Di tích Óc Eo – Ba Thê trên con đường trở thành Di sản Văn hóa thế giới
Nền văn hóa Óc Eo cổ xưa nổi tiếng ở Nam Bộ, gắn liền với lịch sử Vương quốc Phù Nam – Vương quốc cổ hình thành đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, có lãnh thổ chủ yếu ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông, bao gồm Việt Nam, Campuchia, và một phần bán đảo Thái Lan – Malaysia. Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo dưới chân núi Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang). Đây là một trong những khu di tích khảo cổ được xếp loại đặc biệt cấp Quốc gia, được phát hiện bởi các sĩ quan hải quân Pháp từ năm 1879 và sau đó đã được khai quật ở quy mô lớn lần đầu tiên vào năm 1944 bởi nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret [1]. Sau năm 1975, nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam để làm sáng tỏ về nền văn hoá Óc Eo, một nền văn hoá cổ được cho là hình thành và phát triển rực rỡ ở Nam Bộ từ thế kỷ thứ 1 đến khoảng thế kỷ thứ 7 SCN [2]. Nhiều nhà nghiên cứu và khảo cổ học, dựa trên các hiện vật khai quật được, đã nhận định rằng Óc Eo – Ba Thê trước kia là một đô thị/cảng thị của Vương quốc Phù Nam [3].
Hình 1. Một phần quang cảnh khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê
Vương quốc Phù Nam được cho là trung tâm của kết nối giao thương giữa cộng đồng dân cư khu vực với các nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc thông qua cảng thị Óc Eo. Trong loạt bài viết về “Phù Nam: Huyền thoại và những vấn đề lịch sử” công bố trên tạp chí Tia Sáng, tác giả Vũ Đức Liêm đã đề cập tới vấn đề “Dựa vào những cứ liệu lịch sử không rõ ràng (về Vương quốc Phù Nam) của giai đoạn này mà chủ nghĩa dân tộc Campuchia tìm cách khẳng định sự hiện diện của dân tộc Khmer hàng nghìn năm trước ở vùng hạ lưu Mekong” [4],[5]. Theo đó, dựa trên các minh chứng về khảo cổ học, bài viết đã đưa ra lập luận rằng “Phù Nam không thể là sản phẩm chiếm hữu, độc quyền của một quốc gia dân tộc nào cả. Thực tế, nó là một thực thể lịch sử đứng giữa các đường biên hiện đại ở hạ lưu Mekong mà một phần di sản của nó đã trở thành bộ phận không tách rời của nước Việt Nam. Thực tế lịch sử đó cần phải được tôn trọng. Lịch sử của Phù Nam cũng chính là một phần của lịch sử Việt Nam.”
Bởi vì tính chất quan trọng về lịch sử, văn hoá, chính trị của di tích Óc Eo – Ba Thê, Chính phủ đã phê duyệt và giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (văn hoá Óc Eo Nam Bộ)” giai đoạn 2017 – 2020. Ngày 23 tháng 01 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 115/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo, Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang” [6]. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam lập và gửi Báo cáo tóm tắt Hồ sơ khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO để đề nghị đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới [7]. Bản Báo cáo tóm tắt này đã được gửi tới UNESCO ngày 04/01/2022 và đã chính thức được UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản thế giới [8]. Hiện nay công tác chuẩn bị hồ sơ minh chứng cơ bản đã đi vào giai đoạn 2 để trình đoàn khảo sát đánh giá của UNESCO [9]. Một trong số các minh chứng quan trọng cho việc đánh giá hồ sơ là niên đại của các khu di tích được xác định bằng các phương pháp khoa học có độ tin cậy cao, đặc biệt là được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (có phản biện của các chuyên gia quốc tế) là rất cần thiết.
Kiến trúc tôn giáo trong di sản văn hóa Óc Eo
Các di tích kiến trúc tôn giáo trong văn hóa Óc Eo được phát hiện và nghiên cứu cho đến nay cơ bản đều được xây dựng chủ yếu từ các loại vật liệu gạch, đá, cát và đất sét. Trong đó, hầu hết những công trình này nổi bật trên hiện trường một cách vô cùng đặc sắc với nhiều loại hình vật thờ – trang trí kiến trúc có liên quan. Các đối tượng này có thể được quan sát rất dễ dàng. Đây cũng là một trong những loại hình di tích nhận được sự quan tâm nghiên cứu, cung cấp nhiều thông tin tư liệu quan trọng đối với nền văn hóa Óc Eo. Dựa trên các tư liệu sẵn có cho đến nay, có thể phân kỳ lịch sử phát hiện và nghiên cứu loại hình di tích kiến trúc tôn giáo trong văn hóa Óc Eo thành hai thời kỳ lớn: Thời kỳ trước năm 1975 và Thời kỳ sau năm 1975.
