💥Ngày 24/08/2023, GS. Phan Mạnh Hưởng trình bày Bài giảng “Thời cơ cho vật liệu nano từ sinh học và theo dõi sức khỏe” (Opportunities in Nanobiomagnetism and Healthcare Monitoring) trong Chương trình “Các bài giảng đại chúng về Phát triển bền vững”. Chương trình dành cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu trẻ quan tâm đến các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử….
🏫 Thông tin chi tiết về bài giảng:
• Chủ đề: Thời cơ cho vật liệu nano từ sinh học và theo dõi sức khỏe – Opportunities in Nanobiomagnetism and Healthcare Monitoring.
🚩 Abstract: Khoa học vật liệu được đánh giá là xương sống của các công nghệ hiện đại. Vật liệu là thành phần chính trong nhiều thiết bị điện tử, từ máy biến áp điện tử đến đĩa cứng máy tính, điện thoại di động, cảm biến, động cơ, máy phát, điều hòa, thiết bị y tế… Vật liệu nano với các đặc tính siêu thuận từ rất hứa hẹn cho các ứng dụng y sinh từ trị liệu chứng thân nhiệt cao đến vận tải thuốc chính xác, chụp ảnh cộng hưởng từ, và cảm biến sinh học. Trong bài giảng này, giáo sư sẽ thảo luận những cơ hội đang nổi lên và cả những thách thức hiện tại trong lĩnh vực nghiên cứu liên ngành này, đồng thời đề xuất các chiến lược mới để vượt qua các thách thức đó. Giáo sư cũng sẽ tập trung vào những phát triển mới nhất trên nền tảng các cảm biến từ không tiếp xúc, không xâm nhập trong việc chẩn đoán, theo dõi và điều trị COVID-19 và những bệnh đường hô hấp khác thông qua khai thác từ trường và học máy. Công nghệ này có thể ứng dụng trong các cơ sở và hệ thống chăm sóc sức khỏe tại điểm hoặc từ xa, có tiềm năng nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tổng thể và thúc đẩy các nỗ lực đo đạc sức khỏe cộng đồng hiệu quả hơn để đối phó với sự lan rộng của COVID-19 và các biến thể.
🌏 Thông tin diễn giả: Giáo sư Phan Mạnh Hưởng là giáo sư Vật lý tại Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ. Anh nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Bristol, Vương Quốc Anh vào năm 2006, bằng Thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Chungbuk, Hàn Quốc vào năm 2003, và tốt nghiệp đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2000. Giáo sư là chuyên gia hàng đầu thế giới trong phát triển các vật liệu nhiệt từ và vật liệu kháng từ cho các công nghệ cảm biến thông minh và làm lạnh nhiệt từ. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Giáo sư khám phá ra hiệu ứng sắt từ ở nhiệt độ phòng điều hòa ánh sáng trong các vật liệu Van der Waals lớp mỏng cấp nguyên tử, có tiềm năng thay đổi các lĩnh vực như Điện tử học spin (spintronics), Nhiệt điện tử học spin quang (Opto-spin-caloritronics), Điện tử học vùng trũng (valleytronics), và tính toán lượng tử (quantum computation).
⚡️ Giáo sư công bố trên 350 bài báo ISI với trên 15.000 trích dẫn và H-Index đạt 61, cùng nhiều bài báo tổng quan và sách. Anh là Biên tập viên chính và thành viên sáng lập của rất nhiều tạp chí khoa học quốc tế uy tín và nằm trong Top 2% nhà khoa học của thế giới vào các năm 2019, 2020 và 2021.. Anh nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2021; Huân chương danh dự của Đại học Quốc gia HN năm 2018.
🚩 Sự kiện được Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO – VAST, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF tổ chức nhằm lan tỏa tinh thần nghiên cứu, phát triển bền vững của UNESCO, thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác đến đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử.