Khác với Kho dữ liệu (Data Warehouse) – nơi phát triển các lược đồ và phân cấp trước khi lưu trữ dữ liệu, hồ dữ liệu (Data Lake) không có hệ thống phân cấp và cấu trúc chặt chẽ. Đây chính là tiền đề để Ảo hóa dữ liệu ra đời và được coi là một giải pháp khắc phục những hạn chế của mô hình hồ dữ liệu truyền thống.
Nhược điểm của hồ dữ liệu
Việc hợp nhất tất cả các nguồn dữ liệu vào một kho lưu trữ chung đã gây ra không ít thách thức cho các tổ chức, đặc biệt, phải liên tục thực hiện sao chép dữ liệu. Để đảm bảo kho lưu trữ chính đồng bộ với các nguồn dữ liệu cục bộ, nhiều quy trình ETL (Extract – Transformation – Load hay Trích xuất – Biến đổi – Truyền tải) trở thành yêu cầu bắt buộc. Điều này, khả năng rất lớn, làm nảy sinh mâu thuẫn về mặt dữ liệu.
Hơn nữa, sự phát triển của hồ dữ liệu dẫn đến việc trùng lặp dữ liệu không cần thiết, gây tốn kém về không gian và chi phí lưu trữ.
Thách thức thứ ba (và lớn nhất) là vấn đề quản trị và bảo mật dữ liệu, bao gồm các quy định GDPR mới hạn chế vị trí dữ liệu. Theo đó, dữ liệu nhạy cảm không được chuyển vào đám mây hoặc các kho lưu trữ tập trung, gây khó khăn trong việc sử dụng dữ liệu để phân tích.
Ảo hóa dữ liệu – giải pháp cho hồ dữ liệu
Ảo hóa dữ liệu là phương pháp quản lý dữ liệu cho phép ứng dụng truy xuất và thực hiện các thao tác mà không yêu cầu thông tin kỹ thuật chi tiết như định dạng hay vị trí của dữ liệu. Ảo hóa dữ liệu hướng đến tạo ra một đại diện dữ liệu duy nhất từ nhiều nguồn độc lập khác nhau mà không phải sao chép hoặc di chuyển dữ liệu. Đây được xem như giải pháp khắc phục những thiếu sót của kho lưu trữ tập trung. Ưu điểm của ảo hóa dữ liệu bao gồm:
- Gia tăng độ chính xác của dữ liệu
- Tiết kiệm tài nguyên dành cho quy trình ETL
- Phân loại dữ liệu
- Thực thi các quy tắc quản trị
- Dễ dàng chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức
Ảo hóa dữ liệu và Liên kết dữ liệu
Liên kết dữ liệu là công nghệ cho phép bản đồ hóa các nguồn dữ liệu từ xa và thực hiện truy vấn phân tán đối với các nguồn đó từ một điểm truy cập duy nhất.
Mặt khác, ảo hóa dữ liệu là một nền tảng cung cấp trải nghiệm người dùng cuối, cho phép người dùng truy xuất và thao tác dữ liệu mà không yêu cầu họ biết bất kỳ chi tiết kỹ thuật nào (như định dạng hay vị trí thực tế của dữ liệu). Với ảo hóa dữ liệu, thông tin kỹ thuật đã bị ẩn đi và người dùng cuối được cung cấp một kho dữ liệu tự phục vụ gồm nhiều nguồn dữ liệu có thể được kết hợp vào một chế độ xem duy nhất.
Tuy Ảo hóa và Liên kết dữ liệu thường bị nhầm lẫn và sử dụng thay thế cho nhau, song thực tế, đối với các nhà phát triển, đây vẫn là hai khái niệm tách biệt.
(Nguồn: IBM)