Thời kỳ trước năm 1975:
Trong thời kỳ này, thông tin liên quan đến loại hình di tích kiến trúc tôn giáo là những ghi nhận tại khu vực sườn núi Ba Thê được tác giả A. Corre công bố vào năm 1879, bao gồm các vết tích kiến trúc cổ bằng gạch, đá được phát hiện bên cạnh và xung quanh chùa Linh Sơn (L. Malleret, 1959: 76-78).
Qua quá trình khảo sát, điều tra trên toàn vùng Nam Bộ, các học giả người Pháp đã ghi nhận nhiều địa điểm có liên quan đến loại hình kiến trúc tôn giáo, bao gồm các di tích đền tháp ở Tây Ninh, Bạc Liêu, các vết tích gạch kiến trúc trên các điểm gò từ Sài Gòn – Chợ Lớn đến đồng bằng miền tây sông Hậu. Ngoài ra, còn có 35 điểm di tích thuộc loại hình “gò đá” phân bố tập trung ở đồng bằng miền tây sông Hậu (L. Malleret, 1959). Đến năm 1962, L. Malleret đã công bố tổng cộng 200 điểm di tích hoặc cụm di tích có liên quan đến loại hình di tích kiến trúc tôn giáo ở vùng “thượng châu thổ” (Cisbassac), bao gồm các dấu tích có vật liệu kiến trúc bằng gạch, đá tập trung thành gò, các địa điểm phát hiện tượng thờ, vật thờ liên quan đến loại hình di tích đền thờ, tháp Phật, v.v. (L. Malleret, 1962: 62-126).
Cụ thể hơn, ngoài các địa điểm phát hiện vật thờ hay tượng thờ song chưa ghi nhận vết tích kiến trúc tôn giáo, các điểm di tích có thể hiện rõ nét dấu tích kiến trúc gồm các loại hình có biểu hiện như sau: (1) nhóm di tích “gò đá”: phân bố tập trung trên không gian đồng bằng tây sông Hậu như Mốp Văn (1), Tráp Đá (5), Định Mỹ (1), Đá Nổi – Kiên Giang (5), Tân Long (1), Óc Eo – Ba Thê (20), vùng Phụng Hiệp (1) và Cạnh Đền (1) (L. Malleret, 1959: 110 – 198); (2) nhóm phế tích nền móng kiến trúc vùi lấp thành dạng gò lớn được phát hiện tại Gò Cây Thị (Óc Eo – Ba Thê); nhóm di tích đền tháp bằng gạch còn hiện hữu tại Vĩnh Hưng (Bạc Liêu), Chóp Mạt và Bình Thạnh (Tây Ninh); (4) dấu tích liên quan đến loại hình kiến trúc tôn giáo phát hiện ở vùng Gò – Giồng Cát ở miền Tây Nam Bộ thường là phần nền móng bằng gạch và hiện vật tượng thờ.
Mùa khô năm 1944, L. Malleret đã tiến hành khai quật 7 điểm gò nổi cao trên bề mặt cánh đồng Óc Eo có chứa các cấu trúc nền móng phế tích kiến trúc tôn giáo, bao gồm: kiến trúc A (Gò Cây Thị), kiến trúc B (Gò Óc Eo), kiến trúc B’, C (Gò Bà Chruôn), kiến trúc E (Gò Đế), kiến trúc F và kiến trúc K (Giồng Cát) (L. Malleret, 1959: 233-273). Ngoài ra, còn có một di tích kiến trúc phân bố trên gò thấp ở khu vực Núi Nhỏ (nằm liền kề về phía bắc của núi Ba Thê thuộc không gian khu di tích Óc Eo – Ba Thê) là gò Sa Li (L. Malleret, 1959: 82-83).
