Trang chủ Chuyên gia viết Vaccine có nguồn gốc từ thực vật và tiềm năng ứng dụng

Vaccine có nguồn gốc từ thực vật và tiềm năng ứng dụng

Trong thời gian qua, những thành tựu khoa học trong nghiên cứu về protein tái tổ hợp đã tạo ra cuộc cách mạng về ứng dụng các protein có giá trị y học trong điều trị bệnh ở người và động vật như vaccine, kháng thể, enzyme hoặc hormone sinh trưởng của người v.v.

Bên cạnh các hệ thống biểu hiện protein trên tế bào vi sinh vật, tế bào động vật, hiện nay nhiều nghiên cứu và các công ty lớn đã và đang hướng đến sản xuất các loại vaccine phòng bệnh cho vật nuôi và cả người từ thực vật. Để sản xuất các loại vaccine, các nhà nghiên cứu thông qua một công nghệ gọi là công nghệ biểu hiện protein tạm thời ở thực vật nhờ vi khuẩn Agrobacterium có sử dụng máy thấm hút chân không (còn gọi tắt là agroinfiltration). Hệ thống này có ưu điểm nhanh, hàm lượng protein tái tổ hợp cao, tính sinh miễn dịch không bị ảnh hưởng bởi vị trí gắn gen đích trong tế bào thực vật và có thể tiến hành biểu hiện trong các mô đã biệt hóa hoàn toàn như lá (Fischer et al.., 1999). Bên cạnh đó, thực vật có khả năng biểu hiện các protein tái tổ hợp có cấu trúc phức tạp và điều khiển tổng hợp protein vào trong các tổ chức chuyên biệt nội bào, sẽ hạn chế tác động của các enzyme thủy phân trong tế bào chất. Sản phẩm protein tái tổ hợp có thể được sản xuất ở mức độ công nghiệp. Khi đó, các nguy cơ về sức khỏe gây nên do nhiễm các nguồn bệnh và các độc tố cho người được giảm thiểu tối đa (Giddings, 2001; Schillberg et al., 2003).

WHO đã nhận định rằng vaccine có nguồn gốc từ thực vật là một con đường phát triển đầy hứa hẹn vì bên cạnh tiêm chủng, nó có thể sử dụng cho đường uống đối với một số bệnh ở đường tiêu hóa (https://www.who.int/biologicals/areas/vaccines/plants/en/). Vaccine được sản xuất từ thực vật là vaccine tiểu đơn vị vì vậy đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn DIVA (Differentiating Infected from Vaccinated Animals) cho phép quá trình giám sát bệnh được dễ dàng hơn so với việc sử dụng vaccine bất hoạt.

Công ty đi đầu trong nghiên cứu và sản xuất vaccine bằng công nghệ agroinfiltration là Medicago, Canada và hiện đã mở rộng sang cả Hoa Kỳ (xem Hình 1). Ở Medicago, vaccine cúm QIV dựa vào nền tảng công nghệ agroinfiltration đã được sản xuất và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Kết quả đánh giá cho thấy vaccine tạo ra có khả năng sinh miễn dịch tốt hơn so với vaccine đã được cấp phép khác và có khả năng bảo hộ chống lại các biến chủng cúm mới. QIV sẽ là loại vaccine có nguồn gốc từ thực vật đầu tiên trên người có mặt trên thị trường, dự kiến ​​sẽ có mặt kịp thời cho mùa cúm Bắc bán cầu 2020–2021. Ngoài ra, Medicago cũng đang phát triển một loạt các vaccine thực vật phòng virus rota, norovirus, cúm đại dịch, virus Tây sông Nile, viêm gan B và các kháng thể đơn dòng cho liệu pháp miễn dịch… (https://www.nature.com/articles/d43747-020-00537-y).

Hình 1. Hình ảnh thu hoạch cây tại cơ sở sản xuất Medicago ở Durham, Bắc Carolina, Mỹ (Tham khảo từ nguồn https://www.nature.com/articles/d43747-020-00537-y).

Đáng chú ý nhất là vào 3/2020, Medicago đã công bố sản xuất thành công hạt giả virus (virus-like particles, VLP) từ thực vật của coronavirus chỉ 20 ngày sau khi có được trình tự gene spike của virus SARS-CoV-2 (xem Hình 2). VLP có cấu trúc tự nhiên giống virus, cho phép hệ thống miễn dịch dễ dàng nhận ra chúng. Tuy nhiên, VLP thiếu vật liệu di truyền cốt lõi khiến chúng không thể lây nhiễm và không thể nhân bản. Sản xuất VLP là bước đầu tiên trong việc phát triển vaccine chống lại COVID-19 trước khi thử nghiệm tiền lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả. Cũng bằng công nghệ agroinfiltration, Medicago cũng có một chương trình phát triển các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 để sử dụng trong việc điều trị cho những người bị nhiễm virus này. (https://www.medicago.com/en/covid-19-programs/).

Hình 2: Hình ảnh so sánh các cấu trúc virus SARS-CoV-2 tự nhiên và VLP của nó (Tham khảo từ nguồn https://www.medicago.com/en/covid-19-programs/).

Ở Việt Nam, công nghệ agroinfiltration cũng đã được nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp cận và nghiên cứu từ những năm 2006 tới nay với sự hợp tác và chuyển giao công nghệ của đối tác Viện Nghiên cứu cây trồng và di truyền thực vật IPK, CHLB Đức. Khởi nguồn là những nghiên cứu tạo kháng nguyên HA của các chủng virus cúm A/H5N1 gây bệnh trên gia cầm ở Việt Nam và biểu hiện tạm thời thành công kháng nguyên này trên cây thuốc lá N. benthamiana sử dụng công nghệ agroinfiltration.

Thành công đáng ghi nhận của nhóm nghiên cứu là kháng nguyên HA đã có thể bảo hộ gà chống lại virus cúm A/H5N1 cường độc lên đến trên 90%. Từ thành công trên đối tượng virus cúm gia cầm A/H5N1, một số protein khác cũng đã được biểu hiện thành công bằng công nghệ này, như protein bề mặt GP5 và protein cấu trúc M là hai protein quan trọng trong phát triển vaccine phòng virus PRRSV gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (Porcine reproductive and respiratory syndrome) hay bệnh lợn tai xanh [Hồ Thị Thương et al., 2015a; Nguyễn Thị Minh Hằng et al., 2017]; hay protein COE của virus PEDV gây bệnh tiêu chảy ở lợn (Porcine epidemic diarrhea) [Ho et al., 2020]. Các kháng nguyên có có nguồn gốc thực vật này có khả năng kích thích sản sinh kháng thể trung hoà trên động vật thí nghiệm tương đương với vaccine thương mại.

Các phân tích trên cho thấy tiềm năng của công nghệ agroinfiltration trong nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống các dịch bệnh trên thú y và các protein có giá trị y học ở Việt Nam. Công nghệ này cho phép tạo ra một số lượng lớn kháng nguyên làm ứng viên vaccine tiềm năng trong vòng 3–4 tuần kể từ khi xác định được trình tự của kháng nguyên đó, cho phép bắt kịp và phản ứng kịp thời với sự biến đổi di truyền của virus gây bệnh khi có đại dịch mới xảy ra.

PGS. TS. Phạm Bích Ngọc, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Biên tập: Nguyễn Phương Văn

BÀI MỚI NHẤT

Ứng dụng AI trong quan trắc và dự báo ô nhiễm không khí tại Việt Nam

Sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật cùng với quá trình đô thị hóa đã mang tới cho cuộc sống con người sự tiện lợi hơn bao giờ hết. Tuy vậy, nó cũng gây ra những hệ lụy khôn lường, không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai con cháu chúng ta. Đối với Việt Nam, cũng như nhiều nước phát triển khác trên thế giới, “ô nhiễm” bao gồm ô nhiễm không khí, nguồn nước, thực phẩm, tiếng ồn, v.v. là một trong những vấn đề nan giải, được nói tới đã nhiều năm nay. Bài viết này tập trung vào vấn đề ô nhiễm không khí (viết tắt ONKK), mà cụ thể là việc áp dụng các công nghệ cao vào việc quan trắc và dự báo ONKK.

Công nghệ chế tạo dạng bồi đắp – In 3D: công nghệ lõi trong nền công nghiệp 4.0

Trong nền kinh tế số và bối cảnh toàn cầu hóa, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp là làm sao kiểm soát tốt chi phí và cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển và đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này đòi hỏi công nghệ sản xuất mới đi kèm với sự phát triển của công nghệ số và áp dụng chúng vào quy trình sản xuất công nghiệp.

Liệu pháp Gonadotropin – chìa khóa thành công trong công nghệ hỗ trợ sinh sản

Liệu pháp Gonadotropin, hormone tạo hoàng thể (LH), hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone gonadotropin màng đệm (CG), đóng vai trò thiết yếu trong các phương pháp điều trị vô sinh ở người hoặc kiểm soát sinh sản ở động vật. LH và FSH được tổng hợp ở các tuyến sinh dục của tuyến yên trước, trong khi CG được tổng hợp bởi nguyên bào nuôi hợp bào nhau thai. Việc đưa liệu pháp này vào ngành y tế có từ gần một thế kỷ trước và là một bước tiến lớn trong điều trị vô sinh. Các gonadotropin tự nhiên đã được sử dụng trong một thời gian dài trong điều trị vô sinh ở người như hFSH được tinh chế từ nước tiểu của phụ nữ mãn kinh; hCG được tinh chế từ nước tiểu của phụ nữ mang thai; ở động vật như eCG hay có tên gọi khác là PMSG được tinh chế từ huyết thanh ngựa chửa; FSH lợn được tinh chế từ tuyến yên thu được tại các lò giết mổ. Tuy nhiên vì lý do vệ sinh và đạo đức, việc sử dụng các gonadotropin tự nhiên ngày càng trở nên khó khăn hơn trong điều trị vô sinh ở người hoặc kiểm soát sinh sản ở động vật.

Cluster nguyên tử: Cấu trúc đặc sắc và ứng dụng đa dạng

Trong vài thập kỷ vừa qua, vật liệu nano đã nổi lên và chiếm giữ một một vị trí quan trọng trong khoa học...

BÀI ĐỌC NHIỀU

Khái quát về mô hình dữ liệu quan hệ

Phần lớn hệ thống cơ sở dữ liệu hiện nay đều được xây dựng bằng mô hình dữ liệu quan hệ. Vậy mô hình...

Supervised Learning và Unsupervised Learning: Khác biệt là gì?

Supervised learning (Học có giám sát) và Unsupervised learning (Học không giám sát) là hai trong số những phương pháp kỹ thuật cơ bản...

Transformer Neural Network – Mô hình học máy biến đổi thế giới NLP

Năm 2017, Google công bố bài báo “Attention Is All You Need” thông tin về Transformer như tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh...

Khái quát về Data Pipeline

Dữ liệu là chìa khóa trong việc khám phá tri thức sâu rộng, nâng cao hiệu quả quy trình và thúc đẩy đưa ra...