bà Trần Thị Trang – Trưởng phòng Quản lý dự án, Quỹ VINIF.
⭐️ Bài giảng nằm trong khuôn khổ chương trình Lễ công bố và sơ kết các dự án Khoa học Công nghệ và Văn hóa Lịch sử – sự kiện có quy mô lớn nhất của Quỹ VINIF.