Hình 2. Khai quật Gò Óc Eo năm 1944; Hình: L. Malleret (1959)
Kết quả khai quật đã cho thấy đây là những di tích có quy mô lớn với biểu hiện bề mặt khi tiếp cận khảo sát là những gò hình vuông, hình chữ nhật có xuất lộ nhiều gạch, đá cũng như tìm thấy nhiều di vật là các loại tượng thờ (Bà La Môn giáo, Phật giáo), vật thờ (linga, yoni), điêu khắc trang trí tôn giáo, v.v. Với loại hình di tích gò đá/đống đá, L. Malleret đặc biệt tập trung phân tích và nhận diện di tích đống đá có quy mô nhất, dồn thành đống hình kim tự tháp, giật cấp ở địa điểm Gò Cây Cóc (L. Malleret, 1959:274).
L. Malleret và cộng sự cũng đã nghiên cứu kỹ các biểu hiện trên bề mặt của loại di tích hình kiến trúc trên cánh đồng Óc Eo và đặt chúng trong cấu trúc tổng thể thuộc không gian đô thị cổ Óc Eo. hông qua khảo sát bề mặt và thực hiện những hố thăm dò, L. Malleret nhận định có sự khác biệt giữa các di tích gò đá với những công trình kiến trúc bằng gạch về quy mô. Ông phát hiện ra hiện tượng các đường móng đá xây chồng lên trên nền móng gạch cũng như tính chất sơ sài của lớp cấu trúc đá này có thể thuộc giai đoạn muộn hơn so với kiến trúc tôn giáo bằng gạch (L. Malleret, 1962: 375). Tình trạng của các di tích kiến trúc ở Óc Eo hầu hết đã bị hư hại nặng nề, rất khó nhận diện; chỉ có kiến trúc Gò Cây Thị (A) và kiến trúc Giồng Cát (K) là còn có thể nhận diện được đặc điểm bố cục và là căn cứ để nghiên cứu, so sánh, nhận xét về đặc điểm và tính chất của chúng (L. Malleret, 1959: 227).
Thời kỳ sau năm 1975 đến nay:
Trong thời kỳ này, loại hình di tích kiến trúc tiếp tục tập trung nghiên cứu có thể chia thành các giai đoạn ngắn hơn.
Giai đoạn 1982 – 1990: là giai đoạn đầu nghiên cứu loại hình di tích kiến trúc gắn liền với các cuộc khai quật ở Nền Chùa (1982 – 1983), Óc Eo (1983 – 1984), Gò Tháp (1984) và Đá Nổi (1985). Sau đó là các phát hiện quan trọng ở Kè Một (1990), Lưu Cừ II (1986, 1987), Gò Thành (1987 – 1988), Đồng Bơ (1986 – 1987), Cây Gáo I (1986), Cây Gáo II (1987), Miếu Ông Chồn (1987), Gò Bường (1989), Nam Cát Tiên (1989), Đắk Lắk (1990), Gò Đồn và Gò Trâm Quỳ (1987 – 1988), Gò Xoài và Gò Năm Tước (1987). Có thể nói, những phát hiện của giai đoạn này rất quan trọng, mở ra một thời kỳ nghiên cứu và nhận thức mới đối với văn hóa Óc Eo nói chung và loại hình di tích kiến trúc tôn giáo nói riêng. Những phát hiện mới đã đem lại nhiều tư liệu và nhận thức mới, song cũng đồng thời xuất hiện những vấn đề lớn cần tiếp tục thảo luận xung quanh loại hình di tích kiến trúc tôn giáo, đó là việc xác định loại hình di tích kiến trúc mộ táng (các di tích mộ táng, hỏa táng, v.v.).
Giai đoạn 1990 – 2002: ở giai đoạn này có các phát hiện di tích kiến trúc Gò Cây Tung (1990, 1994 – 1995), khai quật di tích Linh Sơn Tự (hố thiêng, 1993), Gò Chùa Phụng Sơn (1991), Rạch Đông (1991), Bàu Sen (1995), Gò Chiêu Liêu (1995), Gò Ông Tùng (1995), Thành Mới (1998), Bình Thạnh (1998), Vĩnh Hưng (2002). Đặc biệt, chương trình nghiên cứu khu di tích Óc Eo – Ba Thê (1998 – 2002) đã tái khai quật kiến trúc Gò Cây Thị A, các kiến trúc B và C ở Gò Óc Eo, kiến trúc E (Gò Đế) và đồng thời khai quật mới các kiến trúc ở Giồng Xoài, Gò Cây Thị B, Linh Sơn Nam, các lớp kiến trúc từ giai đoạn Óc Eo phát triển đến hậu Óc Eo ở Linh Sơn Tự, Gò Cây Me, Gò Út Nhanh.
Hình 4. Các loại di tích, di vật phát hiện ở di tích Giồng Xoài
Giai đoạn 2002 – nay: trong giai đoạn này, các phát hiện mới đáng chú ý đối với loại hình di tích kiến trúc tôn giáo chủ yếu đến từ các cuộc khai quật di tích kiến trúc tháp Vĩnh Hưng (2002), Chóp Mạt (2003); tại Óc Eo – Ba Thê là việc tái khai quật và trùng tu kiến trúc Gò Cây Thị B (2010) hay phát hiện và khai quật di tích Gò Út Trạnh (2011 – 2012); tại khu di tích Gò Tháp với các cuộc khai quật di tích kiến trúc Gò Minh Sư (2009), di tích Tây Tháp Linh (2010), các di tích 10GT.H10, 10GT.H11, 13GT.H10 (2010 – 2013). Riêng tại tỉnh Trà Vinh là cuộc khai quật trên diện rộng đối với Chùa Lò Gạch (2014).
Ứng dụng công nghệ tiên tiến xác định niên đại của di tích Óc Eo – Ba Thê
Niên đại chính xác của di tích Óc Eo – Ba Thê có ý nghĩa gì?
Việc xác định chính xác niên đại của các kiến trúc tôn giáo tại khu khai quật di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Đầu tiên, nó cung cấp thông tin khoa học có độ tin cậy cao về niên đại của các kiến trúc tôn giáo tại Óc Eo – Ba Thê giúp các nhà khảo cổ hiểu rõ hơn, sâu hơn về lịch sử hình thành, phát triển và suy tàn của nền văn hoá Óc Eo, từ đó góp phần nâng giá trị lịch sử và thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo tồn khu di tích. Thứ hai là đưa ra những minh chứng khoa học thuyết phục khẳng định sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam cổ, góp phần bác bỏ những luận điểm lịch sử không chính xác ở vùng hạ lưu sông Mekong.
Cho đến nay, chưa có bất cứ dữ liệu khoa học nào về niên đại trực tiếp và chính xác của các kiến trúc tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê vừa được khai quật trong giai đoạn 2017 – 2020. Do đó việc xác định được niên đại của các kiến trúc cổ nơi đây là cực kỳ cấp thiết đối với lịch sử cũng như giá trị bảo tồn của khu di tích. Việc phân loại các kiến trúc theo trình tự niên đại có thể phục vụ công tác tái hiện lại các dữ kiện và tiến trình lịch sử của Vương quốc Phù Nam cổ một cách khoa học, đáng tin cậy. Do đó, việc xác định niên các kiến trúc đa lớp, chồng chập do biến động lịch sử gây nên ở khu di tích Óc Eo – Ba Thê không những cần sự chính xác, mà cần càng nhanh càng tốt.
Để xác định niên đại của các cổ vật hay di tích cổ, thông thường có 2 cách tiếp cận, một là bằng phương pháp so sánh tương đối và hai là bằng phương pháp khoa học tự nhiên. Phương pháp so sánh tương đối dựa trên việc quan sát, so sánh, đối chiếu các mẫu hoa văn, hình thể, cách sắp xếp, kiến trúc xây dựng, hay các văn tự cổ để dự đoán tuổi của các mẫu vật. Phương pháp này chỉ là dự đoán một cách gián tiếp với khoảng dự đoán khá rộng, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của nhà khảo cổ. Sự hạn chế của các phương pháp so sánh, đối chiếu dẫn đến các chứng cứ khoa học không rõ ràng, thiếu nhất quán, và có thể dẫn tới những nhầm lẫn hay mâu thuẫn trong các dữ kiện lịch sử.
Trong khi đó, phương pháp phổ biến trong xác định niên đại là phương pháp carbon phóng xạ chỉ cung cấp thông tin gián tiếp và hoàn toàn bất khả thi trong việc xác định trực tiếp niên đại của các kiến trúc gạch, đá. Điều này cho thấy sự cần thiết phải tiến hành nghiên cứu và áp dụng các phương pháp xác định niên đại tiên tiến hơn, trong đó phương pháp nhiệt phát quang (Thermoluminescent dosimeter – TLD) cải tiến để có thể cung cấp các dữ liệu niên đại trực tiếp, đủ độ tin cậy cho các kiến trúc khảo cổ mà khu di tích Óc Eo – Ba Thê là điển hình.
Phương pháp TLD so với các phương pháp xác định niên đại khảo cổ khác
Trên thế giới, các phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ sử dụng 14C (C-14), khối phổ gia tốc (Accelerator mass spectroscopy – AMS), nhiệt phát quang (TLD), quang phát quang (Optically stimulated luminescence – OSL) đã được áp dụng phổ biến trong việc xác định niên đại của các mẫu cổ vật và kiến trúc tại các khu di tích lịch sử, tôn giáo. Tuy nhiên các phương pháp này đều có những hạn chế nhất định hoặc không phổ biến tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó là trang thiết bị đắt đỏ (ví dụ AMS và OSL) [10] [11] [12].
Phương pháp C-14 là phương pháp xác định niên đại dựa trên các mẫu sinh học chứa hợp chất hữu cơ như than, gỗ, xương,v.v. Phương pháp này khá hiệu quả trong việc xác định niên đại của các quần thể dân cư cư trú cổ, ví dụ nhà làm bằng gỗ, các mẩu xương người, xương động vật, cây cối bị chôn vùi hàng ngàn năm, v.v. [10]. Tuy nhiên, đối với các kiến trúc tôn giáo được xây dựng chủ yếu bằng gạch và đá như tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê, đây chỉ là phương pháp gián tiếp và ít hiệu quả bởi những khó khăn trong tìm kiếm các mẫu hữu cơ hầu hết đã bị phân hủy qua gần hai ngàn năm trong vùng nước ngập ở Đồng bằng Nam Bộ. Hơn thế nữa, độ chính xác của nó phụ thuộc rất nhiều vào vị trí (tầng) thu thập mẫu, sự xáo trộn mẫu do tác động của con người và khó khăn trong xác định chính xác nguồn gốc của mẫu hữu cơ tìm thấy trong lòng của các di tích. Ngoài ra, phương pháp này thường cho sai số về niên đại trải rộng từ 1% tới 100%, tuỳ theo mức độ tin cậy được lựa chọn, ví dụ 1s (68%) hoặc 2s (95%), ngay cả khi được hỗ trợ bởi kỹ thuật phân tích hiện đại nhất hiện nay trên máy gia tốc, được gọi là phân tích khối phổ gia tốc – AMS [13].
Với tính ưu việt đặc trưng, phương pháp nhiệt phát quang TLD và quang pháp quang OSL là 2 phương pháp có thể trực tiếp xác định niên đại của các di tích tôn giáo có cấu trúc gạch và đá tại khu khảo cổ Óc Eo – Ba Thê. Hai phương pháp này đều dựa trên việc phân tích tín hiệu phát quang mang thông tin về niên đại của các tinh thể thạch anh có công thức hóa học SiO2 (quartz) chứa trong các mẫu gạch, đá cổ khi bị kích thích bằng nhiệt (phương pháp TLD) hoặc ánh sáng (OSL). Phương pháp OSL yêu cầu sử dụng các thiết bị hiện đại và đắt tiền hơn so với phương pháp TLD. Ngược lại, với phương pháp OSL, việc chuẩn bị mẫu (dạng bột) đơn giản hơn so với phương pháp TLD. Tuy nhiên, cũng vì sự chuẩn bị mẫu đơn giản dạng bột này dẫn tới sự không đồng đều về mật độ mẫu hoặc sự khác biệt đặc trưng tại mỗi diện tích mẫu bị kích thích bởi nguồn ánh sáng, từ đó gây nên sai số về niên đại của phương pháp đạt tới 10% – 50% [14].
Đối với phương pháp TLD, việc chuẩn bị mẫu khá phức tạp do phải sử dụng các kỹ thuật cơ học và hoá học để tách các tinh thể thạch anh từ các mẫu gạch lấy trực tiếp từ kiến trúc cổ, đồng thời khó khăn trong chế tạo các chip TLD chuẩn mật độ, kích thước, độ đồng nhất với thiết kế thí nghiệm. Thời gian để chuẩn bị mẫu phân tích bằng phương pháp TLD do đó thường dài và tốn nhiều công sức hơn phương pháp OSL. Bù lại, phương pháp TLD cho sai số xác định niên đại thấp hơn nhiều so với OSL (10% – 30%), đồng thời hệ thiết bị phân tích TLD rẻ và phù hợp hơn với điều kiện của các phòng thí nghiệm Việt Nam.
Nghiên cứu cải tiến phương pháp TLD để xác định niên đại khu di tích Óc Eo – Ba Thê
Mặc dù các phương pháp OSL và TLD hiện nay đã thể hiện tính ưu việt hơn so với phương pháp phân tích carbon phóng xạ trong việc nghiên cứu niên đại của các di tích cổ nhưng chúng vẫn còn một khó khăn và cũng là thách thức lớn, đó là là rất khó đánh giá chính xác niên đại của các di tích có kiến trúc không đồng nhất (heterogeneous), có kiến trúc nhiều lớp (multilayered), và thậm chí có kiến trúc chồng lấp (overlapped) giữa kiến trúc cũ với kiến trúc mới trên nền móng của kiến trúc cũ; sự kiện này có thể xảy ra là do sự biến động hay thay đổi đột ngột của các vương quốc cổ do chiến tranh, thiên tai, v.v.
Các phương pháp OSL và TLD truyền thống đều dựa trên giả thuyết rằng môi trường xung quanh các mẫu gạch, đá tại các kiến trúc cổ là đồng nhất trong một không gian hình cầu, có bán kính bão hòa đối với quá trình truyền bức xạ gamma được cố định tại 30 cm. Thực tế khảo sát hiện trường tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê cho thấy có rất nhiều kiến trúc cổ mang cấu trúc không đồng nhất, đa lớp và một số kiến trúc có dấu hiệu của sự chồng lấp bởi quá trình xây dựng. Đây là đặc điểm rất khác biệt của các kiến trúc tại Óc Eo – Ba Thê so với các kiến trúc cổ khác trên thế giới như Kim Tự Tháp hay nhiều lâu đài cổ. Các nhà khảo cổ học suy đoán sự kiện chồng lấp kiến trúc như vậy có thể xảy ra, liên quan tới các cuộc chiến tranh giữa các vương quốc hoặc tiểu vương quốc. Một ví dụ: Vương quốc Phù Nam, sau khi suy yếu vào khoảng cuối thế kỷ thứ 7 SCN, bị Chân Lạp tấn công xâm chiếm toàn bộ Vương quốc vào khoảng thế kỷ thứ 8 SCN; Chân Lạp sau đó phá huỷ một số kiến trúc của Phù Nam nhưng vẫn giữ lại nền móng cũ và xây nối tiếp lên trên.
Sự chồng chập của các kiến trúc cũng có thể liên quan đến quá trình du nhập các quan điểm tôn giáo mới trên nền tảng tôn giáo sẵn có hoặc sự phát triển của trình độ thiết kế kiến trúc ở bậc cao hơn dẫn đến sự thay đổi các trục (hướng, góc liên quan đến quan niệm lấy núi, mặt trời làm góc, hướng chuẩn) để điều chỉnh các mục tiêu kiến trúc tôn giáo ở mỗi thời điểm xây dựng. Một ví dụ điển hình là các kiến trúc nền móng cổ ở khu gò Sáu Thuận được phát hiện xây dựng thẳng theo một trục hướng vào núi Ba Thê, nhưng lại xuất hiện ở phía trên của nó là một số kiến trúc mới cũng lấy núi Ba Thê làm tâm để định hướng trục xây dựng nhưng lệch so với trục cũ một góc nhỏ cố định (khoảng 5 độ).
Tuy vậy, cách giải thích như vậy mang tính giả thuyết mà chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bởi vì chưa thể xác định được niên đại của các kiến trúc chồng lấp cũ và mới. Do vậy, cần thiết phải phát triển và áp dụng một phương pháp TLD hoặc OSL cải tiến so với phương pháp truyền thống để xác định chính xác niên đại của các kiến trúc hiện tại tại Óc Eo – Ba Thê.
Tại Việt Nam, phương pháp TLD đã được ứng dụng trong việc xác định tuổi của một số mẫu vật của Hoàng thành Thăng Long dưới sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia từ Đại học Biccoca-Milano, Ý [15] hoặc một số mẫu gốm tại di chỉ Gò Tháp (Đồng Tháp) [16]. Tuy nhiên tới nay phương pháp này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam trong nghiên cứu khảo cổ, đặc biệt là các di tích tại khu vực Nam Bộ như Óc Eo – Ba Thê.
