Brâu là tộc người cư trú tập trung ở vùng biên giới của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Đây là dân tộc có mối quan hệ xuyên biên giới mạnh mẽ. Người Brâu Việt Nam vốn là bộ phận của cộng đồng Brâu ở Lào và Campuchia. Hiện nay, họ cư trú ở thôn Đắk Mế của xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum với số dân chỉ vỏn vẹn 558 người.
Nhà rông hay còn gọi là hnam rông của người Brâu ở Kon Tum là một công trình kiến trúc độc đáo. Trong lịch sử của người Brâu đã từng tồn tại 3 mô hình nhà rông: thứ nhất là rông truu, có kiểu dáng mái hình lưỡi rìu. Được biết, trước khi chuyển cư về Việt Nam, mô hình nhà rông này đã từng có ở làng của người Brâu tại Campuchia và Lào. Thứ hai là rông buua pruun. Đây là kiểu nhà rông khá đơn giản, có kết cấu mái giống mái nhà sàn. Ở hai đầu mái nhà được trang trí 2 cặp sừng trâu. Kiểu nhà rông này tồn tại đến trước sự kiện cháy làng Đắk Mế năm 1982. Thứ ba là rông puếch, có kiến trúc 2 tầng 8 mái, cột nhọn từ đỉnh hướng lên trên, khác biệt hẳn với kiến trúc nhà rông của các tộc người ở Tây Nguyên. Theo các bậc cao niên, đây là kiểu kiến trúc độc đáo nhất, đẹp nhất và là niềm tự hào của cộng đồng Brâu, bởi nó liên quan đến nguồn gốc người Brâu đầu tiên được sinh ra từ quả bầu theo truyền thuyết Un cha Đắk lếp và quả bầu sinh ra lúa – lương thực nuôi sống con người. Hình dáng quả bầu được chạm khắc trên chiếc cột nhọn tại đỉnh nhà rông, có dáng hướng thẳng lên trời (răng puếch). Răng puếch còn thể hiện thế giới tâm linh của người Brâu với Yang (Giàng). Cột puếch được người Brâu lý giải là cột lên trời – nơi thông linh với vũ trụ. Các truyện kể được sưu tầm ở làng Đắk Mế về sự huyền nhiệm của bầu, sản sinh ra con người, ra lúa, mang lại no đủ thịnh vượng, cho thấy quả bầu có một ý nghĩa lớn lao với người Brâu. Bầu sinh ra người, bầu lại nuôi dưỡng con người và kết nối thần linh với con người. Chính vì vậy, không chỉ ở nhà rông, biểu tượng hình quả bầu còn xuất hiện ở cây nêu trong các nghi lễ gia đình, cộng đồng và được dùng làm vật dụng đựng nước trong các lễ cúng Yang Đắk (thần nước) của người Brâu.

Kiểu dáng hai tầng mái lớn – nhỏ được tách biệt bởi 4 vách lồ ô ở giữa, giống như hai ngôi nhà sàn chồng lên nhau; hình ảnh này được các bậc cao niên lý giải rằng tất cả người Brâu trong làng đều là anh em, cùng chung nguồn gốc nên phải nâng đỡ nhau và luôn được Yang che chở, bảo vệ. Kiểu dáng nhà rông này tồn tại đến trước sự kiện cháy làng Đắk Mế năm 1991. Những người có uy tín tại làng Đắk Mế khẳng định rông puếch là kiểu dáng nhà rông to đẹp nhất, tự hào nhất mà những nghệ nhân dân gian Brâu sáng tạo ra.
Sự khác biệt của rông puếch còn được thể hiện ở các bức vách. Vách nhà rông của người Brâu có kiểu dáng nhô ra ở phía trên và lui vào ở phía dưới theo lối “thượng thách – hạ thu”; một số bậc cao niên cho rằng kiểu dáng vách này tương tự hình mặt con trâu – hình ảnh này cũng được tìm thấy ở bộ khung gốc của cây nêu trong nghi lễ đâm trâu truyền thống. Kỹ thuật đan vách lồ ô của người Brâu khá đặc biệt, họ chỉ đan khoảng 2/3 thưng vách tính từ vị trí chạm sàn và để hở ở phía trên, do đó xung quanh vách không cần có cửa sổ. Khoảng để hở này nhằm mục đích đón ánh sáng, gió mát cho không gian bên trong nhà rông, đồng thời nhờ kiểu dáng vách như vậy nên khi sinh hoạt trong ngôi nhà cộng đồng, mỗi người dân đều có thể theo dõi ngôi nhà ở của mình từ xa, quan sát các mối nguy hại từ thú dữ hay những kẻ cướp bóc.

Trải qua thời gian, sự thay đổi của cuộc sống cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các ban ngành, ngôi nhà rông của người Brâu hiện nay đã qua những lần dựng mới, tu sửa và nâng cấp. Ngôi nhà rông mới đã có sự thay đổi rõ nét về kiểu dáng, kiến trúc, vật liệu và chức năng sử dụng, mà sự thay đổi lớn nhất là sự biến mất dần phần “hồn” của biểu tượng văn hóa độc đáo này. Nhà rông hiện đại ít gắn bó chặt chẽ với đời sống hằng ngày, đời sống sản xuất và đời sống tâm linh của cộng đồng, không còn là không gian thiêng, nơi sản sinh, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa của cả tộc người.

Qua những đợt nghiên cứu thực địa tại làng Đắk Mế, “nỗi niềm và sự đau đáu” của các bậc cao niên về một rông puếch trong quá khứ đã dấy lên trong chúng tôi những trăn trở làm sao để góp tiếng nói của người làm khoa học trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa nhà rông của người Brâu. Với những chia sẻ tâm huyết của các bậc minh triết dân gian tại làng Đắk Mế, bóng dáng của các loại hình nhà rông cổ truyền đã dần hiển lộ, đặc biệt qua mô hình nhỏ về rông puếch mà nhóm nghiên cứu đã thảo luận cùng già làng và các nghệ nhân Brâu lần đầu tiên dựng lại, cho biết ước muốn của người dân trong tương lai gần được thấy lại ngôi nhà rông theo đúng kiểu dáng rông puếch truyền thống ngay chính trong không gian của làng Đắk Mế hiện tại. Ngôi nhà cộng đồng ấy do chính người dân được tham gia bàn bạc và tái dựng, là nơi lưu giữ và truyền tải những giá trị văn hóa cộng đồng, vừa là không gian để những sinh hoạt văn hóa Brâu được tiếp nối.


Tác giả: TS. Nguyễn Thị Tám – Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Nguyễn Khắc Tụng (chủ biên, 1991). Nhà rông các dân tộc Bắc Tây Nguyên. Nxb. Khoa học xã hội.
[2]. Nguyễn Thị Tám. (2024). Biến đổi văn hóa tộc người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum hiện nay. Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp Bộ (2023-2024). Tài liệu lưu tại thư viện Viện Dân tộc học.
[3]. Trần Thị Hồng Yến. (2024). Mấy vấn đề về người Brâu của Việt Nam trong quan hệ với đồng tộc ở Lào và Campuchia. Tạp chí Dân tộc học. Số 2.
[4]. Ủy ban nhân dân xã Pờ Y. (2023). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội dân tộc ít người Brâu trên địa bàn xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tháng 12/2023.