Trang chủ Bài viết nổi bật Dấu ấn VINIF trong giải thưởng Quả cầu vàng

Dấu ấn VINIF trong giải thưởng Quả cầu vàng

(Báo Thanh niên) Trong số 10 ứng viên nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023, có 4 nhà khoa học trẻ là thành viên chủ chốt trong dự án khoa học công nghệ, hoặc đã/đang nhận học bổng tiến sĩ, sau tiến sĩ do Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ.

Một trong những sự kiện khoa học công nghệ (KHCN) thường niên đáng chú ý của Việt Nam là công bố và trao Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng.

Theo thông tin từ ban tổ chức, năm 2023 có 69 hồ sơ đề cử cho giải thưởng đến từ 38 cơ quan, đơn vị, các trường đại học (ĐH), viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong cả nước và đại sứ quán Việt Nam, Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Giải thưởng do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức và trao cho 10 nhà khoa học trẻ nổi bật

Đây cũng năm kỷ niệm Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng tròn 20 tuổi và luôn nhận được sự quan tâm từ các lãnh đạo Đảng, Chính phủ cùng các nhà khoa học.

Dấu ấn VINIF trong giải thưởng KHCN Quả cầu vàng - Ảnh 1.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (trái) trao huy chương và chứng nhận cho nhà khoa học trong lễ trao giải KHCN Quả cầu vàng 2023

4 ứng viên là nhà khoa học trẻ do Quỹ VINIF tài trợ

Qua các vòng đánh giá của hội đồng giải thưởng, 10 ứng viên đạt giải là các nhà khoa học trẻ đạt nhiều thành tích trong hoạt động nghiên cứu, như là tác giả/đồng tác giả của bằng sáng chế/giải pháp hữu ích, các công bố quốc tế chất lượng cao thuộc danh mục Q1, các giải thưởng/huy chương trong nước và quốc tế. 

Trong đó, có 4 nhà khoa học trẻ là thành viên chủ chốt trong dự án KHCN, hoặc đã/đang nhận học bổng tiến sĩ, sau tiến sĩ do Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ. Các nghiên cứu đạt giải của những ứng viên này có liên quan đến, hoặc là công trình/đề tài/dự án do Quỹ VINIF tài trợ. 

Đây là một trong những thành quả có ý nghĩa của Quỹ VINIF, trong bối cảnh Nhà nước đang tiến hành những bước sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đất nước. Cụ thể, Văn bản số 690 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cũng nhấn mạnh đầu tư, tài trợ cho các hoạt động KHCN theo cơ chế quỹ.

Dấu ấn VINIF trong giải thưởng KHCN Quả cầu vàng - Ảnh 2.
TS Lê Đình Anh (phải) trong lễ công bố học bổng sau tiến sĩ của Quỹ VINIF

Thay đổi tư duy nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam

Sự ra đời của Quỹ VINIF từ năm 2018 ngay lập tức được Câu lạc bộ Nhà báo KHCN bình chọn là 1 trong 10 sự kiện KHCN nổi bật trong năm. Chương trình học bổng sau tiến sĩ của Quỹ được Báo Khoa học và Phát triển đánh giá là 1 trong 5 sự kiện KHCN của năm 2021. 

Sau 5 năm phát triển, Quỹ VINIF đã đồng hành và trợ lực cho hơn 3.000 nhà khoa học và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nhiều dự án KHCN mũi nhọn; các suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ; các ngành đào tạo tiên phong của cả nước về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; nhiều hội thảo, sự kiện quốc tế và trong nước có tầm ảnh hưởng lớn; các dự án và sự kiện văn hóa lịch sử đặc sắc. 

Với hơn 800 tỉ đồng trao đi, VINIF là quỹ tư nhân ở Việt Nam có đóng góp tích cực và bền vững cho sự phát triển của KHCN, đào tạo và thay đổi tư duy nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam.

TS Lê Đình Anh, giảng viên Viện Công nghệ hàng không vũ trụ, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, là một trong những ứng viên đoạt giải với công trình nghiên cứu về biên dạng cánh cải tiến giúp tăng mô men và công suất khí động cho tua bin gió Savonius. Đây là nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học môi trường và thuộc hệ thống các nghiên cứu về tua-bin gió trục đứng hiệu năng cao để sản xuất năng lượng tái tạo. Đề tài “Nghiên cứu tua-bin gió trục đứng hiệu năng cao cho sản xuất năng lượng tái tạo ứng dụng mô phỏng số” của TS Lê Đình Anh cũng đã nhận được học bổng sau tiến sĩ năm 2022 từ Quỹ VINIF.

“Phát triển năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng gió nói riêng có thể góp phần hỗ trợ an sinh xã hội như cung cấp điện năng cho các hộ nghèo ở miền núi, hải đảo, những nơi chưa thể tiếp cận điện lưới. Dựa trên những nghiên cứu khả quan, chúng tôi đã và đang triển khai để chế tạo một loại tuabin gió cỡ nhỏ, dễ sản xuất, phù hợp với điều kiện gió ở nước ta. Kết quả của đề tài sẽ không chỉ giới hạn ở các công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong ngành, mà còn hứa hẹn khả năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong tương lai”, TS Lê Đình Anh chia sẻ.

Trong lĩnh vực công nghệ y-dược, Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng năm nay tôn vinh TS-BS Ngô Quốc Duy với những thành tựu đạt được trong việc phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp qua tiền đình miệng thông qua ứng dụng kỹ thuật trong nạo vét hạch cổ bên điều trị ung thư tuyến giáp. 

Đây là hướng nghiên cứu mà ứng viên theo đuổi và thực hành tại Bệnh viện K trong nhiều năm. Một đề tài quan trọng thuộc hướng nghiên cứu này là “Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư tuyến giáp ở trẻ em” đã giúp TS-BS Ngô Quốc Duy nhận được các bổng tiến sĩ của Quỹ VINIF trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021). Hiện TS-BS Ngô Quốc Duy là Phó trưởng khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K.

Lĩnh vực công nghệ sinh học năm nay ghi nhận những đóng góp của TS Ngô Ngọc Hải, Viện Nghiên cứu hệ gene – VAST. Các nghiên cứu của TS Ngô Ngọc Hải tập trung vào đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới các loài động vật và bò sát, dựa trên mô hình thuật toán dự đoán. Nghiên cứu này đề xuất các biện pháp và vùng ưu tiên bảo tồn tại Việt Nam, xác định các nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng cao dưới tác động của biến đổi khí hậu. 

TS Ngô Ngọc Hải cũng là một trong 90 ứng viên có thành tích nghiên cứu nổi bật nhận được học bổng tài trợ sau tiến sĩ năm 2023 từ VINIF với đề tài “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới hệ sinh thái và đa dạng nguồn gen các loài bò sát quý hiếm tại khu vực biên giới Đông Bắc Việt Nam”.

“Ý nghĩa của việc bảo vệ các động vật hoang dã và môi trường sống của các loài động vật này là để cân bằng môi trường sinh thái, gián tiếp bảo vệ sự sống của con người. Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái. Nếu bị mất cân bằng sẽ gây ra những hậu quả khó lường, môi trường sống của con người sẽ bị đe dọa”, TS Ngô Ngọc Hải nói.

Dấu ấn VINIF trong giải thưởng KHCN Quả cầu vàng - Ảnh 3.
TS Ngô Ngọc Hải với niềm đam mê khám phá thế giới động vật bò sát

Dự án VAIPE là công trình đáng chú ý mang đến Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng 2023 cho TS Phạm Huy Hiệu, thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin-chuyển đổi số. VAIPE là hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật cho người Việt.

VAIPE là một giải pháp y tế thông minh, tích hợp những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu, cho phép thu thập, quản lý, phân tích dữ liệu sức khỏe cá nhân, giúp theo dõi tình trạng sức khỏe, hỗ trợ chẩn đoán sớm các bệnh lý, từ đó nâng cao sức khỏe cộng đồng. TS Phạm Huy Hiệu là đồng chủ nhiệm của dự án, đồng thời đang giữ cương vị Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni – Illinois, Trường ĐH VinUni.

Dấu ấn VINIF trong giải thưởng KHCN Quả cầu vàng - Ảnh 4.
TS Phạm Huy Hiệu trình bày về chủ đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế

Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng ra đời vào năm 2003, là phần thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho các tài năng trẻ trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin-chuyển đổi số-tự động hóa, công nghệ y-dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, và công nghệ vật liệu mới. 

Những tiêu chí chủ yếu của giải thưởng là: ứng viên dưới 35 tuổi, có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, làm việc; có công trình nghiên cứu, giải pháp KHCN nổi bật, giá trị khoa học cao; có ý tưởng sáng tạo được ứng dụng rộng rãi trong thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội. Hội đồng giải thưởng sẽ đánh giá, xét chọn hồ sơ đề cử và trình Ban bí thư T.Ư Đoàn quyết định danh sách trao thưởng. Tính đến nay, đã có 204 nhà khoa học trẻ được tôn vinh.

Qua 20 năm phát triển, giải thưởng đã thu hút hàng ngàn tài năng trẻ Việt Nam trên khắp mọi miền tổ quốc cũng như các bạn trẻ đang học tập, nghiên cứu, công tác ở nước ngoài tham gia. Giải thưởng trở thành nơi phát hiện, tôn vinh các nhà khoa học trẻ tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học trọng điểm của đất nước.