Hình 6. Nhóm nghiên cứu dự án tại khu quản lý di tích Óc Eo – Ba Thê
Dự án “Nghiên cứu niên đại của các kiến trúc cổ tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê: góp phần nâng cao giá trị lịch sử và công tác bảo tồn di tích” do nhóm nghiên cứu của chúng tôi triển khai sẽ áp dụng phương pháp TLD được cải tiến gần đây. Phương pháp TLD cải tiến có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp TLD truyền thống trên thế giới; ví dụ như sai số của niên đại được giảm xuống dưới 5% so với sai số hiện tại trên thế giới (10% – 50%), đồng thời có khả năng phân biệt tốt các kiến trúc bị chồng lấn về niên đại. Các kết về quả niên đại với sai số nhỏ và khả năng phân biệt các kiến trúc chồng lấn niên đại như vậy sẽ giúp cho các nhà khảo cổ học hiểu được rõ và chính xác hơn về các tiến trình hình thành, phát triển, và sụp đổ của các kiến trúc tôn giáo nơi đây. Phương pháp TLD cải tiến này dựa trên việc kết hợp phân tích các mẫu thu thập từ thực địa bằng các hệ phổ kế hạt nhân hiện đại trong phòng thí nghiệm với việc ghi nhận trực tiếp liều bức xạ tích luỹ tại hiện trường và xây dựng các mô hình mô phỏng vật lý chính xác theo cấu hình thực tế của kiến trúc. Các kết quả dự kiến thu được sẽ góp phần nâng cao giá trị lịch sử cũng như công tác bảo tồn của di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê nói riêng, các di tích lịch sử tại Việt Nam nói chung.
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng, Trường Đại học Duy Tân
Biên tập: Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF)
Tài liệu tham khảo:
[1]. Louis Malleret, L’Archéologie du Delta du Mékong, Tome I, L’Exploration Archéologique et les Fouilles d’Oc-Èo, École Française d’Extrême Orient, Paris (1959).
[2]. Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Quốc Mạnh, Lê Hoàng Phong, Khảo cổ học Nam Bộ thời sơ sử, NXB Khoa học Xã hội (2018).
[3]. Bùi Minh Trí, Nguyễn Gia Đối, Nguyễn Khánh Trung Kiên, Văn hóa Óc Eo những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020, NXB Khoa học Xã hội (2022).
[4]. Vũ Đức Liêm, Phù Nam: Huyền thoại và những vấn đề lịch sử (Kỳ 1), Tia Sáng, ngày 7/10/2017.
[5]. Vũ Đức Liêm, Phù Nam: Huyền thoại và những vấn đề lịch sử (tiếp theo và hết), Tia Sáng, ngày 25/10/2017.
[6]. Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê (tỉnh An Giang), Báo Điện tử Chính phủ, ngày 25/01/2021.
[7]. Đưa Khu di tích Óc Eo – Ba Thê vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 18/10/2021.
[8]. Oc Eo – Ba The archaeological site, UNESCO (2022).
[9]. Chuẩn bị hồ sơ Khu Di tích Văn hóa Óc Eo – Ba Thê trở thành Di sản thế giới, An Giang online, ngày 24/04/2022.
[10]. R. E. Taylor, Radiocarbon Dating: An Archaeological Perspective, Academic Press (1987).
[11]. M. J. Aitken, Thermoluminescence Dating, Academic Press (1985).
[12]. M. J. Aitken, An Introduction to Optical Dating: The Dating of Quaternary Sediments by the Use of Photon-Stimulated Luminescence, Oxford University Press (1998).
[13]. D. R. Harris, The impact on archaeology of radiocarbon dating by accelerator mass spectrometry, Philosophical Transactions of The Royal Society A, 323, 23 (1985).
[14]. G. Gozzi, A. A. Costa, S. H. Tatumi, L. R. P. Kassab, E. F. Momose, C. S. Munita, R. P. Paiva, Study of the Thermoluminescence and Optical Stimulated Luminescence properties of quartz crystal, Radiation Effects and Defects in Solids 154, 347 (2000).
[15]. Ứng dụng phương pháp nhiệt phát quang trong đo liều bức xạ và tính tuổi khảo cổ, Trang thông tin sản phẩm ứng dụng công nghệ, Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam, ngày 08/06/2012.
[16]. Nguyễn Quang Miên, Bùi Văn Loát, Một số kết quả đo tuổi nhiệt huỳnh quang mẫu gốm di chỉ Gò Tháp (Đồng Tháp), Tuyển tập Hội nghị “Những tiến bộ trong Quang học, Quang tử, Quang phổ và Ứng dụng”, Cần Thơ, tháng 8/2006.