Ngoài phần thưởng, chứng nhận, huy hiệu của ban tổ chức và các nhà tài trợ, các ứng viên nhận giải sẽ được ghi danh và lưu hồ sơ cá nhân trong hệ thống cơ sở dữ liệu Tài năng trẻ Việt Nam, được giới thiệu tham gia các sự kiện, diễn đàn, hoạt động do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các bộ, ngành tổ chức, được Trung tâm Phát triển KHCN và Tài năng trẻ, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, tổ chức Đoàn các cấp, các bộ, ban, ngành liên quan giúp đỡ, tạo điều kiện trong học tập, nghiên cứu và công tác.

Bài viết trên Báo Thanh niên.

BÀI MỚI NHẤT

Liệu pháp Gonadotropin – chìa khóa thành công trong công nghệ hỗ trợ sinh sản

Liệu pháp Gonadotropin, hormone tạo hoàng thể (LH), hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone gonadotropin màng đệm (CG), đóng vai trò thiết yếu trong các phương pháp điều trị vô sinh ở người hoặc kiểm soát sinh sản ở động vật. LH và FSH được tổng hợp ở các tuyến sinh dục của tuyến yên trước, trong khi CG được tổng hợp bởi nguyên bào nuôi hợp bào nhau thai. Việc đưa liệu pháp này vào ngành y tế có từ gần một thế kỷ trước và là một bước tiến lớn trong điều trị vô sinh. Các gonadotropin tự nhiên đã được sử dụng trong một thời gian dài trong điều trị vô sinh ở người như hFSH được tinh chế từ nước tiểu của phụ nữ mãn kinh; hCG được tinh chế từ nước tiểu của phụ nữ mang thai; ở động vật như eCG hay có tên gọi khác là PMSG được tinh chế từ huyết thanh ngựa chửa; FSH lợn được tinh chế từ tuyến yên thu được tại các lò giết mổ. Tuy nhiên vì lý do vệ sinh và đạo đức, việc sử dụng các gonadotropin tự nhiên ngày càng trở nên khó khăn hơn trong điều trị vô sinh ở người hoặc kiểm soát sinh sản ở động vật.

Cluster nguyên tử: Cấu trúc đặc sắc và ứng dụng đa dạng

Trong vài thập kỷ vừa qua, vật liệu nano đã nổi lên và chiếm giữ một một vị trí quan trọng trong khoa học...

Tinh thần giáo dục đại học đại chúng tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1955 – 1975

Suốt nhiều thế kỷ qua, giáo dục đại học luôn là một thiết chế quan trọng trong xã hội Việt Nam. Trong những năm gần đây, các thảo luận về triết lý và tư tưởng của giáo dục Việt Nam ngày càng trở trên sôi nổi, thu hút không chỉ các chuyên gia, những nhà lý luận, mà cả hàng triệu phụ huynh và học sinh. Các thảo luận diễn ra từ nghị trường Quốc hội cho đến không gian gia đình. Tuy vậy, đến nay, câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản “Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?” lại chưa thể có đáp án.

Dấu ấn methyl hóa DNA trong sàng lọc, chẩn đoán ung thư

Trong tế bào nhân thực, phân tử DNA được quấn quanh lõi histone (còn gọi là nucleosome) tạo thành sợi nhiễm sắc. Một nucleosome gồm các tiểu đơn vị histone H2A, H2B, H3 và H4. Một cách hiểu đơn giản, DNA được đóng gói trong cấu trúc nucleosome; các nucleosome có thể rất gần nhau làm cho sợi DNA co đặc lại hoặc chúng phân bố xa nhau làm cho sợi DNA tháo xoắn, bộc lộ các trình tự nucleotide ở dạng tự do.

BÀI ĐỌC NHIỀU

Khái quát về mô hình dữ liệu quan hệ

Phần lớn hệ thống cơ sở dữ liệu hiện nay đều được xây dựng bằng mô hình dữ liệu quan hệ. Vậy mô hình...

Supervised Learning và Unsupervised Learning: Khác biệt là gì?

Supervised learning (Học có giám sát) và Unsupervised learning (Học không giám sát) là hai trong số những phương pháp kỹ thuật cơ bản...

Transformer Neural Network – Mô hình học máy biến đổi thế giới NLP

Năm 2017, Google công bố bài báo “Attention Is All You Need” thông tin về Transformer như tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh...

Khái quát về Data Pipeline

Dữ liệu là chìa khóa trong việc khám phá tri thức sâu rộng, nâng cao hiệu quả quy trình và thúc đẩy đưa ra...